Tuesday, May 31, 2016

'Không cần số một, chỉ cần môi trường sống an toàn'

 
Tác giả : Nguyễn ThịNguồnBBCNgày đăng : 2016-05-31


Ông Đinh La Thăng với nhiều phát ngôn trong thời gian mới nhậm chức
“Ngày 29/3, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chia sẻ với báo chí về mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại vị trí số một trong khu vực mà ông vừa nêu tại Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.
Thưa ông Đinh La Thăng,
Đọc thông tin này, tôi không khỏi phá lên cười.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở lại vị trí số một trong khu vực để làm gì, thưa ông Bí thư?
Những bà nội trợ có con nhỏ như tôi không lấy làm hãnh diện sống trong thành phố có vị trí số một về kinh tế trong khu vực Asean nếu như môi trường sống tiếp tục đầy hiểm nguy cho phụ nữ và trẻ nhỏ như hiện nay!
Chúng tôi chỉ cần một môi trường sống an toàn.
Vâng, theo như ông nói thì “Số một ở đây phải là tổng thể. 50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn.
Khi đó Singapore chỉ là một làng chài, nay thì họ là đô thị số một trong khu vực, cả về kinh tế và chất lượng sống. Tôi nói đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại vị trí số một là phải số một trong tổng thể, toàn diện.”.


Môi trường ô nhiễm, bệnh viện quá tải, phải xếp hàng chạy trường lớp là những lý do khiến chất lượng sống ở đây bị ảnh hưởng
Mục tiêu số một toàn diện như ông nói, bao gồm cả kinh tế và chất lượng sống thật quá xa vời, bao giờ đạt được đây, khi thành phố mỗi năm đều có những công trình hàng ngàn tỷ đồng, chẳng hạn như vụ lát đá hoa cương trên vỉa hè Quận Một nhằm khẳng định sự giàu có về kinh tế nhưng chất lượng sống ngày càng tệ dần đi.
Tại sao những người phụ nữ như tôi mỗi ngày ra đường đều phải suy tính giấu đi sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ, giấu đi túi xách dưới lớp túi nylon bèo nhèo, không dám giơ điện thoại nói chuyện ngoài phố… và lặng lẽ nhắc nhở nhau những “tuyệt chiêu” phòng tránh bọn cướp giật?
Thậm chí mỗi ngày, những bà nội trợ như tôi luôn sống trong nỗi sợ hãi: phập phồng vào mỗi sáng sớm khi nhìn người thân dắt xe máy ra đường đi làm mà không biết người ấy có an toàn trở về nhà vào cuối ngày hay không; lo lắng với mớ thực phẩm mua về nấu ăn không biết tiềm ẩn chất độc hại nào chưa bị phát hiện; lo lắng khi đem gửi con ở trường học và bần thần sợ hãi không kém khi đưa con vào bệnh viện chích ngừa hay khám chữa bệnh.
An toàn khi ra đường, an toàn khi ăn uống ngoài đường, an toàn khi mua sắm thực phẩm, an toàn ở trường học, an toàn khi đi chữa trị ở bệnh viện… là điều chúng tôi cần nhất, không phải cho chúng tôi, mà cái chính là cho con cháu của chúng tôi – bọn trẻ đang hít thở bầu không khí này và đang cần môi trường tốt để lớn lên. Ông có hiểu điều ấy hay không?


Thành phố Hồ Chí Minh bị coi là nơi bất an vì xảy ra nhiều vụ cướp nghiêm trọng trong thời gian dài
Thưa ông, ông từng lên tiếng về việc phải có nơi xin lỗi nữ du khách đến từ Ai Cập khi cô ấy bị giật túi xách trên đường và khóc nức nở vì sợ hãi vào chiều ngày 11/3 tại Quận Một, thế nhưng sau hành động xin lỗi ấy là gì?
Có ai tìm ra bọn cướp đã giật túi xách của cô ấy và đem hoàn trả cho cô ấy không? Có phải nạn cướp giật du khách nước ngoài sẽ chấm dứt sau màn xin lỗi chưa có tiền lệ đó ở thành phố này?
Tại sao sau thông tin cô ấy bị cướp, sau thông tin cô ấy được xin lỗi, không có thông tin nào cam đoan từ nay du khách đến thành phố này có thể ung dung đi dạo và không còn lo bọn cướp xuất hiện bất thình lình nữa?
Khi chưa làm được những điều đơn giản mà vô cùng cần thiết ấy, xin đừng nói gì đến mục tiêu trở thành số một – bởi chúng tôi, những người dân bình thường – chỉ muốn có môi trường sống an toàn mà thôi.
Và nếu ông có thể làm cho thành phố này trở thành nơi có môi trường sống an toàn – giống như những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước - chúng tôi, những người dân sinh ra và lớn lên ở thành phố này, sẽ cảm ơn ông.
Có một thống kê cho biết mỗi năm Việt Nam nhận gần 12 tỷ đôla Mỹ kiều hối gửi cho người thân sống ở Việt nam, nhưng mỉa mai thay cũng có ngần ấy tiền từ Việt Nam đem ra nước ngoài để mua lấy dịch vụ y tế, du lịch và du học.


