S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Không hiểu có chuyện chi (“bức xúc”) mà bữa rồi, bỗng nhiên, FB Đỗ Ngà đặt ra cho mọi người một câu hỏi khó: “Vấn đề là khi nào dân Việt Nam biết vứt bỏ câu nói tự vong kiểu ‘có lên tiếng cũng chẳng làm được gì’ thì lúc đó, dân tộc này sẽ đổi vận.”
Biết đến “khi nào” lận, hả Trời? Tất nhiên, “mọi người” đều im re hết ráo - trừ blogger Bùi Thanh Hiếu:
“Bạn và tôi, và chẳng ai trên đất nước này có trách nhiệm đi tìm câu trả lời này. Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu. Số phận đổ lên đầu gia đình nào, gia đình đó chịu. Chưa phải gia đình mình, mà có phải gia đình mình thì chúng ta tự nhủ là nhiều nhà khác còn bị như vậy.”
Cuối thế kỷ trước, cũng đã có lần, bác Hà Sĩ Phu thốt ra những lời đắng cay tương tự: “Ý thức xã hội rất thấp, trước khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ, vô cảm và trơ trơ trước nỗi đau chung.”
Qúi vị thức giả thượng dẫn, nói nào ngay, chả nói được điều chi lạ lùng hay mới mẻ. Thân ai nấy lo/ hồn ai nấy giữ/ đèn nhà ai nhà nấy sáng/ mạnh ai nấy chạy/ nhất giải kiến phận... đều là những châm ngôn đã có tự ngàn xưa, có thể được xem là “túi khôn” hay cách xử thế đặc thù của... văn hoá Việt: “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.”
Những nền văn hoá khác, xem ra, hơi khác. Báo Thanh Niên, số ra ngày 17 tháng 5 năm 2018, vừa ái ngại loan tin: “Thấy cha ôm con gái 2 tuổi nhảy sông, chàng Tây nhảy theo để cứu.”
Bản tin không đề cập chi đến danh tính, hay quốc tịch của “chàng Tây” nhưng tôi đoán cha nội chắc chắn phải là người Đức hay gốc Đức - một giống dân rất “đa đoan” và “hiếu sự!”
Năm trước có một ông “tham quan” VN trốn qua xứ sở này xin tị nạn, rồi bị công an từ trong nước sang tận nơi lôi về trị tội. Chỉ có thế thôi mà họ làm to chuyện. Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Ngoại Trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: "Đây là điều chưa có tiền lệ... chúng tôi không thể dung thứ và sẽ không dung thứ."
Tưởng đâu là thằng chả chỉ ra vẻ hùng hổ, và “làm dữ” chút chơi, cho nó đỡ mất mặt bầu cua chút xíu thôi. Chớ để lâu rồi cũng cứt trâu cũng hoá bùn ráo trọi mà. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thối!
Gần cả năm trời trôi qua cứt trâu vẫn nhất định không chịu hoá bùn mà sự việc mỗi lúc, xem chừng, càng thêm rối rắm. Từ Berlin – sáng nay 21 tháng 5 năm 2018 – nhà báo Le Trung Khoa vừa ái ngại loan tin (với đôi chút buồn phiền) rằng: “Chính phủ Đức ra lệnh truy nã quốc tế cán bộ cấp rất cao của Bộ Công an Việt Nam. Anh Tô Lâm làm ăn thế này hơi dở, vào nhà người ta khiêng trộm ông Trịnh Xuân Thanh về cho TBT Nguyễn Phú Trọng - nên giờ đất nước mới ra nông nỗi này! (đêm nay đăng chi tiết ).”
Khỏi cần đợi tới “đêm nay,” và cũng hả cần phải là thầy bói, ai cũng biết trước được rằng vụ này sẽ lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và (e) còn lôi thôi lắm.
Ảnh biếm họa. Nguồn: internet
Sao năm nay “vận nước” xui dữ vậy cà?
Đây đâu phải là lần đầu tiên mà công an VN, chạy qua nước khác, “khiêng trộm” người về. Mấy vụ trước đều im re (và êm ru bà rù) tuốt luốt. Lần cuối, lực lượng an ninh “khiêng” Lê Trí Tuệ từ Cambodia về có ai hay biết (hoặc quan tâm, hoặc quan ngại) gì đâu - trừ một người duy nhất là bà Lê Thị Hồng Phương.
Qua một cuộc trao đổi ngắn giữa bào tỷ của nạn nhân và biên tập viên của RFA, vào hôm 3 tháng 2 năm 2014, thiên hạ mới được biết qua sự việc:
Mặc Lâm: Thưa bà, xin bà cho biết chi tiết về trường hợp của em bà là anh Lê Trí Tuệ đã mất tích trong trường hợp nào?
