Monday, June 4, 2018

Đừng sợ Trung cộng

Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao) - Trong diễn đàn Đối Thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore từ ngày 31/5 đến 3/6 năm 2018, He Lei, một viên Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Cộng, trưởng đoàn đã ngang ngược tuyên bố: "Bắc Kinh đang triển khai binh lính và vũ khí xuống Biển Đông, đó là "quyền" của Trung Quốc”. "Việc triển khai binh lính và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông là nằm trong chủ quyền của Trung Quốc, được luật pháp quốc tế cho phép”.

He Lei, Trung tướng Trung Cộng

Vậy là Trung Cộng công khai thừa nhận Bắc Kinh đưa quân đội và vũ khí xuống các căn cứ xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei, họ tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần nơi mà Trung Cộng đang chiếm đóng bất hợp pháp.

Chúng ta còn nhớ trong năm 2015 khi họp báo chung với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình đã phủ nhận Trung Cộng có kế hoạch quân sự hóa Biển Đông. Bởi vậy đừng bao giờ tin, nghe những gì cộng sản nói, dù bất cứ loại cộng sản nào và ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tại sao Trung Cộng luôn muốn lấn chiếm, dù một tấc đất, của những nước, vùng lãnh hải của nước khác?

Trung Cộng có chung biên giới với 14 quốc gia, không quốc gia nào tránh khỏi xung đột biên giới với Trung Cộng, kể cả Liên Xô và Ấn Độ. Không quốc gia nào không bị họ lấn biên giới dù ít hay nhiều.

Đọc lịch sử của họ, chính họ với nhau, họ chia thành Lục Quốc, Tam Quốc, rồi dùng mưu mẹo, sức mạnh xâm chiếm, giết hại, tàn sát lẫn nhau để dành quyền kiểm soát, thống trị, xưng vương, xưng bá, thì nói chi đến lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia khác, nhất là với đại dương bao la, giàu tài nguyên, nhiều cá. Chính những tài nguyên đó thúc giục lòng tham vô độ, vô biên và bản tính tham lam, ngông cuồng thôi thúc họ làm điều phi pháp, làm với sự thèm khát, mong muốn tột cùng, bất chấp đạo lý con người và luật lệ quốc tế. 

Chiếm đóng, quân sự hóa Trường Sa và Hoàng Sa, ngoài lòng tham bẩm sinh, nó còn được nghiên cứu kỹ lưỡng, để trở thành chiến lược quân sự lâu dài của Trung Cộng.

Trong một ấn phẩm về Nghiên cứu Hải quân vào giữa năm 2016, Bài nghiên cứu có tiêu đề "Các cuộc khủng hoảng quân sự ở Biển Đông” do Trung tá Jin Jing, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân và hai sĩ quan chính trị Xu Hui và Wang Ning của Hạm đội Nam Hải thực hiện. Họ đưa ra những phân tích, đánh giá và phản ứng. Tóm tắc như sau:

Quân đội Hoa Kỳ đã gia tăng hành vi khiêu khích gần các vị trí chiếm đóng của Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa, để làm mất uy tín Trung Cộng và để thăm dò sự chịu đựng của Trung Cộng. Các hoạt động này tạo ảnh hưởng xấu đến an ninh trên Biển Đông, nhất là vùng do Trung Cộng kiểm soát. Nghiên cứu ghi nhận các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở những vùng này luôn luôn hạn chế.

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng quan niệm của nhà nghiên cứu Zbigniew Brzezinski, cho rằng nhiệm vụ chính của chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21 là để ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào có thể thách thức quyền bá chủ của Mỹ trên thế giới. Vì vậy sáng kiến ​Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Cộng là một thách thức lớn của Mỹ.

Nhóm nghiên cứu kết luận những xung đột quân sự với quân đội Hoa Kỳ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, kể cả một số nước đang có tranh chấp về lãnh hải với Trung Cộng là điều không tránh khỏi.

Trong phần cuối, ba nhà nghiên cứu đưa ra sách lược để Trung Cộng tiên liệu khả năng giải quyết những khủng hoảng trong tương lai. Ưu tiên sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế và ngoại giao để cải thiện bang giao với các quốc gia Đông Nam Á, tinh tế dùng biện pháp chia rẽ và phá vỡ bất kỳ liên minh tiềm năng nào chống lại Trung Cộng.