Nhiều người dân ở thành phố này nói họ cảm thấy lo lắng khi ra đường
Điều ấy nghĩa là gì? Ngày càng có nhiều người giàu hơn ở Việt Nam và họ đã có nhiều lựa chọn hơn, một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của họ là nền giáo dục tốt hơn cho con cái họ, dịch vụ y tế hiệu quả hơn cho người thân cua họ và đến lượt họ, khi có tiền là phải đi du lịch đến những vùng đất đẹp đẽ và an toàn hơn để tiêu tiền.
Trong thống kê này chưa tính đến số tiền mà người giàu Việt bỏ ra để mua thẻ xanh định cư ở nước ngoài.
Trong 5 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng ngậm ngùi chia tay một người bạn rời bỏ Việt nam để đi định cư ở nước ngoài theo diện mua thẻ xanh. Khi có tiền ai cũng muốn tìm kiếm môi trường sống tốt hơn cho con cái họ.
Điều ấy là đương nhiên và nếu có nhiều tiền, có lẽ tôi cũng làm như họ!
- Nguyễn Thị gửi cho BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả là một nữ nhà báo hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Trung Quốc cho tàu ngầm nguyên tử tuần tiễu Biển Đông

 
NguồnNgười ViệtNgày đăng: 2016-05-31
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Hôm Chủ Nhật, tạp chí Forbes cho biết đúng vào thời điểm dân Mỹ nghỉ lễ Chiến Sĩ Trận Vong ba ngày cuối tuần, có tin Trung Quốc dự tính triển khai tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử ở Thái Bình Dương.


