Thursday, August 2, 2018

Thấy gì từ vụ án xét xử Vũ Nhôm và đồng bọn?

Thanh Hân (Danlambao) - ...Nhờ sự bảo kê của Nguyễn Bá Thanh và các tướng công an, và theo đó là các món quà khủng, đã được Vũ Nhôm “lại quả” như nhà cửa và xe sang, lần lượt các lãnh đạo Đà Nẵng từ Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đến Nguyễn Xuân Anh v.v... đều trở thành vật sai khiến của Vũ Nhôm nhằm thâu tóm các dự án và nhà công sản với giá rẻ mạt, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp khác, thu về khoản lợi nhuận không lồ hàng trăm tỷ đồng. Trong giai đoạn 2003-2014, thời kỳ Nguyễn Bá Thanh nắm chức Chủ tịch Ủy ban và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thì cũng là giai đoạn Vũ Nhôm thâu tóm hầu hết những dự án, đất và nhà công sản ở Đà Nẵng... 


Cuối ngày 30/7/2018, đồng loạt các báo lề đảng đưa tin: “Ngày 30.7, TAND Tp. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo: Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng); Phan Hữu Tuấn (SN 1955, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng, Bộ Công an, đã nghỉ hưu); Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an). Cả 3 bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Phiên tòa được xét xử kín và sẽ công khai phần tuyên án. 

Sau 1 ngay xét xử, cuối giờ chiều cùng ngày, TAND Hà Nội cho phóng viên vào dự phần tuyên án qua hệ thống truyền tải hình ảnh từ phòng xử ra phòng báo chí. 

Phần tuyên án diễn ra khoảng 10 phút, theo đó bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị tuyên 9 năm tù, bị cáo Phan Hữu Tuấn bị tòa tuyên 7 năm tù còn bị cáo Nguyễn Hữu Bách bị tòa tuyên 6 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, theo quy định tại Điều 337 - Bộ luật Hình sự 2015 (1). 

Vũ Nhôm là ai? 

Kể đầu tháng 3 năm 2017, khi phát pháo đầu tiên được báo Lao Động nã vào trung tâm quyền lực Tp. Đà Nẵng với bài: “Vụ doanh nghiệp tặng xe cho TP Đà Nẵng: Bất thường quanh chiếc xe tiền tỷ”, và được các báo lề đảng đồng loạt đăng tải, rồi sau đó rất nhiều thông tin vào loại “tuyệt mật” xuất hiện trên mạng xã hội, nói về những mối quan hệ mờ ám và những phi vụ làm ăn bất chính của một số nhân vật trong Bộ Công an, thì lúc ấy, nhân vật Vũ Nhôm mới dần dần xuất hiện. 

Và càng về sau, mức độ xuất hiện của Vũ Nhôm ngày càng dày đặc với nhiều tình tiết nóng bỏng, l y kỳ, cả trên báo lề đảng và lề dân. Đến nỗi sau trở thành một đại án, làm rung chuyển “thành phố đáng sống” Đà Nẵng. Và cơn di chấn lan ra đến thượng tầng kiến trúc của Bộ Công an tại Hà Nội, làm cho hàng loạt tướng tá của Bộ Công an, và nhiều cán bộ cao cấp của Đà Nẵng “rụng như sung”. 

Vũ Nhôm là biệt danh của Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975, là một doanh nhân, nguyên quán tại Đà Nẵng, là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 (có trụ sở tại Tp. HCM 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, Tp. HCM), đồng thời cũng là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (tầng 2-32 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng). 

Vợ Vũ Nhôm là Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh 1978. Thu Hiền là con gái ông Nguyễn Lô, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). 

Vợ ông Lô, tức mẹ của Thu Hiền, lại là con chị con em với vợ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 

Đầu tiên, qua các mối quan hệ của bố vợ, Vũ Nhôm "bắc cầu" quan hệ với các vi "tai to mặt lớn" của Đà Nẵng. Vũ Nhôm đã biết tận dụng và phát huy mối quan hệ này một cách bài bản, và từ đó các cơ hội làm ăn mở ra. 

