Ngày 2 tháng 5 năm
1975 là ngày đầu tiên đi làm thủ tục. Xe tới hội trường Tỉnh Biên Hòa,
bên cạnh công trường Sông Phố, vừa bước xuống đã thấy anh chị em công
chức ào ra, dẫn đầu là gã Ba Soái, nhân viên Ty Nội An, lúc nầy tay đeo
băng đỏ, nghênh ngang bước lại hất hàm hô: Chào anh! Tui thấy phát ghét,
móc: Xưng hô anh tôi như vậy là hơi sớm, nghe! Cậu cận vệ thấy vậy,
chẳng nói chẳng rằng, cúi xuống dở tapis, rút ra khẩu colt. Thằng băng
đỏ, mặt tái ngắt, bước giật lùi. Lúc nầy, cậu nhỏ mới mỉm cười chế nhạo,
chỉa nòng súng lên trời, bấm cho băng đạn rớt xuống đất, tay kéo cơ bẩm
cho viên đạn trong nòng súng văng ra, thản nhiên quay bá súng trao cho
thằng vc 30/4 mất dạy, hèn nhát và hô: Nạp súng! Tui bắt chước đứa em
chơi ngon lành, hất hàm biểu: giao xe. Thằng băng đỏ vừa sợ vừa mắc cở,
thót lên xe dong tuốt! Nói cho thật, tôi vẫn mặc bộ đồ chức việc bốn
túi, trong lưng còn lận khẩu Beretta ngon lành. Hai thầy trò phủi đít đi
dìa. Hôm sau, rút băng đạn liệng xuống cống, còn cây súng vô dụng mới
đem nạp, rồi không thèm ngó mặt thằng vc theo đuôi, đi thẳng lại Ty An
ninh trình diện vc thứ thiệt cho được việc.
THỦ TỤC NHẬP HỌC
Đây là Ty An Ninh.
Ngồi trước mặt là Trưởng ban Điều tra Mười Dũng. Thằng cha nhỏ thó mà
tiếng to ong óng. Nó hất hàm hỏi: Đi trình diện hả? Tôi chẳng nói chẳng
rằng, lẳng lặng móc bóp, lấy ra hai tấm thẻ. Một là thẻ Hành sự do Bộ
Nội Vụ cấp, ghi rõ chức vụ: Phó Tỉnh trưởng Biên Hòa. Thẻ kia là Chứng
chỉ Tại ngủ ghi: Trung Úy Trừ bị Biệt phái Ngoại ngạch. Nó xem rồi, lắc
đầu, chê bai, “chế độ mấy anh thật là kỳ dị,Trung úy chỉ huy cấp Tá!”
Tui chẳng đặng đừng, cải: Hổng phải, tui biệt phái ngọai ngạch. Nó coi
bộ chẳng biết biệt phái ngoại ngạch là giống gì nên ậm ừ, mần thinh, kéo
học tủ lấy tấm giấy và cây viết, biểu: Anh chép mẩu tờ khai. Và tui
chép. Xong, nó biểu: Đem về nhà khai cho kỷ, sáng mai đem lại nạp.
Cái tờ khai của Ủy
ban Quân quản Cách (cái) mạng nầy quả thiệt là không giống ai. Thế
thường, tờ khai là khai lý lịch và quá trình hoạt động của đương sự
thôi. Đàng nầy, trên là lý lịch và quá trình hoạt động của cha mẹ. Dưới
là lý lịch và quá trình hoạt động của vợ, con. Cho nên về sau, anh em ta
kháu nhau, “khai báo cả Tam, Tứ đại” là đúng lý.
Cái dzụ khai báo nầy dài lắm xin nhảy lớp để khỏi nhắc lại những chi tiết tủi nhục, đau lòng!
NHẬP HỌC
Thông cáo của Ủy ban
Quản huấn Quân khu 7 (Miền Đông Nam phần) ấn định ngày đầu tiên trình
diện đi học tập là ngày 25/6/1975. Thời gian hoc tập là một tháng cho sĩ
quan cấp Tá và tương đương. Mười lăm ngày cho cấp Úy và tương đương.
