Mai V. Pham (Danlambao) - Nếu những người tự nhận là trí thức hay được nhìn nhận là trí thức, chỉ muốn an thân và cam chịu, quì gối cúi đầu phục vụ bạo quyền, vô cảm trước nỗi đau và sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam, để có cuộc sống sung túc hơn đám đông còn lại thì mang lại danh dự gì cho con cháu họ sau này?
Một nông dân họ Mao trước đây đã từng nói: "Trí thức không bằng cục phân", vì ít ra cục phân nuôi dưỡng sự phát triển của cành rau, cây lúa. Trí thức Việt Nam nuôi dưỡng cái gì nếu không dám dấn thân?...
*
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận để tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Thế nào là trí thức" (intellectuals)? Người Việt Nam thường hiểu trí thức như những người có học vị và bằng cấp cao. Tuy nhiên, cách hiểu đó không đúng do thiếu rất nhiều đặc tính phải có của trí thức.
Thế nào là trí thức?
Trong thời kì Nga hoàng (Tsar), vua Alexander II đã gửi những trí thức "intelligentsia" sang các nước phương Tây để học tập về các nền văn minh và sau đó " intelligentsia" phải quay trở về Nga để áp dụng những nghiên cứu đó, giúp ích cho nền chính trị nước nhà.
Cách Mạng Tháng Mười Nga năm 1917 được lãnh đạo thành công bởi nhóm trí thức Bolshevik, gồm Lenin và Trotsky, khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản bạo lực và dối trá.
Những trí thức Hoa Kỳ đã biết kết hợp và gắn bó với nhau mang tới thắng lợi cho Cách Mạng Hoa Kỳ (American Revolution), khai sinh ra Hợp Chủng Quốc Hoa Kì vào 7/1776: Benjamin Franklin với ý niệm chủ nghĩa Quốc gia (Nationalism); Thomas Paine với cuốn sách "Lẽ Thường" (Common Sense) truyền cảm hứng, cổ võ cho một Hoa Kỳ độc lập; Samuel Adams lãnh đạo các công nhân Massachusets phản đối thành công việc đóng thuế cho Anh; Thomas Jefferson với bản Tuyên ngôn Độc lập hùng hồn; và sự lãnh đạo tài tình của George Washington.
Sự kết hợp giữa giới trí thức và công nhân Ba Lan đã tạo nên Công Đoàn Đoàn Kết, là một trong những phong trào góp phần hạ bệ chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan.
Giới trí thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải thể chủ nghĩa cộng sản tại Liên bang Soviet. Cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev, là kiến trúc sư của chính sách cải cách và công khai, đã trả lời phỏng vấn như sau: "Mô hình Liên Xô đã thất bại không chỉ về kinh tế và xã hội, nhưng còn bị đánh bại về văn hóa. Xã hội của chúng ta, dân tộc của chúng ta, những người có học thức cao nhất, trí thức nhất đã bác bỏ mô hình đó ở cấp độ văn hóa vì nó không tôn trọng con người, áp bức họ về cả mặt tinh thần lẫn chính trị".
Mông Cổ (Mongolia) là một quốc gia Trung Á, từng bị Trung Quốc cai trị từ cuối thế kỷ 17 đến năm 1911. Từ tháng 11/1924, nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ chính thức ra đời, nhưng thực chất là một quốc gia cộng sản, thuộc Liên bang Soviet. Tháng 12/1989, khoảng 300 người, gồm trí thức và sinh viên, liên kết lại thành lập Liên minh Dân chủ Mông Cổ (MDU-Mongolia Democratic Union), là tổ chức chính trị đầu tiên thách thức chế độ độc đảng tại Mông Cổ. MDU đã bắt đầu tổ chức các cuộc diễn hành tại Ulaanbaatar, yêu sách chính quyền cộng sản bầu cử tự do, đa đảng, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, và cải cách kinh tế, xã hội. Tháng 2/1990 Đảng Dân Chủ MDP (Mogolian Democratic Party) được thành lập. Tiếp đến 3/1990, Đảng Quốc gia Tiến bộ MNPP (Mogolian National Progress Party), Đảng Xã hội Dân chủ MSDP (Mongolian Social Democratic Party) liên tiếp được thành lập bởi phần lớn các trí thức tinh hoa (1). Một học giả đã từ bỏ Đảng cộng sản nói: "Trí thức Mông Cổ luôn luôn chống lại chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ". Rất nhiều trí thức Mông Cổ buộc phải tị nạn vì thái độ bất tuân với chính quyền cộng sản, nhưng họ không bao giờ ngừng chỉ trích chế độ cộng sản (2).