Một tàu ngầm của Trung Quốc. (Hình: Guang Niu/AFP/Getty Images)
Ngoài ra, nhật báo The Guardian của Anh hôm Thứ Năm loan tin Trung Quốc sẽ cho tàu ngầm võ trang nguyên tử tuần tiễu trong Biển Đông, giữa lúc tình hình căng thẳng gần đây với Hoa Kỳ ở Á Châu.
Việc Trung Quốc muốn đưa tàu ngầm mang hỏa tiễn nguyên tử vào hoạt động ở Thái Bình Dương, được giải thích bằng lập luận rằng hệ thống vũ khí mới của Mỹ làm phương hại đến khả năng lực lượng răn đe hiện nay của Trung Quốc. Các viên chức quân sự Trung Quốc từ chối cho biết thời điểm khởi sự nhưng nói rằng hành động này là không thể tránh được.
Giới quân sự Trung Quốc nêu lên việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ Thaad chống hỏa tiễn ở Nam Hàn hồi Tháng Ba, việc phát triển loại hỏa tiễn siêu thanh bay như máy bay có thể đánh vào các mục tiêu ở Trung Quốc chỉ trong vòng một giờ sau khi phóng lên. Họ coi đó là những mối đe dọa nặng nề cho hiệu quả của lực lượng răn đe nguyên tử của Trung Quốc đặt căn cứ trên đất liền.
Bộ Quốc Phòng Mỹ trước đây đã dự đoán là Trung Quốc có thể triển khai lực lượng răn đe di động từ khoảng năm 2016. Tàu ngầm phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa đã được Trung Quốc nghiên cứu từ gần 30 năm nhưng dự án triển khai vào hoạt động hiện nay đã bị ngưng lại vì những thất bại kỹ thuật, tranh chấp giữa các cơ chế quốc phòng và quyết định về chính sách.
Hiệp Hội Khoa Học Gia Mỹ (FAS) đánh giá là “những tin tức báo chí và thông báo chính thức từ nhà nước có vẻ vẫn tiếp tục phóng đại khả năng của lực lựợng tàu ngầm Trung Quốc.” Theo FAS, ít nhất là cho đến bây giờ “tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn chưa đi vào hoạt động thường trực được.”
Tấn là một triều đại trong Lục Triều, thời kỳ phân ly của nước Trung Hoa từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 4, tiếp sau Tam Quốc. NATO xếp loại tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc theo các lớp Hạ, Đường, Tấn, nhưng không phải là tên gọi chính thức. Tàu ngầm lớp Tấn có chiều dài 135 mét, trọng lượng giãn nước 11,000 tấn, hiện nay mới chỉ có bốn chiếc được đưa vào hoạt động trong kế hoạch đóng 12 chiếc.
Trung Quốc gọi tàu ngầm lớp Tấn là “tàu ngầm loại 094.” Nhược điểm của tàu ngầm này là chạy quá ồn, rất dễ bị phát hiện bởi các tàu ngầm tấn công của Mỹ và như thế sẽ bị tiêu diệt trước khi vượt qua dãy đảo đầu tiên trước khi đi tới miền Trung Thái Bình Dương.
Tờ Forbes nói rằng người ta phải đặt câu hỏi về thời điểm Trung Quốc tiết lộ kế hoạch triển khai tàu ngầm nguyên tử, chỉ ba ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama, trong đó khó chịu nhất với Trung Quốc là việc Mỹ hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc còn có ở bán đảo Triều Tiên hay với Nhật ở biển Hoa Đông, nhưng trọng tâm lúc này là Biển Đông.
Từ lâu một số tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc đã được điều phái cho hạm đội Nam Hải và bốn tàu ngầm lớp Tấn đồn trú tại căn cứ hải quân Du Lâm miền Nam đảo Hải Nam.
Ông Wu Riqiang, giáo sư phụ giảng phân khoa nghiên cứu quốc tế trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh, nhận xét: “Vì các tàu ngầm nguyên tử có mặt trong Biển Đông, máy bay Hải Quân Mỹ vẫn tìm cách do thám hoạt động của chúng trong vùng này và Hải Quân Trung Quốc ghét chuyện ấy nên thường tìm cách xua đuổi.”
Ông muốn nói đến vụ mới đây hai chiến đấu cơ Trung Quốc bay tới sát bên một máy bay tuần thám biển của Hải Quân Hoa Kỳ.
Lực lượng răn đe của Trung Quốc chỉ có khoảng 260 đầu đạn hạt nhân so với khoảng 7,000 của Nga và Mỹ. Đặt căn cứ trên đất liền, những vũ khí này rất dễ bị tiêu diệt nhanh chóng với cuộc tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí nguyên tử hay vũ khí quy ước. Chính quyền Tập Cận Bình luôn luôn khẳng định là sẽ không bao giờ tấn công trước bằng vũ khí nguyên tử. Nhưng giới quân sự Trung Quốc lập luận rằng đối phó sự phát triển khả năng quân sự Mỹ với những vũ khí mới, lực lượng răn đe của Trung Quốc sẽ không còn giá trị gì nếu không được nâng cấp.
Tờ The Guardian, dẫn lời Giáo Sư Wu Riqiang, còn cho rằng triển khai tàu ngầm nguyên tử chỉ là một hành động mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu chiến tranh thật sự xảy ra, Mỹ có thể tiêu diệt nhanh chóng đầu não ở Bắc Kinh và lãnh đạo Trung Quốc không thể kịp ra lệnh cho các lực lượng xa. Vì vậy, theo ông, Trung Quốc chỉ nên giữ nguyên đường lối hiện tại và tìm cách che giấu phân tán các hỏa tiễn nguyên tử đặt căn cứ trên đất liền. (HC)
------------

