Sunday, August 19, 2018

Những ý nghĩa chính đáng trong tôn giáo và triết học về chính quyền và cuộc đấu tranh


Tóm Lược: Từ Cơ-đốc giáo và Phật giáo đến Khổng giáo, Đạo giáo, triết gia Hy Lạp, và học giả Âu châu và Hoa Kỳ, tất cả đều khuyến khích hoặc cổ võ, trực tiếp hay gián tiếp, người dân tham gia chính trị và phong trào chống đối hoặc lật đổ chính quyền khi chính quyền không làm đúng nhiệm vụ được giao phó, không theo nguyện vọng của dân, và đối xử tàn ác với dân. Người dân Việt Nam, nhất là tuổi trẻ, cần hiểu rõ những ý nghĩa chính đáng trong giảng dạy và lý thuyết tôn giáo và triết lý về chính quyền để tạo dựng hoặc củng cố niềm tin cho tính chất chính nghĩa và sự cần thiết của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ chống lại nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) và Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).


Có nhiều lý do giải thích cho sự thờ ơ, thiếu nhiệt thành của đa số dân Việt, nhất là tuổi trẻ, trong các hoạt động đấu tranh chính đáng như biểu tình, đình công, và bãi khóa. Vài thí dụ gồm có sợ hãi, hèn nhát, thói quen, lười biếng, bận rộn, và ích kỷ. Tuy nhiên, những lý do đó có thể là lý do gần, không phải lý do xa. Lý do xa và căn bản hơn là thiếu niềm tin vào sự cần thiết của cuộc đấu tranh. Việc thiếu niềm tin đó có thể đến từ những định kiến hoặc hiểu biết thiếu sót, sai lầm về các giảng dạy tôn giáo và các lý thuyết triết lý cuộc đời và chính trị. 

Bài này vạch rõ những ý nghĩa chính đáng và chân lý trong tôn giáo và triết học liên hệ đến việc tham gia cuộc đấu tranh chống đối hoặc lật đổ chính quyền. Trái ngược với những hiểu biết thông thường do bởi thành kiến hoặc ảnh hưởng lời lẽ mị dân của nhóm đang cầm quyền tại vài quốc gia theo chế độ độc tài, kể cả Việt Nam, các diễn giải về Cơ-đốc giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, triết lý Hy Lạp, và triết lý Âu châu và Hoa Kỳ, đều khuyến khích hoặc cổ võ, trực tiếp hay gián tiếp, việc người dân tham gia các hoạt động đấu tranh chống đối hay lật đổ chính quyền khi chính quyền không thi hành nhiệm vụ người dân giao phó trong việc đem ấm no cho dân và bảo tồn đất đai tổ quốc. 

Những chân lý về việc tham gia cuộc đấu tranh này sẽ giúp đốt lên ngọn lửa thiêng nung nấu niềm tin và ý chí người dân. Một niềm tin mạnh mẽ sẽ giúp người dân có can đảm xóa bỏ thói quen, triệt tiêu nỗi sợ hãi, và gạt bỏ các tình cảm và ý chí yếu kém như thờ ơ, lười biếng. Người dân Việt, nhất là giới trẻ, cần phải phát huy, củng cố, và duy trì niềm tin mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh tự do dân chủ. Việc đó có thể được thực hiện bằng cách truyền bá thông tin, học hỏi và tìm hiểu sự thật và lẽ phải, trau giồi kiến thức qua việc đọc tài liệu, bài vở, đối chiếu tài liệu, suy luận các ý tưởng trái chiều, và tránh bị đầu độc bởi những lời lẽ lừa đảo, gian tà, và mị dân. Sinh viên và học sinh cần phải tích cực dấn thân và tham gia vào công cuộc đấu tranh vì đó là cho tương lai của chính các em. Các em không muốn sau này sẽ ân hận như phụ huynh các em hiện đang ân hận là đã không làm gì trong quá khứ khi họ ở tuổi các em bây giờ. 

Trong bài này, tôi sẽ chỉ chú trọng đến những ý tưởng, học thuyết tôn giáo và triết lý chính có tầm ảnh hưởng mạnh trong xã hội Việt Nam. Ngoài ra, tôi sẽ không thảo luận các lời giảng dậy tâm linh, lịch sử, phân loại, các đề tài triết lý về con người, đạo đức, định nghĩa chính trị và các thể chế, quyền lực mềm của Tàu cộng, mà sẽ chỉ chú trọng đến các khía cạnh chính trị liên hệ đến cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. 

A. Tôn giáo và các lãnh tụ tôn giáo: 

Tôn giáo có liên hệ mật thiết với chính trị. "Như trong hầu hết mọi xã hội trước thời Tây phương tân tiến, tôn giáo không thể tách rời cuộc sống chính trị và kinh tế" (Horsley 2005, 52). Bài này sẽ chỉ đề cập đến hai tôn giáo chính yếu có ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Đó là Cơ-đốc giáo (Christianity) và Phật giáo. 

1. Chúa Giê-su và Cơ-đốc giáo khuyến khích chống đối kẻ cầm quyền bạo lực: 

Cơ-đốc giáo được lưu truyền, truyền bá, dạy dỗ, và giảng giải qua Kinh Thánh. Tuy nhiên không phải ai cũng hấp thụ ý nghĩa những lời giảng dạy trong Kinh Thánh giống nhau. Người học Kinh Thánh cần phải tìm tòi, đối chiếu tài liệu, và suy luận để tìm ra những sự thật và lẽ phải trong những lời giảng dạy của Chúa Giê-su và Đức Chúa Trời. 

Nhiều học giả tin rằng Kinh Thánh không những là một tài liệu tôn giáo mà còn là một tài liệu lịch sử và lý thuyết về chính trị và cách mạng. Kinh Thánh có hai ý nghĩa: cá nhân và chính trị (Borg 2008, 225). Kinh Thánh có tính chất cá nhân vì cho biết mối liên hệ giữa ta và Đức Chúa Trời dẫn đến sự biến đổi con người. Kinh Thánh có tính chất chính trị vì nó cho thấy lòng thiết tha của Đức Chúa Trời về thế giới con người, về công lý và hòa bình (tlđd.). 

Sứ mạng của Chúa Giê-su có tính chất chính trị và phù hợp với các phong trào thịnh hành thời bấy giờ. "Nói Chúa Giêsu là một nhà cách mạng chính trị là nói rằng thông điệp Ngài tuyên bố không những kêu gọi thay đổi tâm hồn mỗi người mà còn đòi hỏi thay đổi toàn diện và sâu rộng các cơ cấu chính trị, xã hội, và kinh tế trong bối cảnh trong cuộc sống Ngài: Do Thái thuộc địa" (Hendricks 2006, 5). Chúa Giê-su thể hiện lòng ái quốc trong việc phục hồi xứ Do Thái. "Ngài kêu gọi những người đi theo Ngài ra tay hành động đáp ứng với đề xướng của Đức Chúa Trời về việc giải thoát và phục hồi Do Thái... Ngài quan tâm đến những sự việc xã hội, kinh tế, và chính trị trong cộng đồng địa phương" (Horsley 2005, 75). 

Cuộc cách mạng của Chúa Giê-su tự nó có tính chất chính trị (Trocmé 2003, 44). Vào thời Chúa Giê-su, "làm chính trị" đơn giản chỉ có ý nghĩa là "sống là một công dân," nghĩa là sống theo luật lệ thành phố (polis) (Trocmé 2003, 44). Tính chất chính trị trong tư tưởng của Chúa Giê-su áp dụng trực tiếp vào những thành phố tại Do Thái. Chúa Giê-su nói, "Ai không đứng về phía ta là chống lại ta" (Luke 11:23). Ngài tuyên bố ngài có quyền lực, tôn giáo, xã hội, chính trị, hoặc bất cứ gì (Trocmé 2003, 48). Ngài tự nhận ngài là vua Do Thái (Matthew 27:11) và là con của Đức Chúa Trời (Matthew 26:62) (Trocmé 2003, 52-53). 

Chúa Giê-su đem tình thương yêu của Đức Chúa Trời đến con người qua những hành động có tính cách chính trị và cách mạng. "Nếu chúng ta tin Chúa Giê-su là sự hoàn thành hay ứng nghiệm tầm nhìn rộng của Moses và Isaiah, thì việc hoàn thành hay ứng nghiệm của Chúa Giê-su phải được coi là chính trị thực sự, và không chỉ là tôn giáo hoặc 'tâm linh,' " (Friesen 2010, 78). "Chúa Giê-su thực sự là một thiên tài chính trị và là vị thầy tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử" (tlđd., 144). Cuộc đời Ngài đầy rẫy những việc đối phó chính trị: (1) Ngài xưng quyền hành Thánh Thiện cho hành động ngài và đó là chính tri; (2) Ngài chiêu mộ người đi theo và tổ chức một phong trào; (3) Ngài vận động hỗ trợ khắp nước; (4) Ngài gây áp lực lên chế độ; (5) Chúa Giê-su tự xưng công khai là Vua Do Thái; (6) Chúa Giê-su chiếm thành phố và tẩy rửa đền thờ; (7) Chúa Giê-su được chính quyền La Mã công nhận chế độ Ngài (tlđd., 141-145). 

