Wednesday, August 15, 2018

Giải phóng hay không giải phóng? đâu là chính danh

Người lang thang (Danlambao) - Giải phóng hay không giải phóng? Một câu hỏi dẫn dến biết bao cuộc tranh luận của người Việt cả trong và ngoài nước, giữa những người đã tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến tàn bạo và những người đã trải qua giai đoạn lịch sử đẫm máu của dân tộc.

Chiến tranh VN kết thúc vào ngày 30.4.1975 đến nay đã 43 năm. VN thống nhất về mặt địa lý nhưng sự bất đồng gay gắt về quan điểm chính trị khiến người Việt vẫn không thể bắt tay nhau. Nguyên do là thiếu một sân chơi sòng phẳng. Đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo một nước Việt Nam thống nhất luôn tự hào về vai trò và công lao của họ trong cuộc chiến tranh mà họ gọi là chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam nên không chấp nhận những ý kiến vượt ngoài cương lĩnh chính trị đã định sẵn. Cuộc chiến này đã lấy đi mạng sống của gần 4 triệu người Việt. Chiến thắng quân sự của cộng sản vào mùa xuân 1975 đã mở đầu cho nhiều năm tháng bất hạnh, đầy nước mắt cúa người dân miền Nam, miền đất được giải phóng theo cách gọi của bên thắng cuộc.

Nếu giải phóng được hiểu theo sự tuyên truyền là để thống nhất đất nước, cứu một miền Nam thoát khỏi tình trạng nô lệ ngoại bang, đàn áp của ngụy quyền và đói khổ thì các câu nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc” (Lê Duẩn), “Nhà ngụy ta ở,vợ ngụy ta lấy, con ngụy ta sai”(Nguyễn Hộ) và “Ngày 30 tháng Tư có triệu người vui thì có triệu người buồn” (Võ Văn Kiệt) đã lột trần mục đích thật sự của cuộc chiến thần thánh do Hồ Chí Minh phát động, bản chất tàn bạo điên cuồng và nỗi hối hận muộn màng của những người cộng sản. Ngòi bút của một vài nhà văn, nhà báo miền Bắc đã mô tả cái thực trạng giải phóng đau lòng này:

Dương Thu Hương (trả lời đài RFA) "Vào miền Nam tôi đã khóc, vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ. Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi vì họ hung hăng hơn. Họ, phía bên thua cuộc, có thể văn minh hơn về văn hóa nhưng họ kém về phương diện tổ chức quân sự". 

Huy Đức (Bên Thắng Cuộc): "Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng choé trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn".

Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dầy, Thép Đã Tôi Thế Đấy. Những chiếc máy Akai, radio cassette được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có đêm trường sơn nhớ Bác. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi".

Châu hiển Lý (Bộ đội tập kết 1954): Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra bắt đầu từ ngày 30.04.1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn chiến thắng. Hoà bình và thống nhất chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc....

Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong ḷich sử Việt Nam. Con cháu, chút chít chúng ta sẽ nhắc lại nó như một thời kỳ… đồ đểu! Vết nhơ muôn đời của nhân loại. 

Với khí thế sùng sục say men chiến thắng trộn lẫn với lòng căm thù, bên thắng cuộc đã mau chóng xây dựng các trại tập trung khắp nước để cải tạo tư tưởng chính tṛi, đày đọa thân xác hàng trăm ngàn quân cán chính miền Nam và tiến hành cải tổ kinh tế theo đường lối xã hội chủ nghĩa bằng chính sách đánh tư sản, kinh tế mới và hợp tác xã. Hậu quả là hàng vạn tù nhân cải tạo bỏ xác nơi rừng sâu nước độc, những làn sóng vượt biên tỵ nạn cộng sản và cái chết của trăm ngàn người ngoài biển khơi, gia đình ly tán, xã hội bị bần cùng hóa và nền kinh tế quốc gia bị phá sản toàn diện.

Công pháp quốc tế đặt ra một số điều kiện mà một quốc gia cần phải có trước khi chính phủ của nó được công nhận và trở thành thành viên liên hiệp quốc:

1) dân cư
2) lãnh thổ
3) chính quyền
4) khả năng thiết lập quan hệ với các quốc gia khác
(The Montevideo convention 1933). 

Ngoài ra, vấn đề lãnh thổ không bị các quốc gia khác yêu sách và chính quyền phải kiểm soát hiệu quả lãnh thổ quốc gia mình cũng được đề cập đến. Hai miền Nam Bắc đều hội đủ 4 tiêu chuẩn trên. Đây là 2 quốc gia riêng biệt, độc lập trên lãnh thổ VN từ năm 1955. Như vậy, việc xử dụng sức mạnh quân sự để tước đoạt chính quyền và chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác là hành vi xâm lược. Miền Nam đã bị cưỡng chiếm. Núp dưới chiêu bài giải phóng, cuộc chiến này không những sai lầm mà còn là tội ác bởi vì nó quá tàn nhẫn nhưng lại được che đậy bằng sự dối trá. Dối trá được khai thác tối đa để che đậy dã tâm. Không ai giỏi hơn những người cộng sản về thủ đoạn này. "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải đánh cho được độc lập" (Hồ Chí Minh). Đâu là sự thật núp sau câu nói này? Họ Hồ vì lý tưởng cộng sản đã ném cả dân tộc này vào lò lửa chiến tranh.

Nói dối như là đường chỉ tay gắn liền với vận mệnh dân tộc. Có lẽ nó đã trở thành quán tính, một bản sắc Việt. Nó ở khắp mọi nơi, xâm nhập vào mọi lĩnh vực trong đời sống. Người ta hòa nhập và thản nhiên xử dụng nó. Cách xử dụng ngôn từ của người Việt hiện nay là một thí dụ. Nó phiêu bồng theo kiểu “buồn vui kia là một, như quên trong nỗi nhớ” (Trịnh Công Sơn). Tu tập để tự giải thoát nếu sai cũng chẳng hại ai. Nhưng danh từ thành động từ, tính từ thành danh từ v.v... và v.v... thì hại cả nền văn hóa. Trong chính trị, lộng giả thành chân thì hại cả dân tộc. Người cộng sản đã thành công trong việc tẩy não. Từ xâm lược biến thành giải phóng. Ngụy danh biến thành chính danh. Giải thích thế nào đây khi lót đường bằng máu và xác của 4 triệu đồng bào 2 miền chỉ vì mơ mộng chủ nghĩa xã hội. Ngày giải phóng, trước giải phóng, sau giải phóng, quân giải phóng… những câu nói vẫn thoát ra hàng ngày từ cửa miệng của rất nhiều người. Họ đã trở nên vô tri vô giác như những chiếc loa phường. Đảng là bộ óc và nhân dân là sản phẩm. Đã đến lúc có thể tháo gỡ những cái loa phường treo khắp đầu đường xó chợ vì đảng đã chế tạo thành công những công cụ sống phát sóng tình nguyện. 

Giải phóng hay không giải phóng? Vấn đề của người Việt sau cuộc chiến tranh Nam Bắc và To be or not to be của anh chàng Hamlet trong vở kịch của Shakespeare có chỗ nào tương đồng?


0 comments:

Powered By Blogger