Friday, June 29, 2018

Đối diện với các nền độc tài một cách thực tế

Gene Sharp * Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D. - ...Khi người ta muốn đánh đổ một nền độc tài một cách hữu hiệu và ít tổn thất hơn cả thì người ta phải thi hành ngay bốn công tác: Phải tăng sức mạnh cho chính dân chúng bị áp bức về sự quyết tâm, lòng tự tin, và kỹ năng đối kháng của họ; Phải tăng sức mạnh cho những nhóm xã hội và những cơ chế độc lập của người dân bị áp bức; Phải tạo ra một lực lượng đối kháng quốc nội mạnh; và phải thiết lập một đại kế hoạch chiến lược khôn ngoan cho công việc giải phóng và thực thi kế hoạch này một cách rành rẽ. Một cuộc đấu tranh giải phóng là thời gian để tự quản và tăng cường nội bộ của nhóm đấu tranh... 

*

Trong những năm vừa qua nhiều nền độc tài - có nguồn gốc từ quốc nội cũng như quốc ngoại - đã sụp đổ hay bị đảo lộn vì dân chúng được huy động thách thức. Mặc dù thường được xem là đã ăn sâu bén rễ vững chắc và không thể bị chọc thủng được, nhưng một số những nền độc tài này đã chứng tỏ là không có khả năng chịu đựng nổi sự thách thức đồng bộ về kinh tế, xã hội và chính trị của dân chúng. 

Từ 1980 đến nay những nền độc tài đã từng sụp đổ trước sự thách thức chủ yếu là bất bạo động của dân chúng tại Estonia, Latvia, và Luthiania, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc và Slovenia, Madagascar, Mali, Bolivia, và Phi Luật Tân. Đối kháng bất bạo động đã đưa phong trào đến việc dân chủ hoá ở Nepal, Zambia, Nam Hàn, Chí Lợi, Á Căn Đình, Haiti, Ba Tây, Uruguay, Malawi, Thái Lan, Bulgaria, Hung Gia Lợi, Nigeria, và nhiều nơi khác của Liên Bang Sô Viết cũ (đóng một vai trò quan trọng trong vụ đánh bại cuộc đảo chánh hụt của phe cứng rắn vào tháng Tám 1991). 

Hơn nữa, thách thức chính trị của quần chúng đã từng xảy ra tại Trung Quốc, Miến Điện, và Thái Lan trong những năm vừa qua. Mặc dù những cuộc đấu tranh này không dứt điểm được những nền độc tài đang cai trị hay ngoại xâm, nhưng đã vạch trần được bản chất tàn bạo của các chế độ đàn áp này với cộng đồng thế giới và đã cung cấp cho dân chúng những kinh nghiệm giá trị nhờ hình thái đấu tranh này. 

Sự sụp đổ của những nền độc tài tại những quốc gia nói trên đã không xoá bỏ được những vấn đề khác trong các xã hội này: nghèo đói, tội ác, sự vô hiệu năng của chuyên viên bàn giấy, và sự tàn phá môi trường thường là thừa tự của những chế độ bạo tàn. Tuy nhiên sự sụp đổ của những nền độc tài này tối thiểu đã loại bỏ một phần lớn sự đau khổ của những nạn nhân bị áp bức, đã mở đường cho công việc tái thiết những xã hội này để có dân chủ chính trị, và những tự do cá nhân và công lý xã hội nhiều hơn. 

Một vấn đề cứ mãi tiếp diễn 

Đúng là đã có một khuynh hướng tiến đến dân chủ hoá và tự do nhiều hơn trên thế giới trong những thập niên vừa qua. Theo nhà phát hành Random House thường hằng năm thu thập một sưu khảo quốc tế về thực trạng các quyền chính trị và các tự do dân sự, thì con số những quốc gia trên toàn thế giới được xếp vào loại “Tự Do” đã tăng trưởng một cách đáng kể trong những năm vừa qua. 