Nhiều người cho rằng Chúa Giê-su không cổ võ chống đối chính quyền xấu xa độc ác vì Ngài không chủ trương chống đối kẻ ác và luôn luôn tha thứ kẻ thù dựa vào lời giảng của Ngài trong "Bài Giảng Trên Núi" (Sermon on the Mount). Lý luận này sai lầm vì chính cuộc đời của Chúa Giê-su cho thấy mục tiêu thay đổi xã hội của Ngài. Ngoài ra, việc diễn giải lời giảng dạy của Ngài, và của những vị hiền triết khác như Đức Phật Thích Ca, cần phải dựa vào bối cảnh xã hội và văn hoá thời bấy giờ, và nhất là phải cẩn thận trong việc tìm hiểu hoặc diễn giải ý nghĩa của ngôn ngữ qua dịch thuật. Sau đây là một thí dụ giải thích việc này. 

Ta hãy đọc kỹ "Bài Giảng Trên Núi," đoạn về "Đừng phản ứng bằng bạo lực chống lại kẻ ác" (Matthew 5:38-41) (Hình 1). Nên ghi chú rằng nhiều sách vở, kể cả những bản Kinh Thánh nổi tiếng, dịch nhan đề đoạn này từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh (và từ đó sang nhiều ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Việt) là "Đừng chống kẻ ác." Đó là câu dịch sai lầm và mất ý nghĩa (Wink 2003, 10-12). Không bao giờ Chúa Giê-su hoặc Đức Chúa Trời khuyên dạy con người đừng chống kẻ ác, vì đó là sự cúi đầu chịu thua lũ ác quỷ. 

Đoạn này như sau: "Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng phản ứng bằng bạo lực chống lại kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ. Nếu ai kiện các con ở tòa để lấy áo, hãy cho họ lấy luôn áo còn lại. Nếu ai ép các con đi một dặm với họ, đi luôn hai dặm." Nhiều người theo Cơ-đốc giáo nghĩ rằng đoạn đó giảng dạy đạo đức cá nhân, và nếu áp dụng cho chính trị thì đoạn đó dạy người bị đàn áp không nên chống lại kẻ đàn áp mình, mà nên chấp nhận, giữ im lặng, không dính líu, và chịu đựng dài lâu (Hendricks 2006, 168). Tuy nhiên, đó là ý tưởng sai lầm vì ý nghĩa của đoạn văn trên cần phải được diễn giải và phân tích dựa vào văn hóa, ngôn ngữ dịch thuật, luật lệ, phong tục, tập quán, và xã hội thời đó (Xem, thí dụ như, Borg 2008; Hendricks 2006; Lewis 2001, 64-90; White 2016; Wink 2003, 9-27) như được trình bày sau đây. 

Hình 1: Chúa Giê-su giảng dạy "Bài Giảng Trên Núi." 

Trong đoạn này, Chúa Giêsu dạy cách khẳng định quyền lực của mình trước một đối thủ có quyền lực mạnh mẽ hơn. Ngài dạy chống đối bất bạo động hoặc chống đối thụ động (Hendricks 2006, 172). Diễn giải này dựa vào bối cảnh văn hóa xã hội thời bấy giờ với những chi tiết có ý nghĩa đặc biệt. 

Thí dụ, câu "Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ" có ý nghĩa đặc biệt dựa vào kiểu tát vào mặt thời đó. Khi bạn bị tát má bên mặt, kẻ tát bạn có thể tát bằng tay trái hay tay mặt của hắn. Nhưng thông thường, thời bấy giờ, người ta tránh dùng tay trái để tát người khác vì tay trái chỉ dùng cho những việc dơ bẩn trong xã hội bấy giờ. Ngay cả dùng cử chỉ bằng tay trái ở Qumran cũng bị phạt và chịu 10 ngày sám hối (Wink 2003, 14). Do đó, người ta chỉ dùng tay mặt để tát. Cách duy nhất mà người ta dùng tay mặt để tát vào má bên mặt người khác là tát nguợc bàn tay (backhand slap). Thời bấy giờ, ý nghĩa của tát nguợc bàn tay là hạ nhục (Hendricks 2006, 169; Wink 2003, 14-15). Cảnh tượng đó là cảnh một kẻ có quyền lực tát một người thấp cổ bé miệng, như người La Mã tát người Do Thái, chủ nhân tát đầy tớ (White 2016; Wink 2003, 15). Không ai tát nguợc bàn tay người ngang hàng với mình vì tiền phạt thời đó cho việc này rất cao: 4 đồng bạc cho việc đấm người ngang hàng nhưng 400 đồng bạc (gấp một trăm lần) cho việc tát nguợc bàn tay người ngang hàng. Ngược lại, tát nguợc bàn tay người thấp kém hơn mình không bị phạt gì cả (Wink 2003, 15). Chúa Giê-su dạy người thấp cổ bé miệng đó, khi nằm trong tay kẻ quyền lực, không nên đánh trả (vì không thể chống lại đám đông) hoặc cúi đầu chịu nhục như một nạn nhân, mà hãy trở thành tác nhân khẳng định bản chất con người của mình. "Bằng cách chìa má kia ra, họ lấy lại nhân phẩm của họ và không chịu để những kẻ có quyền lực xác định họ là ai" (Hendricks 2006, 169). 

Tương tự, việc "cho họ lấy luôn áo còn lại," và "đi luôn hai dặm" có ý nghĩa đặc biệt liên hệ đến tập quán cho vay và việc lính La Mã thường bắt dân Do Thái khuân vác hành trang trong một dặm (Hendricks 2006, 170-172; White 2016; Wink 2003, 17-26). Tất cả những phản ứng mà Chúa Giê-su dạy dân Do Thái bấy giờ không hề có ý nghĩa nhịn nhục mà có ý nghĩa "biến một tình huống bị hạ nhục thành sự khẳng định quyền lực và nhân phẩm của họ" (Hendricks 2006, 172). "Bài Giảng Trên Núi," do đó, không những không dạy người dân chịu khuất phục dưới kẻ đàn áp, mà còn dạy người dân đứng lên chống lại kẻ đàn áp bằng cách biểu lộ lòng can đảm và nhân phẩm con người. Ngoài ra, Chúa Giê-su dường như muốn dạy người ta phản ứng như vậy để phóng đại sự bất công và phơi bày sự sai lầm của việc đàn áp (Wink 2003, 42). Đó là một chiến thuật trong một cuộc đấu tranh và không phải là một cách cư xử hiền lành giữa con người trong xã hội. 

C.S. Lewis, một học giả gốc Ái Nhĩ Lan nổi tiếng, có những nhận xét tương tự. Khi diễn giải lệnh đưa má trái khi má phải bị tát, Lewis tin rằng câu đó phải được hiểu với "những trường hợp ngoại lệ mà bất cứ ai khi nghe câu đó phải biết đó là ngoại lệ không cần nói ra" (Lewis 2001, 85). Lewis (2001, 86) lý luận rằng "không lẽ Chúa có ý nói nếu một kẻ giết người điên khùng định giết một người nào đó, cố đẩy tôi ra khỏi lối đi hắn, thì tôi phải né sang một bên và cho hắn giết nạn nhân?" Lewis (2001, 87) giải thích rằng lời dạy của Chúa không áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, vì bất cứ "câu nói nào phải được hiểu theo bối cảnh thời gian và địa điểm của câu đó." 

Ngoài việc chống đối những kẻ quyền thế dùng bạo lực, Chúa Giê-su còn dạy người dân qua hành động giành chủ động trước một tình huống sai quấy. Phản ứng lấy thế chủ động đối với những kẻ xúc phạm những gì thiêng liêng được cho thấy rõ rệt và cụ thể nhất trong việc Chúa Giê-su tẩy uế đền thờ (John 2:14-22; Luke 19:45-46; Matthew 21:12-13; Mark 11:15-17). "Trong đền thờ, Ngài thấy có người buôn bán bò, chiên, bồ câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó. Ngài bện một cái roi bằng dây, rồi đuổi hết thảy ra khỏi đền thờ, cả chiên và bò; vung vãi tiền người đổi bạc và lật đổ bàn của họ. Ngài phán cùng kẻ bán bồ câu rằng: Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán" (John 2:14-16). Chúa Giê-su có phản ứng tức giận và có những hành động cụ thể với những kẻ làm ô uế đền thờ. Ngài "nổi giận vì người ta bị ngăn cản không được gần gũi với Đức Chúa Trời" (Lamb 2011, 43) hoặc những kẻ đổi tiền biến nơi tôn thờ Đức Chúa Trời thành chỗ ồn ào, thương mại (Copan 2011, 38). 

