AP 24/6/1968
Sài Gòn - Cách đây mười ngày, người lính Việt Cộng, Phan Văn Tý, 12 tuổi, đeo súng trường tự động AK-47 trên vai, đóng lại túi đạn và theo người chỉ huy tiểu đội ra đầu hàng.
Sau 12 ngày giao tranh ở ngoại ô Gia Định phía bắc Sài Gòn 12 người lính trong tiểu đội em đồng ý đầu hàng. Họ rời khỏi các lô cốt trong biệt thự đổ nát và xếp hàng đi đến đồn lính thủy quân lục chiến Quốc Gia.
Quyết định của họ là khởi đầu cho cuộc đầu hàng tập thể lớn nhất của những người lính thuộc đơn vị Việt Cộng ưu tú trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vuốt ve nai con
Ngày Chúa Nhật, lính Tý trở lại tuổi thơ. Em cho voi ăn đường, sung sướng vuốt ve nai con và cười vang khi xem khỉ.
Hôm nay em và 70 đồng đội cũ ở Trung đoàn Gia Định đi chơi ở sở thú Sài Gòn.
Hiện nay 150 quân địch mà quyết định thà đầu hàng chính quyền Sài Gòn còn hơn chiến đấu đến chết để “giải phóng Sài Gòn” đang ở tại Chiêu Hồi- trung tâm phục hoạt mở rộng bàn tay thân ái- của quân khu thủ đô. Họ không bị coi là tù binh.
Bảo vệ che chở
Một sĩ quan người Việt giải thích: “Họ được đặt dưới sự bảo vệ che chở và trông nom của chúng tôi cho tới lúc họ có thể quyết định đời mình sau này nên làm gì.”
Bảy mươi sáu người trong họ thuộc về những người lính quân đội Bắc Việt và 74 người, kể cả em Tý, là những người lính Việt Cộng được tuyển mộ ở trong Nam.
Sự bàng hoàng và kiệt sức vì các cuộc bại trận ở Gia Định dường như đã biến mất. Những đôi má hốc hác đã đầy đặn trở lại, và hầu hết những người lính lớn tuổi hơn Tý này coi bộ thích liếc nhìn những thiếu nữ Sài Gòn mảnh mai hơn xem voi.
Những người tù quần áo tề chỉnh đi dạo trong công viên sở thú.
Những cựu binh Việt Cộng rõ ràng thích thú đi lại giữa đường mà không cần trốn tránh trực thăng Mỹ hay bay thấp như trước. Vài người chỉ nằm dài ra trên ghế công viên, nháy mắt uể oải dưới ánh nắng.
Khi một nhóm lính Bắc Việt nhìn chăm chú con hổ ngái ngủ trong chuồng, một nhà báo người Sài Gòn kể rằng cựu chỉ huy người Mỹ ở Việt Nam, Tướng Paul D. Harkins đã tặng con thú ấy cho sở thú.
Hai người miền Bắc quyết định lấy cây gậy chọc vào đuôi hổ, nhưng con vật say nắng này chỉ ngáp dài chán chường rồi thu đuôi về.
Tránh chính trị
Những hồi chánh viên này miễn cưởng nói đến chính trị. Cứ năm người hồi chánh thì có một người bảo vệ thuộc Cục Tâm Lý Chiến ở bên cạnh họ để ân cần hướng dẫn họ.
“Dù có chiến tranh chúng tôi cũng có nhiều giải trí ở Hà Nội,” một người miền Bắc nói. “Không bằng như ở Sài Gòn đây-nhưng cũng nhiều thú vui. Chúng tôi cũng có sở thú, nhỏ hơn nhưng rất sạch. Chúng tôi không có ngựa vằn-chúng tôi nghèo hơn đồng bào mình ở miền Nam.”
Liếc nhìn người bảo vệ mình, anh nói tiếp: “Nhưng tất nhiên Miền Nam Việt Nam là quốc gia tự do.”
Ít người hồi chánh sẵn sàng nói về những điều họ mong chờ trong tương lai.
Còn bé Phan Văn Tý muốn trở về nhà với mẹ đang sống ở làng Dĩ An, cách Sài Gòn 16 cây số về hướng bắc.
Nguồn:
Báo Los Angeles Times số ra ngày 24 tháng Sáu, 1968, Tựa đề của người dịch. Tựa đề nguyên tác tiếng Anh “Ex-Red Soldier, 12, Becomes Boy Again.”
Bản tiếng Việt:
0 comments:
Post a Comment