Trái ngược với quan điểm của ba nhà nghiên cứu nầy, giáo sư Gordon Chang, tác giả quyển sách “Chết Dưới Tay Trung Quốc” và ông hiện là một trong những vị cố vấn về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Thổng Thống Trump, ông kết án Trung Cộng đang theo “chủ nghĩa xét lại”, một “kình địch” và “đối thủ cạnh tranh” của Hoa Kỳ.

Theo Gordon Chang, Trung Cộng đang có vẻ hùng mạnh trên thực tế, nhưng rất dể bị tổn thương, đang đứng bên bờ vực nợ và Bắc Kinh đang bị kéo căng quá mức với chiến lược “một vành đai một con đường”. Thêm vào đó, chánh sách hung hăng hiếu chiến của Tập Cận Bình đang làm cho các quốc gia trong vùng xa lánh, đồng thời họ lại củng cố cho một liên minh nhằm chống lại Trung Công. Ông cho rằng chính sự tham quyền của Tập, người vừa xé bỏ điều lệ đảng, để được ngồi vào vị trí lãnh đạo suốt đời, điều nầy làm suy yếu thể chế Trung Cộng, làm người dân hoang mang, lo lắng vì hiện tượng độc tôn nầy. Theo ông Chang, Mỹ đang ở vị trí có quyền yêu sách Bắc Kinh phải tuân thủ những qui tắc quốc tế.

Ông Chang cho rằng Trung Cộng vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ năm 2008 với một giá không rẻ, họ chi ra 586 tỷ Mỹ Kim để ngân hàng nhà nước mở rộng tín dụng để đạt được sự chi tiêu chưa từng có từ tiền nhà nước đưa ra cho mượn. Không những chỉ dân chúng mượn tín dụng mà nhà nước buộc các doanh nghiệp cũng phải mượn. Ông Lin Zuoming, Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp hàng không đã than phiền rằng với 49,2 tỷ Mỹ Kim ngân hàng nhà nước bắt mượn, ông không biết dùng vào việc gì.

Kể từ năm 2009 Trung Cộng mở rộng tín dụng trong 5 năm với lượng tín dụng bằng với toàn bộ hệ thống tín dụng Mỹ năm 2008, trong khi nền kinh tế Trung Cộng lúc đó chỉ bằng 1/3 nền kinh tế Mỹ.

Trong năm 2008, tỷ lệ nợ tính trên GDP của Trung Cộng bằng 130%, hiện nay theo ước tính của những chuyên gia kinh tế thế giới tỷ lệ nợ của Trung Cộng là 300% tính trên GDP, và một số chuyên gia tin rằng con số thực có thể lên đến 400%. Nhưng nhà cầm quyên luôn che dấu và đưa ra con số sai lạc nhằm mục đích tuyên truyền cho dân chúng an tâm mà chết thoải mái từ từ. 

Trung Cộng đang tiếp tục tích lũy nợ để giữ mức tăng trưởng. Họ tuyên bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6.7% trong năm 2016. Giữa năm 2017 Ngân hàng thế giới tiết lộ mức tăng trưởng của Trung Cộng năm 2016 là 1.2%, một con số khác biệt rất lớn.

Dù tăng trưởng ở mức 6.7 năm 2016 hay 6.9% cho năm 2017 Trung Cộng đang mắc nợ nhiều gấp 3 lần so với sản lượng kinh tế của họ.

Theo chuyên gia Fraser Howie, đồng tác giả quyển “chủ nghĩa tư bản đỏ” thì Trung Cộng đang “ngập trong tín dụng”, nhưng nếu cắt giảm nợ sẽ dẩn đến cuộc suy thoái nghiêm trọng. Họ đang đứng trước một thử thách quá lớn và có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, khả năng điều hành của chế độ độc tài toàn trị.

Trong đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Cộng vào tháng 10 năm 2017, Thống Đốc ngân hàng nhân dân là ông Chu Tiểu Xuyên đã công khai tiết lộ Trung Cộng đang ở thời điểm mà giá trị tài sản sụt giảm đột ngột, báo hiệu sự sụp đổ của thị trường.

Một vấn nạn không nhỏ đang xảy ra ở Trung Cộng cũng như ở Việt Nam là dòng tiền mặt đang kìn kịt chạy ra khỏi đất nước. Theo Bloomberg trong năm 2015 có 1,000. tỷ USĐ từ giã thiên đường xã hội chủ nghĩa Tàu tìm sang các nước “tư bản giãy chết”, trong năm 2016 lên đến 1,100 tỷ đô la. Kèm theo đó, theo cuộc khảo sát do nhà nước thực hiện thì gần một nửa (gần 50%) tầng lớp giàu có đã có kế hoạch di cư trong khoảng 5 năm tới.