Nước An Nam của thế kỷ hai mươi mốt qua một bức ảnh

 
Tác giãNguyễn Hoàng PhốNguồnAnh Ba SàmNgày đăng: 2016-05-31


Bức ảnh “Ông chủ” cõng “đầy tớ”. Nguồn: Facebook
1- Bức ảnh biết nói, nói gì?
Bức ảnh về “Hà lội”, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama, là một bức ảnh biết nói. Nhưng nó nói gì?
– Ta thấy một người Việt cưỡi và (phóng to lên ta thấy) đang cười trên lưng một người Việt khác, ta thấy một người Việt khom lưng, nhẫn nhục cõng trên lưng một người Việt khác.
– Ta thấy người cưỡi mang giày da, áo quần áo là lượt, ta thấy người cõng mang dép, mặc bộ đồ màu xanh của giới cửu vạn.
– Ta thấy chiếc xe, và biết người cưỡi từ chiếc xe đó chui ra, ta thấy một người nữa đã đưa ghế cho người cưỡi bước lên.
Và ta thấy cờ đỏ, màu cờ của giai cấp cần lao. Ta biết chắc cả ba người đang làm việc cho bộ máy công quyền. Ta biết là cơ quan đó có cái đuôi tên là nhân dân. Ta biết chắc, người cõng phải khúm núm, tận tụy để khỏi mất việc một khi có gió độc giảm biên chế, và khỏi bị hoạnh hoẹ khi đến kỳ tăng lương phát thưởng. Ta tự hỏi, trong bộ ba làm việc cho bộ máy đó, ai là chủ, ai là tớ, và ai đặt ra vai vế chủ tớ đó?
Bức ảnh đó làm ta đau thắt đến quặn lòng: Ta thấy có gánh nặng trên vai anh em, cha ta, chú bác ta trong người cõng, ta thấy có sự nhịn nhục của anh em ta, cha ta, chú bác ta trong người cõng, ta thấy có nỗi tủi nhục của cha mẹ, anh em, con cháu người cõng. Ta thấy như trở về với thời thuộc địa, khi địa vị chủ – tớ rạch ròi. Và ta tự hỏi, vì đâu đến nỗi này? Vì đâu một dân tộc dám hy sinh tất cả để giành được quyền thẳng lưng mà sống, ngẩng đầu mà đi, vậy mà…
2- Vì đâu đến nỗi này?
Ta thấy khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến dân sinh, như nạn xả rác, hay gây ồn ào nơi công cộng…, nhà cầm quyền thường qui trách nhiệm cho dân trí thấp, nôm na là do dân còn ngu. Nhưng vì sao dân ở thế kỷ hai mươi mốt mà còn ngu trong khi cách đây gần bảy mươi năm dân lại sáng suốt đi theo đảng để làmcái cách mạng tháng tám 1945, rồi lại sáng suốt tiếp tục làm cuộc chống Mỹ cứu nước cho đến 1975, thì là một bí ẩn. Bao nhiêu là kỳ tích về sự thông minh, sáng tạo của dân được bộ máy tuyên truyền tung hô. Hay là tất cả chỉ là dối trá, lường gạt? Còn nếu không, thì làm thế nào để giải thích dân càng ngày càng ngu khi theo đảng?
Chợt nhớ đến câu chuyện về nhà độc tài Staline. Một hôm có một nhà báo cánh tả ở một quốc gia Tây Âu phỏng vấn Satline về thuật cai trị. Staline không trả lời, sai cận vệ bắt một con gà, vặt hết lông, rồi đem ra sân. Con gà co ro vì lạnh, lúp xúp tìm chỗ ẩn núp, chạy lòng vòng một hồi và cuối cùng chui vào bên dưới chiếc áo khoác dài chấm gót của nhà độc tài. Staline bước sang phải, con gà chạy sang phải, bước sang trái, con gà chạy sang trái. Nhà độc tài quay lại nhà báo, trị dân cũng như thế.
Trong một thể chế mà người dân đã bị tước hết khả năng sống tự nhiên: phương thức mưu sinh, tấm áo giáp lương tri đạo đức, và lý trí – phẩm chất phân biệt con người khác với động vật khác, thì người dân không còn sống một cuộc sống của con người nữa, mà sống một cuộc sống trần trụi của nhu cầu bản năng, như con gà trụi lông của Staline, chạy theo cái áo khoác để tìm chút hơi ấm.
----------

Phú Yên: công an xã bắt người và đánh đập giữa đêm khuya


Anh Nguyễn Kim Thành chỉ vào cổ tay trái, vị trí bị ông Trà còng và dùng roi điện chích vào - Ảnh: Duy Thanh
Vụ việc công an xã bắt người trái pháp luật và đánh đập tra khảo suốt đêm diễn ra từ ngày 29/3/2016, đến ngày 30/5/2016 có báo Tuổi Trẻ đưa tin do gia đình có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. 

Nạn nhân của việc bắt giữ tùy tiện và bị cơ quan công an sử dụng nhục hình lần này là anh Nguyễn Kim Thành (20 tuổi, ngụ Hòa Định Đông, Phú Hòa, Phú Yên).

Bà Võ Thị Sứ, mẹ anh Thành, kể khoảng 2g ngày 29-3, khi gia đình bà đang ngủ thì nghe tiếng kêu cửa. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Tuất ra mở cổng thì thấy ông Huỳnh Tấn Trà (trưởng Công an xã Hòa Định Đông) cùng một công an viên, một phó chỉ huy trưởng xã đội và một dân quân đứng trước nhà. Ông Trà nói với ông Tuất đến kiểm tra hộ khẩu.

“Vừa bước vào nhà, ông Trà hỏi vợ chồng tôi là Thành có ở nhà không. Tôi nói Thành đang ngủ thì ông Trà bảo kêu dậy. Tiếp đó, ông trưởng công an xã nói họ đến mời Thành lên xã có việc, nói là có công an huyện nữa. Rồi họ dùng xe máy chở Thành đi”.

Khi về đến trụ sở công an xã, ông trưởng công an xã tra hỏi anh Thành rằng có phải nhóm bạn bè của Thành ném đá làm vỡ kính cửa nhà ông hay không. 

Khi anh Thành trả lời không biết thì ông Trà dùng dùi cui đánh nhiều cái vào lưng. “Tôi kêu đau thì ông ấy chạy qua phòng bên cạnh, lấy còng số 8 còng tay trái tôi vào ghế rồi tiếp tục tra hỏi và dùng dùi cui đánh vào lưng, hông phải tôi. Ông ấy còn lấy roi điện chích làm tôi bị điện giật rất đau. Hơn một tiếng rưỡi tra khảo, đến gần 4g sáng ông Trà mới tháo còng để tôi đi bộ về”, anh Thành kể lại.