Tuy nhiên, khuynh hướng tích cực này đã bị điều chỉnh bởi những con số rất lớn những người vẫn đang còn sống trong những điều kiện của chuyên chế. Tính từ 2008 có 34% của 6,68 tỉ dân số thế giới sống tại những quốc gia bị chỉ định là “Không Tự Do,”3 nghĩa là những khu vực mà ở đó các quyền chính trị và các tự do dân sự hết sức bị hạn chế. Bốn mươi hai (42) quốc gia thuộc loại “Không Tự Do” bị cai trị bởi những nền độc tài quân phiệt (như ở Miến Điện), những nền quân chủ đàn áp truyền thống (như ở Saudi Arabia và Bhutan), các đảng chính trị thống trị (như ở Trung cộng và Bắc Hàn), ngoại xâm (như ở Tây Tạng và Miền Tây Sahara), hay là đang ở trong tình trạng chuyển tiếp. 

Nhiều quốc gia ngày nay đang ở trong tình trạng thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị, và xã hội. Mặc dù con số những quốc gia “Tự Do” đã gia tăng trong những năm vừa qua, nhưng có một nguy hiểm lớn là nhiều quốc gia, đối diện với những thay đổi nền tảng nhanh chóng như thế, sẽ tiến theo chiều hướng ngược lại và trải nghiệm những hình thái độc tài mới. Các bè nhóm quân phiệt, những cá nhân tham vọng, những giới chức dân cử, các đảng chính trị giáo điều sẽ liên tục tìm cách áp đặt ý đồ của họ. Những vụ đảo chánh đang là và sẽ là những diễn biến thông thường. Rất nhiều dân tộc sẽ tiếp tục bị khước từ nhân quyền và các quyền chính trị khác. 

Rất tiếc là quá khứ vẫn còn đó với chúng ta. Vấn nạn các nền độc tài vẫn đậm nét. Người dân tại nhiều quốc gia đã trải nghiệm hằng thập kỷ hay ngay cả hằng thế kỷ áp bức, dù có nguồn gốc tại quốc nội hay quốc ngoại. Sự khuất phục không cần chất vấn đối với những nhân vật quyền hành hay các nhà cai trị đã thường xuyên được nhồi sọ từ lâu. Trong những trường hợp cực đoan thì những cơ chế xã hội, chính trị, kinh tế, và ngay cả tôn giáo của xã hội – ngoài vòng kiểm soát của nhà nước – đã bị cố tình làm cho suy yếu, phục tòng, hay cả bị thay thế bởi những cơ chế đã được đoàn ngũ hoá do nhà nước hay đảng cai trị sử dụng để kiểm soát xã hội. Dân chúng thường đã bị phân hoá (biến thành một khối những cá nhân rời rạc) không có khả năng làm việc chung với nhau để tranh thủ tự do, để tâm sự với nhau, hay ngay cả làm một điều gì theo sáng kiến của chính họ. 

Kết quả có thể tiên đoán được là: dân chúng trở nên yếu kém, thiếu tự tin, và không có khả năng đối kháng. Người dân thường quá sợ hãi nên không thể san sẻ sự căm thù nền độc tài và sự khát khao tự do của mình ngay cả với gia đình và bạn bè. Người ta thường quá kinh hãi để có thể suy nghĩ nghiêm túc về đối kháng công khai. Dù sao thì đối kháng nào có ích gì? Thay vì đối kháng, người ta đành chịu đựng khổ đau không vì một mục đích nào cả và một tương lai không có hy vọng. 