Nhà tôi bàn, mùa mưa tới rồi, thôi, đi học sớm, về sớm. Trưa ngày
25/6/75, sau khi cơm nước xong, bà xã lấy ra cái túi xách, xếp vô hai bộ
đồ, chép miệng biểu: Đi học một tháng, hai bộ đồ để thay đổi cũng đủ
rồi. Tui cũng bỏ vô đây một típ Optalidon và chai dầu xanh phòng khi cảm
lạnh, nhức đầu. Thôi ông sửa soạn ra Trường Ngô Quyền trình diện, “Đi
sớm, về sớm!” Một bên vai, bó mền chiếu, một bên vai túi quần áo, gã
chồng trẻ cất bước ra đi, không lòng nào ngoái đầu nhìn lại!
Lớp học Trường Ngô
Quyền rộng, lơ thơ mươi móng “ chuẩn học viên “ già, mỗi người ngồi một
góc ủ rủ, đăm chiêu. Tôi đứng tựa cửa, bập điếu thuốc, nhìn mông lung.
Trời về chiều, mây đen giăng mắc, “ người buồn, cảnh có vui đâu bao
giờ!”
Chặp tối mới có
chiếc GMC đến. Mười mấy mạng được lùa lên. Xe vừa lăn bánh, mưa rơi lấm
tấm. Chưa mặc xong chiếc áo mưa dã thấy xe quẹo vô … cổng Trại tù Tân
Hiệp.
Dãy phòng giam dài
tăm tắp, mọi người lặng lẽ trải chiếu nằm. Đêm đầu tiên trong tù thật
thê lương! Ngoài trời mưa rơi tí tách, trong lòng nghe như giọt vắn,
giọt dài. Anh em phần đông là người địa phương có ít nhiều danh giá. Chỉ
đầu hôm sớm mai, cách mạng, đổi đời xộ khám, nghĩ cũng thảm.
TRƯỜNG HỌC TẬP CẢI TẠO NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN
Thằng chúa ngục tên
là Ba Phán, danh xưng là Giám hiệu cái trường ôn dịch ghi trên. Nó vốn
là Trung úy Phi công nội tuyến vc, bị cho nằm ấp ở khám Tân Hiệp nầy
cũng lâu trước khi được phỏng giái cho ra làm chúa ngục tại chỗ. Bọn nó,
vc nằm vùng từ khám, xổ lồng ra. Anh em quân, cán, chính VNCH thua trận
vào, kêu là “đổi đời” thời cũng phải. Câu đầu tiên nó nói, “ Cách mạng
không có bỏ tù ai. Đây là trường học tập, cải tạo. Các anh là “cải tạo
viên,” chớ không phải tù. Ai kêu là tù, tôi đưa qua khu tù biệt giam,
cùm cho biết.”
Chương trình học gồm
võn vẹn 6 bài học. Bài số một kêu nghe rôm rốp: Đất nước ta giàu đẹp.
Dân tộc ta anh hùng. Học viên già lần đọc, chuyện cổ tích Hai Bà Trưng,
Bà Triệu dẫn tới bọn súc sinh già hồ, xác ướp chưa chôn. Bốn bài giữa
lâu gần 40 năm, quên mất. Bài cuối cùng cái tựa dài nhằng, không dám
chắc đúng, hoặc do tui chế ra cũng chưa chừng, rằng: Cách mạng đánh đâu,
thắng đó, đánh nhỏ, thắng to. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua!
Bài học thi đơn sơ
vài trang. Bài làm, mỹ danh “Thu hoạch”, thực tế là tờ khai báo tội tình
suốt quá trình “ phản cách mạng”, kẻ ít người nhiều năm, kê ra cả xấp
giấy. Anh nào cậy văn hay, chữ tốt, viết cho cố vô, những tưởng rằng đái
tội, lập công, chẳng ngờ rằng nó vừa đánh vần vừa đọc, chữ tác thành
chữ tộ, nó hỏi lại chi tiết, giải thích hổng trôi, vậy là … cùm, vì khai
báo láo!