Nếu Chúa Giê-su nóng giận và xua đuổi những kẻ làm ô uế đền thờ, Ngài sẽ phản ứng ra sao khi có những kẻ cướp đất nhà thờ hoặc xúc phạm nơi thánh lễ và những người hiến dâng đời mình cho Đức Chúa Trời? Là người đề xướng lòng ái quốc, Chúa Giê-su sẽ có phản ứng gì khi kẻ cầm quyền làm đầy tớ ngoại bang, bán đất đai cha ông để lại? Là người giảng dạy công bằng, nhân ái, thương yêu loài người, Chúa Giê-su sẽ phản ứng ra sao khi kẻ có quyền lực đàn áp, đánh đập người dân? Trong thời Ngài, Ngài là một lãnh tụ của một cuộc đấu tranh chính trị. Nếu Ngài đến Việt Nam thời nay, chắc chắn Ngài sẽ là lãnh tụ cho cuộc đấu tranh chống lại NCQCS và ĐCSVN. 

Cuộc đời của Chúa Giê-su tượng trưng cho cuộc đấu tranh cách mạng và hoạt động chính trị tích cực dưới các tiêu chuẩn thời bấy giờ. Những lời giảng dạy của Chúa Giê-su không những nhắm vào lòng thương yêu nhân loại của Đức Chúa Trời mà còn dạy người dân can đảm không chịu khuất phục trước kẻ quyền lực, và đứng lên chống đối bạo quyền. Do đó, những người theo Cơ-đốc giáo cần phải thấu hiểu những lời giảng dạy của Ngài, và không những theo giáo điều và sống với mục tiêu trong niềm tin và lòng thương yêu của Đức Chúa Trời, mà còn phải thi hành và tích cực tham gia những hoạt động xã hội và chính trị, noi gương Chúa Giê-su để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và mọi người trong xã hội. Một trong những hoạt động đó là chống lại những bất công do chính quyền áp đặt và những vi phạm quyền con người. "Bài Giảng Trên Núi" của Chúa Giê-su là một thí dụ cho thấy chúng ta phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống lại kẻ quyền lực đàn áp người dân. 

2. Đức Phật Thích Ca, Phật giáo, và Đức Dalai Lama cổ võ chống đối bạo lực trong lòng từ bi và cảm thông: 

Ý tưởng chính trị và cách mạng được nổi bật trong Phật giáo, nhất là qua cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào khoảng thế kỷ thứ 6-4 TCN và cuộc đấu tranh không ngừng của Đức Dalai Lama thứ 14 hiện nay. McLeod (2006, 11) cho rằng "Phật giáo độc đáo ở chỗ là có những thực hành thiền có thể biến đổi cách thức chúng ta sống với nhau, và đó là cách chúng ta sống một cách chính trị." Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải chỉ là một người giác ngộ sống và dạy 2.500 năm trước, mà Ngài còn là một thí dụ của tiềm năng con người, trải qua cách mạng bên trong (Thurman 1999, 25-26). 

Chính trị, dưới thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được biểu hiện mạnh mẽ nhất qua chế độ vua chúa và cách thức cai trị của họ. Vào thời Đức Phật, có nhiều vua cai trị xứ sở không công bằng. "Người dân bị đàn áp và tận dụng, tra tấn và kết tội, chịu thuế má nặng nề và các trừng phạt tàn ác. Đức Phật rất xúc động trước những việc vô nhân đạo như vậy." (Rahula 1974, 84). Đức Phật đặt ra "Mười bổn phận của Vua." Vua thời xưa tương đương với chính quyền thời nay (tlđd.). Mười bổn phận hay nghĩa vụ này của chính quyền áp dụng cho tất cả viên chức trong chính quyền, kể cả lãnh tụ quốc gia, bộ trưởng, các lãnh tụ chính trị, viên chức lập pháp và hành pháp. v.v. (tlđd., 85). Mười nghĩa vụ đó có thể được vắn tắt như sau: (1) Khoan dung, rộng rãi, thương người; (2) Có phong cách đạo đức cao; (3) Hy sinh mọi việc cho sự tốt đẹp của dân; (4) Lương thiện và đúng đắn; (5) Tử tế và nhẹ nhàng; (6) Khắc khổ cẩn kiệm; (7) Thoát bỏ hận thù, ý xấu, thù địch; (8) Không dùng bạo lực; (9) Nhẫn nhịn, kiên trì, chịu đựng, thông cảm; và (10) Không chống đối hoặc cản trở ý dân (tlđd.). 

Ta thấy ngay chế độ cộng sản và NCQCS tại Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại cả 10 nghĩa vụ này. Đã có biết bao nhiêu tin tức, tài liệu, sách, bài vở, bằng chứng cho thấy bản chất tàn bạo, ác độc, cướp bóc, tham nhũng, nhỏ nhen của NCQCS và ĐCSVN. Sau đây chỉ là vài thí dụ: những phiên tòa kết tội những người dân vô tội bằng những bản án nặng nề; viên chức tham nhũng, cướp bóc dân, hãm hiếp trẻ em, phụ nữ; dự án, chính sách cướp đất dân, công trình xây cất tượng đài, công ty xí nghiệp phá hoại môi trường, phí phạm và thua lỗ; cảnh sát, công an, giết người trong đồn công an, đánh đập, sách nhiễu, xâm phạm tài sản và cuộc sống riêng tư của dân, vi phạm nhân quyền; hối lộ, tham nhũng, gian lận thi cử, bằng cấp giả mạo, học đường thoái hóa; hàng trăm luật lệ đặt ra cản trở, ngăn cấm người dân tự do hội họp, đi lại, và ngôn luận, gần đây là luật an ninh mạng. NCQCS và ĐCSVN không những không thi hành 10 bổn phận này do Đức Phật đưa ra mà còn đạp đổ tất cả và còn nhiều hơn thế nữa. 

Ảnh hưởng của Phật giáo trên chính quyền rất sâu đậm, ngay sau khi Phật giáo mới thịnh hành. Câu chuyện về Phật vương Ashoka (? - 232 TCN) là thí dụ điển hình (Thurman 1999, 109-133). Những di tích về Ashoka và thời đại ông cho thấy chính quyền cai trị hoàn toàn dưa trên Phật giáo. Khi phân tách các sắc chỉ của vua Ashoka, chúng ta có thể thấy năm nguyên tắc chính yếu của một ngành chính trị về giác ngộ thịnh hành trong Phật giáo: (1) chủ nghĩa cá nhân siêu việt, (2) không dùng bạo lực, (3) chính sách tiến hóa giáo dục, (4) lòng vị tha xã hội, và (5) nền dân chủ phổ quát (tlđd., 117). 

Ngoài những ảnh hưởng trong chính quyền, hoạt động chính trị của Đức Phật Thích Ca bao trùm những khía cạnh xã hội quan trọng thời bấy giờ. Bằng cách thành lập các định chế giáo dục, Đức Phật Thích Ca khởi động trên bình diện văn hóa xã hội một nền chính trị giác ngộ (tlđd., 92). Khi người dân biến đổi trí tuệ họ, họ sẽ tự nhiên hành động để biến đổi xã hội và dần dần chính thể (tlđd., 95). Đức Phật Thích Ca có nhiều đổi mới trong chiến thuật chính trị. Ngài khiến người đương thời hoảng kinh, nhất là trong xã hội phân biệt giai cấp tại Ấn độ lúc bấy giờ, qua việc thâu nhận học trò từ mọi giai cấp xã hội, thiết lập viện tu sĩ cho cộng đồng tu sĩ khất thực, khiến mọi người trong xã hội phải công nhận cá nhân có quyền tự do không bị ràng buộc bởi các bổn phận gia đình, làng xã, bộ lạc, hoặc quốc gia (tlđd., 96). Cộng đồng tu sĩ nhắc nhở rằng xã hội hiện hữu để phục vụ cá nhân, để tạo ra không gian cho con nguời giải phóng khỏi sự ngu si (tlđd., 97). Khi chúng ta xem xét những hoạt động đó dưới những điều kiện và tình trạng xã hội hiện nay, Đức Phật Thích Ca quả thật là một lãnh tụ cho phong trào cách mạng và cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền. 

Sẽ có người lý luận rằng cho dù Đức Phật Thích Ca có ảnh hưởng đến việc xây dựng chính quyền, điều đó không có nghĩa là Ngài cổ võ việc tham gia phong trào đấu tranh. Ngoài ra, những người này sẽ lý luận rằng, giống như Cơ-đốc giáo, một trong những điều răn của Phật giáo là cấm sát sanh, và Phật giáo chủ trương bất bạo động. Do đó, Phật giáo không thể có khả năng đối phó với một chính quyền cực kỳ ác độc và không thể cảm hóa được. Lý luận đó hoàn toàn sai lầm như sau. 