Theo tài liệu của Sở Xây Dựng Đà Nẵng, Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ Nhôm là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất Đà Nẵng. Ngoài ra Vũ Nhôm cũng là chủ nhiều lô đất vàng tại khu vực trung tâm Đà Nẵng và là chủ đầu tư các nhà hàng nổi ven sông Hàn. Trong đó, có nhà hàng trước mặt khách sạn Novotel (Đà Nẵng). 

Sau khi sự việc được phanh phui, người ta mới biết Vũ Nhôm là sĩ quan tình báo thuộc Tổng cục 5 Bộ Công an, với cấp bậc Thượng tá, có biệt danh là AV75. 

Nhờ đâu mà từ một anh thợ nhôm, mà sau này khối tài sản Vũ Nhôm lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng?

Các vị tướng công an đã lợi dụng chiếc áo Bộ Công an để mở nhiều công ty bình phong tại nhiều nơi, nấp dưới chiều bài “để phục vụ yêu cầu công tác nghiệp vụ và phát triển tiềm lực của lực lượng tình báo chiến lược”. 

Dưới danh nghĩa công ty bình phong của Tổng cục Tình báo cùng thủ đoạn tinh vi khác, AV75 tha hồ vơ vét đất đai, thâu tóm doanh nghiệp, ngân hàng để trở thành tên mafia giàu có nhất Việt Nam. 

Để hậu thuẫn cho Vũ Nhôm thâu tóm đất đai giá rẻ ở những khu đất vàng, và nhiều quyền lợi khác, các ông tướng này đã gửi nhiều công văn được đóng dấu “TUYỆT MẬT” hoặc “TỐI MẬT”, gửi các ngành và các địa phương, đề nghị “giúp đỡ” Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 để mua cổ phần ngân hàng hoặc mua đất giá rẻ, và được hưởng nhiều ưu đãi khác, thực chất là làm “sân sau” cho một số ông tướng trong Bộ Công an. 

Tại Công văn số 11/CV-BN79 ngày 8/01/2013 của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam gửi ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng, và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng v/v Đề nghị xem xét giá CQSD đất tại lô đất đường 02/9-Phan Thành Tài và đường quy hoạch. 

Trần Việt Tân lúc đó còn Trung tướng có bút phê ghi rõ: “Công ty CP Bắc Nam 79 là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục V Bộ Công an, có nhiệm vụ hỗ trợ công tác nghiệp vụ và phát triển tiềm lực của lực lượng tình báo. Đề nghị lãnh đạo HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng xem xét giảm giá sử dụng đất theo kiến nghị của công ty CP xây dựng Bắc Nam 79”

Tại công văn cố 2923-BCA-B11 ngày 01/8 /2013, được đóng dấu “TUYỆT MẬT”, gửi ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á, về việc cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 mua cổ phần ngân hàng, do Thượng tướng Trần Việt Tân ký, đã nói rõ: “Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79-Giấy phép kinh doanh số 0401290218, do Sở KHĐT Đà Nẵng cấp ngày 31/7/2009, trụ sở tại 32-Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng, do ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, là công ty bình phong của tổng cục V-Bộ Công an, được thành lập để phục vụ yêu cầu công tác nghiệp vụ và phát triển tiềm lực của lực lượng tình báo chiến lược”. 

Về nhân vật Nguyễn Bá Thanh 

Công bằng mà nói, chiến công đầu của Vũ Nhôm không phải là “xơi tái” Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Xuân Anh, và hàng chục tướng lĩnh công an biến thái sau này. Mà “chiến lợi phẩm” đầu tiên của Vũ Nhôm là đã “hạ gục” Nguyễn Bá Thanh, con người được một số kẻ vĩ cuồng thời đó tôn sùng như một “thần tượng”. Kể cả khi Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính TƯ và gào thét “bắt hết, nhốt hết” bọn tham nhũng, thì bàn tay lông lá của Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục khuấy đảo các lãnh đạo Đà Nẵng. Nhờ có ô dù của Nguyễn Bá Thanh, nên bọn đàn em Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến và một số cán bộ khác mới dạm mạnh tay làm càn. 