Nhưng mà rốt rồi, 6,7 trăm mạng làm final exam đều pass. Mản khóa lý thuyết, rồi tới thực hành.
TRẠI LAO ĐỘNG KHỔ SAI
Buổi sáng mùa hè,
trời nóng nực, Phó tỉnh Bình Dương ta cởi trần trùng trục, ngang lưng
quấn chiếc khăn rằn, mốt du kích thời kháng chiến chống Tây. Tui với nó,
hai thằng dân Bình Dương, xứ Thủ chánh gốc bà lang trọc. Nhưng mà từ
nhỏ chí lớn chỉ biết cầm cây viết. Lần đầu tiên hai chàng thư sinh cầm
cuốc, cuốc đất quê nhà xứ Thủ, Bình Dương cứng như “ làng tôi nghèo, đất
cày lên sỏi đá.” Thằng Vinh sức vóc, cuốc xuống được vài phân. Thằng
Nhơn ròm, giang cù lừ cuốc xuống…bụi văng mù mịt. Thằng du kích thấy vậy
chửi rùm. Nhưng mà cũng còn đở hơn anh Sáu Thanh, bào đệ tướng Đỗ Cao
Trí. Anh đi đánh giặc bị thương, ruột đứt một khúc. Lại thêm trái tim
lắt lẽo cheo leo. Anh cuốc một hồi té lăn ra xỉu! Nó không tương mà còn
chửi, “ Đồ làm biếng, ăn mập thây, mới cuốc mấy cuốc nằm lăn ra đó, ăn
vạ!?”
Thôi, cuốc đất không
đặng thì đi dẩy cỏ. Cỏ nói đây không phải thứ thường mà là thứ dữ: Cỏ
bãi mìn căn cứ hỏa lực Nhà Đỏ của Mỹ ngày trước. Mới dẩy được vài cuốc,
bỗng anh bạn dứng phía sau la: Anh Nhơn đứng yên, không được nhúc nhít.
Biết là có chiện nên dứng như trời trồng. Bạn mới từ tốn bảo: Nhìn xuống
gót chưn! Ôi thôi! Ba cái chia mìn cá nhân PM23 giương lên ngạo nghễ.
Gã tù tui cũng hồn bất phụ thể! Bạn mới dặn dò: Anh nhắc chân cao lên,
bước lùi lại. Vậy là thoát chết.
May, trời còn thương! Gở sạch bãi mìn mà không nỗ trái nào. Ba mươi lăm mạng, đội biệt lập Khu B, Nhà Đỏ còn nguyên vẹn.
Gở mìn giỏi cho nên
nó mới xua vô khu rừng chồi, bị B52 thả bom trải thảm, phát quang. Thuở
nhỏ, vẫn thường được khen là thằng có linh tánh mà không biết ra sao?
Lần nầy là rõ mặt: Vừa giơ dao phát lên, bỗng nghe ớn xương sống, dạ bần
dùng. Con dao giữ ở tư thế giương cao, mắt trao tráo dò tìm. Trên buội
lùm, trái bom bi nằm vắt vẻo. Ruột bom bi tròn như trái quýt, nhưng võ
ngụy trang như trái khế cũng màu xanh tiệp với lá cây rừng. Mắt bình
thường chắc không nhìn thấy. Giờ thấy đây chắc là do linh tính chớ không
phải mắt nhìn? Sợ lắm nên chỉ ú ớ kêu: Bom bi! Đây là lần thứ hai hú
hồn, hú vía.
Hết bom tới mìn, giờ
tới súc. Một bửa, ruột đau quặn thắt nên được cho nghỉ bịnh. Bất đồ
được lịnh tập trung đi lấy súc trên rừng Phú Giáo. Thằng du kích vừa bắn
carbin M2 răn rắc vừa hô: Thằng nào làm biếng không chịu khiêng cây
đâu? Bảy thằng tù bịnh hoãng hốt xáp vô khiêng. Mạnh ai nấy làm không
lấy đúng thế, khúc cây vừa to vừa nặng rớt đùng. Bóc một tiếng, anh Lê
Văn Xê, Phó Ty Thuế vụ Bình Dương vở sọ qui thiên!