Như thí dụ về "Bài Giảng Trên Núi" của Chúa Giê-su, chúng ta không nên diễn giải các lời răn dạy, nhất là về tôn giáo, một cách tuyệt đối mà không dùng trí tuệ sáng suốt để suy luận, vì những lời giảng dạy tôn giáo nhắm vào những trường hợp thông thường của đa số người dân và không nhất thíết nhắm vào những trường hợp đặc biệt hoặc ngoại lệ. Theo Phật giáo, trí tuệ sáng suốt là điểm quan trọng ngang ngửa với lòng từ bi bác ái. Với trí tuệ sáng suốt (wisdom), chúng ta có thể phân tích mọi tình huống một cách rõ ràng và do đó hành xử chính đáng, đúng đắn, và hữu hiệu hơn (Dalai Lama và Chodron 2017, 74). Trí tuệ sáng suốt nhìn thực tế chính xác và giúp chúng ta diệt trừ sự ngu xuẩn (tlđd., 22), một trong "tam độc" Tham Sân Si, tạo nghiệp chướng và gây ra đau khổ phiền não. Ngoài ra, trí thông minh và khả năng suy luận rất quan trọng trong việc giữ niềm tin tâm linh ổn định và vững vàng (Dalai Lama 1998, 61). Trí tuệ sáng suốt, sự thông minh, óc suy luận, và ý chí học hỏi, tìm tòi sẽ giúp chúng ta tìm ra những chân lý trong Phật giáo. 

Với trí tuệ sáng suốt và suy luận, chúng ta nên hiểu tại sao Đức Phật đặt ra những tiêu chuẩn cho một chính quyền tốt đẹp qua "Mười bổn phận của Vua." Bạn không thể đặt ra một số bổn phận mà không có biện pháp đối phó khi các bổn phận đó không được thi hành. Đức Phật ngụ ý rằng khi một chính quyền vi phạm hầu hết những bổn phận này và không còn cách gì để sửa đổi chính quyền, chúng ta phải hành động để thay đổi chính quyền đó. Hành động để thay đổi một tình huống xấu xa và nguy hiểm là một khái niệm căn bản của Phật giáo. Phật giáo không có tính chất thụ động mà có tính chất chủ động, nhấn mạnh vào hành động thực tế. Thí dụ, tuy Phật giáo chủ trương không sát sanh, khi cần, Phật giáo cho phép chúng ta ra tay hành động cho dù phải giết người để thực hiện một mục tiêu cao cả hơn. 

Câu chuyện về kiếp trước của Đức Phật diễn giảng việc này. Câu chuyện này nhan đề "Giết người bằng Tài Năng Về Phương Tiện: Câu chuyện về Vị Thuyền Trưởng Nhân Từ" trong Kinh "Tài Năng Về Phương Tiện/ Phương Tiện Thiện Xảo (Skill in Means) (Hình 2)." Kinh này được viết từ thế kỷ thứ nhất TCN và được trình bày dưới dạng hỏi đáp giữa một vị Bồ Tát và Đức Phật (Tatz 2001, 1). Câu chuyện này như sau. Trong kiếp trước, Đức Phật là một thuyền trưởng và là một vị bồ tát, đi trên tàu cùng 500 thương gia. Trên tàu có một kẻ gian ác có ý định giết 500 người để cướp của cải. Vị thuyền trưởng biết được ý định này. Ông suy nghĩ bẩy ngày, và sau cùng quyết định giết kẻ gian ác đó để cứu mạng 500 thương gia (Dalai Lama 1998, 105; Dalai Lama và Carrière 2001, 167; Deshung 2003, 220; Tatz 2001, 73-74; Thurman 1999, 122; Yifa 2008). 

Hình 2: Trang bìa sách dịch Kinh "Skill in Means." 

Ý chính câu chuyện là Phật giáo dạy chúng ta phải chủ động trong hành động cứu vãn một tình huống xấu xa nguy hiểm, ngay cả cho phép giết người ác độc để cứu người hiền lành. Điểm quan trọng là việc đó phải được cân nhắc kỹ lưỡng và phải được thực hiện với niềm cảm thông và lòng từ bi. 

Làm sao có thể thực hiện việc hủy mạng người với niềm cảm thông và lòng từ bi? Ta phải hiểu câu chuyện này không khuyến khích người ta cố tìm lý do để bào chữa cho việc giết người hoặc dùng bạo lực, mà phải thực sự phát sinh lòng từ bi khi ra tay làm việc đó. Vị thuyền trưởng trong câu chuyện không muốn tên cướp đó giết 500 người, vì việc đó hủy diệt tính mạng của 500 người vô tội. Ngoài ra, việc đó sẽ khiến hắn bị đầy đọa xuống địa ngục, và hắn sẽ phải mang nặng nghiệp chướng cho biết bao nhiêu kiếp sau của hắn. Ông biết ông cũng sẽ tạo nghiệp chướng vì giết hắn, nhưng ông hy sinh xuống địa ngục thay cho hắn. Đó là một hành động cao cả do lòng từ bi. "[L]òng hy sinh của vị bồ tát đó là tự nhận hành vi xấu xa giết người và đối diện với hậu quả của hành động đó" (Dalai Lama 1998, 105). 

Do đó, chúng ta phải biết dùng trí tuệ sáng suốt và óc suy luận để hiểu những lời giảng dạy của Đức Phật. Ngoài ra, chúng ta còn phải hiểu rõ cuộc đời Ngài và những hoạt động của Ngài và không nên nhắm mắt mù quáng đọc kinh niệm Phật. Trong suốt cuộc đời Ngài cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca thực hành chính trị và cách mạng dưới hình thức tâm linh. Tương tự, Đức Dalai Lama thứ 14 thực hành chính trị và cách mạng trong thế kỷ thứ 21 hiện đại. Đức Dalai Lama tin rằng chính trị có thể cũng là một thực hành Phật giáo và hành động xã hội hướng thiện và tài tình có thể là con đường dẫn đến giác ngộ (Thurman 1999, xiv). 

Cuộc đời lưu vong của Đức Dalai Lama hầu như cống hiến hoàn toàn cho chính trị và cuộc đấu tranh cho xứ Tây Tạng độc lập và tự do, cố gắng thoát khỏi ách cai trị của Tàu cộng (Xem, thí dụ như, Dalai Lama 1990). Đức Dalai Lama đã nhận ra những sự gian ác của Tàu cộng trong việc chiếm đóng Tây Tạng. Ngài nói, "[T]ất cả mọi kinh nghiệm của tôi với cấp lãnh đạo Tàu cho thấy họ không đáng tin cậy. Không những các viên chức trong cuộc nói láo, mà còn tệ hơn, khi những lời nói láo này bị phanh phui, họ chẳng hề xấu hổ chút nào" (Dalai Lama 1990, 225). Nếu một vị tu hành hiền triết chủ trương từ bi và cảm thông mà còn có những nhận xét như vậy về Tàu cộng thì tại sao NCQCS lúc nào cũng bao che, dâng đất đai cho Tàu cộng và còn nghe theo lời quan thầy Tàu cộng trong việc đàn áp dân qua những luật lệ mơ hồ, luật đặc khu và an ninh mạng? 

Tóm lại, những người theo Phật giáo phải ý thức tầm quan trọng của cuộc đấu tranh tại Việt Nam, noi gương Đức Phật và tham gia các phong trào tự do dân chủ dựa vào nguyên lý hành động trong niềm cảm thông và từ bi qua cuộc đời chính trị và cách mạng của Đức Phật Thích Ca và Đức Dalai Lama thứ 14. Cuộc đấu tranh phải được thực hiện với lòng từ bi bác ái và cảm thông ngay cả với những kẻ cầm quyền ác độc theo câu chuyện "Vị Thuyền Trưởng Nhân Từ" ở trên, vì chúng ta không muốn họ tiếp tục làm việc tàn ác, tạo nên nghiệp chướng cho chính họ, và còn tiêu diệt biết bao nhiêu người khác hiện nay và nhiều thế hệ trong tương lai. 

B. Lý thuyết triết học: 

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử văn minh loài người, ý tưởng con người cực kỳ phong phú trong nhiều lãnh vực. Có rất nhiều triết gia và học giả thảo luận về chính trị, chính quyền, và việc người dân tham gia các hoạt động chính trị. Những lý thuyết triết học này gồm có: Khổng giáo, Đạo giáo (Lão giáo), triết lý Hy Lạp, và triết lý Âu châu và Hoa Kỳ. Tương tự như với tôn giáo, chúng ta phải tìm tòi, học hỏi, dùng trí tuệ, và óc suy luận để nhận ra những điều hay lẽ phải và chân lý do các bậc hiền triết để lại trong kho tàng ý tưởng của họ. 

1. Khổng giáo không những cổ võ việc lật đổ chính quyền khi chính quyền tồi tệ, tàn ác mà còn coi đó là bổn phận người dân: 

Khổng giáo, do Khổng tử (551-479 TCN) khởi xướng và được phát huy rộng rãi qua những người học trò sau này, nổi tiếng nhất là Mạnh tử (372-289 TCN), có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Tàu và các quốc gia lân cận như Đại Hàn, Nhật, và Việt Nam. Khổng giáo chú trọng vào những đức tính và nghĩa vụ con người trong xã hội, nhưng cũng nhấn mạnh các đức tính con người trong chính quyền và bổn phận người dân trong một quốc gia. 

