Wednesday, October 5, 2016

Đảng viên nói gì về cuộc biểu tình của giáo dân Kỳ Anh


AuthorAnh Vũ,SourceRFAPosted on: 2016-10-05


Sáng Chúa Nhật ngày 2/10/2016, đã có khoảng trên10.000 giáo dân của 7 giáo xứ trong Giáo hạt Kỳ Anh đã tập trung tại trước hai cổng vào nhà máy Formosa Hà Tĩnh - khu vực Vũng Áng Hà Tĩnh, để biểu thị thái độ phản kháng trước việc vô trách nhiệm của Formosa cũng như của các cấp chính quyền. Citizen photo
Cuộc biểu tình của hơn 10.000 giáo dân Kỳ Anh tại Formosa Hà Tĩnh ngày 2/10/2016 có tiếng vang lớn, được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Các đảng viên Đảng CSVN nói gì về việc nay?
Người dân đã hành động đúng
Sáng Chúa Nhật ngày 2/10/2016, đã có khoảng trên10.000 giáo dân của 7 giáo xứ trong Giáo hạt Kỳ Anh đã tập trung tại trước hai cổng vào nhà máy Formosa Hà Tĩnh - khu vực Vũng Áng Hà Tĩnh, để biểu thị thái độ phản kháng trước việc vô trách nhiệm của Formosa cũng như của các cấp chính quyền.
Các tin tức về về cuộc biểu tình này được lan truyền nhanh trên mạng xã hội và được nhiều người hết sức quan tâm và chia sẻ.
Từ Sài Gòn, Bác sĩ Đinh Đức Long, một người đã từ bỏ Đảng CSVN trước đây ít lâu thấy rằng, đây là một cuộc biểu tình được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay, xảy ra tại vùng đất nổi tiếng về truyền thống các cuộc cách mạng trong lịch sử Việt Nam. Ông nói với chúng tôi:
“Tôi rất mừng và nghĩ rằng người dân đã hành động đúng vì họ đã nói thành tiếng nói của chúng tôi, nhưng tiếc rằng mình không có mặt ở tại đó. Tôi cho rằng đó là tiếng chuông báo hiệu sự cáo chung của chế độ cộng sản, vì đất Nghệ An – Hà tĩnh là cái nôi của cách mạng, đã từng là nơi xuất phát của phong trào “Tiếng trống năm 1930” và chính họ là những người gây dựng nên chế độ này. Có lẽ rằng đất này cũng bắt đầu tiến trình thany đổi và khai tử chế độ này.”
Ông Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét rằng, cuộc biểu tình của người dân Kỳ Anh ngày 2/10 vừa qua là một việc làm chính đáng và hết sức cần thiết. Theo ông, đây là biện pháp để buộc chính quyền phải tiến hành đối thoại với dân chúng để tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Ông nói:
“Việc biểu tình của của người dân nói chung và bà con ở 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của việc Formosa thải chất độc làm cho biển độc, cá chết làm cuộc sống của họ khốn khổ, ảnh hưởng đến công ăn việc làm là quyền tự nhiên của họ, là quyền dân sự để cho xã hội cũng như nhà cầm quyền biết để cùng nhau xem xét để xử lý. Ở một thế giới văn minh thì đó là chuyện đương nhiên, bình thường của một Xã hội Dân sự.”
Đánh giá về khả năng tổ chức của cuộc biểu tình, BS. Đinh Đức Long nhận xét:
“Phải nói là sự tổ chức lãnh đạo rất tài giỏi của các Cha, họ là những người tổ chức thực hiện việc này, qua đó tôi nhận thấy rằng, rõ ràng đạo Công giáo đã đồng hành với lợi ích của dân tộc. Việc điều hành đảm bảo tình chất bất bạo động, không có gây rối, đập phá đã thể hiện tính tự giác. Đặc biệt cuộc biểu tình này là lần đầu tiên và chưa từng có trong lịch sử của chế độ này.”


Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Citizen photo.
Theo báo Hà Tĩnh, ngay 2/10/2016 cho rằng, cuộc biểu tình này là “Những hành động quá khích, vi phạm pháp luật này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Công ty Formosa trong lúc doanh nghiệp đang tiến hành khắc phục, hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh; làm xấu môi trường đầu tư tại Hà Tĩnh nói chung và Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng.”
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, mấu chốt của vấn đề là sự bất đồng về quyền lợi giữa chính quyền và người dân, việc chính quyền đặt quyền lợi của Formosa lên trên quyền lợi của dân chúng đã khiến cho người dân hết sức bất bình. Theo ông, khi cuộc sống yên bình của người dân ở đây đã chịu hậu quả thảm khốc do Formosa gây ra, thì chính quyền thờ ơ và không giải quyết thỏa đáng cho họ. Ông khẳng định:
“Trong cái vụ Formosa thì chủ trương của Đảng khác với nguyện ước của dân, khác với nhu cầu của đất nước và xã hội, vì thế nó trái ngược với nhau. Cho nên họ không muốn giải quyết vấn đề này. Thực ra vấn đề cũng hết sức đơn giản, chẳng hạn anh Nguyễn Thiện Nhân xuống bàn với dân, ngồi trao đổi với họ, thì họ cũng không làm. Chính vì thế người ta mới bức xúc, mâu thuẫn bị đẩy đến đỉnh điểm và buộc họ phải hành động.”
Tinh thần bất bạo động được đánh giá cao
Theo các thông tin trên mạng xã hội cho biết “Công an, quân đội ban đầu trấn áp quyết liệt người biểu tình, song khi thấy số lượng người tham gia quá đông, đã rời bỏ hàng ngũ tháo chạy. Nhiều quân nhân còn nhanh chóng cởi bỏ quân phục để tránh bị phát hiện, vì họ thừa hiểu trong mắt người dân bấy giờ họ đang bảo vệ cho Formosa - thủ phạm trực tiếp gây ra cảnh khốn cùng của dân chúng.”
LS. Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội đánh giá cao tinh thần bất bạo động, sự tổ chức chặt chẽ và tính tuân thủ kỷ luật của người biểu tình. Theo ông, đây chính là sự thành công và cũng là lý do đã khiến chính quyền không có phản ứng bằng bạo lực. Ông cho biết:
“Cuộc biểu tình này là bước tiếp theo của các cuộc biểu tình trước đây, sau việc 600 người nộp đơn kiện Forrmosa tại tòa án, thì đây cũng là việc thúc đẩy buộc Tòa phải giải quyết. Các giáo dân tổ chức rất chặt chẽ, trật tự, không cản trở giao thông, không xung đột… thì tôi nghĩ kiếm lý do để đàn áp thì cũng rất khó.”
LS. Trần Quốc Thuận cũng cho biết thêm lý do mà phía chính quyền sẽ không dám mạnh tay đối với các cuộc biểu tình tương tự trong thời gian tới. Ông nói:
“Biểu tình để biểu lộ ý chí của mình và họ làm xong thì họ về trong trật tự thì cũng khó để đàn áp. Đặc biệt, đàn áp giáo dân và một tôn giáo đó là việc mà bất kể quốc gia nào cũng phải chú ý và rất dè dặt. Chứ không phải lúc nào cũng đàn áp. Đàn áp người dân thường thì khác, nhưng động vào một tổ chức Tôn giáo thì đó là chuyện không đơn giản.”
Trong bài viết “Hãy đối thoại, chớ đàn áp dân”, GS-TS Mạc Văn Trang đã viết rằng, “Lúc đầu có xảy ra xô xát giữa công an và người dân, nhưng rất may, những người lãnh đạo cuộc biểu tình đã yêu cầu dân chúng không được manh động và lực lượng công an cũng rút lui. Qua những vụ việc trên, chứng tỏ dân chúng đã giác ngộ, biết đấu tranh ôn hòa, có tổ chức chặt chẽ… Điều đó hoàn toàn trái với luận điệu tuyên truyền: Dân ta dân trí thấp, tụ tập đông người sẽ sinh tâm lý bầy đàn, gây ra bạo loạn xã hội… Điều này càng cho thấy cấp thiết phải có Luật Biểu tình để người dân và chính quyền đều biết hành xử đúng luật.”

0 comments:

Powered By Blogger