Thursday, November 29, 2012

Huyền Thoại Tiền Tỷ Đô Gởi Về VNCS?Huyền Thoại Tiền Tỷ Đô Gởi Về VNCS?


 Tác giả:Vi Anh
Báo VietnamNet cho biết các giới chức tài chánh của VNCS phỏng đoán người Việt hải ngoại năm 2012 sẽ có thể gởi về nước 10 tỉ Đô la, tăng khoảng 1 tỉ so với năm ngoái. Riêng tại Sài Gòn, các cơ sở chuyển tiền đã nhận được khoảng 3 tỉ Mỹ kim. Số 10 tỷ Mỹ kim gởi về này tương đương với 10% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.

Báo này còn nói Đảng, Nhà Nước VNCS tăng cường chủ trương thu hút số kiều hối gởi về qua các ngân hàng, cơ sở tín dụng và chuyển tiền đua nhau đưa ra những biện pháp cạnh tranh để lôi kéo khách hàng. Vietcombank tặng tiền trực tiếp vào trương mục của khách. Sài Gòn Thương Tín thưởng những chuyến du lịch nước ngoài trọn gói.
Cứ mỗi lần gần Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán VN, thì bộ máy tuyên truyền của Đảng Nhà Nước CSVN thổi phòng số tiền cả chục tỷ Đô la người Việt gởi về VN, như một hình thức người Việt hải ngoại ủng hộ chế độ CS trong nước.
Và cứ mỗi lần như thế thì dư luận nội bộ trong cộng đồng người Việt tỵ nạn CS phát sanh  nhiều tiếng bấc tiếng chì, bực bội những người gởi tiền về  nước  và số người đi VN ăn Noel và Tết.
Nhưng với sự dè dặt thường lệ và tính toán và suy luận duy lý, người ta nhận thấy số tiền cả chục tỷ đó là một huyền thoại, một tuyên truyền loại quơ đũa cả nắm, kiểu lập lờ đánh lận của CS Hà nội để làm cộng đồng người Việt tỵ nạn CS chia rẻ.
Như năm nay giới chức tài chánh của CS Hà nội tung tin con số cả  chục tỷ, tỷ lệ tăng cũng cả chục phần trăm này, nhìn kỹ đó lã  dựa vào phỏng đoán của giới chức CS và dựa vào con số của các cơ quan tài chánh công, bán công, hay tư nhân nhưng nhà nước “nắm” rất chặt về tư tưởng. Bản tin màu “hồng” (hai nghĩa của chữ hồng, lạc quan và CS) được tung ra trong mùa mua sắm Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, và Tết Nguyên Đán của người Việt. Người Việt ở ngoại quốc bất cứ với tư cách nào cũng nghĩ tới bà con, thân nhân trong nước, thường gởi tiền về cho. Và bà con, thân nhân trong nước thế nào cũng nghĩ tới bà con, thân nhân ở ngoại quốc, thường thơ từ, điện thoại, nhắc nhở…. giúp đỡ. Nói một cách khác mùa này là mùa phải vận động người Việt hải ngoại gởi tiền về VN, đây là mùa Đảng Nhà Nước câu ngoại tệ trúng nhứt. Đảng Nhà Nước CSVN khỏi động móng tay mà có cả chục tỷ Đô la, ngồi nhà mát ăn bát vàng, muỗng bạc. Sướng vạn lần hơn làm ngành du lịch mà thế giới cho là lợi lộc nên gọi là kỹ nghệ không khói.
Xét cho cùng kỳ lý số tiền này dẫu có thực đi nữa, số người Việt tỵ nạn CS gởi về cũng không có bao nhiêu. Trước nhứt số tiền đó phải là của nước mắt, mồ hôi chánh yếu của đồng bào Việt Nam, nhà nước cho đi “lao động xuất khẩu”. Theo con số chánh thức của chánh phủ VNCS, VN hiện có khoảng 400.000 người đang đi làm công nhân dưới nhiều hình thức ở các nước. Những người này chắc chắn phải thắt lưng buộc bụng để dành tiền công mót tiền lương để gởi về nhà nuôi gia đình, và quan trọng hơn là trả tiền vay ngân hàng quỹ xoá đói giảm nghèo của nhà nước, cầm cố đất đai vay nợ để đút lót, chạy chọt khi làm hồ sơ đi “xuất khẩu lao động.” Như báo chí đã đăng số anh chị em xuất khẩu lao động này đa số là “lao động phổ thông”, công xá không cao. Nên cùng lắm cũng phải cố gắng gởi về trung bình một năm là 5.000 Đô. Thì một năm là 2 tỷ.
Kế đến là người Miền Bắc từ Bến Hải trở ra đi “lao dộng xã hội chủ nghĩa” ở Liên xô và các nước CS ở Đông Âu. Sau khi CS sụp đổ số đồng bào này ở lại các nước sở tại, nhưng đa số không nhập tịch được, làm ăn không dễ, dù làm “chui”, mua bán lậu cũng phải làm để sống và giúp gia đình cha mẹ anh em ở Miền Bắc. Do nguồn gốc và tương quan xã hội, VNCS là nguồn cung ứng hàng hoá, và nhân lực khá lớn trong việc làm ăn của số đồng bào này. VNCS là nước cung ứng hàng hoá cho số đồng bào này “tiêu dùng”, buôn bán, số tiền của những người này gởi về VN là số tiền giao dịch, tức là VNCS phải chi ra để làm thành hàng hoá bán cho số người gởi tiển về. Số tiển giao dịch thương mại giữa Nga và các nước Đông Âu của người Việt hậu CS và VNCS, tuy nhà nước không nói ra, nhưng cũng phải tối thiểu vài ba tỷ.
Số tiền buôn bán đó khác với số tiền người Việt tỵ nạn CS ở Úc châu, Tây Âu, Bắc Mỹ gởi về giúp gia đình nghèo hay khi bịnh. Nhưng giúp ngặt thôi, chớ không gíup nghèo. Và sau gần mấy chục năm định cư thân nhân cha me, vợ con, anh em hầu như đã được bão lãnh đi gần hết rồi.
Nếu có gởi về cho là cho bà con, bè bạn thì cũng không nhiều và không đều.
Vậy số tiền ở đâu mà người Việt mỗi năm con số lên bảy, tám, cả chục tỷ Mỹ Kim như vậy. Nếu tính bổ đồng theo tin của Đảng Nhà Nước CSVN tung ra, thí ở hải ngoại có khoảng 4 triệu người, và gởi về 10 tỷ thì trung bình 1 người gởi 2.500 Đô. Trừ anh chị em xuất khẩu lao động và lao động xã hội chủ nghĩa ở lại ra hoạ may mới gởi như vậy hay nhiều hơn để giúp gia đình. Chớ người Việt tỵ nạn CS dù sau mấy chục năm đã an cư lạc nghiệp rồi cũng không gởi như vậy vì không còn người thân thiết đáng giúp như vậy.
Vậy giả sử số tiên gởi về là 10 tỷ thật, thì có thể do những nguồn sau đây. Tiền gởi về mua hàng đem qua ngoại quốc bán. Nhìn hàng hoá của VN trong các chợ gần cộng đồng người Việt sẽ thấy, ở Úc, Âu, Mỹ cũng như ở Nga, các nước Đông Âu cũng thế. Tiền gởi về làm ăn, hùn hạp với thân nhân trong nước. Tiền của các đoàn thể gởi về giúp đồng đội, đồng hội, đồng đảng còn kẹt bên nước nhà như Thương phế Binh VNCH. Tiền của các tổ chức đấu tranh gởi về giúp những nhà đấu tranh. Tiền gởi về cho quỹ tiết kiệm, lãi suất cao hơn lãi suất của các nước người Việt tỵ nạn CS định cư, như Mỹ. Thí dụ như lãi suất tiền gửi tại Mỹ chỉ khoảng 0,35%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn rất nhiều. Nên không ít kiều bào vẫn chuyển tiền về nhờ người nhà gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn. Nhưng đó là một phiêu lưu dể bị sang đoạt mất mát.
Và sau cùng tiền đã rửa rồi gởi về VN, do đầu mối ở ngoại quốc nhận tiền của những con hạm cán bộ đảng viên tham nhũng nhận số tiền bất hợp pháp, nhận bằng nhiêu cách, rồi biến thành nhiều thứ tiền hợp pháp như vay trả, chia lời trong giao dịch, v.v… và gởi về để số tiền trở thành hợp pháp.
Do đó  người tỵ nạn CS thận trọng không để CS dùng huyền thoại tiền tỷ “Việt Kiều” gởi về nước để tự than trách, chia rẽ nhau./.

