Author: Minh Anh | Source: RFI | Posted on: 2016-12-18 |
Kim Jong Un (G) và các lãnh đạo Bắc Triều Tiên tưởng niệm 5 năm ngày mất của Kim Jong Il, Bình Nhưỡng (ảnh do KCNA công bố ngày 18/12/2016)REUTERS
Cách nay 5 năm, ngày 17/12/2011, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong IL qua đời. Đó cũng chính là quãng thời gian Kim Jong Un lên nắm quyền điều hành đất nước. Nhật báo công giáo La Croix, ngày 16/12/2016, nhìn lại bản tổng kết « Nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».
Những ai cách đây 5 năm từng nói rằng chế độ này rồi sẽ không « thọ », vị tân lãnh đạo «quá non trẻ », « chưa đủ sức để kế vị », là « con rối của mấy công thần ở sau hậu trường »… đều sai lầm cả. Năm năm sau, không những Kim Jong Un vẫn yên vị, mà còn đánh bật hết tất cả những « kẻ thù bên trong », cho về hưu những vị tướng gây phiền toái và đổi mới toàn bộ nhân sự ngoại giao. Nhưng bản chất chế độ vẫn được giữ nguyên và các quyền tự do vẫn nắm dưới sự kiểm soát của đảng Lao Động Triều Tiên.
Nhìn chung, đời sống của người dân Bắc Triều Tiên đã khấm khá hơn xưa nhờ vào một số cải cách kinh tế như Kim Jong Un đã hứa. Các đặc khu kinh tế đã được xây dựng tại nhiều nơi trên cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Bắc Triều Tiên gần như tương đương với mức tăng trưởng của Trung Quốc vào đầu những năm 1980. Như lời xác nhận của một nhà ngoại giao phương Tây, thì quả thật tại Bắc Triều Tiên « không còn nạn đói nữa ».
Tuy nhiên, song song với việc phát triển kinh tế, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Đây chính là điểm gây cản trở chương trình cải cách kinh tế, do các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.
Đây là một thách thức lớn cho chế độ Bắc Triều Tiên trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Các vụ thử hạt nhân hồi tháng Giêng và tháng Chín năm nay đã khiến cho cộng đồng quốc tế ngày càng quay lưng lại với Kim Jong Un và các chương trình cải cách của ông. Những nguồn đầu tư khả dĩ duy nhất hiện nay chỉ có thể đến từ Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Nga, dù rằng hiện nay có rất nhiều doanh nhân Hàn Quốc làm ăn với đồng hương Bắc Triều Tiên ngay trên lãnh thổ Trung Quốc.
Theo giải thích của Andrei Lankov, giáo sư trường đại học Kookmin, tại Seoul, Hàn Quốc, thì « còn phải đợi xem hậu quả của các lệnh trừng phạt mới, nhưng chắc chắn một điều là những trừng phạt mới này sẽ là một rào cản trên con đường tiến tới sự thịnh vượng ».
---------
---------
0 comments:
Post a Comment