Thảm thương nhiều chỉ kể bấy nhiêu!
TRÊN ĐƯỜNG RA BẮC
Là tui nhận lớp những ngày tháng gieo neo trên Z30(?) Gia Ray, dưới chân núi Chứa Chang, Xuân Lộc.
Ngày 6 tháng 12 năm
1976, từ khám Thủ Đức, bác già Đại tá Hồ Đắc Trung, Cựu Tỉnh trưởng/ Dân
biểu Tây Ninh và tui lần đầu tiên nếm mùi dây xích xã nghĩa. Tay công
an từ ngoài Bắc vô Nam lãnh tù, hô: Anh nầy, anh nầy, một cặp đưa tay
ra. Thay vì còng số 8 Smith&Vesson thì đây là dây xích xã nghĩa xù
xì. Một già, một trẻ xích tay vô một cặp, xua lên xe camion chở ra Tân
Cảng.
Chiếc tàu đưa khách
viễn du tên là Hồng Hà, thật ra là chiếc Trực Lệ hay Nhật Tảo của Việt
Nam Thương Tín cải danh. Nó chở than đá từ ngoài Bắc vô, rồi chở tù Miền
Nam ra Bắc. Đừng tưởng rằng Miền Bắc hào hiệp, chi viện than đá cho
miền Nam mới phỏng giái. Đây là trao đổi, một đổi lời gấp năm ba: Một
tàu than đá đổi mấy cabin bột ngọt, sửa đặc Ông Thọ và mì gói Vifon (?).
Hai ngàn tù Miền Nam
bị nhồi nhét vào hai khoan tàu như bầy súc vật. Ra đi khi trời vừa
sáng. Màn đêm buông xuống, tàu ra tới biển. Đèn đuốc lập lòe, bỗng nhìn
thấy phía trước mặt, một vị dáng vẻ khác thường, xung quanh mình dường
như phát sáng. Hỏi ra mới biết là đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận. Anh em
công giáo lần lượt bò lại, lặng lẽ sờ tay lên chiếc nhẩn phép Giám mục.
Tôi cũng bắt chước, bò lại thăm hỏi: Làm sao mà họ bắt Cha đi đày như
vầy? Cha hiền từ đáp: Thì mình hữu thần. Họ vô thần, bắt mình đi đày,
đâu có chi lạ! Nhìn lại bàn tay Đức Cha thì thấy chiếc nhẩn làm bằng
thiếc thô sơ, biết là chiếc nhẩn thụ phong, chúng tước đoạt mất rồi!
Ba ngày, ba đêm lênh
đênh trên biển cả, đói khát, vật vờ. Có anh bị lao, sóng vùi, gió vập
một hồi, thổ huyết lai láng. Bạn tù cỏng lên, cỏng xuống, lắc la, lắc
lẽo! Rốt rồi, tàu cũng cặp vô Bãi Cháy, Hải Phòng.
TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN SƠN
Tên cúng cơm của nơi
đến là: Trung Tâm Cải Tạo Trung Ương Số 1 Lào Cai. Đây là nơi ngày xưa
giam nhốt những người làm cách mạng chống Pháp, nỗi tiếng là rừng
thiêng, nước độc. Bước đến nơi đây lúc nửa đêm về sáng, đèn đuốc lập
lòe. Cảnh trí âm u như địa ngục A Tỳ! Tiết đông hàn, giá buốt căm căm.