Lại Độc Chiêu Tàu Cộng


 VietBao_Bạn thân, Quê nhà chưa bao giờ bình yên nổi với đàn anh Phương Bắc.
Mới mấy tháng trước, nhiều thương lái Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng thường với gạo thơm theo tỉ lệ 50:50 rồi mua về nước bán với mác gạo thơm.
Lúc đó, theo lời Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đây là hành động cố tình phá hoại nền sản xuất và xuất khẩu gạo của VN, vì cả thế giới sẽ thấy rằng gạo thơm của VN thực ra là pha trộn gạo xấu.
Rồi tới màn tiền giả in liên tục để đưa vào biên giới VN… Đó là chưa kể nạn hóa chất độc tẩm trái cây…
Bây giờ lại tới màn thương lái TQ tìm mua đuôi trâu, và do vậy đã sinh ra hiện tượng bọn gian rình mò chặt đuôi trâu trong xóm làng để đưa đi bán.
Bản tin Người Đưa Tin ghi theo báo Quảng Trị kể chuyện “Xuất hiện nạn chặt trộm đuôi trâu” trích như sau:
“Ngày 25/11/2012, vợ chồng ông Võ Viết Đốn (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Yến (55 tuổi), ở đội 5, thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, con trâu cái khoảng 4 năm tuổi của gia đình ông bà đã bị kẻ trộm chặt đứt đuôi.
Theo vợ chồng ông Đốn cho biết, khoảng 6h30 phút ngày 24/11/2012, gia đình ông bà thả trâu đi chăn như thường lệ tại cánh đồng làng Phương Lang (nhiều gia đình chăn giữ theo phiên, mỗi gia đình chăn một ngày). Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, một người dân đi làm đồng tình cờ phát hiện con trâu của gia đình ông đã bị kẻ gian chặt đứt chiếc đuôi, đang chảy máu đầm đìa nên báo cho gia đình.
Ông Đốn cho biết, gia đình ông không hề có thù hằn với người khác cộng với mùa này không có lúa hay hoa màu trên đồng khiến trâu ăn bậy, nên có thể loại bỏ khả năng trâu bị chặt đuôi do thù hằn, tức tối. Con trâu bị chặt đuôi đã sinh 2 con, đang rất béo tốt nhưng sau khi bị chặt đã ốm đi trông thấy. Hiện gia đình ông Đốn đang ra sức chăm sóc, phục hồi sức khỏe con trâu của gia đình…
Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng kẻ gian chặt trộm móng, đuôi trâu, bò để bán với giá cao cho các thương lái người nước ngoài. Sự việc đang gây ra nhiều hoang mang, lo lắng cho người dân.”
Thương lái người nước ngoài là nước nào? Có phải thương lái Mỹ từ xứ tư bản giãy chết vào VN để tìm mua đuôi trâu?
Độc chiêu “mua đuôi trâu” này tuy sơ đẳng, nhưng hiển nhiên là cực kỳ nguy hiểm vậy

VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG


Ngày 29 tháng 11 là sinh nhật anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi xin gửi đến  bài viết dưới đây để làm món quà tặng sinh nhật anh ấy.Lê Thăng Long
VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐỜI THƯỜNG
 Giờ này không biết anh đang làm gì, đọc một cuốn sách, sáng tác một bài thơ? Nhưng tôi đoan chắc một điều là anh không bao giờ thôi suy nghĩ về người khác. Có thể là một người bạn cũ, một nhân viên bảo vệ công ty trước đây hoặc những người mà anh chỉ gặp một lần nhưng không bao giờ quên được những cảnh đời của họ. Gần 5 năm làm bạn học, 15 năm làm đồng nghiệp và gần 2 năm làm bạn tù với anh tôi thường được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện đời thường xung quanh anh. Chúng rất dung dị nhưng thật đáng học hỏi.
Dịp sinh nhật 46 của Thức tôi nghĩ mãi cả tuần nên viết gì tặng anh. Trải qua một thời gian dài hơn 26 năm thâm tình với anh, tôi chứng kiến và học hỏi ở anh rất nhiều, từ nhỏ nhặt đến lớn lao. Ngẫm nghĩ kỹ thì tôi nghiệm ra rằng những điều có giá trị nhất là chính từ cuộc sống đời thường của anh mà ít người được biết. Chính cách sống đó đã làm nên một con người có những suy nghĩ và bài viết rất gần gũi với cuộc sống, chứ không phải từ những tư tưởng to tát, những lời đao to búa lớn.
“Trao đổi để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống. Xã hội cần được xây dựng từ dưới lên” là câu mà Thức dùng để làm phương châm cho blog Trần Đông Chấn, bây giờ vẫn còn nguyên tại địa chỉ trandongchan.wordpress.com Khi suy nghĩ, anh luôn vươn xa, mở rộng để phóng tầm nhìn đến những điều lớn lao, táo bạo. Nhưng khi hành động thì anh luôn bắt đầu từ những gì cụ thể, từng bước và chăm hỗ trợ những người khác để họ có điều kiện tốt mà cùng tiến đến tầm nhìn đó. Đó là lý do vì sao những bài viết của anh dù đề cập đến những vấn đề hết sức to lớn, phức tạp nhưng lại rất dễ hiểu và thực tế.
Anh nhìn vào hiện thực cuộc sống để tìm ra giải pháp làm nó tốt dần lên, cao dần lên. Chứ không bê những lý thuyết cao siêu vô hồn từ đâu đó và áp xuống một cách độc đoán bất chấp thực tế, rồi cố gắng tô vẽ cho đẹp. Muốn vậy phải thấu cảm được hoàn cảnh sống của người khác. Anh thường nhắc tôi phải đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ, đừng chỉ nghĩ theo hoàn cảnh của mình và đừng bao giờ vô cảm với những cảnh đời cơ nhỡ.
Một lần vào khoảng năm 2007, tôi bay từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Tài xế riêng của anh ra sân bay đón tôi. Cậu ấy kể câu chuyện này để giải thích vì sao cậu  ấy đến trễ để tôi chờ. Trước khi đi sân bay cậu ấy phải chở anh đến một nơi hẹn. Tới bùng binh Quách Thị Trang chợ Bến Thành anh nhìn thấy một bà cụ đang chống gậy đi qua khu tam giác dành cho người đi bộ thì bị ngã quỵ. Anh ra lệnh quay đầu xe lại chạy đến chỗ bà cụ. Anh lao xuống xe và bế xốc bà cụ vào dưới mái che cây xăng cạnh đó, kêu tài xế lấy dầu xức cho bà. Anh hỏi bà đi đâu mà để như thế này. Bà thều thào rằng bà đi ăn xin nhưng sáng giờ chưa xin được gì nên đói quá mà ngã. Anh kêu tài xế chạy ngay đến bánh mì Như Lan gần đó mua cho bà, cả nước uống. Anh hỏi nhà bà ở đâu, con cháu đâu mà để bà phải làm như vậy. Bà nói nhà ở tận Củ Chi, con cháu đứa nào cũng nghèo, có đứa cũng đi xin nên đâu lo cho bà được.
Bà ăn xong, anh hỏi bà đã đỡ mệt chưa, thực sự không có gì nguy hiểm trong người nữa phải không, rồi anh móc hết trong bóp ra còn một vài triệu đưa hết cho bà. Anh dặn tài xế ở lại đưa bà đến trạm xe buýt, phải đưa lên tận trong xe kiếm chỗ cho bà ngồi rồi mới được về. Trước khi đi anh dặn bà rất kỹ là hôm nay phải về, không được đi nữa, về nhà cũng phải nghỉ ngơi vài tuần cho lại sức. Rồi anh mượn tài xế ít tiền và bắt taxi đến chỗ hẹn. Tôi hỏi vui cậu tài xế: “anh Thức mượn tiền em có trả không?” Cậu ấy cười hì hì và nói: “ảnh mượn tiền em hoài, không trả ai cho mượn nữa.”
Thỉnh thoảng Thức lại rủ một số đồng nghiệp công ty và cả  hai đứa con nhỏ của mình tham gia các chuyến chữa bệnh miễn phí và phát chẩn ở những vùng xa nghèo khổ. Những chương trình này được hội cứu tế Tzu-Chi của Đài Loan do bạn anh làm đại diện ở Việt Nam tổ chức. Những chuyến đi như vậy anh làm tình nguyện viên đưa đón, bồng, cõng những người bệnh già yếu suốt cả ngày. Anh tận dụng thời gian đó để tìm hiểu cuộc  sống của họ. Trong tù anh vẫn không quên viết thư dặn dò con mình hãy quan tâm và dành ít thời gian tham gia vào những chuyến đi như vậy. Anh nói với con rằng những ánh mắt hạnh phúc của người nghèo khó được chăm sóc, trân trọng là những phần thưởng không có gì mua được cả.
Thức kể với tôi anh chọn hội Tzu-Chi để làm tình nguyện viên vì hội đó rất trân trọng người được cứu tế. Cho quà phải nâng bằng hai tay và gập người xuống. Họ dặn các tình nguyện viên rằng: “Của cho không bằng cách cho. Người nghèo thường ít được tôn trọng, do vậy đây là dịp để họ nhận được những sự đối đãi trọng thị.”
Thức nói rằng những người đang khốn khổ như vậy còn quá nhiều, việc thiện nguyện dù rất ý nghĩa cũng không giúp được bao nhiêu. Nhưng nó sẽ làm mình thực sự hiểu được những cuộc sống mà  mình không phải trải qua hàng ngày. Chỉ như thế mới nhìn ra được những cách giải quyết thực tế và căn cơ. Anh cũng thường phê phán hiện tượng một số người làm giàu trên sự thiệt thòi của người khác rồi vun tiền đóng góp cho từ thiện để được danh nghĩa vì người nghèo.
Triết lý kinh doanh của Thức rất dứt khoát: “Không kiếm lời từ bất kỳ công việc nào mà nó không tạo ra lợi ích cho nhiều người hoặc cậy thế chèn ép người khác”. Anh khuyến khích sự sáng tạo để có lợi thế cạnh tranh về công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, và không cho phép các hoạt động đầu cơ chụp giật. Cá nhân anh không bao giờ mua bán đất đai, bất động sản hoặc chứng khoán vì anh nói các lĩnh vực này đang là bong bóng không tạo ra giá trị thật nên khi mình kiếm được tiền thì sẽ có ai đó mất. Anh cũng chỉ có một căn nhà và không đầu tư thêm bất kỳ bất động sản nào khác, dù mọi người thường ngạc nhiên trước những dự báo chính xác của anh về các cơn sốt nhà đất, chứng khoán.
Thức là thế, luôn nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù đó không phải là cách luôn có lợi trong một xã hội đang có quá nhiều các giá trị bị đảo lộn. Anh luôn kiên trì với cách đó và rất phê phán các kiểu sống cơ hội. Thức là người nóng tính (và còn rất nhiều những tật xấu khác nữa :D ) nên những người thân cận với anh thường thấy anh nổi xung trước những hành động theo kiểu sống này. Nhưng đó cũng là cách để anh duy trì nhiệt huyết của mình để không bị nhiễm những cái xấu tràn lan trong xã hội. Anh thích câu danh ngôn của ông Adam: “Hãy biết giận nhưng đừng giận”. Đó cũng vừa là triết lý sống vừa là bản tính của Thức, không bao giờ để bụng hay thù hận ngay cả với những người đã làm hại mình, nhưng cũng không xem sai trái của họ là điều chấp nhận được.
Không mấy người biết mẹ anh Thức đã từng bị ngồi tù. Những năm 1978, 1979 Việt Nam không những bị  nạn thất mùa trên khắp cả nước mà còn phải chịu đựng gánh nặng trả nợ cho Trung Quốc. Đó là những năm mà ngay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải cảnh thiếu gạo. Vào lúc đó mẹ anh Thức làm nông ở Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), gia đình rất đông con mà mùa màng lại thất bát. Nhưng chính sách những năm đó phải đóng thuế theo hạn mức cố định mà không xét được hay thất mùa. Thu hoạch được chẳng bao nhiêu, nếu đóng lúa thuế thì hết sạch lấy gì để cả nhà dùng để độn khoai mà ăn đến mùa vụ tới. Nên bác gái quyết định không đóng lúa thuế và xin khất qua mùa sau, nhưng không được chấp nhận.
Sau nhiều lần đọc tên trên loa phóng thanh mà bác vẫn không đi nộp thuế, du kích xã vào bắt giam bác trong lúc bác đang trốn dưới gầm giường. Họ lôi bác đi trước tiếng khóc của bầy con còn nhỏ. Rồi bác bị đưa ra tòa xử 6 tháng tù vì tội trốn thuế và còn phải đóng thuế phạt. Hơn 20 năm sau Thức có lần về quê dự giỗ ông ngoại, anh gặp lại những người đã từng ức hiếp gia đình mình, bỏ tù oan sai mẹ mình và còn làm rất nhiều điều cường bạo khác. Nhưng anh vẫn bắt tay họ. Họ mời anh ghé nhà chơi, thấy có người gặp hoàn cảnh khó khăn anh vẫn lấy tiền giúp họ.
Anh kể tôi nghe câu chuyện này và nói rằng: “Họ cũng chỉ là nạn nhân của những sai lầm có hệ thống gây ra giáo điều và ngu muội. Ngay cả đến bây giờ mà những người có học cao còn không tránh được bị cái hệ thống đó biến thành sai trái và thiếu hiểu biết, đừng nói gì đến những người dân quê thiếu học mà được nắm quyền hành.”
Rồi anh phân tích rất nhiều những sai trái, vi hiến của các thông tư liên bộ giữa Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc định tội và kết án cho một số loại hành vi mà bản chất của chúng không vi phạm các điều luật được qui định trong bộ luật hình sự. Những thông tư như vậy lại rất phổ biến và ngang nhiên trở thành căn cứ pháp lý được dẫn ra trong các bản án và cáo trạng. Bằng một cách đơn giản như vậy thì công an, kiểm sát, tòa án dễ dàng đứng trên mọi quốc hội hoặc các thiết chế quyền lực khác để giải thích luật hình sự tùy tiện theo cách của họ để kết tội oan trái cho người dân, bất chấp bản chất của hành vi có phạm tội hay không. Thức hiểu biết sâu về lĩnh vực tư pháp này vì lúc đó anh đang cùng luật sư Lê Công Định nghiên cứu để viết về cải cách pháp luật trong quyển sách Con đường Việt Nam nhằm chỉ ra nguồn gốc và đề nghị loại bỏ những cách thức sai trái, vi hiến của các hoạt động tư pháp gây ra oan sai phổ biến cho người dân, không chỉ trong các vụ án chính trị mà còn trong rất nhiều vụ án hình sự.
Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng của Thức. Anh có khả năng tự học rất đặc biệt nhờ luôn quan sát kỹ, phân tích sâu và suy luận rộng các hiện tượng để thấu rõ bản chất cốt lõi của chúng. Nhưng gần Thức rất lâu nên tôi hiểu rằng khả năng đó trước hết xuất phát từ một tính cách luôn nghĩ đến người khác của anh. Nghe, thấy một hiện tượng hoặc sự kiện nào đó. Việc đầu tiên anh luôn đánh giá xem tác động của nó đối với những đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng như thế nào. Từ đó anh mới phân tích sâu xa nguyên nhân của các tác động, ảnh hưởng đó và nghĩ ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề. Đó có thể là những việc không thuộc trách nhiệm thường xuyên của mình nhưng anh vẫn luôn nghĩ đến nó. Còn nếu là những vấn đề quốc kế dân sinh thì anh chẳng bao giờ bỏ qua.
Đã 4 sinh nhật anh trải qua trong tù – thời gian để một người như anh làm được rất nhiều việc lớn có ích cho đời nếu không bị giam cầm tùy tiện. Và cũng trong thời gian đó nền kinh tế đất nước tiếp tục trượt dài đúng như anh đã cảnh báo và phê phán. Nhưng tôi biết rằng anh không hề hối tiếc. Anh cho rằng những gì đã xảy ra với mình và đất nước là điều khó tránh được để dẫn đến những thay đổi tốt đẹp. Nên anh chấp nhận những nghịch cảnh ấy như một sứ mệnh mà mình nhận lãnh.
Phong trào Con đường Việt Nam sắp phát hành trong tháng tới một quyển sách viết về anh và biên tập, tổng hợp lại những bài nghiên cứu tình hình đất nước và cảnh báo nguy cơ về kinh tế – chính trị – xã hội của nhóm Chấn (cùng với luật sư Lê Công Định). Dù đã được viết cách đây 5 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị của nó. Cuốn sách cũng giới thiệu rõ hơn nội dung của quyển sách “Con đường Việt Nam”  mà anh Thức đang viết dở về các biện pháp cải cách, chấn hưng đất nước.
Quyển sách sắp phát hành cũng mong muốn thức tỉnh lương tri của cộng đồng về một con người bị cầm tù vì nặng lòng với đất nước mà nói lên chính kiến của mình để anh không phải trải qua thêm một sinh nhật nữa trong tù.
Những nỗ lực vận động của gia đình, bạn bè và cộng đồng quốc tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc chống giam giữ tùy tiện (WGAD) đã phán quyết việc bắt giữ anh và những người bạn mình là vi phạm luật pháp quốc tế mà Việt Nam ký kết và sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nếu Chính phủ Việt Nam không đáp ứng việc trả tự do cho anh, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đã tiến hành và chuẩn bị những chiến dịch vận động mạnh mẽ cho anh và những tù nhân chính trị khác. Liên minh Châu Âu và chính phủ nhiều nước cũng đã và sẵn sàng tiếp tục lên tiếng để tiếp sức cho những tiếng nói của lương tri đòi tự do cho anh và nhiều tù nhân lương tâm nữa.
Chỉ cần thêm những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng thì sẽ dẫn đến tự do cho anh và nhiều người khác. Đó cũng sẽ là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp đến với đất nước.
Và ngay bây giờ, ai đọc được bài viết này thì xin hãy thầm gửi anh một lời chúc sinh nhật. Tôi tin người có tâm hồn như anh sẽ cảm nhận được và thấy rất ấm lòng nơi ngục tối lạnh lẽo, hoang vắng. Xin cảm ơn.
Chúc mừng sinh nhật bạn. Hãy giữ sức khỏe và yên tâm rằng con đường bạn đi đang ngày càng có nhiều người bước tới.
Lê Thăng Long
1h sáng, 28/11/2012, một ngày trước sinh nhật Thức.

Chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông lại bị phê phán


Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà giàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp năm 1995.
Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà giàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp năm 1995.
REUTERS/Stringer/Files
Với âm mưu áp đặt chủ quyền bằng con đường hộ chiếu bị vạch trần, đòi hỏi chủ quyền quá bao quát của Trung Quốc tại vùng Biển Đông trong những ngày gần đây đã nổi cộm trên dòng thời sự quốc tế, với rất nhiều phân tích phê phán.
Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 29/11/2012, giáo sư Pháp Jean Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Baptist ở Hồng Kông, đã nhấn mạnh đến tính chất « khả nghi » trong lập luận của Bắc Kinh cho rằng họ có chủ quyền « lịch sử » trên Biển Đông. Giáo sư Cabestan đồng thời nêu bật thực tế là quyền kiểm soát mà Trung Quốc hiện có trên một số hòn đảo trong khu vực đều có được nhờ hành vi dùng võ lực đánh chiếm.
Theo ghi nhận của AFP, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng có những hành động quyết đoán hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển hay hải đảo trong khu vực, ngay cả đối với với những nơi đang do nước khác kiểm soát, nằm cách Trung Quốc hàng trăm cây số, nhưng lại sát bờ biển đối thủ tranh chấp.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã được gói ghém trong một tấm bản đồ hình chữ U được chính phủ Quốc Dân Đảng vẽ ra từ năm 1947, sau đó được Bắc Kinh lấy lại và trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Trung Quốc như thế đã thâu tóm từ quần đảo Hoàng Sa phía đông Việt Nam, quần đảo Trường Sa phía tây Philippines cũng như một số bãi không người ở như bãi Scarborough Shoal.
Các quan chức ở Bắc Kinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn biện minh cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh đến các thực tế lịch sử và chứng cớ cho thấy là vùng Biển Đông là của Trung Quốc từ xưa đến nay. Nhưng các nguồn tin này vẫn mơ hồ khi phải nói cụ thể về các bằng chứng đó.
Để cung cấp cơ sở khoa học cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (cũng như Đài Loan), một nhóm 10 học giả Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 10 vừa qua, đã bắt tay vào nghiên cứu để cung cấp « một lời giải thích pháp lý về đường chữ U » trong thời hạn một năm. Bắc Kinh hy vọng rằng các bản đồ cổ và các ghi chép lịch sử sẽ chứng minh rõ ràng tính đúng đắn của đường lưỡi bò.
Thế nhưng, theo các phân tích gia ngoại quốc, cố gắng của Trung Quốc trong việc dùng kết quả nghiên cứu khoa học để thuyết phục các nước khác có thể là sẽ hoàn toàn vô hiệu.
Đối với giáo sư Jean-Pierre Cabestan : « Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc rất đáng ngờ vì ai cũng có thể giải thích các bản đồ cũ theo ý của riêng mình ».
Trả lời AFP, ông Cabestan còn nói thêm là trong khoảng 40 năm gần đây, bất kỳ hòn đảo nào mà Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát, đều là thông qua các vụ đụng độ trên biển.
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một trận hải chiến ngắn với lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, và một số đảo ở vùng Trường Sa vào năm 1988 sau trận Hải chiến Trường Sa (quốc tế quen gọi là Johnson South Reef Skirmish) đã khiến cho 70 chiến sĩ Việt Nam tử trận.
Vào giữa thập niên 1990, Bắc Kinh cũng đã giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn (Mischief Reef) tại quần đảo Trường Sa từ tay Philippines, khi cho xây dựng cơ sở trên đảo lấy cớ là để cho ngư dân Trung Quốc trú ẩn. Philippines cực lực phản đối nhưng sau đó đã phải chịu thua. Đến tháng tư năm nay, kịch bản tranh chấp Trung Quốc – Philippines tại Mischief Reef có nguy cơ tái diễn với việc Trung Quốc cho tàu tiến vào bãi Scarborough, rồi trụ lại đó cho đến nay, trong lúc tàu của Philippines đã phải rút đi.
Cuộc tranh chấp này theo AFP cho thấy là Bắc Kinh ngày nay không ngần ngại đòi chủ quyền tại nhưng nơi xa xôi, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đối phương. Thật vậy, bãi Scarborough mà Manila đòi chủ quyền rất xa bờ biển Trung Quốc nhưng lại nằm sâu trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Philippines.
Các « chuyên gia » Trung Quốc lẽ dĩ nhiên đã cố biện minh cho các hành vi này khi nhấn mạnh rằng khoảng cách địa lý không quan trọng trong vấn đề chủ quyền. Ông Trương Hải Văn, phó giám đốc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc gần đây khẳng định công khai là khoảng cách « hoàn toàn không có cơ sở nào trong luật pháp cũng như thông lệ quốc tế ». Nhân vật này đưa ra ví dụ là quần đảo Channel Islands của Anh chỉ cách bờ biển Pháp không đầy 12 hải lý.
Còn ông Cổ Khánh Quốc, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, thì xác định là Trung Quốc chỉ đơn thuần làm theo gương của phương Tây : « Mỹ có đảo Guam ở châu Á, vốn rất xa Hoa Kỳ, và Pháp cũng có đảo ở miền Nam Thái Bình Dương, do vậy, chẳng có gì mới lạ cả ». Trả lời AFP, vị giáo sư này khẳng định : « Vị trí địa lý của hòn đảo không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy nó thuộc về nước nào ».