Những tình trạng hiện tại của các nền độc tài ngày nay có thể tệ hơn rất nhiều so với trước đây. Trong quá khứ, một vài người có thể cố thử đối kháng. Những phản đối tập thể và những cuộc biểu tình ngắn ngủi có thể đã xảy ra. Có lẽ tinh thần đã tạm thời lên cao. Những lúc khác, những cá nhân và các nhóm nhỏ có thể đã có những hành vi can đảm nhưng thiếu sức mạnh, nhằm khẳng quyết một nguyên tắc nào đó hay chỉ là sự thách thức của họ. Tuy nhiên những động lực thanh cao, những hành động đối kháng như thế trong quá khứ thường đã không đủ để thắng lướt sự sợ hãi và thói quen tuân phục của người dân, một tiền điều kiện để đánh đổ độc tài. Đáng buồn là thay vì như vậy, những hành động đó có thể chỉ đã đem lại đau khổ và chết chóc gia tăng, chứ không đem lại chiến thắng hay ngay cả hy vọng cũng không. 

Tự do nhờ bạo lực? 

Cần phải làm gì trong những trường hợp như thế? Những điều hiển nhiên có thể làm được thì hình như là vô ích. Những rào cản hiến định và pháp lí, những quyết định tư pháp, vá ý kiến công chúng thường bị các nhà độc tài không để ý đến. Cũng dễ hiểu là khi phản ứng lại bạo tàn, tra tấn, mất tích, và giết chóc, người dân thường đã kết luận là chỉ có bạo lực mới có thể chấm dứt được độc tài. Những nạn nhân tức giận đôi khi đã tổ chức đánh lại các nhà độc tài tàn bạo bằng bất cứ khả năng bạo động và quân sự nào mà họ có thể vận động được, bất kể những yếu kém về phía họ. Những người này thường chiến đấu rất dũng cảm, với những tổn thất lớn lao về khổ đau và sinh mạng. Những thành quả của họ đã có khi thật đáng chú ý, nhưng hiếm khi họ giành được tự do. Những cuộc nổi loạn bạo động có thể kích động đàn áp tàn bạo thường làm cho dân chúng còn bất lực hơn là trước kia. 

Tuy nhiên, mặc dù giải pháp bạo động có giá trị nào đi nữa, nhưng có một điểm rõ ràng là Bằng cách đặt tin tưởng vào phương tiện bạo động, người ta đã chọn chính loại đấu tranh mà với loại này thì những kẻ áp bức hầu như là luôn luôn có thế thượng phong. Những nhà độc tài hầu như luôn luôn có thế thượng phong về vũ khí quân sự hạng nặng, đạn dược, vận tải, và kích cỡ của những lực lượng quân sự. Mặc dù dũng cảm, các nhà dân chủ (hầu như luôn luôn) không phải là đối thủ. 

Khi nổi dậy bằng quân sự quy ước đã được thừa nhận là không thực tế, thì các nhà bất đồng ý kiến lại thiên về chiến tranh du kích. Tuy nhiên, chiến tranh du kích hiếm khi, nếu thực bao giờ có, đem lại lợi ích cho người dân bị áp bức hoặc đem lại dân chủ. Chiến tranh du kích không phải là một giải pháp hiển nhiên, nhất là khi xét đến khuynh hướng nghiêng hẳn về những tổn thất quá lớn cho chính người dân của mình. Kỹ thuật này không phải là một bảo đảm khỏi bị thất bại, dù cho có lý thuyết và những phân tích chiến lược bênh vực, và đôi khi cả sự hỗ trợ của quốc tế. Những cuộc đấu tranh du kích thường kéo dài rất lâu. Dân chúng thường bị chính quyền cai trị di tản, phải chịu nhiều đau khổ và phân hoá xã hội. 

Ngay cả khi thành công, đấu tranh du kích thường gây ra những hậu quả tiêu cực dài hạn trầm trọng về cơ cấu. Ngay tức khắc, chế độ bị tấn công trở nên độc tài hơn như là kết quả của những biện pháp phản công. Nếu những người du kích nhỡ rốt cuộc thành công, thì hệ quả của chế độ mới thường sẽ còn độc tài hơn cả những người tiền nhiệm vì tác dụng tập trung của những lực lượng quân đội đã được bành trướng và sự làm suy yếu hay phá huỷ của những nhóm và cơ chế độc lập của xã hội trong thời gian đấu tranh – là những cơ phận thiết yếu cho việc thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ. Những ai hận thù độc tài thì nên tìm kiếm một giải pháp khác. 

