Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Cùng đang học trung học chuẩn bị thi tú tài. Người sinh tháng chín, người sinh tháng mười hai, cùng năm 1927. Cùng 18 tuổi khi cuộc cách mạng tháng tám, 1945 nổ ra. Cùng bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm ngất ngây của cuộc cách mạng tháng tám: Đập tan xiềng xích nô lệ, giành tự do cho nhân dân, giành độc lập cho đất nước. Nhờ tài năng và nền tảng văn hóa của một nền giáo dục nhân văn, cả hai đều trở thành những tên tuổi, những gương mặt văn hóa sáng giá, đóng góp lớn cho cuộc cách mạng, để lại cho lịch sử và nền văn hóa đất nước những giá trị văn hóa bền vững. Hai tên tuổi đó là nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải.
Không phải chỉ có hai tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải. Cái hồn tinh tế nhạy cảm của con người mang trong máu nền văn minh sông Hồng, cái vốn liếng của trí lự Việt Nam được tiếp nhận chương trình giáo dục nhân văn của nền văn hóa Pháp, nền văn hóa đã mở ra kỉ nguyên Ánh sáng và cuộc cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Con người và nền giáo dục đó đã tạo ra hơn một thế hệ những tài năng, những nhà văn hóa, những trí thức, những nghệ sĩ lớn Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thanh Tịnh, Thụy An, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Duy, Trần Văn Cẩn, Sĩ Ngọc...
Hơn một thế hệ tài năng đó đã bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm, ngất ngây của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Họ đi vào cuộc cách mạng mùa thu và cuộc kháng chiến chống Pháp cùng những người cộng sản là để đến cái đích ước mơ từ trăm năm của cả giống nòi Việt Nam: Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng giống nòi Việt Nam. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang đi đến kết thúc thắng lợi, những người cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp liền bộc lộ cái mưu đồ tội lỗi, độc ác của họ.
Đặt đảng cộng sản lên trên đất nước, lên trên dân tộc Việt Nam, những người cộng sản dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Pháp đã vì lợi ích của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của quốc tế cộng sản, thí bỏ lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam, vất bỏ mục tiêu độc lập của cả dân tộc Việt Nam để theo đuổi mục tiêu của những người cộng sản: mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Họ nhẫn tâm cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến, cắt đôi dân tộc Việt Nam thành hai nửa hận thù, biến đất nước Việt Nam thành biên ải của khối cộng sản thế giới, biến dân tộc Việt Nam thành đội quân gác biên ải, lấy máu dân tộc Việt Nam bảo đảm sự an toàn, bền vững và lớn mạnh cho những nhà nước cộng sản đàn anh Trung Cộng, Nga Xô.
Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, những người cộng sản liền quyết liệt thực thi nền chuyên chế độc tài trên nửa nước, hăm hở lấy máu dân làm chiến tranh áp đặt chuyên chế độc tài trên cả nước. Người dân Việt Nam vừa thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước, xiềng xích nô lệ thực dân vừa rũ bỏ trên cổ, trên chân tay, trong đầu óc người dân thì những người cộng sản lại chụp lên thân phận người dân Việt Nam ách nô lệ mới còn nặng nề, khủng khiếp hơn nhiều lần ách nô lệ thực dân: nô lệ cộng sản.
Nặng nề, khủng khiếp nhưng nô lệ cộng sản tinh vi và giỏi lừa mị đến mức một nhà văn sắc sảo như Nguyễn Khải cũng phải đến cuối đời mới nhận ra “Ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chăn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập tòa án xét xử những kẻ cầm đầu” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
Trong thể chế nô lệ cộng sản, những trí thức, nghệ sĩ, tinh hoa của dân tộc, những gương mặt văn hóa của đất nước cũng chỉ là những đứa trẻ trong nhà trẻ cộng sản mà thôi: “Tám mươi triệu cái mặt không nhìn thấy mặt / Tám mươi triệu cái mồn tự nguyện bịt mồm... / Trí thức cụp tai / Ngòi bút trượt dài sợ hãi /... Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan” (thơ Nguyễn Đình Chính).