Hộ chiếu “lưỡi bò”: Đòn phủ đầu của Bắc Kinh cho những ai còn ảo tưởng

Hộ chiếu « lưỡi bò » : Đòn phủ đầu của Tập Cận Bình cho những ai còn ảo tưởng Trung Quốc sẽ hòa dịu hơn ở Biển Đông. Trước hành động in bản đồ hình lưỡi bò trong đó bao trùm gần hết diện tích Biển Đông lên hộ chiếu mới, chính quyền Trung Quốc đã gây bất bình cho rất nhiều nước.
Đặc biệt tại nước láng giềng Việt Nam, nơi Bắc Kinh liên tục có những hành động gây hấn trên biển, thì dư luận người Việt rất phẫn nộ trước thái độ khiêu khích trắng trợn này của người khổng lồ phương Bắc.  Mới đây gần 150 người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, trong đó có nhiều thân hào nhân sĩ tên tuổi đã ký tên vào bản tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình « lưỡi bò » lên hộ chiếu của các công dân.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có ký tên vào tuyên bố này.
Audio Thụy My phỏng vấn Luật gia Lê Hiếu Đằng – TP Hồ Chí Minh
00:00
00:00
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn. Trước hết xin ông vui lòng cho biết cảm nghĩ của ông về sự kiện hộ chiếu « lưỡi bò » Trung Quốc ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Có thể nói việc đưa hình lưỡi bò lên hộ chiếu là một việc làm nói thật là cũng ít ai ngờ. Bởi vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều nước, và người ta cũng nghĩ là trong quan hệ ngoại giao, làm như thế là quá táo tợn, quá khiêu khích, không còn tôn trọng gì nhau nữa. Vì vậy có thể nói là Trung Quốc có lẽ họ dựa vào thế nước lớn, họ nghĩ là nước lớn họ muốn làm gì thì làm. Chứ trong quan hệ đối ngoại thì tối kỵ việc làm như thế này. Mà rõ ràng là phản ứng của các nước bây giờ rất là mạnh mẽ, đặc biệt trong đó có Đài Loan, là một lãnh thổ trong thời gian gần đây cũng đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, bây giờ thì mới ngã ngửa ra cũng là một nạn nhân trong trò chơi này của Trung Quốc.
Vì vậy theo tôi việc này là có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong việc chống lại bá quyền Bắc Kinh, bởi vì nó làm bộc lộ rõ bộ mặt của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Một bộ mặt có thể nói là bất chấp dư luận trắng trợn, có những hành động ít ai có thể ngờ tới. Tôi nghĩ rằng đó là một việc làm hết sức là thất chính trị. Khi hành động như vậy Trung Quốc đã gây hiềm khích rất lớn với tất cả các nước ở khu vực đang tranh chấp Biển Đông. Điều đó càng làm cho các nước thấy rằng phải đoàn kết nhau lại, để chống lại âm mưu muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Cái thứ hai nữa là, việc làm này càng làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rõ hơn bản chất của Trung Quốc. Chứ không phải cái kiểu mà cứ khư khư ôm bốn tốt rồi mười sáu chữ vàng, mà đặc biệt là trong bối cảnh sau đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể nói là ông Tập Cận Bình và ê-kíp của ông ta đã tung ra một ngọn đòn phủ đầu, đối với những người hy vọng rằng sau đại hội 18 của Trung Quốc thì sẽ có cải cách, có không khí hòa dịu với các nước láng giềng ; hay là trong vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc có thiện chí để giải quyết.
Tất cả những suy nghĩ đó đều là không có cơ sở, các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thấy rõ điều này. Một điều mà thật ra trong quan hệ qua nhiều thời kỳ, thì chúng ta đã thấy dã tâm của Trung Quốc rồi, trong vấn đề bành trướng xâm lược. Ngoài việc tấn công một cách ồ ạt năm 1979, họ còn khiêu khích trên cả mọi lãnh vực – kinh tế, chính trị, văn hóa – chứ không chỉ ở Biển Đông. Đây là cái âm mưu chi phối rồi dần dần xâm lấn và gây ảnh hưởng, buộc các nước phải theo đường lối của mình. Một âm mưu rất lớn của Trung Quốc, được làm một cách trắng trợn, công khai.
Do đó chúng tôi nghĩ rằng việc này sẽ có tác động rất lớn đối với nhân dân các nước trong vùng Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, nhất là những nước đang tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Như vậy sẽ làm cho Trung Quốc bị cô lập.
Riêng bản thân tôi không thấy lo ngại về việc này, mà tôi cho đó là thời cơ để chúng ta thấy rõ hơn nữa bộ mặt thật của nhà cầm quyền Trung Quốc.
RFI : Có lẽ là không chỉ những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, mà ngay cả khái niệm « quyền lực mềm » qua việc này cũng không còn mấy ai tin nữa phải không thưa ông ?
Đúng rồi. Quyền lực mềm là như kiểu thực dân mới, nó tinh vi, nhưng bây giờ thì không còn như vậy nữa. Hành động này theo chỗ hiểu biết của tôi thì dường như chưa có tiền lệ trong lịch sử. Chưa có nước nào làm những việc như thế, nhưng mà Trung Quốc bây giờ thì họ lại trắng trợn làm. Do đó sẽ làm cho phản ứng của các nước càng dữ dội hơn. Ví dụ như Philippines, Đài Loan, Ấn Độ…rồi tất cả các nước không tranh chấp Biển Đông, nhưng đứng về mặt luật pháp quốc tế mà nói, thì họ cũng thấy đây là hành động ngang ngược. Do đó mà tôi nghĩ rằng với việc làm này thì Trung Quốc tự gây khó cho mình, tự bôi xấu bộ mặt của mình.
Tôi cũng rất lấy làm lạ là một cường quốc mà lại đi làm cái việc đê tiện như vậy thì cái hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới nó sẽ như thế nào. Chẳng lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc không suy nghĩ như vậy sao. Chẳng lẽ vì cái lợi nhỏ mà quên đi hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân trên thế giới hay sao ?
RFI : Thưa ông, có lẽ đây không chỉ là cái lợi nhỏ, mà theo một số nhà phân tích thì trong thời đại này « ai nắm được đại dương sẽ nắm được cả thế giới ». Có lẽ Trung Quốc muốn chứng tỏ uy thế của mình và quá tự tin vào sức mạnh?
Nhưng dù tự tin đến đâu cũng không thể nào có hành động áp đặt, bất chấp lẽ phải như Trung Quốc đã làm, khiến cho nhân dân các nước càng thấy rõ hơn.
Còn đứng trước hành động của Trung Quốc thì tôi thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ và hiệu quả hơn ; chứ không phải chỉ là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay gởi công hàm phản đối. Tôi cho rằng việc làm của Trung Quốc là đã công khai, thì phía Nhà nước Việt Nam cũng phải công khai, có chủ trương nhất quán để vô hiệu hóa chủ trương của Trung Quốc. Chứ không thể để địa phương này giải quyết cách này, địa phương kia giải quyết cách kia được, mà phải đường hoàng công bố cho nhân dân trong nước và trên thế giới biết.
Nói như ông Mỹ, giám đốc công ty Lửa Việt, thật ra vấn đề du lịch tôi cho không phải là lớn lắm, nhưng mà cái lớn nhất là sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập. Và một điều nữa, chúng tôi nghĩ không phải sợ gì cả. Vì tuy là một nước sát cạnh với họ, và họ có tiềm lực kinh tế hơn chúng ta, thậm chí quân sự cũng có thể hơn chúng ta, nhưng tình hình quốc tế hiện nay cũng không cho phép họ muốn làm gì thì làm.
Vì vậy nếu Nhà nước Việt Nam biết dựa vào sức mạnh của dân tộc, cộng với sức mạnh hiện nay của các nước trên thế giới đang càng ngày càng thấy bộ mặt thật của Trung Quốc, thì tôi nghĩ rằng đủ sức để mà vô hiệu hóa những chủ trương như vừa rồi của Trung Quốc. Ví dụ với sức mạnh của nhân dân Việt Nam, thì tại sao nhà nước không để cho nhân dân biểu tình phản đối việc đó, thậm chí là ủng hộ các cuộc biểu tình này, để tạo niềm tin cho nhân dân . Đó là cũng là một biện pháp phản ứng mạnh mẽ, mà một số nước người ta cũng đã làm.
Chứ còn nếu không thì Trung Quốc họ sẽ còn nhiều âm mưu nữa, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước chúng ta, đe dọa nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta. Nếu không, qua đại hội 6 vừa rồi, qua vấn đề chống tham nhũng cộng với vấn đề này mà không có biện pháp mạnh mẽ, thì người dân lại càng thất vọng thêm nữa. Và niềm tin đối với lãnh đạo Việt Nam ngày càng thấp hơn, đi đến sự mất ổn định chính trị tiềm ẩn.
Người ta bất bình thì người ta cũng có những việc làm – ví dụ các em sinh viên học sinh – em Phương Uyên chẳng hạn. Tại sao các em làm như vậy ? Đó là những phản ứng của xã hội đứng trước sự mềm yếu, nhu nhược trong lãnh đạo của chúng ta, đối với những hành động ngang ngược trắng trợn của Trung Quốc, đã gây sự bất bình rất lớn trong nhân dân.
RFI : Dạ có lẽ chính quyền Việt Nam không phải là không thấy dã tâm của Trung Quốc, mà e ngại Bắc Kinh tạo cớ gây chiến tranh. Nhưng không chừng đến nước này thì khó mà lùi được nữa. Có người cho rằng việc cấp thị thực rời như vừa rồi có vẻ tương đối mạnh dạn hơn so với trước đây, ông nghĩ thế nào ?
Nhưng tôi thấy đó chỉ mới là biện pháp đối phó trước mắt thôi. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải tuyên bố công khai, là hoàn toàn không chấp nhận hộ chiếu đó, chứ không phải chỉ ông Lương Thanh Nghị. Chính phủ phải đề nghị Trung Quốc thu hồi ngay, nếu không mình sẽ không chấp nhận cho công dân Trung Quốc đi vào lãnh thổ Việt Nam. Bởi vì nếu đi vào lãnh thổ Việt Nam mà chúng ta chấp nhận cái hộ chiếu đó, thì đương nhiên là chúng ta chấp nhận cái đường lưỡi bò.
Cần phải tuyên bố một cách minh bạch, rõ ràng, như vậy mới thể hiện được là một nước có độc lập, chủ quyền. Nếu chúng ta cứ để từng địa phương làm, hoặc chỉ đạo ngầm thì sẽ đi đến cái chỗ là thậm chí đối phó từng việc một thôi, chứ không có một chủ trương nhất quán trong vấn đề này.
RFI : Phải chăng khi phản ứng một cách đối phó, qua loa, thì chính quyền Việt Nam càng gây bất bình trong xã hội ?
Thì đúng là việc đó gây nên nhiều bất bình, mà thể hiện rất rõ là việc ký tên trong tuyên bố vừa rồi. Tôi thấy có những người rất hiền lành, từ trước đến giờ không ký tên gì cả, nhưng bây giờ cũng ký vào bản danh sách đó. Chứng tỏ là sự phẫn nộ của các tầng lớn nhân dân Việt Nam lên đến cao độ trong việc này. Và tôi nghĩ là trong những ngày tới sẽ còn nhiều người ký nữa.
Nhưng nhiều người ở đây cũng điện thoại cho tôi nói rằng, chỉ ký tên vào bản tuyên bố không thôi – thì là cần thiết, nhưng liệu đó có phải là một biện pháp mạnh mẽ, biểu thị ý chí của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc như vậy ? Thành ra người ta cũng đề nghị các biện pháp khác, như là bây giờ có những tuyên bố đó, thì đưa tập thể đến các nhà lãnh đạo Việt Nam một cách công khai. Hoặc là tổ chức mít-tinh, biểu tình. Nhiều người phản ánh với chúng tôi như vậy.
Do đó mà chúng tôi có đề nghị, đáng lẽ Nhà nước phải để cho Mặt trận, các đoàn thể chủ động đứng ra làm việc đó, thì mới thể hiện đây là một Nhà nước có quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập của đất nước chúng ta. Chứ còn nếu chỉ tuyên bố không thì cũng sẽ rơi vào như những lần trước đây, không có hiệu quả gì cả .
Họ đã tung ra những cái đó thì cũng sẽ nghĩ đến biện pháp đối phó. Họ sẽ đối phó bằng cách là lờ đi, hoặc nếu không thì sẽ giải thích thế này thế kia. Nhân dân Nhật báo cũng đã biện minh cho việc làm của họ.
RFI: Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Người bảo vệ nhân quyền – kẻ thù của nhà nước

