Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội CSVN có nữ Chủ tịch Quốc hội. Và cũng lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức:“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, tôi Chủ tịch Quốc hội xin tuyên thệ, tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Mặc dù là đảng viên, Ủy viên Bộ Chính trị đảng CS nhưng bà Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn đặt “tổ quốc”, “nhân dân”(1) lên trước trong lời tuyên thệ.
Ngày 11/6/2018, khi xã hội nóng lên vì hai dự luật “Luật Đặt khu” và “Luật An ninh mạng”, bà Ngân lại một lần nữa tuyên bố “...đặc biệt các dự án luật mà QH đang thảo luận là luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân và tất cả những ý kiến đóng góp.” (2)
Tuy nhiên, đến sáng ngày 12/6/2018 Quốc hội vẫn thông qua Luật An ninh mạng mà không thể hiện sự “luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân và tất cả những ý kiến đóng góp”.
Tôi khẳng định điều trên là hoàn toàn có cơ sở với những luận điểm sau:
Thứ nhất: Ông Võ Trọng Việt không đại diện tất cả những ý kiến đóng góp
Theo báo Nhân dân điện tử (3), thì “Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng.”
Nghe bài phát biểu của ông Võ Trọng Việt (4) chứng tỏ ông không phải là người am hiểu về khoa học công nghệ, không tiếp cận xu thế phát triển công nghệ trong tương lai gần:
1. Quản lý thông tin theo tư duy “quản lý hộ khẩu”
Nội dung Điều 26, khoản d) “Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;” là không khả thi.
Không riêng gì Google, Facebook mà rất nhiều website yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Thông tin trong thế giới phẳng liên kết dưới dạng hyperlink đến hàng triệu website khác nhau, hàng trăm nghìn server trên khắp thế giới, không thể máy chủ nào cũng đặt ở Việt Nam.
Theo website của Akamai giới thiệu họ đang vận hành 240 nghìn máy chủ, đặt ở 130 quốc gia và tải dòng dữ liệu 95EB / năm. Xin hỏi ông Việt, liệu Việt Nam có đủ khả năng kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” để bảo đảm lưu trữ toàn bộ thông tin người Việt Nam có được không?
2. Thiếu nhận thức dự báo về công nghệ trong tương lai gần
Hiện nay, ngoài công nghệ thông tin, thì công nghệ điện năng lượng mặt trời, công nghệ vật liệu, công nghệ laser... các lĩnh vực công nghệ này sẽ được tích hợp ứng dụng vào từng lĩnh vực cụ thể.
Trong tương lai gần, những thiết bị thu phát wifi với băng thông vô cùng rộng và tốc độ cực cao, bay ở ngoài không gian như một vệ tinh địa tĩnh, liệu yêu cầu kéo“đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” có còn ý nghĩa nữa không? (5)
3. Hạn chế quyền tiếp nhận trí tuệ nhân loại
Các trung tâm nghiên cứu dữ liệu, viện nghiên cứu, trường đại học tiên tiến ở nước ngoài đều yêu cầu người dùng phải đăng ký thông tin (tài khoản) cá nhân để trao đổi và tiếp nhận thông tin; trong đó có nhiều thông tin khoa học, công nghệ, tài chính, thị trường... hỗ trợ doanh nghiệp những cơ hội kinh doanh nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Liệu các Trung tâm, Viện, Trường... ở nước ngoài có chấp nhận đặt máy chủ, trụ sở hay văn phòng đại diện tại Việt Nam để quản lý “thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam”?; Nếu các tổ chức đó không thực hiện Luật này thì người Việt Nam có được sử dụng các dịch vụ đó không.
- Nếu không, thì đồng nghĩa với việc Nhà nước đã hạn chế quyền tiếp nhận trí tuệ nhân loại của người dân, làm chậm tiến trình phát triển của dân tộc.
- Còn nếu có, thì tạo sự bất bình đẳng giữa những công ty cung cấp dịch vụ.
4. Giảm năng lực canh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Mặc dù đã có nhiều bài viết của những nhà khoa học, những học giả có tâm huyết đã phân tích thiệt hại khi Luật An ninh mạng được thông qua; nhưng tôi vẫn xin nói thêm: là một người làm IT trong lĩnh vực phân tích và đánh giá rủi ro của dự án đầu tư (6), tôi có thể đưa ra những con số chứng minh làm mất đi lợi thế cạnh tranh khi quyết tâm kéo “đám mây điện toán” về Việt Nam bằng mọi giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp lĩnh vực startup công nghệ.
Điều này không phù hợp với tinh thần một quốc gia khởi nghiệp, tư duy điều hành nền công nghiệp 4.0.
Kết luận phần thứ nhất:
Xuất phát từ tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội “luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân” thì Báo cáo giải trình của ông Võ Trọng Việt không bao quát hết ý nghĩa của việc kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam”; và đồng thời trong ý kiến của ông Võ Trọng Việt cũng không bao gồm “tất cả những ý kiến đóng góp” của người dân, như trình bày ở phần thứ hai tiếp theo.