Sau ba ngày được cho nghỉ ngơi cho lại sức, sáng ngày thứ tư, tù tập họp
nghe Giám Thị trưởng, Thiếu tá Đặng Thín Thuần dặn dò: Thôi, quên
chuyện cực khổ trên tàu Hồng Hà đi để yên tâm lao động! Vậy là đi cuốc
đất trồng củ mì. Trời rét buốt căm căm, băng đèo, vượt suối, tới ngọn
đồi trọc. Cả đội dàn hàng ngang từ dưới cuốc lên. Theo kỷ thuật thâm
canh, tăng vụ xã nghĩa, mỗi hóc mì vuông vức 4 tấc, sâu 3 tấc. Bỏ cành
lá xuống, phủ đất vài ngày cho hoải mới bỏ hom mì xuống. Làm như vậy,
hom mì mới bắt rễ nổi vì đất cứng như đá chớ chẩng phải kỷ thuật xã
nghĩa giống gì. Tiêu chuẩn cho mỗi người, một buổi là 90 lỗ. Gã tù tôi
cầm cuốc, run lập cập, cuốc mãi mà vẫn lẹt đẹt phía sau xa. Cậu cai tù
gốc người sắc tộc, xem ra tử tế, lắc đầu biểu: Anh cuốc như vậy tới Tết
chưa xong. Thôi, chạy đi gom chà, đốt lửa cho anh em nghỉ giữa buổi sưởi
cho đỡ lạnh.
Trời càng về chiều
càng thêm giá buốt, sương mù giăng mắc, gió thổi ù ù. Cám cảnh sanh
tình, tự đặt tên ngọn đồi nầy là “Đỉnh Gió Hú.” Đoạn đường về, bước đi
thất thểu , âm thầm như oan hồn vất vưởng!
Ban đầu trại còn một
ít dự trữ nên còn chút ít cơm độn ngô xay. Về sau chỉ còn ngô xay ròng.
Rồi xoay ra bo bo Mông cổ. Hết bo bo rồi tới củ mì chặt cục. Xoay tới,
xoay lui, đói vẫn hoàn đói. Đúng là đói mờ mắt mà vẫn lao động nhọc
nhằn. Nào là vác đất sét nung gạch, nào lên núi vác cây, vác nứa, trồng
cuốc đủ nghề. Đói đến nỗi có bận trại cho đào cũ chuối kho muối cho tù
ăn. Chỉ một năm, đêm 29 Tết 1977, bác già Hồ Đắc Trung đau thắt ruột,
cho chở đi bệnh viện Lào Cai cấp cứu. Người tù ra đi biền biệt mãi không
về!
Vậy đó, cuộc đời tù trên đỉnh Hoàng Liên Sơn là như vậy đó!
DƯỚI CHÂN RẶNG HOÀNG LIÊN
Tháng 6 năm 1978 là
đủ 3 năm trấn thủ lưu đồn, gọi là ”học tập cải tạo”, theo thông cáo 9
điểm của MTDTGPMN trước khi giải tán, là mãn hạn. Tù được lịnh tập trung
di chuyển, nhưng không phải cho dìa mà là hạ sơn xuống chân rặng Hoàng
Liên ở tù tiếp.
Rời đỉnh Hoàng Liên trong đêm hè mưa rơi tầm tả. Trưa ngày hôm sau, băng qua Thị xã Vĩnh Yên. Đến bến Ấm Thượng lúc trời xế bóng. Vượt Sông Hồng, dổ bộ lên Bến Ngọc vào lúc chiều tà. Khói cơm chiều nhà ai lơ lững trên mái rạ trông thiệt nhớ nhà! Đằng trước mặt, nẽo mòn lẫn khuất trong tăm tối, mịt mùng. Lòng người tù khoắc khoải, đêm nay biết về đâu?
Rời đỉnh Hoàng Liên trong đêm hè mưa rơi tầm tả. Trưa ngày hôm sau, băng qua Thị xã Vĩnh Yên. Đến bến Ấm Thượng lúc trời xế bóng. Vượt Sông Hồng, dổ bộ lên Bến Ngọc vào lúc chiều tà. Khói cơm chiều nhà ai lơ lững trên mái rạ trông thiệt nhớ nhà! Đằng trước mặt, nẽo mòn lẫn khuất trong tăm tối, mịt mùng. Lòng người tù khoắc khoải, đêm nay biết về đâu?
TRẠI TÂN LẬP, VĨNH PHÚ
K3 Tân lập là phân
trại nhỏ. Lùa vô đây lũ tù tân đáo độ 300. Phòng giam là những gian nhà
lợp lá cói lụp xụp. Giữa phòng, ngọn đèn đêm le lói, thân xác rả rời,
lòng thê lương. Trại nầy vốn là trại tù hình sự địa phương mới được cải
danh thành trại trung ương nên lương thực dự trữ không có.