Sách Luận Ngữ (Analects) ghi những lời dạy hoặc đối đáp của Khổng tử được ghi chép bởi học trò ông. Sách Luận Ngữ rất thịnh hành và được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Xem, thí dụ như, Confucius 2008 trong danh sách các tài liệu tham khảo ở cuối bài này. 

Khổng tử có nhiều lời dạy dỗ về chính quyền và nghĩa vụ giữa chính quyền và người dân. Khổng tử nói, "Đặt người ngay thẳng lên trên những kẻ bất lương thì dân nghe lời. Đặt kẻ bất lương lên trên người ngay thẳng thì dân không nghe lời" (Luận Ngữ, II.19). Khổng tử dạy rằng trong ba việc trong việc trị nước: quân đội, thực phẩm, và niềm tin của dân thì niềm tin của dân không thể bỏ được và nếu phải bỏ một trong ba thì quân đội có thể bỏ, sau đó là thực phẩm (Luận Ngữ, XII.7). Điều đó cho thấy niềm tin của dân vào chính quyền quan trọng hơn cả việc sinh sống của dân và việc quân lực bảo vệ đất nước. Đó là vì một khi có niềm tin của dân, việc gì làm cũng được. 

Về chính quyền, Khổng tử dạy người nắm quyền phải ngay thẳng lương thiện (Luận Ngữ, XII.17). Khi được hỏi làm cách nào đối phó với trộm cướp, Khổng tử trả lời, "Nếu [người nắm quyền] không có lòng tham, thì sẽ không có ai trộm cắp cho dù được thưởng" (Luận Ngữ, XII.18). Quý Khang tử hỏi Khổng tử về phép trị dân, "Tôi có nên giết những kẻ vô đạo để cho người khác thành lương thiện được không?" Khổng tử trả lời, "Ông trị dân thì giết người để làm chi? Nếu ông muốn việc thiện, thì dân sẽ thiện. Tính chất của người quân tử như gió, tính chất của người dân như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống" (Luận Ngữ, XII.19). 

Theo Khổng Tử, những người tham gia chính quyền cần phải có 5 điểm tốt và không có 4 điểm xấu (Luận Ngữ, XX.2). Năm điểm tốt là: (1) không phí phạm nhưng rộng rãi giúp dân, (2) khiến dân làm việc khó nhọc mà dân không oán, (3) có lòng muốn nhưng không tham lam, (4) thư thái mà không kiêu căng, và (5) uy nghiêm mà không gây khiếp sợ. Bốn điểm xấu là: (1) không giáo hóa dân mà đặt tử hình là tàn ác, (2) muốn làm xong việc mà không báo trước là hung bạo, (3) nhất quyết có thời hạn mà chậm trễ đưa ra lệnh là đàn áp; và (4) bủn xỉn cho dân là nhỏ nhen. 

Ta thấy ngay NCQCS tại Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại các điểm trên: không có 5 điểm tốt và có đầy đủ 4 điểm xấu, và còn nhiều điểm xấu hơn thế nữa. Vài thí dụ cho thấy. Vụ Formosa Hà Tĩnh vừa phí phạm vừa không rộng rãi giúp dân. Bắt dân đóng trạm lệ phí khiến dân ta thán. Tham nhũng thâm lạm công quỹ. Cậy quyền phách lối coi thường dân. Công an cảnh sát đánh đập dân. Giở trò hung bạo với dân, bắt bớ dân biểu tình ôn hòa khiến dân khinh thường. Không chấn chỉnh ngành giáo dục. Dung dưỡng những kẻ phạm tội. Đưa ra các luật lệ kiểm soát dân như luật an ninh mạng. Cướp đất dân và bồi hoàn thiếu công bằng. 

Đương nhiên, không có một chính quyền nào hoàn hảo, và giá trị của một chính quyền thường có tính cách tương đối. Nhưng dựa vào giá trị tương đối, những chính quyền tự do dân chủ trên thế giới vượt xa NCQCS trên đủ mọi phương diện. 

Ngoài ra, những người đứng ngoài chính trường Tàu cộng thường diễn giải sai lầm rằng triết lý Khổng giáo chú trọng lễ nghi và lòng trung với vua, hiếu với cha mẹ, giúp cho việc chính phủ Tàu cộng đàn áp dân. Thực ra, triết lý Khổng giáo, tuy cổ võ lòng hiếu thảo con cái với cha mẹ trong gia đình và lòng trung thành với vua chúa, coi trọng những đức tính hơn sự vâng lời (Mattis 2012). Khổng tử từng nói, "Đối diện với sai quấy, bổn phận người con là chống lại cha mình, và bổn phận người làm việc là chống lại chủ mình" (Ching 1908, 29; Liu 2016; Mattis 2012; Shih 1946, 224). 

Khổng tử giải thích lý do tại sao người con nên chống lại cha nếu cha mình sai lầm: "Nếu một người cha có con chống lại lệnh sai quấy của mình, ông ta sẽ thoát được làm lỗi nặng" (Ching 1908, 29). Do đó, việc người con chống lại cha mình khi cha mình sai quấy thể hiện lòng hiếu đễ cao quý, và không phải là đứa con bất hiếu hỗn hào, mà vì để bảo vệ gia đình. Khổng tử răn dậy con người không được mù quáng tuân theo mệnh lệnh, cho dù trong gia đình với cha mẹ hoặc ngoài xã hội với cấp trên hay chính quyền, mà phải biết suy nghĩ coi cứu cánh của gia đình, xã hội, và quốc gia quan trọng hơn cha mẹ, cấp trên, và chính quyền, theo thứ tự đó. 

NCQCS thường tự cho mình sáng suốt và khinh thường người dân, coi dân có trí tuệ hoặc kiến thức thấp kém, dễ bị thế lực thù địch xúi giục, và nhận tiền từ các tổ chức thù địch trong những cuộc biểu tình. Theo NCQCS, luật lệ và việc thi hành luật lệ của họ luôn luôn đúng, và vì vậy họ có quyền bắt bớ, giam cầm người dân với những điều luật mơ hồ, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Ta thấy ngay thái độ khinh thường người dân của NCQCS đi ngược lại giáo huấn của Khổng tử. Khổng tử không dám coi thường người con, và còn cho phép con cái nhận ra sự sai lầm của cha mẹ mình, và không những đồng ý việc người con chống lại cha mình hoặc bề tôi chống lại chủ mình, mà còn coi việc đó là một bổn phận. Khổng tử vạch ra rằng những kẻ cầm quyền độc tài còn nguy hiểm hơn cọp ăn thịt người (Mattis 2012) sau khi nghe một người phụ nữ, có chồng và con bị cọp ăn thịt, nói rằng không muốn rời chỗ ở chỉ vì nơi bà ở không có kẻ cai trị độc tài (Astiadi 2014). 

Lễ, một đức tính quan trọng trong Khổng giáo, chú trọng đến lễ nghi, nhưng cũng liên quan đến những hành vi của mỗi người tùy vào vai trò hoặc địa vị mình (Ginsburg vnk. (và người khác) 2013, 1196). Dựa vào ý nghĩa rộng rãi của Lễ, Mạnh tử cổ võ lý thuyết Thiên Mệnh trong việc thành lập vua cai trị đất nước (tlđd., 1196; Wikipedia 2018a). Nếu vua không có Lễ, Thiên Mệnh của ông ta sẽ bị tước đi và giao lại cho người khác. Nhiều học giả tin rằng khái niệm về Thiên Mệnh của Mạnh tử là nền tảng của quyền nổi dậy (Ginsburg vnk. 2013, 1197). 

Mạnh tử còn dạy rõ rệt hơn về bổn phận người dân chống đối chính quyền tà ác. Mạnh tử nói với Tề Tuyên Vương (King Xuan of Qi): "Khi vua đối xử với bầy tôi như cỏ rác, thì bầy tôi phải đối xử với vua là quân cướp và kẻ thù" (Liu 2016; Shih 1946, 224; Mattis 2012; Van Norden 2008, 104). Hu Shih (Hồ Quát/Hồ Thích), một học giả Tàu nổi tiếng, diễn giải câu của Mạnh tử như sau: "Bất cứ kẻ cai trị nào vi phạm những nguyên tắc nhân từ và chính đáng hiền lương thì không còn là người cai trị nữa, mà là kẻ cướp và sát nhân mà người dân có bổn phận lật đổ và giết" (Shih 1946, 224; Eglauer 2008, 162). Câu chuyện về việc giết chết Trụ Vương sau đây giải thích rõ quan điểm này. 

Trong cuộc đối thoại với Mạnh tử, Tề Tuyên Vương hỏi, "Có đúng là khi họ là bề tôi, Thang đuổi vua Kiệt và Võ Vương đánh vua Trụ?" Mạnh tử trả lời, "Sử sách có viết vậy." Tề Tuyên Vương hỏi, "Bề tôi giết vua được không?" Mạnh tử đáp, "Kẻ hại người nhân đức thì gọi là 'tặc.' Kẻ hại người chính đáng hiền lương thì gọi là 'ác.' Tặc và ác chỉ lả người thường mà thôi. Tôi chỉ nghe quả thật có việc giết người thường tên Trụ, nhưng chưa nghe việc ám sát vua" (Van Norden 2008, 26; Book 1B8). Mạnh tử có ý nói rằng vua Trụ tàn ác nên không đáng là vua mà chỉ là người dân thường. Do đó việc giết vua Trụ chỉ là việc giết một kẻ thường dân tàn ác tên là Trụ, chứ không phải giết vua. Câu này được coi là nền tảng của "quyền cách mạng" (right of revolution) (Nosco 2008, 31) trình bày sau. 