Lúc gia đình mở cửa thì phát hiện Thành ngã khuỵu và ngất đi. Mẹ anh Thành kiểm tra thấy lưng, bụng anh có nhiều vết đỏ bầm, sưng nề. 

Trong buổi sang ngày 29/3/2016, ông Nguyễn Văn Tuất, cha anh Thành có gọi điện thoại cho ông Traf (trưởng công an xã) để hỏi lý do việc bắt giữ, đánh đập Thành thì ông Trà nói bận việc. Hai ngày sau, ngày 31/3/2016, ông Trà mời bà Sứ đến công an xã làm việc. Theo bà Sứ, ông Trà cho rằng do nghi Thành và bạn bè ném đá vỡ cửa kính nhà ông nên có đến nhà kiểm tra. Việc ông bắt giữ, tra khảo Thành là sai. “Ông Trà mong gia đình bỏ qua và chịu mọi phí tổn trong việc điều trị” - bà Sứ nói. Mấy ngày sau, vợ chồng ông Trà có đến nhà đưa 1 triệu đồng và đề nghị đừng khiếu nại nhưng gia đình bà Sứ không đồng ý. Ngày 1-4, gia đình đưa Thành đi khám tại một phòng khám ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) với kết quả “sưng nề mô mềm phần sau ngực cạnh cột sống hai bên”. Ngày 4 và 5-4, bà Sứ đến Công an huyện Phú Hòa xin cho Thành đi giám định thương tật để có cơ sở xử lý về sau, nhưng nơi này không đồng ý.

“Mãi đến ngày 9-5, công an huyện mới đưa Thành đi giám định thương tật. Sáng 27-5, Công an Phú Hòa mời mẹ con tôi đến thông báo kết quả giám định Thành bị chấn thương phần mềm, tỉ lệ thương tật 0%. Tôi yêu cầu phải làm rõ hành vi bắt giữ, đánh đập tra khảo con tôi trái luật” - bà Sứ nói.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Huỳnh Tấn Trà (trưởng Công an xã Hòa Định Đông) cho biết: “Vụ việc không đáng gì nhưng gia đình người ta làm quá lên”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhi - chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông - khẳng định lãnh đạo xã không biết gì về việc kiểm tra hành chính cũng như bắt giữ, đánh đập anh Thành.

Tại sao công an huyện Phú Hoà lại từ chối yêu cầu giám định thương tật của gia đình nạn nhân Nguyễn Kim Thành ngay sau khi vụ việc xảy ra? 

Tại sao việc bắt giữ và đánh đập công dân diễn ra hết sức tuỳ tiện như vậy mà đến nay chưa có hướng xử lý vụ việc?

Với tình trạng này xảy ra, liệu sẽ có thêm bao nhiêu công dân khác sẽ thành nạn nhân tiếp theo khi công an xã được trao thêm quyền lực theo dự thảo Luật công an xã đang được Quốc hội thảo luận?



Viện Quản trị Bền vững và Hoà bình toàn cầu lên tiếng về trường hợp TNLT Trần Huỳnh Duy Thức

Ngày 25/5/2016, Giáo sư C.J.Hamer - Chủ tịch, Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu, đã có thư gửi các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, cùng nhà nước Việt Nam hãy trao trả tự do cho Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn bản dịch lá thư trên.

Hôm nay ngày 31/5/2016, ngày thứ 8 TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù.

*
Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu
Số đăng ký: INC9896763
Website: http//igpsg.org
Chủ tịch: Giáo sư C.J.Hamer
3/141 Oberon St.
Coogee NSW 2034
Tel: (02) 93854590 (W)
C.Hamer@unsw.edu.au
Thứ Tư, ngày 25/05/2016,

Về việc: Trần Huỳnh Duy Thức

Gửi các bên liên quan:

Tôi ủng hộ cho phong trào đòi tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi hiểu rằng ông ấy đang bị giam cầm ở Việt Nam bởi cáo buộc thực hiện tuyên truyền chống lại chính quyền, chịu án 16 năm tù giam và tiếp tục 5 năm quản chế. Ông ấy đã chịu 7 năm trong tù bởi sự buộc tội đó. Ông đã thề sẽ bắt đầu một cuộc "tuyệt thực cho đến chết" chống lại việc giam cầm ông kể từ ngày 24/05/2016.

Tôi tha thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy thể hiện sự nhẹ tay tới Thức, và thả ông ra khỏi nơi giam cầm. "Tội" của ông Thức là đưa ra một loạt những đề nghị cho việc cải cách quản trị chính quyền tập trung vào quyền con người. Đúng vậy, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền hiện đại là duy trì quyền con người, như đã được nêu lên trong Tuyên ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền. Một trong những quyền đó là quyền tự do ngôn luận, để chống lại sự chuyên chế và lạm dụng quyền lực của chính quyền. 