Trước đây dân Đà Nẵng đã biết những vụ tham nhũng của Nguyễn Bá Thanh, như vụ án rút ruột cầu Sông Hàn, với chủ thầu Phạm Minh Thông đã bị công an bắt, và những căn hộ cao cấp của Nguyễn Bá Thanh tại Khu Du lịch Bà Nà Hill Đà Nẵng. 

Nhưng sau này tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đe dọa giết Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đối với bị cáo Đào Tấn Cường vào ngày 9/2/2018, Đào Tấn Cường khai rằng, Cường được cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhờ đứng tên lô đất L09, diện tích 8.500 m2 tại Khu biệt thự Suối Đá, bán đảo Sơn Trà, trong đó 300 m2 xây biệt thự sử dụng lâu dài, còn lại đất quản lý sử dụng vườn cây, thì mọi người mới vở lẽ Nguyễn Bá Thanh là tay trùm tham nhũng (2). 

Đối với cán bộ Tp. Đà Nẵng và một số địa phương khác, nhờ sự bảo kê của Nguyễn Bá Thanh và các tướng công an, và theo đó là các món quà khủng, đã được Vũ Nhôm “lại quả” như nhà cửa và xe sang, thì lần lượt các lãnh đạo Đà Nẵng từ Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đến Nguyễn Xuân Anh v.v... đều trở thành vật sai khiến của Vũ Nhôm nhằm thâu tóm các dự án và nhà công sản với giá rẻ mạt, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp khác, thu về khoản lợi nhuận không lồ hàng trăm tỷ đồng. 

Trong giai đoạn 2003-2014, thời kỳ Nguyễn Bá Thanh nắm chức Chủ tịch Ủy ban và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thì cũng là giai đoạn Vũ Nhôm thâu tóm hầu hết những dự án, đất và nhà công sản ở Đà Nẵng. 

Có thể nói hầu hết các dự án được cấp phép phá nát Sơn Trà và toàn bộ 9 dự án và 31 công sản liên quan Vũ Nhôm đều diễn ra trong thời Nguyễn Bá Thanh đang “làm vua” tại Đà Nẵng. 

Cụ thể: 9 dự án gồm: Dự án Công viên An Đồn (năm 2010); Dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha năm 2008); Lô 12 Khu B4.1, Khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); Khu Du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007). 

Riêng 31 nhà công sản gồm: Số 16 Bạch Đằng (2015); số 20 Bạch Đằng (2009); số 158 Bạch Đằng (2006); số 07 Bạch Đằng (2009); số 100 Bạch Đằng (2010); số 86 Bạch Đằng (chủ cũ) (2007); số 318 Lê Duẩn (hoán đổi) (2014); số 57 Lê Duẩn (2010); số 17 Lê Duẩn (2006); số 354 Hùng Vương (2004); số 81 Hùng Vương (2004); số 89 Hùng Vương (2004); số 45 Nguyễn Thái Học (2007); số 47 Nguyễn Thái Học (2010); số 49 Nguyễn Thái Học (2007); số 73 Nguyễn Thái Học (2011); số 106 Trần Phú (2008); số 37 Pasteur (2010); số 39 Pasteur (2011); số 02 Hải Phòng (2010); số 82 Trần Quốc Toản (2004); số 107 Hoàng Hoa Thám (2016); số 22 Cô Giang (2007); số 32 Lê Hồng Phong (2004); số 34 Hoàng Văn Thụ (2009); số 11 Phạm Hồng Thái (25) (2001); số 121 Phan Châu Trinh (2012); số 319 Lê Duẩn (2010); số 36 Bạch Đằng (2007); số 38 Bạch Đằng (2008) và số 38 Bạch Đằng mở rộng (2009)(3). 