Mạnh tử khẳng định quyền, hoặc bổn phận, lật đổ chính quyền, hay truất phế vua trong cuộc nói chuyện khác với Tề Tuyên Vương. Mạnh tử nói, "Nếu vua có lỗi lớn thì can gián. Nếu vua phạm lỗi lớn nhiều lần và không nghe lời can gián, thì [quan khanh có họ hàng với vua] phải truất phế vua" (Van Norden 2008, 142; Book 5B9). Tuy Mạnh tử chỉ đề cập quan khanh có họ hàng với vua có thể truất phế vua, ta phải hiểu người dân có quyền đó theo lý thuyết về Thiên Mệnh. 

Người dân Việt đã can gián NCQCS lần nào chưa? Biết bao nhiêu lời kêu gọi, biết bao nhiêu kiến nghị, hàng trăm hàng ngàn chữ ký gửi đến NCQCS. Tất cả đều bị vất vào sọt rác. Điều 4 Hiến pháp vẫn giữ nguyên. Các luật lệ mơ hồ, điều 79, 87, 88, 245, 258 của Bộ luật hình sự vẫn được áp dụng còn nhiều hơn trước. Sách nhiễu, giam cầm, bắt bớ, đánh đập, truy tố, thu giữ tài sản, xâm phạm tài sản và cuộc sống riêng tư, xâm phạm nhân quyền người dân vẫn xảy ra thường lệ. 

2. Đạo giáo khuyến khích người dân tham gia chính trị và cảnh cáo chính quyền dùng bạo lực với dân: 

Đạo giáo (Taoism/ Dàoism), còn được gọi là Lão giáo, là một triết lý và còn được coi là tôn giáo, có từ khoảng thế kỷ thứ 4 TCN. Đạo giáo có nhiều nhánh do nhiều người chủ xướng qua nhiều bộ sách thực hiện trong các thời đại khác nhau. Chính yếu là Đạo giáo cổ điển, thành lập trong thời Xuân Thu (770 - 476 TCN) và Chiến Quốc (475 - 221 TCN). Đạo giáo đầu tiên do Lão tử (Laozi, Lao-Tzu), thành lập, viết quyển Đạo đức kinh (Tao Te Ching), thường được coi là viết vào thời Xuân Thu, đề cập đến chính quyền và xã hội. Sau này vào thời Chiến Quốc, Trang tử (Chuang-tzu) và Liệt tử (Lieh-tzu) sửa đổi, không còn dính líu gì đến chính quyền hoặc hoạt động xã hội (Wong 1997, 221-229). 

Trong Đạo giáo, khái niệm "vô vi" (wu wei) rất quan trọng, và có ý nghĩa khác nhau tùy theo nhánh Đạo giáo nào (Wong 1997, 24-25). Cái chân lý trong Đạo gíáo theo Đạo đức kinh về "vô vi" không phải là không làm gì cả. "Vô vi trong Đạo đức kinh là 'đi theo những nguyên tắc của Đạo,' và con đường của Đạo là con đường nhân đức" (Wong 1997, 25). "Trong Đạo đức kinh, vô vi có nghĩa là không dùng lực." Khác hẳn với việc không làm gì cả, bậc thánh hiền Đạo giáo là thành phần năng động trong xã hội và có khả năng là người trị vì (tlđd.). "Thông điệp trong Đạo giáo là: Trau dồi những phẩm chất tinh thần và vật chất của bậc thánh hiền; tham gia và giúp đỡ xã hội một cách không xâm phạm ai; về hưu khi công việc xong xuôi" (tlđd.). Với ý nghĩa đó, Đạo giáo khuyến khích mọi người tham gia chính trị hoặc công việc xã hội mà không đụng chạm đến ai, nhưng phải làm cho đến cùng, đạt được mục tiêu rồi mới được phủi tay hưởng nhàn. 

Vô vi có ý nghĩa không làm quá nhiều, mà hãy để mọi việc tự nhiên tự sắp xếp. Đạo giáo khuyến khích tham gia chính trị, chủ động phong trào, nhưng phải đi theo luật thiên nhiên và đừng tạo quá nhiều quy tắc, luật lệ. "Nếu bạn muốn làm lãnh tụ, bạn phải học cách theo con đường Đạo. Đừng kiểm soát dân. Bỏ những chương trình và các khái niệm cố định, và thế giới sẽ tự cai trị" (Hankins 2014). 

Đạo giáo (trong Đạo đức kinh) chỉ trích những chính quyền có chính sách điều khiển dân, đặt nặng pháp trị, tạo ra cả một rừng luật. "Chính quyền càng có nhiều cấm cản, người dân càng trở nên tội lỗi. Chính quyền càng có nhiều võ khí, người dân càng bị bất an. Chính quyền càng trợ cấp, người dân càng trở nên kém tự túc tự cường" (tlđd.). Chính quyền không nên xoi mói, xâm phạm cuộc sống con người (thí dụ hạn chế tự do đi lại hoặc tự do ngôn luận), vì càng xâm phạm, người dân càng mất ý chí tinh thần; càng nghi ngờ, người dân càng trở nên không tin cậy. Đạo giáo chủ trương một chính quyền giản dị, không can thiệp vào đời sống dân. Dạo giáo dạy chính quyền không dùng bạo lực "vì lực nào cũng có lực chống lại" và "bạo lực, dù có ý tốt, luôn luôn có phản ứng lên chính nó" (tlđd.). 

Một cách kỳ lạ, Đạo giáo, viết cách đây hơn hai ngàn năm, chỉ trích chính quyền xấu xa giống y hệt như tổ chức của NCQCS và ĐCSVN hiện nay về rừng luật, cấm cản dân, nghi ngờ dân, xâm phạm cuộc sống dân, dùng bạo lực với dân. Những luật lệ mơ hồ bắt bớ giam cầm dân dựa vào an ninh quốc gia, luật an ninh mạng là những cấm cản mà Đạo giáo lên án. 

Ngoài ra, Đạo giáo cảnh cáo rằng khi chính quyền dùng bạo lực với dân, họ sẽ bị phản ứng lại, nhiều khi còn mạnh bạo hơn. Đạo giáo khuyến khích dân tham gia chính trị, miễn là đừng xúc phạm ai. Điều này có nghĩa là đừng chủ động xúc phạm ai, nhưng nếu chính quyền xúc phạm dân thì dân có quyền xúc phạm lại, "vì lực nào cũng có lực chống lại" và "bạo lực, dù có ý tốt, luôn luôn có phản ứng lên chính nó" (tlđd.). Chân lý này, khi áp dụng vào cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam sẽ giúp người dân tìm ra nhiều phương thức đấu tranh, bạo động hay bất bạo động, hay cả hai. 

3. Triết lý Hy Lạp xác định chế độ độc tài là chế độ tệ mạt nhất và khõng thể tồn tại: 

Các triết gia Hy Lạp để lại nhiều tài liệu về những tư tưởng triết lý về con người, đạo đức, đức tính, xã hội, và chính trị. Ba triết gia cột trụ Hy Lạp là Socrates, Plato, và Aristotle. 

Socrates (470 - 399 TCN) được coi là người sáng lập nền triết học Tây phương, nhất là về các học thuyết đạo đức, luân lý, và tư tưởng. Plato (428/427 hoặc 424/423 - 348/347 TCN), học trò của Socrates, cùng với học trò ông là Aristotle (384 - 322 TCN), đặt nền tảng cho tư tưởng Tây phương về triết học và khoa học. Theo Plato thuật lại lời của Socrates (Reeve 2004, 238-296; Wikipedia 2018b), có 5 chế độ chính quyền theo thứ tự từ tốt nhất tới tệ nhất: quý tộc (aristocracy), tài quyền (timocracy), phú tộc (oligarchy), dân chủ (democracy), và độc tài (tyranny). Chúng ta nên ghi chú rằng chế độ dân chủ thời bấy giờ tại Athens khác xa với chế độ dân chủ hiện nay (thí dụ, không có cơ chế tam quyền phân lập). 

Chế độ độc tài (Socrates dùng người khi nói đến chế độ, thí dụ "kẻ dân chủ," "kẻ độc tài") làm nhiều việc hiểm độc, từ việc nhỏ như "ăn cắp, đột nhập nhà, giật ví bị, cướp áo quần thiên hạ, cướp đền thờ, và dẫn người ta làm nô lệ" (Bloom 2016, 255) cho đến việc lớn như "thanh trừng tổ quốc, đem những đồng chí mới vào nước... và tổ quốc sẽ thành nô lệ cho những đồng chí mới này" (tlđd., 256). Socrates mô tả những kẻ độc tài là "những người sống cả đời mà không hề có bạn với ai, mà chỉ luôn luôn là chủ người này hoặc đầy tớ người khác. Bản chất độc tài không bao giờ nếm được tự do hoặc tình bằng hữu thực sự" (tlđd.). Một cách kỳ lạ, lời của Socrates cách đây hơn hai ngàn năm ứng nghiệm y hệt với chế độ cộng sản tại Việt Nam, từ việc cướp bóc dân cho tới việc đem Tàu cộng vào nước, và làm đầy tớ Tàu cộng. 

