Tại
Việt Nam, một nhạc sĩ đã tung lên mạng internet album mới cho người
nghe miễn phí vì biết rằng đĩa nhạc của anh không thể qua cổng kiểm
duyệt để được phát hành chính thức.
Đĩa nhạc Bụi Đường Ca của nhạc sĩ Tuấn Khanh, với những ca khúc
nghiêng về mảng đề tài xã hội, đang gây chú ý cho những công dân mạng.
Tuấn Khanh, sinh năm 1968, bắt đầu chơi nhạc từ năm 15 tuổi và có nhiều ca khúc được ưa thích từ giữa thập niên 1990.
Không chỉ sáng tác và sản xuất âm nhạc, Tuấn Khanh còn viết báo, xuất
hiện nhiều trên các chương trình truyền hình và đang làm giám khảo
trong cuộc thi Vietnam Idol.
Bên cạnh công việc của một nhạc sĩ được dòng “chính thống” chấp nhận,
Tuấn Khanh cũng có những dự án mang tính chất “underground” hơn.
Trong tiểu sử chính thức, anh cho biết
mình từng bị báo Tuổi Trẻ đuổi việc bằng văn bản vì “tư tưởng không lành
mạnh với văn hoá cách mạng”.
Viết trên blog của mình về đĩa nhạc Bụi Đường Ca, Tuấn Khanh nói đây
là cách để “chia sẻ với nhiều bạn bè tôi, các anh chị nhà văn, nhà thơ,
nhạc sĩ, nhà báo… cũng chọn lựa cách truyền đạt underground này để bảo
vệ sự nguyên vẹn của bản thân mình”.
Trả lời đài BBC, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói anh muốn được có tự do trong sáng tác và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Tuấn Khanh: Trước hết
tôi xin kể một trường hợp người bạn của tôi. Anh này chứng kiến nhiều
hiện thực xã hội, những cảnh nghèo khó và bất công. Bằng tâm hồn nghệ sĩ
của mình, anh viết một ca khúc kể về một bà mẹ ở vùng quê nghèo. Khi
đưa album đi duyệt, mất gần một năm trời, gửi đi các phòng ban kiểm
duyệt ở các tỉnh, thành phố đều bị bác. Cuối cùng, anh cũng kiếm được
một con đường ra – bằng một tờ giấy cam kết rằng hình ảnh bà mẹ nghèo đó
chỉ có ở quê của anh ta thôi, đây chỉ là hình ảnh thoáng qua trong bài,
chuyện cũng được giải quyết rồi chứ không còn tồn tại nữa.
Chỉ như thế, album mới được ra. Nhưng đĩa ra rồi, bạn tôi cũng bị stress, chán ngán không muốn giới thiệu album rộng hơn nữa.
Tôi không muốn rơi vào trường hợp như vậy. Có một điều quý giá tôi
học được ở nhiều anh chị em nghệ sĩ Việt Nam là không gì quý hơn bằng
việc bảo vệ tự do sáng tạo của mình. Nó phải nguyên vẹn, phản ánh những
gì mình nghĩ về hiện thực xã hội.
Album Bụi Đường Ca là sự phản ánh những suy nghĩ của tôi về cuộc đời.
Tôi nhớ nghệ sĩ rock Trung Quốc Thôi Kiện, có lần được Time phỏng
vấn. Họ hỏi anh có vẻ nghiêng về vấn đề chính trị, thì Thôi Kiện trả lời
không, chúng tôi chỉ viết về hiện thực xã hội của thời đại chúng tôi
đang sống. Tôi cũng muốn lặp lại lời của Thôi Kiện: tôi cũng chỉ muốn
phản ánh hiện thực của cuộc sống chúng tôi đang sống.
BBC: Theo anh, có thể lý giải thế nào về cách kiểm
duyệt các tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam hiện nay? Nhiều người khó hiểu là
vì sao nhiều ca khúc “nhảm nhí” vẫn có thể ra mắt dễ dàng.
Có lẽ những người ở cấp cao họ cũng không nghĩ đến lối làm việc mà ở
Việt Nam vẫn gọi đùa là “cầm đèn chạy trước ô tô” của các phòng văn hóa,
sở văn hóa ở các tỉnh thành hiện nay. Người ta muốn bảo vệ cái ghế mình
đang ngồi, tránh bất kỳ một scandal nào mà có thể làm họ bị khiển
trách.