Bảng phân bổ số ghế các Đại biểu quốc hội Mông Cổ theo đảng phái,
trong đó thành phần trí thức chiếm đa số.
Những dẫn chứng kể trên chứng minh được vai trò tối quan trọng của trí thức trong bất kì cuộc cách mạng đấu tranh nào. Trí thức không chỉ là người có trí tuệ, nhưng còn biết sử dụng tri thức để phản đối sai trái và phản kháng bất công, để mang đến sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội. Trí thức thực sự gắn bó bản thân với mọi mặt của chính trị và xã hội để trở thành một tác nhân của lịch sử. Trí thức đúng nghĩa phải có ít nhất 3 đặc tính sau:
1. Dấn thân chính trị: trí thức phải dũng cảm phản kháng bất bình đẳng, bất công trong xã hội để bảo vệ sự thật, công lý, tự do dù có trả giá bằng tính mạng cũng không từ nan.
2. Suy nghĩ độc lập: trí thức phải dám hy sinh lợi ích cá nhân, phe nhóm, có quan điểm độc lập, không lệ thuộc hoặc bị chi phối, ảnh hưởng bởi bất cứ ai, và sẵn sàng bảo vệ quan điểm bằng mọi giá.
3. Gắn bó xã hội: trí thức phải dám gắn bó với các phong trào xã hội và sẵn sàng thành lập các phong trào hoặc tổ chức vì lợi ích chung của xã hội.
Như vậy, bằng cấp cao hoặc kiến thức chuyên môn không làm nên trí thức, nhưng phải là thái độ. Trí thức đúng nghĩa bày tỏ thái độ chính trị, sẵn sàng phản kháng bất công, suy nghĩ độc lập và luôn thao thức tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của xã hội. Việt Nam có trí thức đúng nghĩa hay không?
Câu trả lời ngắn là có nhưng rất ít. Việt Nam hiện có hơn 26.000 ngàn thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng đại đa số ở ẩn, tránh xa hoạt động chính trị hoặc thậm chí cộng tác với nhà cầm quyền cộng sản để đổi lấy đặc quyền. Vì thế, họ chắc chắn không thể được xem là trí thức. Nếu Việt Nam có 1% trí thức đúng nghĩa, thì chế độ độc tài toàn trị đã không tồn tại đến tận ngày nay.
Trí thức đúng nghĩa dấn thân chính trị
Đã rất nhiều lần, người viết nhấn mạnh, giải pháp chính trị cho thảm họa độc tài cộng sản Việt Nam, là xây dựng một hoặc nhiều tổ chức chính trị có tầm vóc. Chỉ có một kết hợp chính trị lương thiện, dựa trên nền tảng lòng yêu nước, mới hiệu quả đưa đất nước thoát khỏi ách độc tài toàn trị. Tuy nhiên, một tổ chức chính trị chỉ lớn mạnh khi có được sự tham gia và đóng góp của trí thức đúng nghĩa.
Có ý kiến cho rằng "Việt Nam chưa có dân chủ vì chưa có được sự ủng hộ của nhân dân, chứ không phải vì sự thiếu vắng của trí thức".
Quần chúng hoặc nhân dân ở đây tạm hiểu là tất cả công dân Việt Nam, bao gồm nhiều thành phần có nghề nghiệp khác nhau. Người viết tạm chia ra 2 thành phần chính: quan tâm và không quan tâm chính trị.
1. Những người quan tâm chính trị, nhưng không nắm được bản chất và đường lối của đấu tranh dân chủ, sẽ gặp khó khăn trong việc dẫn dắt người khác. Và trong số nàylà nhiều người có cuộc sống kinh tế khó khăn, khiến họ chỉ có thể ủng hộ tinh thần cho cuộc đấu tranh dân chủ.
2. Những người không quan tâm chính trị phần lớn do sợ hãi đến từ chính sách ngu dân và vũ lực của đảng cộng sản. Cũng vậy, có thể nhiều người trong số này nghèo khổ, là rào cản lớn nhất giới hạn sự quan tâm của họ đối với thực trạng đất nước.
Như vậy, quần chúng mà quan tâm chính trị và chán nản với sự lãnh đạo độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam, về căn bản đã ủng hộ dân chủ rồi. Do đó, nhận định"Việt Nam chưa có dân chủ vì chưa có được sự ủng hộ của nhân dân" là không thỏa đáng. Có được sự ủng hộ của quần chúng rồi thì sao? Vẫn phải có tổ chức lãnh đạo. Nên nhớ, nhân dân rất thực tế. Họ chỉ chấp nhận lời vận động tham gia của tổ chức khi biết chắc nó sẽ thành công. Truyền bá tư tưởng và vạch ra chiến lược là vai trò của tổ chức.