Đảo chánh, bầu cử, và những vị cứu tinh quốc ngoại? 

Một cuộc đảo chánh quân sự chống lại một nền độc tài có thể tương đối tỏ ra là một trong những phương cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để cắt bỏ một chế độ cực kỳ ghê tởm. Tuy nhiên kỹ thuật này có nhiều vấn đề rất nghiêm trọng. Quan trọng hơn cả là kỹ thuật này vẫn giữ nguyên tình trạng phân phối quyền lực sai lạc giữa người dân và nhóm ưu tú lãnh đạo trong việc kiểm soát chính quyền và các lực lượng quân đội. Việc cất đi một số người hay bè nhóm nào đó khỏi những vị thế cai trị rất có thể là sẽ chỉ làm cho một nhóm khác có khả năng thay thế những vị thế đó mà thôi. Trên lý thuyết nhóm này có thể hành sử hoà dịu hơn và cởi mở có giới hạn về những cải cách dân chủ. Tuy nhiên, trường hợp ngược lại có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn. 

Sau khi đã củng cố địa vị, bè nhóm mới có thể trở nên tàn nhẫn và nhiều tham vọng hơn cả nhóm cũ. Do đó, phe đảng mới này - mà người ta đã đặt nhiều hy vọng - sẽ có khả năng làm bất cứ gì họ muốn mà không cần quan tâm đến dân chủ và nhân quyền. Đó không phải là một đáp án có thể chấp nhận được trong việc giải quyết vấn nạn độc tài. 

Những cuộc bầu cử dưới những chế độ độc tài không thể là công cụ cho việc thay đổi chính trị có ý nghĩa. Một vài chế độ độc tài, như những chế độ tại khối Đông Âu cũ dưới sự thống trị của Sô Viết, đã có những động tác trình diễn để tỏ ra là dân chủ. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử đó đơn thuần chỉ là những cuộc trưng cầu dân ý bị kiểm soát chặt chẽ để lấy sự ủng hộ của người dân cho những ứng cử viên đã được các nhà độc tài chỉ định trước. Những nhà độc tài trước áp lực đôi khi có thể đồng ý cho tổ chức những cuộc bầu cử mới, nhưng rồi lại sắp xếp những cuộc bầu cử này để đặt những bù nhìn dân sự vào các chức vụ chính phủ. Nếu những ứng cử viên đối lập được phép tranh cử và thực sự được bầu chọn, như đã từng xảy ra ở Miến Điện năm 1990 và Nigeria năm 1993, thì kết quả có thể đơn giản chỉ bị lơ đi và những “người thắng cử” bị đe doạ, bắt bớ, hay ngay cả bị hành quyết. Những nhà độc tài không có tập quán cho phép những cuộc bầu cử loại bỏ họ khỏi ngai vàng. 

Nhiều người hiện nay đang chịu đau khổ dưới một nền độc tài tàn bạo, hay những người tự lưu đày biệt xứ để tránh quá gần gũi, thường không tin là những người bị áp bức có khả năng tự giải phóng. Họ mong đợi là người dân chỉ có thể được cứu bởi những hành động của người khác mà thôi. Những người này đặt tin tưởng vào những lực lượng từ bên ngoài. Họ tin là chỉ có sự giúp đỡ của quốc tế mới có thể mạnh đủ để đánh đổ những nhà độc tài. 

