Monday, April 8, 2013

Vì sao học sinh không thích học lịch sử?


ls1-305.jpg
Học sinh trường PTTH Nguyễn Hiền ở Sài Gòn xé giấy được coi là đáp án thi sử ném xuống sân trường để ăn mừng hôm 30/3/2013.
Screen capture


Cuối tuần qua, trên mạng internet và báo chí lan truyền một đoạn video quay cảnh các học sinh trường PTTH Nguyễn Hiền ở Sài Gòn xé giấy được coi là đáp án thi sử ném xuống sân trường để ăn mừng thông báo của Bộ Giáo dục về việc không thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay. Đã có nhiều ý kiến chỉ trích của công luận xung quanh hình ảnh bị coi là phản cảm này, mặc dù đã có phản ứng từ học sinh Nguyễn Hiền nói rằng các em không xé đáp áp thi sử. Tuy nhiên hình ảnh  này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc dạy và học sử ở các trường học tại Việt nam.

Tại sao xé giấy ăn mừng?

Ngày 7 tháng 4, trang VNexpress cho chiếu một đoạn video clip dài khoảng 2 phút cho thấy hình ảnh các em học sinh ở trường PTTH Nguyễn Hiền, Sài Gòn, đang reo hò vui sướng xé giấy, ném xuống trắng cả sân trường. Theo bài báo, đoạn video này được quay vào ngày 30 tháng 3 sau khi có thông báo của Bộ Giáo dục về 6 môn thi tốt nghiệp PTTH năm nay, trong đó không có môn sử. Các em học sinh trường Nguyễn Hiền đã reo hò, xét giấy được coi là đề cương thi môn sử để ăn mừng.
Ngay sau khi đoạn video clip được đưa lên mạng, đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích hành vi này của các em học sinh. Sau đó đã có một số học sinh ở trường Nguyễn Hiền đính chính trên mạng rằng các em không xé đề cương thi môn sử như mọi người nghĩ mà chỉ là giấy nháp để ăn mừng việc không phải thi môn sử mà thôi.
Theo tôi thì người thầy cũng có trách nhiệm trong hiện trạng đau lòng là khi thấy không thi môn sử thì học sinh xé tan nát đề cương lịch sử.
Nguyễn Thượng Long
Mặc dù vậy, hành động xé giấy ăn mừng không phải thi môn sử của các em học sinh trường Nguyễn Hiền cũng cho thấy một thực tế về việc dạy và học sử tại Việt Nam.  Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một trong những giáo viên đã từng nhiều lần lên tiếng về các tiêu cực trong giáo dục ở Hà Tây, nhận xét:
“Giả sử các em có ném tài liệu môn sử, thì việc đó đối với tôi cũng không ngạc nhiên lắm vì từ thế hệ tôi từ xưa đến nay khi học môn sử thì chúng tôi cũng nắm được khá nhiều thông tin của nó, giải thích được phần nào tâm lý của học sinh không thích học sử lắm. Vì sách giáo khoa của Việt Nam viết quá nặng nề về các dữ kiện ngày giờ tháng năm, rồi thu được bao nhiêu đơn vị vũ khí, giết được bao nhiêu quân địch.”
Chi Lan, một học sinh học lớp 11 tại Sài Gòn nói em không thích học sử bởi cách dạy môn này tại các trường.
3-f3e6c-250.jpg
Học sinh trường PTTH Nguyễn Hiền ở Sài Gòn xé giấy được coi là đáp án thi sử ném xuống sân trường để ăn mừng hôm 30/3/2013. Screen capture.
“Em cảm giác sử mình đang học mà không có đam mê, người ta chỉ có đưa bài rồi dạy dạy, bao giờ kiểm tra thì đưa đề cương bắt học thuộc lòng chứ không có giải thích tận tình.”
Thầy giáo về hưu Nguyễn Thượng Long ở Hà Nội thì cho rằng, vấn đề người thầy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho học sinh không có đam mê với môn sử.
“Người thầy dạy mà không có điều chỉnh sách vở mà chỉ như một máy ghi âm, phát âm lại những giáo điều đó trong lịch sử thì làm sao chuyển lửa đến cho học sinh. Theo tôi thì người thầy cũng có trách nhiệm trong hiện trạng đau lòng là khi thấy không thi môn sử thì học sinh xé tan nát đề cương lịch sử và trắng cả sân trường thì đó là một hình ảnh rất phản cảm.”

Một môn học tuyên truyền?