Aristotle có cùng quan điểm với Socrates và Plato về các thể chế tuy có vài chi tiết khác biệt. Theo Aristotle, chế độ độc tài bị hủy diệt dưới hai thể thức: bên ngoài và bên trong. Chế độ độc tài bị hủy diệt từ bên ngoài khi bị một thể chế đối nghịch, thí dụ quý tộc hay tài quyền, mạnh mẽ hơn lật đổ. Chế độ độc tài bị hủy diệt từ bên trong khi những kẻ chia quyền rơi vào mâu thuẫn phe phái (Lord 2013, 159). Cách mạng cũng lật đổ chế độ độc tài khi người dân hợp lực với những lãnh tụ có tiếng tăm (tlđd., 138). 

Một số các chế độ do các triết gia Hy Lạp mô tả không còn hiện hữu hoặc biến hóa vì xã hội thay đổi và nền văn minh phát triển. Tuy nhiên, chế độ độc tài vẫn còn hiện hữu. Thể chế độc tài thời ấy cũng giống như thời nay là quyền lực nằm trong một nhóm người; điển hình là chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay. Điểm quan trọng trong ý tưởng chính trị của các triết gia Hy Lạp là thể chế độc tài là thể chế tệ hại nhất và người dân, tuy yếu đuối không có vũ khí, vẫn hợp nhau lại để lật đổ chế độ độc tài. 

4. Triết lý Âu châu và Hoa Kỳ cổ võ quyền chống đối, quyền nổi dậy, và quyền cách mạng: 

Quyển chống đối chính phủ (right to resist), đôi khi còn được gọi là quyền nổi dậy (right to rebellion), và quyền cách mạng (right to revolution), là quyền người dân nổi lên lật đổ chính quyền đương nhiệm, bằng vũ lực hay ôn hòa khi chính quyền đương nhiệm không thi hành được nhiệm vụ mà người dân giao phó. Đây không phải là quyền biểu tình thực thi quyền tự do ngôn luận, hoặc bất tuân dân sự, hoặc thuần túy quyền dùng lá phiếu trong thể thức bầu cử tại các thế chế dân chủ, mà là quyền thực sự lật đổ chính phủ (Ginsburg vnk. 2013; Wikipedia 2018a). 

Tại Âu châu, khái niệm về quyền lật đổ được phát triển qua nhiều thế kỷ. Thomas Aquinas (1225 - 1274) cho rằng việc lật đổ một chính quyền độc tài không phải là sự nổi loạn (Ginsburg et. al. 2013, 1200). John Locke (1632 - 1704) tin rằng "cơ chế chính yếu thi hành khế ước xã hội là quyền tập thể của người dân nổi lên chống lại chính quyền nếu chính quyền vi phạm những điều kiện của khế ước đó" (tlđd., 1202; Levin 2012, 102; Locke 2002, iii). Locke còn đi xa hơn, cho rằng nổi dậy không phải chỉ là quyền mà còn là bổn phận của người dân để ngăn ngừa chế độ độc tài (Ginsburg vnk. 2013, 1202; Wikipedia 2018a). Locke thực sự chủ trương "tối đa hóa cuộc cách mạng bằng bạo lực" (Carolina Journal 2013). Charles de Montesquieu (1689-1755) cổ võ tam quyền phân lập với ba ngành lập pháp, hành pháp, và tư pháp, Ba quyền lực này phải được tách rời trong ba ngành khác nhau để tránh việc cả ba nằm dưới quyền một định chế (Levin 2012, 139). Montesquieu cảnh cáo chính quyền không nên tìm cách áp đặt chống lại ý dân, vì đó là độc tài bằng lập pháp và chính quyền không nên kiểm soát hoặc can thiệp vào mọi việc (tlđd., 135-136). Ta thấy ngay NCQCS hoàn toàn đi ngược lại với cơ cấu này khi họ tập trung ba cơ quan lập pháp, hành pháp, và tư pháp dưới sự kiểm soát của ĐCSVN và tung ra hàng ngàn luật lệ xâm phạm người dân. 

Quyền nổi dậy và quyền cách mạng lan tràn khắp thế giới qua những cách mạng lật đổ chính quyền hoặc thể chế độc tài. Không phải cuộc cách mạng hay nổi dậy thành công nào cũng có chánh nghĩa. Có những cuộc cách mạng hay nổi dậy lật đổ chế độ cũ chỉ để thay thế bằng một chế độ còn tàn bạo, độc tài, và tham nhũng hơn. Các thí dụ điển hình là cách mạng Nga năm 1917, cách mạng Đức Quốc Xã năm 1933, cách mạnh Phát xít tại Ý năm 1922, và cách mạng đế quốc Meiji tại Nhật năm 1868. Tôi sẽ không thảo luận thêm về các cuộc cách mạng này một phần vì các chế độ thành lập do cách mạng đã bị sụp đổ hoặc không được phát triển. (Cuộc nổi dậy của cộng sản Việt nam không được gọi là cách mạng vì chỉ là một việc cướp chính quyền với may mắn bất ngờ tại miền Bắc năm 1945 và chiếm đóng miền Nam dưới sự yểm trợ và đỡ đầu của Nga Tàu năm 1975.) 

Khai triển trên học thuyết về "quyền cách mạng" của Locke, trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson coi việc nổi dậy chống lại chế độ độc tài của Vua George không những là một quyền mà còn là một bổn phận (Ginsburg vnk. 2013, 1203; Levin 2012, 107-114). Dựa vào lý thuyết về tam quyền phân lập của Montesquieu, Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra vào năm 1787 khởi đầu với hàng chữ "We the People" nhấn mạnh vai trò người dân trong quốc gia. Tuy Hiến pháp Hoa Kỳ không ghi rõ rệt quyền cách mạng, "[c]ho tới nay, nhiều hiến pháp tiểu bang Hoa Kỳ cho phép dân hủy bỏ chính quyền" (tlđd., 1204-1205). Bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người và Công Dân của cách mạng Pháp năm 1789 ghi rõ việc chống đối đàn áp là quyền tự nhiên, cùng với các quyền về tự do, tài sản, và an toàn (Wikipedia 2018a). 

Hiện nay, trên thế giới, khoảng 20% quốc gia có hiến pháp cho phép quyền chống đối. Đa số các quốc gia này ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Phi Châu, và vài quốc gia Âu châu (Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Bổ Đáo Nha, Slovakia) (Ginsburg vnk. 2013, 1217-1220). Có nhiều lý thuyết về lý do tại sao một thể chế chấp nhận quyền chống đối hoặc lật đổ trong hiến pháp (tlđd., 1221 - 1228). 

Quyền chống đối, quyền nổi dậy, và quyền cách mạng cho phép người dân đứng lên lật đổ chính quyền đương nhiệm khi chính quyền này không thi hành đúng nhiệm vụ trong việc thỏa mãn nguyện vọng của dân và cáng đáng trách nhiệm bảo tồn nền độc lập quốc gia và giữ gìn đất nước không bị rơi vào tay ngoại bang, cho dù một tấc đất. 

C. Kết Luận: 

Trái ngược với những với những thành kiến và lời lẽ mị dân của chính quyền về tôn giáo và triết lý, hầu hết các giảng dạy và lý thuyết tôn giáo và triết học về chính trị, cổ điển và hiện đại, khắp nơi trên thế giới, đều khuyến khích và cổ võ, trực tiếp hay gián tiếp, việc người dân tham gia chính trị, phong trào hay cuộc đấu tranh chống đối hay lật đổ chính quyền khi chính quyền đi ngược nguyện vọng người dân và đàn áp người dân khi họ biểu tình bày tỏ ý kiến và đòi hỏi. Việc hiểu biết rõ rệt về các lý thuyết tôn giáo và triết học sẽ thiết lập một niềm tin vững vàng và ý thức được chính nghĩa và cần thiết của việc tham gia vào các hoạt động đấu tranh như biểu tình, đình công, và bãi khóa. 

Đã đến lúc dân Việt và tuổi trẻ đứng lên tích cực tham gia những hoạt động chính trị và xã hội. Không cần biết cách thức hoạt động là bạo động hay bất bạo động, dân Việt phải dứt khoát quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh, chống đối những bất công, những luật lệ tàn ác, vi phạm nhân quyền, và các kế hoạch âm mưu cho việc bán nước dâng đất cho Tàu cộng. 