Câu hỏi đặt ra là vì sao từ một người thợ nhôm lằng nhằng, học hành dở dang, mà Phan Văn Anh Vũ là có thể trở thành thượng tá CA? 

Về vấn đề này, khi được báo chí hỏi, vị đại diện Bộ Công an chỉ trả lời chung chung: 

“Chiều 15/1/2018, tại buổi họp báo của Bộ Công an, Trung tướng Trần Đăng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết, vụ án "Vũ Nhôm" hết sức phức tạp, ngoài hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, cơ quan công an đang mở rộng điều tra. 

Nói về tấm thẻ ngành công an của ông Phan Văn Anh Vũ được lan truyền trên mạng là thật hay giả, Trung tướng Trần Đăng Yến khẳng định: “Tấm thẻ ngành công an của Vũ “nhôm” được đăng trên mạng cũng nằm trong quá trình điều tra, làm rõ” (4). 

Trường hợp Vũ Nhôm “chỉ sau một đêm ngủ dậy bỗng trở thành Thượng tá”, cũng không hấp dẫn cho bằng trường hợp “sau một đêm thành Đại tướng” của Lê Hồng Anh. 

Từ Bí thư Kiên Giang, Lê Hồng Anh (tên thường gọi là Út Anh) ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến tháng 8/2002, được giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Năm 2005: Được phong cấp hàm Đại tướng Công an (không qua các cấp hàm nhỏ hơn). Đến khi thôi chức Bộ trưởng Công an, Út Anh cởi bỏ quân phục Đại tướng vứt vào sọt rác để sang làm Thường trực Ban Bi thư. 

Anh em trong ngành Công an thời đó thường gọi Út Anh là Đại Tướng Ba Không và Ba Thích: 

Không một ngày học một học về nghiệp vụ ngành công an, như về lý thuyết an ninh - tình báo, phản gián, không biết “tội phạm học” là gì, kinh nghiệm là “số không”. 

Không làm được việc gì quan trọng cho ngành công an trong thời gian làm Bộ trưởng. 

Không bao giờ phát biểu trong các cuộc họp của bộ Chính trị, họp Quốc hội, Ban Chấp hành TƯ, không có chính kiến riêng… 

Ba thích là: 

Thích nhậu nhẹt bù khú với lính tráng bạn bè, bất cứ lúc nào cũng được. 

Thích cải lương mùi mẫm, thích nghe nhạc vọng cổ hơn hết, 

Thích xuất hiện nhiều nhất là đi dự lễ lớn, nhận những bó hoa to, trao huân chương và gắn lon cho các sỹ quan công an và ngậm miệng ăn tiền. 

Vũ Nhôm đã “hạ gục” hàng chục tướng lĩnh Bộ Công an như thế nào? 

Thời kỳ huy hoàng, quyền lực của Vũ Nhôm gần như là vô biên. 

Vũ nhôm khuynh đảo báo chí lề đảng để làm mưa làm gió. Khi báo chí đăng cái gì không có lợi liên quan đến Vũ Nhôm, thì tờ báo đó hoặc nhà báo đó đều phải trả giá. 

Nhà báo Dương Hằng Nga, Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Giao Thông Vận Tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là người đầu tiên có loạt bài phản ánh sai phạm tại khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng do Vũ Nhôm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên chủ đầu tư, nên khi nhà báo này ra sân bay Đà Nẵng đi Sài Gòn, bị công an Đà Năng cấm xuất cảnh.Theo công an Đà Nẵng, lý do cấm nhà báo Dương Hằng Nga xuất cảnh là “vì nhà báo này xúc phạm ông Phan Văn Anh Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khiếu nại bà Nga đã viết bài xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và cá nhân ông Vũ”. 

