Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.
Hà Nội một lần nữa phản bác đánh giá của Hoa Kỳ rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đang ngày càng tồi tệ hơn.
Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng nhân quyền các
nước trên thế giới công bố ngày 19/4 lưu ý đến tình trạng kiểm duyệt
internet chặt chẽ và hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của
người dân tại Việt Nam.
Báo cáo nêu rõ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong năm qua tiếp tục
tấn công những tiếng nói chỉ trích nhà nước, theo dõi, trừng phạt, bắt
bớ và kết án những nhà bất đồng chính kiến, nhất là các blogger.
Hoa Kỳ chỉ trích việc chính phủ Hà Nội lạm dụng những điều luật mơ hồ về
an ninh quốc gia để tù đày những người có quan điểm trái với nhà nước.
Báo cáo nhân quyền 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ ra những giới hạn,
cấm đoán của chính phủ Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo và quyền
của người lao động.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/4 lặp lại quan điểm lâu nay rằng
các báo cáo chê trách nhân quyền Việt Nam là 'sai lệch và không khách
quan'.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị khẳng định nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân.
Ông Nghị nói báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên thông tin không đúng
về thực tế thực thi nhân quyền tại Việt Nam gây bất lợi cho quan hệ hai
nước.
Vẫn theo lời ông Nghị, Việt Nam hy vọng các cuộc đối thoại nhân quyền
Việt-Mỹ hằng năm sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy
quan hệ giữa hai nước.
Cuộc đối thoại gần đây nhất diễn ra hôm 12/4 sau nhiều tháng bị trì hoãn
vì Hoa Kỳ cho rằng cuộc đối thoại lần trước vào năm 2011 đã không mang
lại những thay đổi quan trọng từ phía Việt Nam.
Ngay sau cuộc gặp giữa giới chức ngoại giao hai nước, Washington lên tiếng bày tỏ bất bình trước việc Hà Nội ngăn cản cuộc gặp
giữa Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, Daniel
Baer, với 2 nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam được nhiều người biết đến là
bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài.
Trả lời điện thoại với hãng tin AP trước khi về lại Mỹ, Phó Trợ lý Ngoại
trưởng Baer nói vụ này làm nhiều người thêm nghi ngờ về cam kết của
chính phủ Việt Nam hứa đạt tiến bộ về mặt nhân quyền.
Ngược lại, Hà Nội tuyên bố rằng trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn của ông Baer đã được tạo điều kiện để gặp một số cá nhân mà phía Hoa Kỳ quan tâm.
Hai ngày trước khi đưa ra phản ứng về phúc trình nhân quyền 2012 của Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm 19/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đưa ra những
lời phản bác tương tự đối với Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình
hình nhân quyền Việt Nam.
Nghị quyết khẩn cấp được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 18/4 lên án
mạnh mẽ Việt Nam vi phạm nhân quyền về nhiều mặt, và yêu cầu EU phải xem
lại sự tương thích giữa những vi phạm này với Hiệp định Hợp tác Việt
Nam-EU, trong đó có đặt điều kiện quan hệ ngoại giao-thương mại giữa
Châu Âu và Việt Nam dựa trên sự tôn trong các nguyên tắc dân chủ và nhân
quyền.
Phát ngôn nhân Lương Thanh Nghị của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Nghị
quyết này chứa đựng những thông tin và nhận định hoàn toàn sai lệch về
tình hình thực tế ở Việt Nam, ảnh hưởng xấu cho đà phát triển và mối
quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam với EU.
Hà Nội lâu nay một mực khẳng định tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay những người bất đồng chính kiến bị giam cầm.
Theo thống kê của tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights
Watch, trong năm 2012, Việt Nam đã buộc tội và cầm tù ít nhất 40 nhân
vật bất đồng chính kiến. Trong 6 tuần đầu năm nay có thêm 40 người nữa
bị giam cầm.
http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-phan-doi-bao-cao-nhan-quyen-cua-my/1646328.html
0 comments:
Post a Comment