Tác giả nào mà gửi lên bài hát nói về nạn tham nhũng, nói về người dân bị cướp đất…sẽ khó mà được cho ra mắt
Tuấn Khanh: Do đó, loại ca khúc hiện nay đang gặp
nhiều sự ca thán của khán giả lại rất dễ dàng được ra. Đơn giản là vì
chúng “lành”, không thể làm hại những người kiểm duyệt. Còn những ca
khúc hiện thực xã hội luôn gặp rào cản, vì người ta sợ. Cái sợ này không
phải là sợ cho xã hội, mà là sợ cho cá nhân và cơ quan của những cá
nhân đó.
Chắc sẽ có nhiều người bảo Tuấn Khanh
nói thế không đúng. Nhưng tôi đoan chắc rằng ở Việt Nam, tác giả nào mà
gửi lên bài hát nói về nạn tham nhũng, nói về người dân bị cướp đất…sẽ
khó mà được cho ra mắt.
BBC: Sau khi anh đưa Bụi Đường Ca lên mạng và bắt đầu gây được tiếng vang, bản thân anh có bị gây khó dễ gì không?
Tuấn Khanh: Hiện nay đang có hiện tượng rất tốt, ở
chỗ nó tạo ra sự tự do cá nhân và được chia sẻ. Với album này, tôi không
muốn gây liên lụy đến ai, nên tự tôi đã tự hát các ca khúc để tránh
phiền lụy. Tôi để nhạc lên blog của mình, mọi người có quyền tự do nghe,
chia sẻ. Hiện nay, dù gì đi nữa, nếu muốn đặt vấn đề với nó, thì chúng
ta còn phải thảo luận rất nhiều để xác định sai hay đúng. Cho đến nay,
tôi vẫn là người tự do, ổn định với công việc của mình.
BBC: Anh có cảm thấy mình cô đơn không, khi mà ít ai đi theo xu hướng viết nhạc về những hiện thực bên ngoài tình yêu?
Tuấn Khanh: Cái gì ngược hướng bao giờ cũng tạo cảm
giác đầu tiên là sự sợ hãi, e dè. Có những người bạn của tôi viết văn,
làm thơ rồi để lên blog của họ. Rồi chỉ sau một vài comment không thuận
lợi, thế là họ lại bỏ xuống. Tôi nghĩ thế giới chúng ta sống còn rất
nhiều bất trắc; trở ngại nằm chính trong suy nghĩ của bản thân mình. Anh
đặt câu hỏi này, lại làm tôi nghĩ đến những anh em văn nghệ sĩ mà tôi
được biết. Tôi xin được gửi lại câu hỏi này cho tất cả các anh chị em
trí thức nghệ sĩ yêu chuộng tự do sáng tạo và không muốn chịu bất kỳ sự
kiểm duyệt nào.
BBC: Nhưng anh có mong muốn là những khao khát của anh cũng truyền được lửa cho người đi sau hay không?
Tuấn Khanh: Một người bạn của tôi làm thơ, anh ấy
tặng tôi một tập thơ photocopy. Anh bảo là mình không muốn đem in, vì
chắc chắn sẽ không thể in trọn vẹn. Tôi đọc nó, rất là thích. Đến một
ngày, tôi lại tặng tập thơ cho một bạn trẻ đang học Văn. Chừng hai tuần
sau, bạn ấy gặp tôi, cho hay là tập thơ ấy đã gợi hứng cho bạn viết ra
những bài thơ khác.
Tôi nghĩ những sự chuyền tay nhau như vậy là mạch khơi nguồn cho
những sáng tạo. Dĩ nhiên trước mặt chúng ta là đám đông, nhưng trong đám
đông đó cũng có những cá nhân muốn có những cái gì đó khác biệt hơn. Số
cá nhân ấy không ít đâu. Sau khi đưa Bụi Đường Ca lên mạng, tôi nhận
được rất nhiều thư của các bạn cũng đang viết nhạc, ca hát. Họ bảo tôi
là họ cũng muốn làm theo cách riêng của mình, và hỏi liệu họ có nên làm
không. Tôi trả lời những gì bạn lựa chọn cũng có rủi ro, nhưng kèm theo
cũng là niềm kiêu hãnh. Và theo tôi, không ít các bạn trẻ đang nghĩ về
sự tự do sáng tạo theo đúng nghĩa của từ này.
BBC
Bổ sung: Bụi Đường Ca – Nhạc Sĩ Tuấn Khanh http://mp3.zing.vn/bai-hat/Bui-Duong-Ca-Tuan-Khanh/IWZCAADO.html
0 comments:
Post a Comment