Ở Việt Nam, tất cả những thứ có thể định nghĩa là kẻ thù của nhà nước chính là nêu vấn đề nhân quyền hoặc nói chuyện về chính trị. Tán thành một giải pháp thay thế cho chính sách xã hội của Đảng Cộng sản là chống lại nhà nước. Những người bảo vệ tự do có nguy cơ mất tự do.
Trong một bài viết ngày 10 tháng 3 năm ngoái, blogger Paulus Lê Văn Sơn phân tích “tuyên truyền chống nhà nước” mà các cơ quan chức năng triển khai một cách có hệ thống nhằm chống lại các phê bình chỉ trích. Anh đã đăng bài viết dũng cảm này trên blog của mình, tố cáo việc sử dụng Điều 88 của bộ luật hình sự đối với công dân Việt Nam kêu gọi cải cách. Các gia đình của các nhà phê bình chỉ trích thường đã cống hiến cuộc đời của họ cho Đảng Cộng Sản. Anh kết luận rằng thay vì từ chối những lời chỉ trích, chính phủ nên ghi nó vào tim: “Xét cho cùng, những người mà bị chính quyền quy kết cho tội “chống chính quyền” chính là những người đang đắp lại những chất liệu vô cùng quý giá để xây dựng chính quyền vững vàng hơn”.
Bài viết đó, trong số những bài khác, đã dẫn đến bắt giữ và cầm tù Văn Sơn. Anh đã trải qua hơn một năm trong tù, mặc dù anh đã không bị kết án. Anh là mục tiêu của chính ngay cái tội danh mà anh tố cáo trong bài viết, mặc dù chính thức anh không bị kết tội theo điều 88. Theo lệnh tạm giam, văn bản pháp lý duy nhất chúng tôi thấy được vì luật sư của anh không có quyền tiếp cận hồ sơ của anh, anh bị buộc tội theo Điều 79, cụ thể là “thành viên trong tổ chức phản động, Đảng Việt Tân, nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong tất cả, 18 cư dân mạng hiện đang bị cầm tù vì đã cố gắng cung cấp thông tin cho công dân của mình, theo Phóng viên Không Biên giới. Chưa lên lịch ngày xét xử. Bài viết của Văn Sơn, đại diện cho một điểm nhìn chung cho nhiều blogger trong nước có khuynh hướng ôn hòa, bị chặn lại bởi một số nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam.
Một blogger Công giáo trẻ bị buộc tội thay cho người khác
Paulus Lê Văn Sơn, 27 tuổi, đưa tin về các vấn đề xã hội và chính trị trong nước, đặc biệt là những việc liên quan đến tôn giáo và nhân quyền. Anh tham gia với trang blog tập thể Baokhongle và góp phần vào bản tin Dòng Chúa Cứu Thế. Các bài viết của anh về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bạo lực của cảnh sát rõ ràng là đóng góp vào việc anh bị bắt giữ hôm 3/8/2011 tại Hà Nội, coi như một vụ bắt cóc của cảnh sát.


