Sunday, August 19, 2018

Viết cho người vừa ra đi lần cuối Tô Hải

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Khi hay tin nhạc sĩ Tô Hải qua đời, tôi đã muốn viết ngay sau đó một chút tâm tình như lời tiễn biệt ông, nhưng cứ loay hoay mãi không biết phải viết gì cho “xứng tầm”... Can Đảm của một người như ông. 

Hôm nay (18/8/2018) đã “tuần bảy” ông rồi, tôi không thể nấn ná thêm nữa, nên mới dám mạo muội những dòng này đến ông, rằng Tô Hải không phải là “một thằng hèn” như ông đã “tự phê”: một tên hèn “chân chính” hay “chính nghĩa” không bao giờ dám cho mình là hèn.

Để làm “một thằng hèn”, không dễ gì như ông “muốn” đâu, tác giả của “Nụ cười Sơn cước”! Muốn là một thằng hèn thực đúng nghĩa, ít ra ông cũng phải có cái “can đảm” của một ông đại tướng khi “lên voi”cầm quân cũng như lúc “xuống chó” cầm quần phụ nữ, luôn “hồ hởi phấn khởi”; đó là chưa kể cái “can đảm” chết đến nơi, nằm trên giường bệnh vẫn còn ham cái quân hàm... hố. 

Trong khi đó, cũng nằm trên giường bệnh, nhưng Nhạc Sĩ lại ôm computer viết bài chống phá tổ... bìm bịp. 

Nghĩ như thế, nên cuốn “Hồi ký của một Thằng Hèn” mà tôi may mắn hân hạnh được Nhà văn Trần Phong Vũ gửi cho, với lời ghi “Thay mặt tác giả và tủ sách Tiếng Quê Hương thân tặng...” cùng với chữ ký của nhà văn, ở trang 3, và sau khi đọc nơi trang 5: (Trích nguyên văn): 

“- Mùa Thu năm 1945, ngày tôi lên đường làm lính Vệ Quốc, Cha tôi đã cảnh cáo: “Đi theo cộng sản hả? Thất bại đừng có vác xác về, tao tống cổ ra đường đó!” Tôi đã thất bại và không có cơ hội quay về quỳ trước mặt Cha nữa. 

Xin kính dâng cuốn hồi ký này lên hương hồn Cha tôi như lời tạ tội về lỗi lầm đã phạm. 

TÔ HẢI” 

Tôi chỉ đọc đến đó rồi nâng niu gấp cuốn Hồi ký lại, đặt vào tủ sách cạnh bàn thờ nơi phòng khách. Cuốn sách vẫn nằm đó, đã xấp xỉ 10 năm, tôi vẫn chưa một lần “đụng đến”, trừ để lau sạch bụi bặm, thỉnh thoảng. 

Không đọc - đúng ra là chưa đọc, người viết bài này lấy lý do, một phần vì Tô Hải không phải là “một Thằng Hèn” như ông “tự thú”, một phần vì sợ phải đọc lại những “đắng cay” của ông, cũng chính là của cả dân tộc đã, đang và sẽ phải cam chịu trùng trùng điệp dưới “thời đại Hồ Chí Minh”. 

Viết cho người đã về bên kia thế giới như thế là “hơi bị” quá dài, nhất là với người như Nhạc sĩ Tô Hải mà kẻ hèn này, tuy “con nhà khô đạo”, tin rằng giờ này đã được Chúa nhân lành “dẫn đi trên đồng cỏ xanh rì, về bên ngàn suối mát”, vì ông đã biết “nẻo đường chính tôi theo, cây gậy Chúa dẫn đường...” 

Vô cùng thương tiếc Ông, nhạc sĩ Tô Hải! 

19.08.2018

0 comments:

Powered By Blogger