Saturday, November 3, 2012

Canada xét lại dự án của Trung Quốc mua công ty dầu khí Nexen

Văn phòng công ty Nexen, trung tâm Calgary, bang Alberta (REUTERS).
Tối qua, 02/11/2012, theo AFP, chính quyền Canada tuyên bố sẽ gia hạn thêm 30 ngày bổ sung cho việc xem xét một dự án chuyển nhượng khổng lồ trị giá  15,1 tỷ đô la. Theo đó, tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc dự kiến mua lại Nexen, công ty dầu khí đứng thứ 10 của Canada. Theo các thăm dò dư luận, đa số người Canada phản đối kế hoạch này.
Dự án của tập đoàn CNOOC mua lại Nexen, ngay từ khi được công bố vào tháng 7/2012, đã gây ra nhiều tranh luận tại Canada. Dự án mua Nexen được coi là đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc.
Mặc dù, Nexen chỉ là công ty dầu khí đứng thứ 10 về mặt doanh số, thế nhưng công ty này có cổ phần tại các mỏ cát dầu của tỉnh bang Alberta, khu vực đứng thứ ba thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Đa số người Canada cho rằng, Canada không thể để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu « chiến lược » này, hơn thế nữa, tập đoàn CNOOC lại là một công ty Trung Quốc, mà Canada không có khả năng kiểm soát.
Theo giới phân tích, quyết định của chính phủ Canada trong hồ sơ này sẽ có một ảnh  hưởng quan trọng đến tương lai hợp tác kinh tế với Trung Quốc, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Hiện tại, Ottawa muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, vốn là đối tác thương mại thứ hai của Canada, sau Hoa Kỳ.
Sau một giai đoạn thẩm định 45 ngày đầu tiên, hồi giữa tháng 10 vừa qua, bộ trưởng Công nghiệp Canada Christian Paradis đã tuyên bố gia hạn 30 ngày cho việc xem xét hồ sơ này. Về mặt chính thức, để có hiệu lực, quyết định gia hạn thêm 30 ngày này còn phải được tập đoàn CNOOC chấp nhận.
Quyết định triển hạn việc xem xét dự án Trung Quốc mua lại công ty Nexen xảy ra một tuần sau khi chính phủ Canada bác bỏ dự án của công ty Malaysia Petronas mua lại công ty Canada Progress Energy, trị giá gần 5,2 tỷ đô la.
Được coi là ủng hộ các đầu tư nước ngoài, chính phủ của thủ tướng đảng bảo thủ Stephen Harper, bị phân rẽ trong hồ sơ Nexen. Nhiều dân biểu, đặc biệt dân biểu tỉnh bang Alberta, lãnh địa của đảng bảo thủ, phản đối dự án này. Đây cũng là quan điểm của đảng đối lập.
Đảng bảo thủ cầm quyền đã từng từ chối hai dự án nước ngoài mua lại công ty Canada, từ khi lên nắm quyền năm 2006. Đây là hai trường hợp đầu tiên mà Canada ngăn chặn đầu tư ngoại quốc, kể từ khi nước này ban hành luật đầu tư nước ngoài vào năm 1985.
Trọng Thành

0 comments:

Powered By Blogger