Trước đó, anh đã tham gia phiên tòa xử một cư dân mạng, luật sư Cù Huy Hà Vũ. Văn Sơn đã đưa tin phiên tòa sơ thẩm trước đó hôm tháng 4. Anh bị bắt một cách thô bạo trong dịp này. Trong bài viết dưới đây / đính kèm, anh viết về chuyến thăm của anh đến gia đình luật sư Vũ và những trả thù chống lại họ.
Gần đây, điều kiện giam cầm Văn Sơn đã trở nên tồi tệ. Bị giam ở nhà tù B14 tại Hà Nội nhưng kể từ đầu tháng 7 năm nay anh bị đưa về nhà tù Hỏa Lò ọp ẹp, trong trung tâm thành phố, nơi các tù nhân phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn trong B14.
Phết bùn bôi nhọ
Trong khi đó, Văn Sơn là mục tiêu của một chiến dịch bôi xấu trên báo chí nhà nước một cách có hệ thống. Anh bị cáo buộc, cùng với các Công giáo trẻ khác, âm mưu chống lại chế độ.
Một bài báo ngày 13/10/2012 tờ “Công An”, tờ báo của an ninh thành phố Hồ Chí Minh, mô tả cái gọi là một âm mưu liên quan đến thanh niên Công giáo từ Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, những người đã bị bắt trong tháng 7 năm 2011. Theo bài báo, âm mưu quy mô lớn đã bị kích động với sự giúp đỡ từ nước ngoài. Nhiều chi tiết hư cấu liên quan đến các thành viên của nhóm đã được đưa ra.
Một đoạn văn tập trung vào Văn Sơn. Theo bản dịch, viết là:
“Lê Văn Sơn, quê Thanh Hóa là đối tượng có quan hệ mật thiết với nhóm đối tượng chống đối nhà nước như Lê Quốc Quân và một số tu sĩ cực đoan. Vì thế, Sơn thường xuyên thu thập tin tức về khiếu kiện, việc đấu tranh của cơ quan công an với các đối tượng chống đối, các vấn đề bức xúc, nhạy cảm để phục vụ hoạt động tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam. Trở thành thành viên nhóm “doanh nhân trí thức cộng hòa” do Quân phụ trách, Sơn đã tham gia 2 lớp huấn luyện về kỹ năng truyền thông công giáo. Từ ngày 12 đến 13-7-2011, Sơn sang Thái Lan tham gia khóa huấn luyện “Quang Trung 711”. Khi bị bắt, Sơn tỏ ra ngoan cố, liên tục quanh co, chối tội.”
Trong một bài viết đăng trên trang web Thanh Niên Công Giao, nhà báo-bloggerJean-Baptiste Nguyễn Hữu Vinh đăng lại đoạn văn trên, cùng với ý kiến ​​của ông. Ông lưu ý đặc biệt rằng Văn Sơn là thành viên không phải của “doanh nhân trí thức Cộng hòa”, mà là “doanh nhân trí thức Công giáo”, một nhóm lập ra bởi Đức Hồng Y Tùng, Tổng Giám Mục Hà Nội, khuyến khích sự tiến bộ xã hội của người Công giáo, và đã hoạt động trong hai năm qua.
Defend the Defenders
Source: https://www.wefightcensorship.org/censored/human-rights-defender-enemy-statehtml.html

Trung Quốc tự cho quyền chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông


Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam) Reuters/Petrovietnam
Trọng Nghĩa_RFI
Mối lo ngại về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị tham vọng chủ quyền của Trung Quốc giới hạn như vừa được chính nước này xác nhận. Theo báo chí Trung Quốc, vào hôm nay, 29/11/2012, tỉnh Hải Nam, địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, vừa thông qua các quy định mới cho phép cảnh sát biên phòng quyền « lên tàu, tịch thu giữ và trục xuất các tàu ngoại quốc xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh ». Quyết định này bị coi là một động thái mới của Trung Quốc trong mưu toan độc chiếm Biển Đông.
Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, sau khi được tỉnh Hải Nam thông qua vào hôm thứ Ba, 27/11, hệ thống quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Sắp tới, tỉnh Hải Nam sẽ công bố toàn bộ các quy định.

Trước mắt, báo chí Trung Quốc tiết lộ, trong số các hoạt động bị coi là trái phép, có việc xâm nhập vùng biển của tỉnh mà không có phép, dừng lại hay thả neo bất hợp pháp, phá hoại các hệ thống bảo vệ bờ biển… và « thực hiện các chiến dịch quảng cáo gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc ».
Bình thường ra, các quy định trên đây không có gì đáng nói. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tỉnh Hải Nam chính là địa phương nơi chính quyền Trung Quốc vừa cho thành lập đơn vị hành chánh «Thành phố Tam Sa », có trách nhiệm quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền sở hữu của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Nói cách khác, phạm vi hoạt động của cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam bao trùm một diện tích khoảng 2 triệu cây số vuông biển đảo, bao trùm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa.
Khi được hỏi về sự kiện này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã khẳng định : « Đó là quyền hợp pháp của một Nhà nước có chủ quyền để thực hiện công việc quản lý hàng hải ».
Còn Hoàn cầu Thời báo thì dẫn lời ông Lý Triệu Kiệt (Li Zhaojie), một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), dự đoán rằng các quy định mới được thông qua có thể dẫn đến việc thực thi chặt chẽ quyền trục xuất tàu ngoại quốc bị cho là thâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo vị giáo sư này, đó là các quyền được một công ước Liên Hiệp Quốc thừa nhận : « Trong quá khứ, khi tàu nước ngoài vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc, điều tốt nhất mà lực lượng tuần tra có thể làm là đuổi họ ra khỏi vùng biển của Trung Quốc. Quy định mới sẽ thay đổi tình trạng này, và cung cấp cho lực lượng tuần tra phương tiện pháp lý để thực sự làm công việc của mình ».
Báo China Daily còn tiết lộ là Lực lượng Hải giám Trung Quốc có kế hoạch cử thêm tàu tuần tra xuống Biển Đông.
Theo giới quan sát, quyết định tự cho quyền chận bắt các tàu ngoại quốc đi vào vùng lưỡi bò mà Bắc Kinh đòi chủ quyền là một hành động leo thang mới của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ làm tình hình căng thẳng thêm lên.
Động thái này nối tiếp theo một hành đông bị coi là khiêu khích khác : Thể hiện các yêu sách chủ quyền trong hộ chiếu mới, trong đó có việc in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn. Hành vi này ngày càng bị nhiều nước phản đối.

BLG Đại Dương:HỘI THẢO BIỂN ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ TƯ- DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2003

Hội thảo Biển Đông Nam Á lần thứ tư tại Sài Gòn trong 3 ngày đã bế mạc hôm 21 tháng 12 với chủ đề “Biển Đông Nam Á: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực”. Nhân dịp này, Bắc Kinh đã cho in bản đồ Đường Lưỡi Bò trên Sổ thông hành và phát hành “Bản đồ thành phố Tam Sa tỉnh Hải Nam nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” gây thêm căng thẳng trên Biển Đông Nam Á. BLG Đại-Dương phân tích các yếu tố gây bất ổn trên Biển Đông Nam Á.

Hôm 19 tháng 11 Quốc hội Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã dành trọn ngày để thảo luận về bản Dự thảo sửa Luật Đất đai 2003 sẽ được thông qua vào giữa năm 2013. Hầu hết Đại biểu Quốc hội tán thành nội dung bản Dự thảo “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Bản Dự thảo này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của dân chúng trong những ngày tháng tới. BLG Đại-Dương nhận xét về tiến trình sửa đổi này. 
 

PHẢI CHĂNG T.T NGUYỄN TẤN DŨNG THÔNG ĐỒNG VỚI TRUNG CỘNG IN HÌNH LƯỠI BÒ TRÊN HỘ CHIẾU?