Trong việc dạy sử, vấn đề có lẽ đã được báo chí nói đến nhiều nhất vẫn là sách giáo khoa, giáo trình môn sử trong các trường học. Chưa kể chuyện sách sử in sai về các sự kiện, nhân vật lịch sử, theo các giáo viên, giáo trình sử trong trường hiện nay còn mang tính một chiều rất nặng. Nhà giáo Nguyễn Thượng Long cho biết:
“Nói về giáo trình lịch sử, chúng ta được học một giáo trình rất đồ sộ và giáo trình của chúng ta là một lịch sử chỉ có một chiều, ví dụ như ta thắng thì địch phải thua, ta chính nghĩa, địch phi nghĩa, ta tốt, kẻ thù là kẻ ác, trước sau thế nào thì ta cũng chiến thắng rực rỡ. Đó là một sự xói mòn. Lịch sử theo tôi không phải như thế. Lịch sử có thể có hùng ca có thể có bi tráng, có thành công, có thất bại, có cao thượng và lịch sử cũng chứng kiến sự thấp hèn của con người. Đó mới là chính sử.”
Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo trình sử gò bó, một chiều cũng góp phần làm cho chính các giáo viên dạy sử nản lòng, không tận tâm với việc giảng dạy.
Tôi nói chuyện với một số giáo viên dạy sử thì họ nói chúng em dạy sử cũng chán vì môn sử nói một chiều nhiều quá, toàn nói cái hay, trận nào Việt Nam cũng thắng, địch thua.
Đỗ Việt Khoa
“Tôi nói chuyện với một số giáo viên dạy sử thì họ nói chúng em dạy sử cũng chán vì môn sử nói một chiều nhiều quá, toàn nói cái hay, trận nào Việt Nam cũng thắng, địch thua mà trên thực tế thì ta chết nhiều hơn địch. Vậy mà người viết sử không đưa vào trong sách để học sinh có cái nhìn đa chiều để cho các thế  hệ sau này rút kinh nghiệm vì sao thua, thất bại thế nào, ai chịu trách nhiệm cái đó. Có như thế thì mới là cái nhìn đa chiều, dạy mới hấp dẫn, khách quan. Còn đến giờ sách sử chỉ như một tài liệu ca ngợi. đánh trận nào cũng thắng, chẳng thua. Người dạy không hứng thú.”
Chán sử, không muốn học sử đã dẫn đền tình trạng hàng ngàn bài thi sử của các em học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011. Nhưng đứng trước thực tế đau lòng này, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ đã nói rằng đây chỉ là điều bình thường. Câu trả lời này của người đứng đầu ngành giáo dục cũng khiến nhiều người lên tiếng phê bình, cho rằng ngành giáo dục đã không nhìn nhận vấn đề một cách đúng mực để có những cải cách kịp thời trong việc dạy và học môn sử. Nhà giáo Nguyễn Thượng Long chia sẻ:
“Lỗi của các lãnh đạo giáo dục, tôi cũng thấy có vấn đề và nó góp phần làm cho học sinh coi thường môn lịch sử. Tôi không thể tưởng tượng nổi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận lại có thể có hàng nghìn bài thi sử có điểm 0 là rất bình thường. Thì làm sao học sinh còn thiết tha với môn sử nữa. Cái lỗi này không phải chỉ có tại học trò và thầy giáo, tôi nghĩ cả ban lãnh đạo giáo dục cũng không đạt chuẩn nên mới có vấn đề như vậy.”
Từ lâu nay, các lãnh đạo Việt Nam đã đề cập đến việc đổi mới giáo dục, tất nhiên trong đó có đổi mới việc giảng dạy môn sử. Tuy nhiên cho đến lúc này, người ta vẫn không thấy có những đổi mới nào thực sự được thực hiện. Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, tư duy chính trị đã cản trở việc đổi mới giáo dục nói chung và dạy sử nói riêng.
“Tình hình lúc này ở Việt Nam nói để thay đổi là rất khó. Thay đổi cách dạy, cách nhìn đã khó rồi, thay đổi về tư duy chính trị là gần như không được. Không tiến hành được. Ai mở mồm nói bây giờ là bất lợi, người ta bảo là chống đối, hay có tư tưởng suy thoái, biến chất, nên người ta không thay đổi. Bản chất sách giao khoa viết không trung thực đã bị nhiều người lên tiếng, cách đây một tháng báo chí đồng loạt lên tiếng chỉ trích sách giáo khoa sử viết chưa trung thực, nhưng thử hỏi ai bây giờ dám thay đổi sách giáo khoa sử, ai dám viết lại. Bộ chưa dám, chưa thay đổi, bắt người học thì các em cũng chán.”
Việc học sinh trường Nguyễn Hiền xé giấy ăn mừng không thi môn sử rõ ràng là một hình ảnh rất phản cảm dù có được giải thích thế nào đi chăng nữa. Thế nhưng, theo thầy giáo Nguyễn Thượng Long, người đáng trách nhất trong sự việc này vẫn là những người làm giáo dục, những người viết sử, bởi học sinh chỉ là những trang giấy trắng đang chờ được viết lên.

0 comments:

Powered By Blogger