Có người cho rằng một cuộc đấu tranh, để đạt thành công, cần phải có tổ chức và có một nhóm lãnh đạo hay một lãnh tụ. Đúng, việc tổ chức cho cuộc đấu tranh rất quan trọng, nhưng không tối cần thiết trong giai đoạn này. Khi niềm tin và ý chí đấu tranh bùng lên mãnh liệt, sẽ có những sự việc hoặc nhân vật nổi lên bất ngờ, theo mô hình Hệ thống thích ứng phức tạp (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014). Ngoài ra, với niềm tin mạnh mẽ hun đúc bằng những ý nghĩa chính đáng về tôn giáo và triết học trình bày trong bài này, người dân Việt không cần vị lãnh tụ nào thêm vì ít nhất họ có một trong hai vị lãnh tụ có quyền lực tối cao trên trái đất lúc nào cũng ở sát bên cạnh họ. 

Đó là Đức Chúa Giê-su và Đức Phật Thích Ca. 

*

Tài Liệu Tham Khảo

tlđd.: "tài liệu đã dẫn," thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này. 

vnk.: "và người khác" dùng khi không muốn liệt kê hết tất cả tác giả vì quá dài. Lấy từ "et. al." là viết tắt của "et alia" (số nhiều trung tính), "et alii" (số nhiều nam), hoặc "et aliae" (số nhiều nữ), có nghĩa là "và người khác." 

Bloom, Allan. 2016. The Republic of Plato (with a new introduction by Adam Kirsch). Basic Books. New York, NY., U.S.A. 

Borg, Marcus J. 2008. Jesus - Uncovering the Life, Teachings, and Relevance of a Religious Revolutionary. HarperOne, New York, NY. U.S.A. 

Ching, Hsiao. 1908. (Translated by Ivan Chen). The Book of Filial Duty. John Murray. London, U.K. 

Confucius. 2008. Raymond Dawson (dịch và ghi chú). The Analects. Oxford University Press. New York, NY., U.S.A. 

Copan, Paul. 2011. Is God a Moral Monster? Making sense of the Old Testament God. Baker Books. Grand Rapids, MI., U.S.A. 

Dalai Lama, The. 1990. Freedom in Exile. The Autobiography of the Dalai Lama. HarperCollins, Paperback edition. New York, NY., U.S.A. 

Dalai Lama, The. 1998. Laurence Freeman (giới thiệu và Bối Cảnh Ki-tô giáo), Thupten Jinpa (dịch và ghi chú), Robert Kiely (Biên tập và Lời Nói Đầu). The Good Heart. A Buddhist Perspective on the Teachings of Jesus. Wisdom Publications. Somerville, MA., U.S.A. 

Dalai Lama, His Holiness The và Carrière, Jean-Claude. 2001. Violence & Compassion - Dialogues on Life Today. Image Books, Doubleday, New York, NY., U.S.A.. 

Dalai Lama, His Holiness The và Chodron, Thubten. 2017. Approaching the Buddhist Path. Wisdom Publications. Somerville, MA., U.S.A. 

Deshung Rinpoche. 2003. Translated by Jared Rhoton. The Three Levels of Spiritual Perception - A Commentary on The Three Visions. Wisdom Publications. Somerville, MA., U.S.A. 

Eglauer, Martina. 2008. The Mencius in the Writing of Hu Shi, trong "The Book of Mencius and its Reception in China and beyond," Chun-Chieh Huang, Gregor Paul, và Heiber Roetz (Eds.). Harrassowitz Verlag. Germany. 

Friesen, Philip E. 2010. The Old Testament Roots of Nonviolence. Abraham’s Personal Faith, Moses’ Social Vision, Jesus’ Fulfillment, and God’s Work Today. Wipf & Stock. Eugene, OR., U.S.A. 

Hendricks, Obery M. 2006. The Politics of Jesus. Three Leaves Press. New York, NY. U.S.A. 

Horsley, Richard A. 2005. "By the Finger of God": Jesus and Imperial Violence, trong "Violence in the New Testament," Shelley Matthews và E. Leigh Gibson Eds. T & T Clark International, New York, NY., U.S.A. 

Lamb, David T. 2011. God Behaving Badly. Is the God of the Old Testament Angry, Sexist and Racist? InterVarsity Press. Downers Grove, IL., U.S.A. 

Levin, Mark R. 2012. Ameritopia. The Unmaking of America. Threshold Editions. New York, NY., U.S.A. 

Lewis, C.S. 2001. The Weight of Glory. HarperOne. New York, NY. U.S.A. 

Locke, John. 2002. The Second Treatise of Government & A Letter Concerning Toleration. Dover Thrift Editions, New York, NY., U.S.A. 

Lord, Carnes (Translated with introduction, notes). 2013. Aristotle's Politics.Second edition. The University of Chicago Press. Chicago, IL., U.S.A. 

McLeod, Melvin (Ed.). 2006. Mindful Politics. A Buddhist Guide to Making the World a Better Place. Wisdom Publications. Somerville, MA., U.S.A. 

Nosco, Peter. 2008. Confucian perspectives on civil society and government, trong "Confucian Political Ethics," Daniel A. Bell (Ed.). Princeton University Press. Princeton, NJ., U.S.A. 

Rahula, Walpola. 1974. What the Buddha taught. Grove Press. New York, New York, U.S.A. 

Reeve, C.D.C. 2004. Plato Republic. Hackett Publishing Company, Inc. Indianapolis, IN., U.S.A. 

Shih, Hu. 1946. Chinese Thought, trong "China," Harley Farnsworth MacNair (Ed.). University of California Press, Berkeley và Los Angeles, CA., U.S.A. 

Tatz, Mark (Translator). 2001. The Skill in Means Sutra. Reprint Edition. Motilal Banarsidass, Delhi, India. 

Thurman, Robert. 1999. Inner Revolution – Life, Liberty, and the Pursuit of Real Happiness. First Riverhead paperback edition. The Penguin Group. New York, New York, U.S.A. 

Trocmé, André. 2003. (Edited by Charles E. Moore.) Jesus and the nonviolent revolution. Revised and expanded edition. Plough Publishing House, Walden, New York, U.S.A. 

Van Norden, Bryan W. 2008. Mengzi with selections from traditional commentaries. Hackett Publishing Company, Inc. Indianapolis, IN., U.S.A. 

Wink, Walter. 2003. Jesus and Nonviolence. A Third Way. Fortress Press, Minneapolis, MN., U.S.A. 

Wong, Eva. 1997. Taoism. An Essential Guide. Shambhala Publications, Inc. Boston, MA., U.S.A. 

Nguồn Internet

Astiadi, Sasha. 2014. A proverb explained: Tyranny is Fiercer Than a Tiger. 21-1-2014. http://www.theworldofchinese.com/2014/01/a-proverb-explained-tyranny-is-fiercer-than-a-tiger/ (truy cập 14-8-2018). 

Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Biết người biết ta (Phần 1): Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh. 17-7-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/07/biet-nguoi-biet-ta-phan-1-tinh-chat-va.html (truy cập 17-8-2018). 

Carolina Journal. 2013. Friday Interview: The Role of Violence in Locke’s Second Treatise. 8-11-2013. https://www.carolinajournal.com/news-article/friday-interview-the-role-of-violence-in-lockes-second-treatise/ (truy cập 14-8-2018). 

Ginsburg, Tom; Lansberg-Rodriguez, Daniel; và Versteeg, Mila. 2013. When to Overthrow your Government: The Right to Resist in the World's Constitutions. 60 UCLA Law Review 1184. 2013. https://chicagounbound.uchicago.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=5102&context=journal_articles (truy cập 14-8-2018). 

Hankins, Luke. 2014. Liberty and Small Government in Tao te Ching. 22-4-2014. https://fee.org/articles/liberty-and-small-government-in-tao-te-ching/ (truy cập 16-8-2018). 

Liu, Dimon. 2016. This House Believes that Liberal Democracy is not possible in China. Dissident. 26-7-2016. http://blog.victimsofcommunism.org/this-house-believes-that-liberal-democracy-is-not-possible-in-china/ (truy cập 15-8-2018). 

Mattis, Peter. 2012. In a Fortnight. Another Lei Feng Revival: Making Maoism safe for China. The Jamestown Foundation. China Brief. Vol. XII. Issue 5. March 2, 2012. https://jamestown.org/wp-content/uploads/2012/03/cb_03_05.pdf?x87069(truy cập 14-8-2018). 

Yifa, Venerable. 2008. Story of the Compassionate Ship's Captain. 29-9-2008. http://venyifa.blogspot.com/2008/09/story-of-compassionate-ships-captain.html(truy cập 16-8-2018). 

White, Chuck. 2016. Does "turn the other cheek" mean that Christians are to be doormats? 9-3-2016. http://thoughtfulcatholic.com/?p=45181 (truy cập 14-8-2018). 

Wikipedia. 2018a. Right of Revolution. Thay đổi chót: 13-6-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Right_of_revolution (truy cập 14-8-2018). 

_________. 2018b. Plato's five regimes. Thay đổi chót: 2-7-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Plato%27s_five_regimes (truy cập 16-8-2018). 

© 2018 Cao-Đắc Tuấn 

0 comments:

Powered By Blogger