Quan điểm cho rằng những người bị áp bức không có khả năng hành động hữu hiệu đôi khi chính xác trong một khoảng thời gian nào đó. Như đã có lưu ý trước đây, thường thì những người bị áp bức không sẵn lòng và tạm thời không có khả năng đấu tranh bởi vì họ không tin tưởng vào khả năng của họ trong việc đối đầu với nền độc tài tàn ác, và họ không biết cách gì để tự cứu mình. Do đó cũng dễ hiểu khi nhiều người đặt hy vọng giải phóng vào kẻ khác. Lực lượng bên ngoài này có thể là “ý kiến công chúng,” Liên Hiệp Quốc, một quốc gia nào đó, hay là những chế tài kinh tế và chính trị của quốc tế. 

Một viễn ảnh như thế có thể làm cho người ta yên tâm, nhưng trông cậy vào một vị cứu tinh từ bên ngoài có những vấn đề nghiêm trọng. Một sự tin tưởng như thế có thể được đặt sai chỗ hoàn toàn. Thường sẽ không có những vị cứu tinh quốc ngoại đến, và nếu một nhà nước ngoại quốc can thiệp, thì có lẽ không nên tin nhà nước này. 

Một vài thực thế phủ phàng liên hệ đến sự trông cậy vào sự can thiệp của ngoại quốc cần phải được nhấn mạnh ở đây: 

• Thường thì những nước ngoài không phản đối, hay ngay cả tích cực hỗ trợ, độc tài để thúc đẩy những quyền lợi kinh tế và chính trị của chính họ. 

• Những nước ngoài cũng có thể phản bội một dân tộc bị áp bức thay vì trung thành với những hứa hẹn hỗ trợ giải phóng gây phương hại cho một mục đích khác. 

• Một vài nước ngoài sẽ hành động chống lại độc tài chỉ để giành quyền kiểm soát về kinh tế, chính trị, và xã hội đối với quốc gia đó mà thôi. 

• Những nước ngoài có thể chỉ trở nên can dự một cách năng động vì những mục đích tích cực nếu và khi nào phong trào đối kháng quốc nội đã bắt đầu lay chuyển được nền độc tài, do đó đã tập trung được sự chú ý của quốc tế vào bản chất tàn bạo của chế độ. 

Những nền độc tài hiện hữu chủ yếu bởi vì sự phân phối quyền lực bên trong quốc gia đối tượng. Dân chúng và xã hội quá yếu nên không thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho nền độc tài. Của cải và quyền lực được tập trung vào trong tay của quá ít người. Dù cho những nền độc tài có thể thủ lợi hay phần nào bị làm suy yếu bởi những hành động của quốc tế, nhưng sự tiếp tục tồn tại của họ lại chủ yếu tuỳ thuộc vào những nhân tố quốc nội. 

Tuy nhiên, những áp lực quốc tế có thể rất hữu ích khi những áp lực này phụ trợ một phong trào đối kháng đã mạnh ở trong nước. Lúc bấy giờ, ví dụ như những tẩy chay kinh tế của quốc tế, những cấm vận, cắt đứt liên hệ ngoại giao, khai trừ khỏi những tổ chức quốc tế, sự lên án bởi những cơ quan Liên Hiệp Quốc, và những điều như thế có thể hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng một phong trào đối kháng quốc nội mạnh thì những hành động bởi những người khác như thế có lẽ sẽ không xảy ra. 

Đối diện với sự thực gay cấn 

Kết luận là một kết luận gay cấn. Khi người ta muốn đánh đổ một nền độc tài một cách hữu hiệu và ít tổn thất hơn cả thì người ta phải thi hành ngay bốn công tác: 

• Người ta phải tăng sức mạnh cho chính dân chúng bị áp bức về sự quyết tâm, lòng tự tin, và kỹ năng đối kháng của họ; 

• Người ta phải tăng sức mạnh cho những nhóm xã hội và những cơ chế độc lập của người dân bị áp bức; 

• Người ta phải tạo ra một lực lượng đối kháng quốc nội mạnh; và 

• Người ta phải thiết lập một đại kế hoạch chiến lược khôn ngoan cho công việc giải phóng và thực thi kế hoạch này một cách rành rẽ. 