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi việc xử án Thức là "một sự nhạo báng công lý". Sự kết án đối với ông ấy là dài nhất chưa từng có dành cho một người bất đồng chính kiến Việt Nam, và đã bị lên án bởi văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân Quyền. 

Vào ngày 29 tháng Tám năm 2012, tổ chức Liên Hợp Quốc Nhóm Làm việc về Giam cầm Tùy tiện (WGAD) đã đưa ra nhận định rằng việc giam cầm Thức đã vi phạm quyền tự do ý kiến và phát biểu được đảm bảo bởi Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR), mà Việt Nam là một thành viên.

Do đó, tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam chấp hành nghĩa vụ của mình bởi tuân thủ luật pháp quốc tế, và thể hiện sự nhẹ tay tới Thức bằng cách thả ông ra khỏi nơi giam cầm ngay lập tức.

(đã ký)

Giáo sư C.J.Hamer

Chủ tịch, Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu


Những lý do để chúng ta cần tranh đấu tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

Trần Huỳnh Duy Thức, là người dấn thân quyết liệt bằng đời sống và cả sinh mạng mình. Việt Nam cần những con người như anh để thay đổi và phát triển. Chúng ta cần sự tự do của anh trên mảnh đất này.

Trần Huỳnh Duy Thức là người tiên phong trong dịch vụ công nghệ, là một doanh nhân tài giỏi hiếm có dám từ bỏ sự nghiệp thành đạt của bản thân để đòi hỏi quyền lợi cho dân tộc. Ngoài đầu óc và bản lĩnh của một doanh nhân, Trần Huỳnh Duy Thức còn có tư tưởng và đường lối hành động của một nhà hoạt động để giúp đất nước tiến lên trên con đường thịnh vượng. 

Cái giá phải trả cho sự can đảm của anh là một bản án vô nhân đạo. 16 năm tù là hình phạt mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn răn đe những người tài giỏi, có tâm, muốn cống hiến tri thức mình có cho đất nước. 

Đáp trả hình phạt khắc nghiệt dành cho mình, Trần Huỳnh Duy Thức đã thể hiện hình ảnh một người tù bất khuất, không nhún nhường, không thỏa hiệp với sai trái, chấp nhận tuyệt thực đến chết mà không cần tự do lưu vong ở nước ngoài. Anh từ chối cơ hội đi Mỹ, chấp nhận tù đày để lựa chọn ngục tối tù đày trên quê hương với hy vọng được thấy sự thay đổi. 

Chúng ta có thể làm gì trong lúc này?

Câu hỏi này được lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của nhiều người khi mà Trần Huỳnh Duy Thức quyết tâm tuyệt thực, đánh cược sinh mạng trong chốn lao tù vì lý tưởng kiến thiết quốc gia và tự do của con người.

Từ khi tuyên bố tuyệt thực từ ngay 24/5/2016 đến nay, đã trải qua 8 ngày tuyệt thực trong nhà giam, sinh mạng của anh lúc này như ngọn đèn dầu leo lắt.

Trước sự cứng rắn và sắt đá của người đàn ông gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh dân tộc, trong lúc nguy cấp gia đình anh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là đồng hành cùng anh, họ tuyệt thực để đánh động sự quan tâm của cộng đồng. Họ phải tuyệt thực trong tâm trạng bất lực, từng ngày, từng giờ mòn mỏi chứng kiến con, chồng, cha mình đặt cược sinh mạng.

Không thể khuyên nhủ, không thể thay đổi thì cách duy nhất là ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho người thân.

Nếu tôi ở trong tình trạng này có lẽ tôi sẽ không đủ kiên nhẫn để ngồi nhà, tôi sẽ lựa chọn một phương cách tuyệt thực khác một chút với họ đang làm. 

Tôi sẽ xuống phố. 

Tôi sẽ thay cách tuyệt thực thông thường bằng hình thức tọa kháng tuyệt thực nơi đông người, nơi trung tâm ví dụ như trước Bộ công an, chấp nhận bắt bớ, thậm chí đánh đập nếu điều đó xảy ra. Thái độ phản ứng nếu ở những nơi này sẽ có tác dụng hơn trong nhà riêng, đó là suy nghĩ của cá nhân tôi.

Anh Thức là một doanh nhân, và vì vậy tôi chợt nghĩ về hình thức marketing trong kinh doanh liệu có tác dụng trong trường hợp của anh lúc này?

Giống như cách mà người ta hay làm để quảng bá cho sản phẩm, phát tờ rơi trên đường.

Những câu nói tâm huyết đượm tinh thần dân tộc kèm theo tóm tắt về cuộc đời của anh được in ra và phát cho bất cứ ai trên phố có thể sẽ đánh động thêm sự chú ý của công luận trong nước cũng như Quốc tế.