Đầu năm 2006, tổng kết một đời nô lệ cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn nhận ra cả cuộc đời đã mang cả trí tuệ, tài năng ra đóng góp cho một xã hội không có chân móng: “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
Thức tỉnh về thân phận “Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan”, thức tỉnh về một xã hội cộng sản không chân móng, phản con người, phản dân tộc, phản đất nước, những nhân cách trí thức Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần... đã lên tiếng và phải chấp nhận sự trừng trị đàn áp, bắt giữ, tù đày man rợ của nhà nước độc tài cộng sản. Không ném cuộc đời vào đau khổ mòn mỏi vô ích trong ngục tù cộng sản như những người đi trước, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị ở nước Pháp của cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái để ông viết và công bố với loài người văn minh về sự thật xã hội cộng sản Việt Nam, về sự thật cuộc đời một nhà báo trong xã hội cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải thì lặng lẽ viết về cuộc đời mình để kể với mai sau về thân phận ê chề, tủi nhục của người nghệ sĩ trong nhà nước cộng sản.
“Hoa Xuyên Tuyết” và “Mặt Thật” của nhà báo Bùi Tín, “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải cùng với “Hoa Địa Ngục” của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, “Đêm Giữa Ban Ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, “Đèn Cù” của nhà báo Trần Đĩnh, “Lời Ai Điếu” của nhà báo Lê Phú Khải là những cung oán ngâm khúc về những thân phận đau khổ của người dân, của trí thức trong nhà nước cộng sản, là thiên kí sự về nỗi thống khổ của người dân trong kiếp nô lệ cộng sản, là những trang tư liệu lịch sử chân thực, sinh động về thời cộng sản trị đau đớn của giống nòi Việt Nam, là lời thức tỉnh cho người dân, cho những trí thức đớn hèn đang còn u mê, an phận trong kiếp nô lệ cộng sản.
Ngoài những tác phẩm báo chí kịp thời, sắc sảo của nhà báo Bùi Tín, ngoài những nhạc phẩm còn mãi với thời gian như hợp xướng Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của nhạc sĩ Tô Hải thì Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật và Hồi Kí Của Một Thằng Hèn là những đóng góp lớn lao, quí giá cho cuộc vật lộn thoát khỏi họa cộng sản của giống nòi Việt Nam.
Cùng có mặt trong cuộc đời vào năm 1927, những năm cuối cùng của kiếp nô lệ mất nước, nhà báo Bùi Tín, nhạc sĩ Tô Hải lại rời bỏ cuộc đời cùng một ngày thứ bảy 11.8.2018, những ngày tháng cuối cùng của kiếp nô lệ cộng sản. Cả cuộc đời hơn chín mươi năm, hai tâm hồn đẹp, hai nhân cách lớn chưa có được một ngày trút bỏ nỗi niềm đau đáu về vận mệnh đất nước, chưa có một ngày thôi canh cánh về thân phận người dân. Nhưng nỗi niềm của hai trí thức sáng, của hai nhân cách đẹp đã thức tỉnh hàng triệu người dân Việt Nam, đã thức tỉnh thế hệ trẻ Việt Nam. Hàng triệu người đã có mặt trong hàng ngũ đấu tranh loại bỏ thảm họa cộng sản tăm tối, đưa dân tộc Việt Nam hòa nhập với loài người văn minh, hòa nhập với thời đại sáng lạn của kỉ nguyên văn minh tin học. Tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải cùng những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần,... sẽ được khắc ghi vào trang sử vượt qua đêm tối nô lệ đi tới ánh sáng độc lập tự do của giống nòi Việt Nam.
Nhà báo Bùi Tín khi còn ở trong nước. Người đội mũ nồi đứng giữa.
Nhà báo Bùi Tín khi tị nạn chính trị ở Pháp.
Những hình ảnh nhạc sĩ Tô Hải
13.08.2018
0 comments:
Post a Comment