Sau này mới rõ ra là những nội dung bài báo của Hằng Nga tố cáo tiêu cực về các công ty của Vũ Nhôm là hoàn toàn đúng. Vậy Công an Đà Nẵng cấm Hằng Nga xuất cảnh phải chăng là theo lệnh của Vũ Nhôm? 

Ngoài ra Vũ Nhôm còn có khả năng uy hiếp nhiều cán bộ cấp cao của đảng và nhà nước, một số Bộ trưởng và nhiều tướng lĩnh công an còn phải sợ anh ta. 

Cơ quan tình báo Bộ Công an hoạt động do chức năng đặc biệt của nó, nên hoạt động bí mật. Các báo cáo về điệp báo, về phản gián, về xây dựng lực lượng của cơ quan này đều là những tài liệu an ninh quốc gia tuyệt mật, chỉ một số rất ít người lãnh đạo Bộ Công an được biết. Ngay cả trong Chính phủ và Bộ Chính trị, những người được biết cũng không nhiều. 

Nếu như cơ quan này tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của luật pháp và quy chế hoạt động, thì chẳng có người lương thiện nào phải sợ nó. 

Nhưng rất nhiều các bộ, ngành, các địa phương và cán bộ cao cấp trong bộ máy cầm quyền và tướng lĩnh công an, quân đội đều có nhiều vụ làm ăn bất minh, như tổ chức buôn lậu, lập sân sau để hoạt động kinh doanh trái phép, và các hoạt động bảo kê, kể cả bảo kê cho bọn buôn lậu và tội phạm, bảo kê hoạt động mãi dâm, buôn bán động vật hoang dã và các mặt hàng quốc cấm, bảo kê cho bọn buôn bán ma túy, và bọn tội phạm hình sự v.v... 

Những hoạt động này khó qua khỏi con mắt của Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Vì vậy người ta rất sợ cơ quan này. Và sợ luôn cả Vũ Nhôm, vì họ biết Vũ Nhôm là sĩ quan tình báo, vì vậy những ai “có tật thì giật mình”. 

Điều này giải thích vì sao một ông chủ doanh nghiệp như Vũ Nhôm lại dám đập bàn dọa chủ tịch Tp. Đà Nẵng rằng, “ông có muốn làm Chủ tịch nữa hay không thì bảo”, khi vị Chủ tịch này không đáp ứng yêu sách của Vũ Nhôm. 

Nhìn vào danh sách các vị tướng Công an bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật liên quan đến vụ án Vũ Nhôm vừa qua, trong đó có 1 thượng tướng và 7 trung tướng, có một người là Ủy viên TƯ, hai người là Thứ trưởng Bộ Công an, và hầu hết đều là cấp Trưởng hoặc cấp Phó của Tổng cục Tình báo và Tổng cục Hậu cần Bộ Công an, và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng sắp biến thành củi, đã chứng minh những đồng tiền của Vũ Nhôm mạnh cỡ nào: 

1. Trung tướng Bùi Văn Thành (Thứ trưởng Bộ Công an). 

2. Thượng tướng Trần Việt Tân (cựu Thứ trưởng Bộ Công an). 

3. Trung tướng Lê Văn Minh (Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật (Tổng cục IV - Bộ Công an). 

4. Trung tướng Bùi Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an). 

5. Trung tướng Ksor Nham (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an). 

6. Trung tướng Vũ Thuật (nguyên Phó Tổng cục trưởng Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an). 

7. Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật - Bộ Công an). 

8. Trung tướng Phan Hữu Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Tổng cục V - Bộ Công an). 

9. Trung tướng Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần (B41), Tổng Cục tình báo, Bộ Công an (giai đoạn 2009 - 2012). 

Nhờ sự hậu thuẫn của thế lực này, nên Vũ Nhôm rất dễ dàng thâu tóm 9 dự án 31 nhà công sản. Nhưng trong số dự án và nhà công sản này, bao nhiêu là của Vũ Nhôm, bao nhiêu là của các tướng lĩnh công an và lãnh đạo Đà Nẵng, thì đây đang là ‘bí mật quốc gia”. 