Napoleon từng nhấn mạnh: "Quần chúng chỉ là con số không dài vô tận, giá trị chỉ là con số đầu". Những con số đầu là vai trò lãnh đạo vô cùng quan trọng của lãnh tụ xuất chúng hoặc tổ chức với đường lối, cương lĩnh rõ ràng. Tóm lại, nhân dân chỉ có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình khi được lãnh đạo và dẫn dắt bởi tổ chức chính trị.
Chính vì thế, phải hình thành được một hoặc nhiều đảng đối lập lớn mạnh, với đội ngũ nòng cốt là các trí thức đúng nghĩa, để hướng dẫn quần chúng cũng như tạo áp lực chính đáng lên Đảng cộng sản Việt Nam.
Những trí thức đúng nghĩa dẫn chứng ở trên đã mang đến sự thay đổi chính trị và xã hội quan trọng cho đất nước của họ. Lịch sử thế giới đã chứng minh trí thức là kiến trúc sư và diễn viên chính của các cuộc tranh đấu thay đổi thể chế.
Cách mạng Xiêm 1932 (Promoters Revolution) trong lịch sử Thái Lan là một cuộc đảo chính không đổ máu nhằm lật đổ vua Prajadhipok và lần đầu tiên thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng quân chủ lập hiến. Cuộc đảo chính này được lãnh đạo bởi sự kết hợp chặt chẽ của giới trí thức tinh hoa và quân đội Thái Lan.
Nếu Việt Nam có đội ngũ trí thức đúng nghĩa, cũng biết tìm đến và kết hợp với nhau tạo thành tổ chức mạnh, thì việc giải thể chế độ cộng sản độc hại sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Vì sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ?
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam chưa có dân chủ là vì chưa tạo dựng được một hoặc nhiều tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh. Vì sao? Ngắn gọn là vì Việt Nam vắng bóng trí thức đúng nghĩa.
Khổng Tử với văn hóa Nho Giáo ảnh hưởng quá lớn đến Trung Quốc và Việt Nam. Khổng Tử chọn chính trị vì muốn làm quan phục vụ triều đình và chỉ từ bỏ giấc mộng, mở trường dạy học sau nhiều thất bại. Các học trò của Khổng Tử cũng được đào tạo với giấc mộng làm quan, phải hết lòng phò trợ "minh quân" cai trị dân chúng, lấy sự bền vững của chế độ làm mục tiêu, thay vì cống hiến cho lợi ích của đất nước và dân tộc.
Khổng Tử đã từng dạy học trò: "Nước nguy thì chớ vào, nước loạn thì chớ ở, hoàn cảnh tốt thì ra làm quan, hoàn cảnh xấu thì ẩn mình". Rõ ràng, triết lý này của Khổng Tử khuyến khích kẻ sĩ thần phục tầng lớp cai trị và rũ bỏ trách nhiệm thiêng liêng đối với tổ quốc: có ăn thì vào, không có ăn thì rút lui chờ thời. Văn hóa Khổng Giáo, "văn hóa vô tổ quốc", đã sản sinh ra tầng lớp trí thức nô lệ, thụ động, hèn nhát, cúi đầu phục vụ cho chế độ cai trị để có ăn dù cho nó có hung bạo và phi nghĩa đến mấy.
Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, dường như rất ít trí thức dám lên tiếng phhe bình hay chỉ trích những hôn quân gian ác để mưu cầu công bằng cho nhân dân và hưng thịnh cho đất nước. Nho giáo đã rất thành công trong suốt chiều dài phong kiến vì đã tạo ra được những con người chỉ biết an phận, biến mình thành công cụ cho kẻ cầm quyền.
Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay cũng đang tìm cách khôi phục lại Nho giáo nhằm ngăn cản tiến trình dân chủ hóa đất nước. Phần lớn trí thức Việt Nam cầu an, vô cảm, đóng chặt lương tri trước sự độc ác và hung tàn của chính quyền cộng sản, trước sự quằn quại trong nghèo khổ và bất công của dân tộc Việt Nam. Sự sợ hãi và an phận đã khiến phần lớn trí thức nhắm mắt, bịt tai, cúi đầu, câm miệng trước đàn áp man rợ và âm mưu bán nước của Đảng cộng sản. Kế thừa khoảng thời gian dài thấm nhuần Nho giáo, trí thức Việt Nam ngày nay gần như đầu hàng đã vô điều kiện nỗi sợ mang tên đảng cộng sản, bản năng phản kháng đã bị tê liệt, mất khả năng suy nghĩ độc lập và trở nên vô cảm và đớn hèn. Vì thế, phải đau xót thừa nhận rằng Việt Nam có rất ít trí thức đúng nghĩa, tức thành phần trí thức dấn thân chính trị.