DỊCH CHẾT ĐÓI: Sao
gọi là dịch chết đói? Bởi vì chết đói tràn lan như chết dịch! Anh Hóa
(hay Quá (lứ) người Việt gốc Hoa, mấy bửa nay có triệu chứng như bị bịnh
tả, nghĩa là ăn trên, ra dưới. Cũng có khi vừa ăn vô là thổ ra. Phòng
tôi đối diện phòng anh. Chiều bửa trước còn thấy anh ngồi thở dốc trước
cửa phòng. Sáng hôm sau đã thấy bạn tù bồng anh bỏ vô “sáu tấm” đem đi!
Riêng ở K3, nối đuôi theo anh Hóa chừng chục mạng. Các K khác nghe nói
nhiều hơn, nhất là K1, K2. Chết đến nỗi thấu tai Bộ Nội Vụ, phải cử phái
đoàn y tế xuống điều tra. Kết luận là chết vì “ Suy Dinh Dưỡng “?! Chữ
nghĩa y khoa xã nghĩa nghe thiệt là hay.
NGÀN DẶM THĂM CHỒNG
Vác đất sét nung
gạch được chừng ba tháng. Thân gầy, đói, từ hầm sâu lặt lè vác nặng bước
lên, đường trơn trợt té lên, té xuống như cơm bửa. May, được chuyển qua
K5, sung vào đội Rau Xanh, nghĩa là trở lại nghề cuốc đất. Thời gian
lững lờ trôi, trôi bằng bặc tính ra được hơn hai năm. Từ ngày ra Bắc đến
nay đã bốn năm dư. Ngày ấy, bỗng nhiên được lịnh chuẩn bị ra gặp mặt vợ
hiền. Tiểu tựa: Ngàn dặm thăm chồng không phải là ví von mà là còn hơn
sự thật, bởi nhà từ tỉnh Biên Hòa, xuống ga Bình Triệu, chầu chực qua
đêm mới lên được tàu hỏa Thống nhất viển du ra Bắc. Từ Saigon ra Hà Nội
đường xa 1,772 Km, tức là đã trên ngàn dặm. Từ ga Hàng Cỏ mẹ và đứa con
út 12 tuổi dắt díu nhau lên xe lửa Lào Cai, đổ xuống ga Ấm Thượng, gồng
gánh đồ đạc xuống đò ngang sang Sông Hồng, mãi vào Bến Ngọc. Đổ bộ, vượt
Dốc Phục Linh cao ngất nghễu rồi mới vào xóm A Mai, tới trại. Đúng là:
Trèo đèo, vượt suối, sang sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt rơi rơi
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt rơi rơi
Cảnh vợ chồng ngâu
gặp mặt nhau sau hơn bốn năm cách biệt mới thật là thảm! Chiếc bàn tiếp
tân thiệt dài, ngồi hai bên được hơn mười cặp vợ chồng tù. Chiếc bàn lại
rất rộng, chồng ngồi một bên, vợ bên kia, cách gần hai tầm tay với. Cả
hai đàng phải vươn hết tầm tay mới lần được tay nhau. Ngồi ngay đầu bàn,
trên ghế cao giống như trọng tài đấu tennis là ông “chỉ biết còn đảng,
còn mình” mắt dòm lom lom theo dỏi. Cho nên bao niềm thương nhớ đành
nuốt vào gan ruột, không nói nên lời! Chỉ biết lần tìm tay nhau, “mặt
nhìn mặt, cầm tay, bâng khuâng không nói một câu…”. Đành phải hỏi nghiêm
trang việc con cái học hành, lao động tốt cho đúng nội qui, không thôi
buổi viếng thăm bị cúp! Thảm hơn hết là: Ngàn dặm tìm chồng, trèo đèo,
vượt suối, sang sông để chỉ được nhìn mặt nhau trong mười lăm phút phù
du!
