Friday, December 23, 2016

Lại xuất hiện tin đồn về cái chết của đại tướng Phùng Quang Thanh


Ảnh minh hoạ
Hoàng Trần (Danlambao) - Tối ngày 22/12/2016, mạng xã hội loan truyền một thông tin cho biết đại tướng Phùng Quang Thanh - cựu bộ trưởng quốc phòng CSVN đã đột ngột qua đời ở tuổi 67 vào đúng ngày thành lập lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.

Dù chưa được kiểm chứng, nhưng tin đồn về cái chết của vị tướng này đã nhanh chóng được loan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội lẫn dư luận ngoài đời. 

Trước đó, chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, người con trai của ông Phùng Quang Thanh là đại tá Phùng Quang Hải cũng đã bị loại khỏi chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319 mang theo nhiều tai tiếng về tham nhũng và lợi ích nhóm trong bộ quốc phòng.

Chủ động chết?

Đáng chú ý, thời điểm xảy ra tin đồn về cái chết của ông Phùng Quang Thanh diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 72 năm thành lập lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016) và 27 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2016).

Điều này khiến người ta liên tưởng đến cái chết lãnh tụ đảng CSVN là ông Hồ Chí Minh - người được cho là đã chủ động chọn cái chết đúng vào ngày kỷ niệm khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, 2/9/1969. 

Theo tiết lộ của nhà văn Dương Thu Hương, ông Hồ Chí Minh đã “tự ý dứt bỏ dây nhợ để chết vào đúng ngày kỷ niệm 2 tháng 9” trong hoàn cảnh bị giam lỏng theo lệnh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ - hai nhân vật quyền lực nhất trong chế độ cộng sản Bắc Việt lúc bấy giờ.

47 năm sau, dường như kịch bản này đã một lần nữa được lặp lại. Trở lại với các tin đồn đang gây xôn xao trên các mạng xã hội tối nay, nếu quả thực ông Phùng Quang Thanh đã chết thì đây dường như là một cái chết có chủ đích và được tính toán. 

Hay nói đúng hơn, ông  Thanh đã chủ động chọn cái chết vào đúng ngày thành lập lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phùng Quang Thanh đã học tập và làm thep đúng cách mà “bác” của ông ta đã thực hiện nhằm chống lại chính những người “đồng chí” của mình.

Bị bức tử phải chết?

Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông Phùng Quang Thanh - nếu đúng như tin đồn - thì nhiều khả năng là do bị bức tử. Thủ phạm không ai khác lại chính là những người “đồng chí”, “đồng đội” từng một thời dưới quyền của ông ta.

Từ cuối tháng 7/2015 đến nay, ông Thanh được nói đã bị giam lỏng trong trụ sở Bộ Quốc phòng sau khi từ Pháp trở về Việt Nam với lý do được loan báo là "chữa bệnh."

Trước đại hội đảng lần thứ 12, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh nhờ được Bắc Kinh hậu thuẫn, trở thành một ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế chủ tịch nước. Tuy vậy, những tranh chấp quyền lực trong bộ chính trị lúc bấy giờ khiến cho tham vọng này của có nguy cơ đổ bể.

Những phân tích gần đây cho rằng, ông Thanh bị cho là đã cầm đầu một âm mưu đảo chính trong đảng, nhưng kế hoạch này sớm bị bại lộ và chặn đứng bởi các tướng lãnh trong bộ công an, với công đầu thuộc về đại tướng Trần Đại Quang. 

Điều này khiến cho cục diện quyền lực đã thay đổi một cách chóng mặt, Trần Đại Quang chắc ghế lên làm chủ tịch nước, trong khi Phùng Quang Thanh bị phế truất quyền lực, nhờ sự can thiệp của Bắc Kinh mới có thể giữ được mạng sống, nhưng vẫn bị giam lỏng trong Bộ Quốc phòng.

Trong hơn 1 năm qua, ông Thanh gần như vắng mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng của quân đội, cho đến đại hội 12, ông ta vẫn được đảng cho lên ngồi ghế chủ tịch đoàn để thực hiện vai diễn cuối cùng nhằm cho thiên hạ thấy về sự “đoàn kết”, “thống nhất” trong nội bộ đảng, ngõ hầu “đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.

Dù đã nỗ lực diễn vở kịch thể hiện lòng trung thành với đảng và với chế độ, nhưng kỹ năng này đã không giúp bảo vệ được mạng sống của Phùng Quang Thanh và gia tộc. 

Đại tá Phùng Quang Hải, con trai ông ta bị loại khỏi chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319 – một sân sau tham nhũng khủng khiếp trong bộ quốc phòng. Hiện không rõ số phận Phùng Quang Hải sẽ đi đâu và về đâu.

Bộ quốc phòng biến loạn

Hơn ai hết, Phùng Quang Thanh hiểu rõ bản chất “vắt chanh bỏ vỏ”, “đào tận gốc, trốc tận rễ” của những người đồng chí, đồng đội của ông ta trong Bộ Quốc phòng - vốn là nơi từng xảy ra nhiều vụ thanh toán, ám sát lẫn nhau trong quá khứ và luôn bị bao phủ bởi bức màn bí ẩn che giấu những âm mưu đáng sợ. 

Sau đại hội 12, chiến thắng vang dội của Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổng cục 2 tình báo quốc phòng, một cơ quan siêu quyền lực có khả năng lũng đoạn Bộ Quốc phòng và hệ thống chính trị CSVN. 

3 ngày trước khi xảy ra tin đồn về cái chết của Phùng Quang Thanh, hôm 19/12/2016, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp đến Tổng cục 2 để “làm việc” và “giao nhiệm vụ” cho cơ quan đầy tai tiếng này. Học theo Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu; Nguyễn Phú Trọng muốn dùng Tổng cục 2 để củng cố quyền lực và thanh toán các phe nhóm chính trị trong đảng, đặc biệt là đối với hàng ngũ các tướng lãnh trong quân đội.

Cái chết của thiếu tướng Lê Xuân Duy - tư lệnh quân khu 2 chỉ sau 3 tháng nhậm chức cùng với sự ra đi của đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam là bằng chứng cho thấy tính phức tạp xen lẫn những rối loạn đang xảy ra trong giới chóp bu Bộ Quốc phòng.  

Di sản của ông Phùng Quang Thanh sau 10 năm đứng đầu Bộ Quốc phòng là tình trạng phong tướng diễn ra ồ ạt, tham nhũng xảy tràn lan trong các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, binh lính thì ngày càng suy nhược và rệu rã... Và nguy hiểm nhất, thái độ thần phục Bắc Kinh vô điều kiện của Phùng Quang Thanh đã khiến quân đội Việt Nam trở nên nhu nhược, không còn đủ khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 

Phùng Quang Thanh có thể sẽ không chết như tin đồn, nhưng tương lai của gia tộc ông ta sẽ trở nên u ám hơn bao giờ hết. Dù nếu có chết, thì khối tài sản cả đời tham nhũng liệu có mang theo được không, hay sẽ lại rơi vào tay của chính những kẻ vừa bức tử ông ta?

23.12.2016


0 comments:

Powered By Blogger