Thay lời kết
Trí thức Việt Nam có xót xa khi nhìn hình ảnh bạo lực của các em học sinh nắm tóc, đấm đá nhau rất dã man trước sự dửng dưng của những người chung quanh? Trí thức Việt Nam có nhói đau khi nghe tiếng khóc tức tưởi của những gia đình có người thân bị công an đánh chết? Trí thức Việt Nam nghĩ gì khi các đảng viên công khai tham nhũng, trục lợi và lạm quyền để gia đình họ sống như bậc vương giả? Trí thức Việt Nam có tức giận khi Đảng cộng sản Việt Nam thần phục đớn hèn và lệ thuộc quá đáng vào chính quyền cộng sản Trung Quốc? Trí thức Việt Nam có thấy xấu hổ trước những thế hệ thanh niên sinh viên trẻ dũng cảm lên tiếng chống tham nhũng và bất công, như Phan Kim Khánh đã bị nhà nước cộng sản tuyên án 6 năm tù?
Hoa Kỳ, Pháp, Ba Lan, Estonia, Mông Cổ… đều đã giành được thắng lợi dân chủ nhờ vào sự kết hợp quyết tâm của đội ngũ trí thức dấn thân và yêu nước. Ngược lại, Việt Nam chưa có dân chủ không phải là vì dân trí thấp mà vì thiếu tầng lớp trí thức dấn thân và yêu nước đúng nghĩa. Khi phần lớn trí thức Việt Nam vẫn còn xem phục vụ chế độ độc tài cộng sản hiện nay như là một cơ hội để mưu cầu danh lợi cá nhân, thay vì tìm cách khai thông dân trí, khuyến khích tự hào dân tộc, phác họa một tương lai khác cho Việt Nam nếu có dân chủ thì đất nước Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quặn quại trong nghèo hèn và lạc hậu dưới chế độ độc tài toàn trị.
Những người Việt Nam còn quan tâm đến tương lai đất nước phải luôn trăn trở và suy nghĩ không ngừng để tìm giải pháp cứu đất nước ra khỏi thảm họa suy vong, đưa dân tộc thoát khỏi bất hạnh ngu dốt và không còn phải chịu đựng những người ngu dốt tiếp tục đè đầu, bóp cổ. Và trong quá trình suy tư đó, những trí thức dấn thân phải tự tìm cho mình một tổ chức đáng tin cậy để tham gia hay công khai ủng hộ; hoặc thành lập một tổ chức khác. Đảng cộng sản Việt Nam đang phân hóa và chia rẽ hơn bao giờ hết. Vì thế, chỉ cần quyết tâm vượt qua nỗi sợ, khéo léo liên kết lại với nhau cùng đồng thuận trên một giải pháp chung, những trí thức dấn thân Việt Nam có thể tạo ra những chuyển biến thuận lợi cho triển vọng dân chủ hía đất nước.
Gìn giữ và phát huy lòng yêu nước trước hết phải là trách nhiệm của trí thức. Nếu những người có bằng cấp cao, địa vị tốt và mức sống cao vẫn còn câm miệng trước sai trái của chính quyền cộng sản gian ác, thì làm sao trách được đại đa số quần chúng im lặng, thiếu kiến thức chỉ biết quanh năm suốt tháng lao động quần quật để có miếng ăn?
Trí thức trước hết phải quan tâm đến đất nước, xem tương lai của đất nước và hạnh phúc của dân tộc như là những mục tiêu cao đẹp của đời mình. Sau nữa, trí thức phải dám dấn thân chính trị, dám phản kháng bất công, để bảo vệ sự thật, công lý, tự do dù phải trả giá bằng những vi phạm nhân thân trong kiêu hãnh.
Nếu những người tự nhận là trí thức hay được nhìn nhận là trí thức, chỉ muốn an thân và cam chịu, quì gối cúi đầu phục vụ bạo quyền, vô cảm trước nỗi đau và sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam, để có cuộc sống sung túc hơn đám đông còn lại thì mang lại danh dự gì cho con cháu họ sau này?
Một nông dân họ Mao trước đây đã từng nói: "Trí thức không bằng cục phân", vì ít ra cục phân nuôi dưỡng sự phát triển của cành rau, cây lúa. Trí thức Việt Nam nuôi dưỡng cái gì nếu không dám dấn thân?
26.06.2018
*
Tham khảo:
*
“Chung Một Giấc Mơ Việt Nam”
0 comments:
Post a Comment