Sự có mặt càng lúc càng nhiều người Trung Cộng trên khắp các đô thị trên thế giới nói lên viễn ảnh thất bại về kinh tế sắp xảy ra. Ho lo ngai cả Chủ tịch vĩ đại Tập với sự hung hăng, hiếu chiến, lo ngai Trung Cộng sẽ về đâu khi Tập ngồi mãi ở vị thế cai trị với chiến lược đi ngược với nền dân chủ thế giới, với đường lối làm rối loạn đảng cộng sản và làm suy đồi nhanh chóng đạo đức con người.

Họ thấy Tàu hiện nay không còn được Việt Nam xem là bạn 4 tốt với 16 chữ vàng, mà “đứa con hoang” đang có khuynh hướng làm phản, ôm chân kẻ thù đế quốc Mỹ. Tàu hiện phải đối đầu không những với Mỹ, mà còn cả Nhật, Úc, Ấn Độ và có thể cả Việt Nam. Cho nên người dân Trung Quốc phải từ bỏ quê hương của họ để đi đến chốn nào cũng được vì họ biết sợ chánh sách ngông cuồng quá mức của Tập.

Từ Washington, giáo sư Shambaugh phân tích cho đặc phái viên Le Figaro về sự đảo lộn nhanh chóng đã gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia. Giáo sư Shambaugh kết luận: “Trung Quốc là một xã hội chất chứa đầy xung đột, bất bình đẳng tột độ và những thách thức dân số quan trọng, trong đó có tình trạng lão hóa. Tôi cảm thấy một xã hội không thể chấp nhận sống vĩnh viễn trong một Nhà nước toàn trị. Người Trung Quốc chẳng phải là ngu. Họ sẽ rời khỏi đất nước”.

Nguy nan nhất là Ấn Độ, với dân số 1.2 tỷ, nằm sát Tàu, nước mà từ trước đến nay không hề nhìn xa hơn eo biển Malacca, nay lại tuyên bố Biển Đông, biển Hoa Đông có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh cho Ấn Độ. Ấn Độ tham gia cuộc chiến.

Thay vì nhìn rõ vấn đề để sửa đổi chiến lược, Trung Cộng lại đi thêm những bước nguy hiểm khác. Họ ra sức chống Tây phương quyết liệt, theo giáo sư Arthur Waldron, đại học Pennsylvania, và ho cổ xúy tinh thần tự tin vào văn hóa Trung Cộng. Họ cho phá hủy tượng ông già Noel gần đây. Họ gây thêm hận thù sắc tộc và tăng gia tinh thần bài ngoại.

Viễn cảnh đen tối, tương lai không tìm thấy nơi mình sinh trưởng, tiền chảy ra nước ngoài nhanh chóng với số lượng không nhỏ, lãnh đạo không tầm nhìn, hoặc có quá nhiều sai lầm, đầy thiên kiến, kinh tế suy thoái, nợ nần chất ngất. Tương lai Trung Cộng sẽ về đâu đã quá rõ.

Cơn bão dử đang giăng trước mắt, Lãnh đạo Việt Nam đừng sợ Trung Cộng nữa, mà phải sáng suốt nhận ra Trung Cộng sẽ về đâu, để chuyển mình dân chủ hoá đất nước, biết rút lui vào hậu trường để người dân đứng lên xây dựng một xã hội công bằng, tư do, đưa đất nước tiến lên theo các con rồng Châu Á. Đừng quên: "thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong" (thuận lòng Trời là sống, ngược lòng Trời là chết) (Trong kinh Dịch). Vì ý dân là ý Trời.



______________________________________

Tham khảo:

Ba sĩ quan hải quân Trung Quốc có thể vừa tiết lộ điều Bắc Kinh muốn ở Biển Đông

Bản dịch Vũ Quốc Ngữ.

Bành trướng quá sức: Thách thức thực sự của Trung Quốc, Gordon Chang, Nghiên cứu quốc tế. 

Trung Quốc tuyên bố trắng trợn "làm loạn" Hoàng Sa, Trường Sa, người đưa tin abc

China is putting troops, weapons on South China Sea islands, and has every right to do so, PLA official says, South China Morning Post

0 comments:

Powered By Blogger