Về Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành 

Năm 2012, Bùi Văn Thành được thăng quân hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật Bộ Công an. 

Vậy mà tháng 8 năm 2014, Bùi Văn Thành được thăng quân hàm Trung tướng, và nhảy một phát qua đầu hàng loạt Tổng cục trưởng để từ Tổng cục phó lên Thứ trưởng Bộ công an? 

Có tin nói rằng, trước Đại đại hội 12 ĐCSVN, nhóm mafia tình báo này cung cấp cho tướng Thành 30 triệu đô la để chạy vào TƯ, nhưng vì chạy sai cửa nên cuối cùng xôi hỏng bỏng không, cả lũ tiếc hùi hụi. Chưa kể trước đó, Vũ Nhôm đã tặng 15 triệu đô la để tướng Bùi Văn Thành xây tòa lâu đài với hàng chục căn biệt thự tọa lạc ngay tại khu làng quê nghèo Xóm Bùi, Khánh An, Yên Khánh, Ninh Bình. 

Ngoài ra còn nhiêu căn hộ cao cấp khác mà tập đoàn Mafia Vũ Nhôm cùng đồng bọn biếu ông Bùi Văn Thành thì chưa thể thống kê hết được. 

Với Đại tá Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Lê Văn Tam thì sao? 

Phải chăng căn nhà trăm tỷ của ông Lê Văn Tam có là do Vũ Nhôm biếu tặng? 

Theo nhà báo Dương Hằng Nga: “Đó là căn nhà trăm tỷ của Đại tá Lê Văn Tam, nằm trong làng biệt thự bên bờ sông Hàn, thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Căn “Biệt phủ” này rộng khoảng 1000m2 trong Làng biệt thự Euro Village, bên cầu Nguyễn Văn Trỗi, Tp. Đà Nẵng. Đây là khu đất đắc địa, đất kim cương trong top nhất của Đà Nẵng hiện nay. Mỗi mét vuông đất tại đây tính giá thị trường khoảng 150 triệu/m2... 

Vợ ông Lê Văn Tam là giáo viên, và con trai là cán bộ Sở Xây dựng Tp. Đà Nẵng, cả ba người cũng đi xe siêu sang. Vậy không phải là tiền Vũ Nhôm thì ông Tam lấy tiền đâu để xây biệt phủ này?" (5). 

Trả lời báo chí về thông tin nói, căn biệt thự trăm tỷ của ông là do Vũ Nhôm tặng, Đại tá Lê Văn Tam nói: 

"Trên mạng chị Dương Hằng Nga nói năng tào lao, lung tung. Nhà tôi không liên quan gì đến anh Vũ "nhôm", thông tin này không có căn cứ gì cả". Nếu căn nhà này không phải do Vũ Nhôm tặng ông Lê Văn Tam như thông tin của nhà báo Dương Hằng Nga, và nếu cho rằng nhà báo Dương Hằng Nga “nói năng tào lao, lung tung”, thì tại sao Đại tá Lê Văn Tam với quyền sinh sát trong tay, lại không dám khởi kiện nhà báo Hằng Nga về tội vu khống? (6). 

Thử tính: Lương đại tá năm 2018 chưa đến 19 triệu/tháng. Cứ cho là 20 triệu/tháng, thì ông Lê Văn Tam phải mất hơn 400 năm mới có đủ tiền xây dựng ngôi nhà này. Chưa nói đến vợ ông là giáo viên, con trai ông là công chức, do đó không thể “đi buôn chổi đót hay lá chít, không nậu rượu nuôi heo” để làm giàu như thế được? 

Nếu như trước đây, trùm bảo kê Năm Cam đã “mua” được ba vi cán bộ cao cấp là Trung tướng-Thứ trưởng bộ Công an Bùi Quốc Huy, là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hạnh (cả hai đều là Ủy viên TƯ), và Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Phạm Sĩ Chiến, và “dắt mũi” được Công an TP Hồ Chí Minh vì hầu hết họ đều nằm trong đường dây bảo kê cho Năm Cam, thì ngày nay thành tích của Vũ Nhôm lẫy lừng hơn nhiều. 