TÙ XƯA GẪM TÙ NAY
Đâu phải đợi đến khi
chị Minh Hằng vào “cơ sở giáo dục” Thanh Hà mới biết việc “đi học tập”
bằng “quyết định hành chánh”, không bản án. Ngày xưa ấy, dưới chân rặng
Hoàn Liên đã thấy biết rồi. Khoảng giữa đường từ Bến Ngọc vào trại tù
Tân Lập là “Trường Dạy Nghề Thiếu Nhi” cũng giống như “Cơ sở giáo dục”
dành cho người lớn hiện nay. Có điều học viên người lớn chừng như may
mắn hơn các cháu nhỏ thiếu nhi ngày ấy, bởi vì trường của các cháu cũng
có một lò gạch đồ sộ. Cứ tưởng tượng các cháu nhỏ tuổi mười lăm, mười
ba, thân hình còm cỏi, vác khối đất sét nặng như người lớn, lên xuống
hầm sâu trơn trợt ngả té ngày ngày thì mới thấy thật là thương.
Còn việc thăm nuôi
thời cũng như vậy. Thời ấy, người tù Miền Nam, mỗi 6 tháng, thường khi
dài hơn, mới nhận được một gói quà 5 kí từ gia đình gởi. Không ít anh em
thủy chung không nhận được gói quà nào, bèn xưng là “con bà phước.”
nghĩa là mồ côi.
Ngày nay, chị Minh Hằng được con gặp mặt, tiếp tế hằng tháng đã là quí hóa rồi. Lại còn thấy mặt bạn bè dẩu là từ xa vẫy gọi. Riêng LS. Hà Vũ còn được cặp tay hiền nội, thong dong đi lại trong trại tù, lại còn thong dong họa hình tặng nội nhân nữa mới thật là bay bướm.
Ngày nay, chị Minh Hằng được con gặp mặt, tiếp tế hằng tháng đã là quí hóa rồi. Lại còn thấy mặt bạn bè dẩu là từ xa vẫy gọi. Riêng LS. Hà Vũ còn được cặp tay hiền nội, thong dong đi lại trong trại tù, lại còn thong dong họa hình tặng nội nhân nữa mới thật là bay bướm.
Chót hết là vấn đề
quan trọng tử sinh: Thời hạn ở tù. Ngày xưa, anh em chúng tôi khổ sai
trong vô vọng vì không biết ngày nào mới thóat kiếp đoạn trường! Ngày
nay dù 24 tháng hay 7 năm vẫn là hạn kỳ nhất định.
Vì vậy, cho nên mới có:
ĐÔI LỜI NHẮN GỞI
Đâu phải viết bài
nầy để tả oán về kiếp tù đày thuở trước bởi vì chuyện ngày xưa ấy đã
trôi qua từ ngót 40 năm, thế kỷ trước rồi. Cũng không phải để suy bì gì
về tình cảnh tù đày ngày trước, ngày nay.
Đây là tâm tình để
nhắn gởi các bạn trẻ hiện nay đang dấn thân tranh đấu! Các bạn coi đó,
ngày xưa, chúng tôi cũng bằng tuổi các bạn ngày nay, chỉ vì thua trận
lâm cảnh tù đày. Gian nan lắm, nhưng bằng ý chí và lòng kiên nhẫn, rốt
rồi cũng vượt qua được. Còn như ngày nay, các bạn tự nguyện tranh đấu vì
nghĩa lớn dân tộc thì dẫu có sa cơ, lâm vòng lao lý thì vẫn là niềm
hãnh diện của tuổi trẻ. Huống chi tình hình đất nước ngày nay tiềm phục
biết bao đột biến. Vậy thì cứ hăng hái tiến lên. Ngày xưa những anh hùng
áo vải Quang Trung, Lê Lợi dấy nghĩa làm nên sự nghiệp. Ngày nay, lớp
trẻ nối nghiệp cha, ông quyết chí đạp đổ cường quyền, không phải vì ước
mơ công hầu khanh tướng mà chỉ vì cứu nước, cứu dân mới thật là hào
hùng, cương liệt.
Ngày nay, tôi chỉ trông cậy vào giới trẻ “chiến đấu” bằng tấm lòng trong trắng, hào hiệp xứng danh HÀO KIỆT.
Nguyễn Nhơn
0 comments:
Post a Comment