Một cuộc đấu tranh giải phóng là thời gian để tự quản và tăng cường nội bộ của nhóm đấu tranh. Như Charles Stewart Parnell đã kêu gọi trong thời gian của chiến dịch đình công về tiền thuê mướn đất của người Ái Nhĩ Lan năm 1879 và 1880: 

Trông cậy vào Chính Quyền sẽ không ích lợi gì... Quý vị phải trông cậy vào chính sự quyết tâm của chính quý vị mà thôi... Hãy tự Giúp mình bằng cách đứng lại với nhau... hãy tăng sức mạnh cho những ai trong quý vị đang còn yếu..., nối chặt bàn tay lại với nhau, hãy tự tổ chức... và quý vị phải thắng... 

Khi quý vị đã làm cho vấn nạn này chín muồi để giải quyết, thì lúc đó và chỉ đến lúc đó thì vấn nạn mới được giải quyết. 

Chống lại một lực lượng tự quản mạnh, với điều kiện có chiến lược khôn ngoan, hành động có kỷ luật và dũng cảm, và sức mạnh đích thực, nền độc tài rốt cuộc sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, tối thiểu bốn yêu cầu nói trên cần phải được thoả mãn. 

Như cuộc thảo luận ở phần trên đây cho thấy, giải phóng khỏi những nền độc tài rốt cuộc tuỳ thuộc vào khả năng của chính người dân phải tự giải phóng. Những trường hợp thách thức chính trị thành công – hay là đấu tranh bất bạo động cho những mục đích chính trị -- được trích dẫn ở trên cho thấy là có những phương tiện để cho dân chúng tự giải thoát, nhưng giải pháp này vẫn chưa được khai thác. Chúng ta sẽ xét đến giải pháp này một cách chi tiết trong những chương sau. Tuy nhiên trước tiên chúng ta nên xét đến vấn đề thương thảo như là một phương tiện để dẹp tan độc tài. 

Ghi chú

1 Từ dùng trong bối cảnh này được giới thiệu bởi Robert Helvey. “Thách thức chính trị” là đấu tranh bất bạo động (phản đối, bất hợp tác, và can thiệp) được áp dụng một cách thách thức và năng động vì mục đích chính trị. Từ này được phát sinh từ phản ứng lại sự lẫn lộn và bóp méo tạo nên bởi việc đồng hoá đấu tranh bất bạo động với chủ thuyết hoà bình và “bất bạo động” theo nghĩa đạo đức hay tôn giáo. “Thách thức” mang ý nghĩa một sự thách đố có chủ ý đối với quyền hành bằng cách bất tuân, không cho phép có chỗ nào cho sự khuất phục. “Thách thức chính trị” mô tả một môi trường mà trong đó hành động (chính trị) cũng như mục tiêu của hành động (sức mạnh chính trị) được sử dụng. Từ này được dùng chủ yếu để mô tả hành động của dân chúng nhằm giành lại từ tay những nhà độc tài sự kiểm soát những cơ chế chính quyền bằng cách không ngớt tấn công những nguồn sức mạnh của những nhà độc tài này và sử dụng có chủ ý thiết kế chiến lược và những vận động để thực hiện điều này. Trong bài này, thách thức chính trị, đối kháng bất bạo động, và đấu tranh bất bạo động sẽ được dùng thay cho nhau, dù hai từ cuối cùng thường nói đến những cuộc đấu tranh có nhiều mục tiêu rộng lớn hơn (xã hội, kinh tế, tâm lý, v.v...) 

2. Freedom House, Tự Do trên Thế Giới, http://www.freedomhouse.org

3. Như trên 

4, Patrick Sarsfield O’Hegarty, A History of Ireland Under the Union, 1880-1922 [Lịch Sử Ái Nhĩ Lan Dưới thời Liên Hiệp] (London: Methuen, 1952), tt.490-491. 


Chuyển ngữ:

0 comments:

Powered By Blogger