Việc làm này không vi phạm pháp luật nhưng tôi cho rằng nếu là người thân anh làm có lẽ là hợp lý nhất. Tôi nghĩ chắc chắc rằng nhiều anh em sẽ sẵn sàng đứng bên gia đình trong hoàn cảnh ấy.

Lúc này đây, trước tình trạng nguy ngặt của anh Thức, một cách làm là một tia hy vọng. Tôi không hy vọng đây là trận chiến cuối cùng của anh, bởi còn nhiều cuộc chiến đang chờ đón anh phía trước.


Vô thần, đàn áp tôn giáo, xây tượng Phật làm gì?


Mô hình Chùa Tháp cao nhất thế giới. Ảnh Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên
 Tỉnh Thái Nguyên sẽ có Chùa Tháp cao nhất thế giới. Đây là hạng mục trong “siêu” dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.

Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này từng làm chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh như dự án quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình), khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).

Chùa Tháp được thiết kế xây dựng có chiều cao 150 m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000 m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong một thời điểm. Dự kiến, công trình này sẽ mất 10 năm (2016-2026) để hoàn thành.

Mấy tháng trước, dư luận cả nước đã bày tỏ sự phẫn nộ, không đồng tình về việc tỉnh Sơn La -một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam- dùng ngân sách của dân xây dựng khu tượng đài “bác Hồ” với tổng vốn đầu tư lên tới 1.400 tỷ. Tất nhiên, mặc kệ dân đói, mặc kệ dân không đồng tình, chính quyền cứ xây.

Và không chỉ có một vài tượng đài ấy, đã có rất nhiều tượng đài trăm tỷ, nghìn tỷ được dựng lên, đang dựng lên và sẽ được dựng lên trong tương lai. Câu hỏi đặt ra, một đất nước nghèo bậc nhất thế giới như thế, xây dựng nhiều tượng đài để làm gì? Thưa, để phục vụ cho mục đích chính trị, cho chính sách mị dân và tạo cơ hội tham nhũng cho quan chức. 

Cũng chưa thấy một đất nước vô thần nào nhiều chùa chiền như ở Việt Nam. Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích toàn quốc. Đó là chưa kể những ngôi chùa “tự phát”, được xây dựng với mục đích thương mại. Chùa là nơi thờ Phật, truyền bá đạo Phật nhưng đa số Chùa chiền hiện nay còn thờ cả tượng ông Hồ Chí Minh, một kẻ vô thần và chủ trương đàn áp tôn giáo. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng bị các nước dân chủ và các tổ chức Nhân quyền trên thế giới xếp vào danh sách những quốc gia đàn áp tôn giáo.

Trở lại với dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc và Chùa Tháp ngàn tỷ của tỉnh Thái Nguyên. Không cần bàn cãi nhiều cũng biết ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. 

Câu hỏi đặt ra, sẽ có bao nhiêu người dân Thái Nguyên trở thành dân oan của cái gọi là “thu hồi đất”, “giải tỏa mặt bằng”?

Cá chết, biển nhiễm độc, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán..., tất cả những điều đó báo động những thảm họa khó lường mà nhìn thấy trước mắt là NẠN ĐÓI.

- Đói, liệu người ta có còn sức để ngắm nhìn, để tung hô những tượng đài nghìn tỷ?

Không!

- Đói, liệu người ta còn có sức ngước mắt lên Chùa Tháp cao nhất thế giới để niệm Phật?

Không!

Nhưng Đói, người dân sẽ đủ sức để đạp đổ chính quyền, thủ phạm đã gây nên mọi nỗi oan khiên cho dân tộc.

Bây giờ hoặc không bao giờ. Cộng sản Việt Nam vẫn còn cơ hội để tạ lỗi với Quê hương.


Viết cho em vừa trải qua những giờ phút đối đầu với an ninh

Em thân mến và bạn bè yêu quý,

Cám ơn em, cám ơn bạn bè đã tin tưởng, đã chọn mình để giải tỏa tâm sự. 

Cám ơn em và mọi người đã lên tiếng, theo cách của mình, ở vị trí của mình.

Cám ơn em và mọi người đã khiến mình tin rằng, vũ khí của chúng ta là sự thật, và họ - lực lượng an ninh đang mệt mỏi khi ngày càng có quá nhiều người sống đúng với lương tâm mình.

Em thân mến,

Có thái độ rõ ràng với gameshow bầu cử giả hiệu không có gì là phạm pháp. 

Bầu cử là quyền của mọi công dân, và chúng ta có quyền quyết định lựa chọn thái độ của mình với những trò mị dân đã diễn ra hơn 45 năm qua.