Qua đó cho thấy rằng, ĐCSVN phát động phong trào “Toàn đảng, toàn dân và toàn quân Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong hàng chục năm qua, tuyên truyền rầm rộ khắp nơi với hàng ngàn buổi hội thảo, làm tốn kém không biết bao nhiêu tiền thuế của dân, kết quả chỉ là trò hề. 

Càng học tập “Tấm gương đạo đức HCM” bao nhiêu thì cán bộ đảng viên càng tha hóa, biến chất thêm bấy nhiêu. Nếu như “6 điều Bác dạy” ngành công an đã không có sức lôi cuốn, không làm cho các tướng lĩnh công an học tập và thực hành để trở thành người tốt, thì nay với những đồng tiền “bẩn” của Vũ Nhôm đã chỉ huy và sai khiến được hàng loạt tướng lĩnh, đã làm cho các vị này bị ra thối nát, và bị nhân dân căm ghét, bị pháp luật trừng trị. 

Tội của Vũ Nhôm không phải chỉ ở làm lộ bí mật nhà nước. Tội của Vũ Nhôm là tội cướp đoạt, là hối lộ. Khung hình phạt cao nhất của Bộ Luật Hình sự cũng không đủ cho Vũ Nhôm. Đừng nói 9 năm tù giam. 

Nhưng những kẻ có tội lớn hơn Vũ Nhôm phải là những kẻ đứng sau, làm chỗ dựa cho Vũ Nhôm tha hồ lộng hành, trong đó có Bùi Văn Thành. Chính những kẻ như Bùi Văn Thành mới là cội nguồn sinh ra những Vũ Nhôm. Tội của Bùi Văn Thành phải “dựa cột” mới đúng. 

Còn những ai đứng sau Bùi Văn Thành? Bùi Văn Thành không thể ngang tàng bất chấp khi không có người cao hơn nữa chống lưng? Có phải vì sợ Vũ Nhôm khai toạc ra nên mới âm thầm “xử kín” và chóng vánh? 

Vì sao hàng loạt công văn đóng dấu “Tuyệt mật” của Bộ Công an từ những năm 2013, lúc đó Trần Đại Quang còn làm Bộ trưởng, và những công văn về sau dưới thời Tô Lâm do hai vị Thứ trưởng ký, và hàng loạt Trung tướng đều là Tổng cục phó Hậu cần và Tình báo trong Bộ Công an “dính chàm”, mà cựu Bộ trưởng Trần Đại Quang, và đương kim Bộ trưởng Tô Lâm vô can? 

ĐCSVN thường khoe khoang là đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Nhưng nếu so với “chiến công” của Vũ Nhôm thì cái gọi là “chiến thắng” của ĐCSVN chỉ là tưởng tượng, kiểu “tự sướng” để mê hoặc ru ngủ nhân dân nhằm kéo dài ách thống trị nhằm vơ vét làm giàu bất chính. 

Còn Vũ Nhôm, chẳng tốn một viên đạn nào cả. Vũ Nhôm chỉ dùng ba tấc lưỡi của mình, và những đồng tiền dơ bẩn do làm ăn bất chính mà có, làm mồi nhử để đánh vào lòng tham lam vô độ của tập đoàn cai trị thối nát trong Bộ Công an và các địa phương. Vậy mà Vũ Nhôm đã hạ gục hàng loạt cán bộ cao cấp và tướng tá công an. 

Một lần nữa, câu nói bất hủ của trùm Năm Cam lại rất đúng khi so sánh với hàng loạt tướng lĩnh công an và cán bộ cao cấp khác trong vụ án vũ Nhôm hôm nay: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền"

*

Chú thích







02.08.2018

0 comments:

Powered By Blogger