*
Thứ hai: Ý kiến đóng góp của người dân
Vì đây là luật nói về an ninh mạng, nên loại trừ những trang mạng khác có thể thông tin giả mạo, không khách quan trung thực. Toàn bộ nội dung của phần này tôi phân tích từ chính trang mạng của Quốc hội với domain (tên miền) là“quochoi.vn” và Subdomain (tên miền phụ) là “duthaoonline.quochoi.vn”; các dẫn chứng ở đây hoàn toàn có cơ sở pháp lý và khoa học, phù hợp với “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh” của Luật An ninh mạng.
Theo giới thiệu thì website “quochoi.vn” là Cổng Thông Tin Điện Tử Quốc Hội Việt Nam, Cơ quan chủ quản: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Còn trên “duthaoonline.quochoi.vn” thì giới thiệu mục đích là: “Dự Thảo Online - Nơi Cử Tri Cùng Các Đại Biểu Xây Dựng Luật”. Phần liên quan đến “Luật An ninh mạng” theo đường link:
1. Quốc hội không có kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin đối với Dự án Luật
Kể từ khi dự thảo Luật An ninh mạng được công bố, rất nhiều bài viết của các chuyên gia, những nhà khoa học trong và ngoài nước công bố trên báo chí và mạng xã hội đã phân tích nhiều mặt bị tác động bởi Luật; Tuy nhiên tất cả các bài viết, ý kiến này đều không được Quốc hội tiếp nhận và công bố (hình 1 - tab “Ý kiến chuyên gia”); còn đại biểu quốc hội cũng không có bất kỳ ý kiến nào về Luật này (hình 2 - tab “Ý kiến ĐBQH”).
(Hình 1 - tab “Ý kiến chuyên gia”)
(Hình 2 - tab “Ý kiến ĐBQH”)
Trong khi ĐBQH không có ý kiến gì, nhưng ở tab “Tóm tắt” (hình 3) có tỷ lệ kết quả biểu quyết tán thành 86,68%; người đọc có cảm giác ĐBQH là một khối người được chỉ huy thống nhất hơn là tập hợp những con người có tư duy độc lập đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội.
(H ình 3 - tab “Tóm tắt”)
2. Kênh thông tin với người dân
Theo số liệu trên tab “Ý kiến người dân” đến 15/06/2018-12:27:00 PM có 74 ý kiến đóng góp chính (không tính những comment trên các ý kiến chính). Phân tích nội dung các ý kiến và tổng hợp kết quả:
- Có 5 ý kiến “Đồng ý”, chiếm tỷ lệ 6,8%
- Có 39 ý kiến “Không đồng ý”, chiếm tỷ lệ 52,7%
- Có 30 ý kiến đề nghị “Xem xét”, chiếm tỷ lệ 40,5%
(Đường dẫn Danh sách “Ý kiến người dân” kèm theo cuối bài viết này).
Kết luận phần thứ hai:
Trên website chính thức xây dựng luật của Quốc hội, với mục đích “nơi cử tri cùng các đại biểu xây dựng luật”. Trong phần “Ý kiến chuyên gia” thì không được xác nhận ý kiến nào; còn phần “Ý kiến người dân” chỉ có 6,8% đồng ý thông qua là vô cùng bé; nhưng Quốc hội vẫn biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng, điều đó chứng tỏ bà Chủ tịch Quốc hội không phải “tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân” như trong lời tuyên thệ nhậm chức và cũng không thực sự “luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân và tất cả những ý kiến đóng góp” như đã tuyên bố ngày 11/6/2018.
***
Tóm lại:
Bài viết này chưa đi sâu vào phân tích Luật An ninh mạng, mà chỉ phân tích quy trình lập pháp, ý nghĩa lời tuyên thệ và tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội.
Ở Việt Nam không có Tòa án Hiến pháp.
Hy vọng bà Chủ tịch Quốc hội xem xét lại những lời phát ngôn và hành động thực tế để xã hội, người dân đánh giá phẩm hạnh dưới góc độ một con người.
*
Các ghi chú:
Thông tin bài viết ở đây:
(4) Phát biểu của ông Võ Trọng Việt từ video có đoạn "Hiện nay, Google và Facebook đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi."
(5) Tham khảo:
(6) Tác giả, chủ sở hữu Chương trình Phân tích độ nhạy và đánh giá rủi ro dự án Lynxdo SARAP đăng ký bản quyền số 3468/2017/QTG. Xử lý các rủi ro bao gồm: sự ổn định chính sách, chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, đối tượng khách hàng, thuật toán xử lý cơ sở dữ liệu (khi dữ liệu người VN đặt máy chủ ở VN).
- Danh sách “Ý kiến người dân”
17.06.2018
0 comments:
Post a Comment