Em thân mến,

Cám ơn em đã đi, đã chứng kiến việc bỏ phiếu giùm, bầu cử hộ. Cám ơn em đã thể hiện bằng việc xé bỏ lá phiếu của mình. 

Và xin được chia sẻ cùng em với những gì xảy ra sau đó.

Hơn 7 tiếng trong đồn công an sau khi bị bắt nguội, bị lôi kéo, bị dằn xé bởi hàng chục câu hỏi. 

“Động cơ của mày là gì?” – là lương tâm, là quyền của tôi. Có lẽ sau này em chỉ cần trả lời như vậy là đủ.

Không tham gia bầu cử để khỏi phải gánh trách nhiệm “dân chọn sai thì dân phải chịu”. 

Không phụ diễn chung với gameshow đảng cử - dân bầu là một quyết định khá khó khăn với những người lần đầu tiên vào đồn.

Cám ơn em đã lựa chọn.

Những ngày sắp tới đây, có thể sẽ phiền toái, sẽ mệt mỏi, bởi nhiều mối quan hệ bà con, họ hàng thân thuộc với em sẽ bị xới tung, bị lôi kéo vào để dọa dẫm, dụ dỗ hay năn nỉ em ngừng có thái độ với những gì đang diễn ra trong xã hội. Đó là bước đầu tiên và là việc khó khăn nhất mà mỗi người chọn lẽ sống với lương tâm mình sẽ gặp phải trong xã hội này.

Năm 2016, sẽ khác nhiều với những năm 2008-2009, những người không đi theo lề sẽ bớt cô đơn hơn, vì chúng ta có thể chia sẻ, an ủi và hỗ trợ tinh thần nhau. Vì vậy, mong em và nhiều người khác, hãy kiên nhẫn, bình tâm với gia đình, với những người xung quanh mình. Đừng khó chịu, đừng tách biệt, đừng chống lại những người thương yêu, lo lắng cho mình chỉ vì họ đang sợ hãi. 

Đây là thời khắc mà chúng ta phải sống đúng, thể hiện những gì mình lựa chọn, thông tin mình có được cần chia sẻ với người thân, gia đình và bạn bè – một cách chậm rãi, và bao dung. Những người xung quanh ta còn sợ hãi, hãy thuyết phục họ bằng bản thân mình, và đề nghị mọi người tôn trọng quyền lựa chọn của mình. Yếu tố căn bản nhất trong mọi cuộc đối thoại, đó là vì mọi người còn thương yêu, còn quan tâm là lo lắng cho sự an nguy của ta, hiểu như vậy để chọn thái độ thuyết phục nói chuyện sao cho hợp lý.

Đến những người thân cận gần gũi mà ta không thuyết phục được họ, thì xã hội rộng lớn ngoài kia e dè và vô cảm là chuyện không lạ lùng.

Em thân mến,

Đối đầu với an ninh là cửa ải mà bất kỳ người nào có thái độ đi ngược lại với chủ trương đường lối của đảng đều gặp phải. Dù ta có muốn đối thoại thì trong con mắt của an ninh ở mọi góc nhìn ta đều là kẻ đối đầu. 

Mặc kệ họ em ạ, kiểm soát và định hướng tư tưởng con người luôn là điều mà mọi chế độ độc tài sử dụng để tạo ra sự thuần phục trong sợ hãi. Không trấn áp được tư tưởng, họ sẽ dùng bạo lực và nhà tù để hòng khuất phục các công dân có chính kiến. 

Và chúng ta – những người Việt Nam còn đau đáu với vận mệnh dân tộc này sẽ phải đối đầu với tất cả những khó khăn này.

Giải quyết sự sợ hãi, chỉ có một cách đối diện với nó, và học cách đứng lên từ chính nỗi sợ hãi. Vì thế nếu em hỏi chị có lời khuyên nào cho em không, thì đây chính là kinh nghiệm của chị:

- Hãy cứ sợ để rồi bớt sợ và hết sợ. 

Có sợ mới biết mình sợ cái gì, đối diện với những gì, để rồi từ đó tự trang bị kiến thức, đi kiếm thêm anh em bạn bè chia sẻ, và lên tiếng để mọi người cùng hỗ trợ.

Em thân mến,

Những ngày qua có lẽ là ngày rất dài với em và gia đình, hãy bình tâm đón nhận nó nhé, hãy nhớ không ngừng yêu thương và thông cảm với những người xung quanh mình. Và em hãy nhớ rằng những người đã dũng cảm lựa chọn thái độ sống sẽ không bao giờ thấy cô đơn. 

Chúng ta, sẽ cùng nhau đối diện với những thử thách do an ninh mang lại và sẽ cùng nhau giải quyết nó, tùy theo lựa chọn phù hợp với mỗi người. 

Đời nhất định sẽ thay đổi khi chúng ta dám thay đổi em ha!

Quý mến em và bạn bè mình!


Powered By Blogger