Bà Lê Thị Hồng Phương: Dạ, em của tôi là Lê Trí Tuệ, sau ba năm quân ngũ thì em tôi được đào tạo một khóa học do nhà nước tổ chức và được cấp bằng trong lĩnh vực kinh doanh vể đào tạo lại cho người lao động đi xuất khẩu cũng như cho các cơ quan, đoàn thể và các công ty cần thiết lao động.
Thế nhưng trong thời gian làm việc đó thì chính bản thân của em tôi cũng giống như các đồng nghiệp và nhiều người lao động khác không nhận được chế độ đặc biệt và công bằng trong lao động vì vậy trong năm 2006 em tôi đã cùng thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam và tới năm 2007, trong cả thời gian dài như vậy em tôi đã bị quy tội là chống đối nhà nước và thường bị sách nhiễu. Em tôi bị đối xử không công bằng nên không còn con đường sống nào khác phải trốn khỏi Việt Nam để sang Campuchia tỵ nạn.
Mặc Lâm: Lần cuối cùng gia đình bà còn liên lạc được với anh Lê Trí Tuệ là khi nào?
Bà Lê Thị Hồng Phương: Vào tháng 4 năm 2007 đến tháng 5 năm 2007 trong gần một tháng lần cuối cùng thì Tuệ gọi điện về gia đình và nói rằng ngày mai thì em sẽ rời khỏi Campuchia để đi Thái Lan và cũng từ hôm đó em tôi mất tích, không có thêm một tin tức gì nữa.
Ngay ngày hôm sau tờ báo Công an Nhân dân Việt Nam đã phát đơn truy nã em tôi. Cả một thời gian dài trong nhiều năm qua gia đình tôi cũng luôn nghe ngóng theo dõi tìm hiểu tin tức về Tuệ nhưng không hề có manh mối nào cả...
Mặc Lâm: Anh Tuệ bị mất tích tại Phnom Penh, Campuchia vì vậy bà có nghĩ rằng khi đến Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc Thái Lan kêu cứu thì người ta có thể từ chối đơn kêu cứu của bà hay không?
Bà Lê Thị Hồng Phương: Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc trước kia có trụ sở ở Campuchia, Phnom Penh nhưng sau đó đã chuyển sang Thái Lan cho nên tôi cũng lặn lội đến đây vì tôi biết hồ sơ em tôi còn có nguồn gốc tại Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Thái Lan. Tôi tha thiết nguyện vọng xin Cao Ủy theo dõi về trường hợp mất tích của em tôi và sớm cho gia đình chúng tôi có sự trả lời.
Mặc Lâm: Từ Châu Âu xa xôi bà lặn lội đến Thái Lan để nộp đơn kêu cứu tới Cao Ủy, xin bà cho biết nội dung trong đơn có chi tiết gì đặc biệt khiến cho họ phải chú ý hay không?
Bà Lê Thị Hồng Phương: Dạ, vì trường hợp của Lê Trí Tuệ được Cao Ủy Liên hiệp quốc biết rất rõ về hoàn cảnh, điều kiện và đã cấp cho Tuệ một quy chế tỵ nạn giống như một trường hợp được bảo vệ đặc biệt đối với Tuệ. Trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ tôi thấy có điều gì đó còn uẩn khúc vì Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc tại Campuchia đã có đầy đủ thông tin hồ sơ của Tuệ rồi và hiện bây giờ tôi tin là đã chuyển về Thái Lan và bên Phnom Penh không còn nữa. Vì vậy tôi đã lặn lội qua Thái Lan yêu cầu giống như để kêu cứu các đoàn thể quốc tế cũng như Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc quan tâm tới trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ...
Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007.
Đã hơn mười năm trôi qua. Tuyệt nhiên, không thấy “các đoàn thể quốc tế cũng như Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp quốc” có chút “quan tâm” nào xất. Dân Việt, từ trong ra ngoài, cũng thế. Chả ai bận tâm xíu xiu nào về việc nhà nước hiện hành bắt cóc một công dân lương thiện mang đi cất dấu (hay giết hại) cả.
Nói theo Bùi Thanh Hiếu là “chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu.” Thằng em ví von nghe cũng hay hay nhưng thiệt ra thì trật lất. Bạn thử nhào vào giữa đàn gà, và cố bắt một con xem ... Chúng nó kêu “quang quác” lên ngay, chứ đâu có im re như người... Việt!
0 comments:
Post a Comment