 Nguyễn Thu Trâm, 8406 - Theo tờ Daily Telegraph ngày 22 tháng 11 năm 2012, Trung cộng đã phát hành khoảng 6 triệu hộ chiếu điện tử có in hình lưỡi bò. Không lâu sau khi loại hộ chiếu có in đường lưỡi bò này được cấp phát, những công dân của họ đã sử dụng để nhập cảnh vào Việt Nam, như là một hành động công khai tuyên bố chính thức với các quan chức đảng và nhà nước Việt Nam rằng đường lưỡi bò là hợp pháp và biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung cộng.
Nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước cảm thấy bất bình và phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Bắc Kinh về hành vi này. Nhưng có lẽ ít ai đặt vấn đề rằng việc lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Bắc Kinh từng bước lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam theo một chủ trương dần dần biến Việt Nam thành một đặc khu kinh tế của Trung Cộng như chúng đã thực hiện đối với Tây Tạng và Tân Cương, liệu có không sự thong đồng và tiếp tay của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Video: Phát Ngôn Của Một Số Tàu Khựa: PHẢI ĐÁNH VIỆT NAM

Thực hiện chính sách vết dầu loang để liếm dần biển Đông, vào tháng 7 năm 2006, Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho phát hành bộ bản đồ hành chính gồm có các bản đồ Trung Quốc Chính Khu, Trung Quốc Địa Thế, Trung Quốc Thủy Hệ và Trung Quốc Giao Thông.
Điều đáng quan tâm là trong bản đồ Trung Quốc Chính Khu không chỉ bao gồm Đài Loan, Tây Tạng cũng như các vùng có tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc mà cũng bao gồm luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín đoạn hình chữ U. Tiếp theo sau việc phát hành bộ bản đồ này, Trung cộng đã tiến hành xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa với ý nghĩa rằng Hoàng Sa, Trường Sa và Việt Nam là của Trung cộng và việc làm tiếp theo để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của các quần đảo này là việc tổ chức các tour du lịch đến Hoàng Sa được khởi đầu vào thứ Bảy, ngày 07 tháng 4 năm 2012. Trước sự kiện này, đại diện phía Việt Nam, phát ngôn viên Lương Thanh Nghị chỉ van lơn một cách kín đáo trong công thông tin điện tử của chính phủ rằng: “:”Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Trong khi đó, trong lần đón tiếp Tổng Bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay sau Hội Nghị Trung Ương 6, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của cộng sản Việt Nam đã tuyên bố: “Trên tinh thần đồng chí, anh em và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai bên cần bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.” Khi nói “không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”, ông Nguyễn Tấn Dũng ít nhất gián tiếp cho Trung Quốc biết là lãnh đạo Việt Nam đặt quan hệ giữa hai nước lên trên tranh chấp chủ quyền. Điều này có thể được hiểu rằng “tôi cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng để tuyên bố rằng: “Chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi nhận và tán thành bản tuyên bố về đường Lưỡi Bò Cửu Đoạn của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung-Hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.” 
Chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng đường Lưỡi Bò và hải phận toàn thể Biển Đông của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.”
Chính cách ứng xử cùng tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bật đèn xanh cho nhà cầm quyền Trung cộng in hình Lưỡi Bò trên hộ chiếu để chính thức công bố với thế giới về chủ quyền hợp pháp của họ đối với Hoàng Sa, Trường Sa và cả Biển Đông.
Với những gì đang diễn ra, với những chính sách của đảng cộng sản Trung Quốc mà hành động cụ thể là xua tàu cá ra biển Đông, là xây dựng thành phố Tam Sa, là tuyên bố công khai về đường lưỡi Bò và với những tuyên bố cựu chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đối với chính sách lớn của trung cộng về việc “vươn ra biển” cùng với cách hành xử và tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng người ta có đủ cơ sở để tin rằng ngay cả khi Trung cộng tuyên bố với thế giới rằng “Việt Nam là một tỉnh của Trung Quốc” thì đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam cùng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ “ghi nhận và tán thành” cũng như “tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng”.
Với những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội Trung quốc cùng với chính sách bành trướng của đảng cộng sản Trung Quốc và sự nhu hèn của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, chúng ta những công dân của Việt Nam có cơ sở để lo sợ rằng nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung cộng và 90 triệu dân Việt Nam sẽ trở thành một sắc tộc thiểu số trên chính quê hương mình vào một ngày không xa.
Nhục quá!
Ngày 29 tháng 11 năm 2012
Nguyễn Thu Trâm, 8406.

Wednesday, November 28, 2012

Nhật âm thầm chuyển đổi chiến lược quân sự để đối phó với Trung Quốc

Chiến hạm Kurama và khu trục hạm Hyuga của lực lượng hải quân Nhật Bản (REUTERS)
Trọng Nghĩa_RFI
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự trên các vùng biển chung quanh, Tokyo cũng đã tranh thủ thời cơ, chuyển đổi chiến lược quân sự theo chiều hướng can thiệp nhiều hơn vào các địa bàn khu vực. Do việc các động thái của Trung Quốc ngày càng gây lo ngại nơi các láng giềng, hành động của Nhật  không còn gặp phản đối như trước đây, mà trái lại đã rất được hoan nghênh.
Sự kiện mới nhất phản ánh thay đổi chiến lược của Nhật Bản là việc một tiểu ban thuộc chính phủ vào hôm qua, 27/11/2012 đã khuyến nghị chính quyền là cần phải tăng cường năng lực phòng thủ trên biển của đất nước.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tiểu ban về chính sách đại dương đã chuyển lên Thủ tướng Yoshihiko Noda một kiến ​​nghị, theo đó Nhật Bản vừa phải thúc đẩy việc khai thác và kinh doanh nguồn tài nguyên biển, vừa phải nâng cấp lực lượng tự vệ trên biển – tức là Hải quân – cũng như lực lượng Tuần duyên – hay cảnh sát biển.
Cũng theo Kyodo, khi nhận được kiến ​​nghị đó, Thủ tướng Noda hứa là sẽ phản ánh các đề xuất ngay trong chương trình hàng hải 5 năm của chính phủ, có hiệu lực trong niên khóa tài chính năm 2013.
Theo giới quan sát, nhu cầu tăng cường lực lượng hải quân và tuần duyên Nhật Bản đã trở nên bức thiết vì trong một hai tháng gần đây, Trung Quốc đột nhiên cứng rắn hẳn lên trong việc đòi chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang do Nhật Bản quản lý. Vấn đề là Bắc Kinh không ngần ngại cho tàu tiến vào vùng tranh chấp để khiêu khích Tokyo.
Ngay từ trước lúc tình hình trở nên căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo đã không che giấu thái độ lo ngại trước đà vươn lên mạnh mẽ về mặt quân sự, đặc biệt là về hải quân của Trung Quốc. Nỗi quan ngại lại càng lớn khi Trung Quốc lộ rõ tham vọng độc chiếm vùng Biển Đông, nơi có các tuyến hàng hải thiết yếu cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Vì thế, Tokyo đã âm thầm chuyển đổi chiến lược quốc phòng, tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của hiến pháp chủ hòa mà Hoa Kỳ đã áp đặt trên Nhật Bản sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Trong một bài viết ngày 26/11 vừa qua, nhật báo Mỹ New York Times ghi nhận ba hướng đi được Tokyo theo đuổi để nâng cao uy thế quân sự của mình trong vùng châu Á : tung Hải quân đi khắp nơi trong vùng để thiết lập các liên minh khu vực, sắn sàng cung cấp viện trợ quân sự và thậm chí giúp một số nước tăng cường tiềm lực quốc phòng để có thể đương cự lại Trung Quốc.
Một cách cụ thể là trong năm nay, lần đầu tiên từ khi cuộc Thế chiến thứ hai kết thúc, Nhật Bản đã cung cấp viện trợ quân sự cho các nước trong vùng Đông Nam Á, cụ thể là tháo khoán 2 triệu đô la cho lực lượng công binh Nhật Bản qua đào tạo quân đội Cam Bốt và Đông Timor trong lãnh vực cứu trợ thiên tai và xây dựng đường xá.
Từ năm 2009 đến nay, Hải quân Nhật Bản ngày càng tham gia tập trận chung với nhiều nước hơn, không chỉ với Mỹ, mà cả với những nước khác như Úc Philippines, Ấn Độ. Không những thế, chiến hạm Nhật cũng bắt đầu thực hiện chuyến viếng thăm cảng nước ngoài thường xuyên hơn, đặc biệt tại một số quốc gia trước đây vốn không muốn Nhật Bản tái võ trang.
Sắp tới đây, Nhật Bản có thể sẽ tiến thêm một bước mới. Sau khi đẩy mạnh các chương trình viện trợ dân sự để đào tạo và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác, như Philippines chẳng hạn, Nhật Bản có thể sớm vượt qua một ngưỡng mới : bán hàng vũ khí và thiết bị quân sự cho các nước trong vùng như máy bay tuần tra trên biển, tàu tuần duyên…
Theo New York Times, thậm chí Nhật Bản sẽ bán cả tầu ngầm tàng hình chạy bằng diesel được cho là rất thích hợp với vùng biển nông ở Biển Đông nơi Trung Quốc đang đòi toàn bộ chủ quyền. Một trong những khách hàng tiềm năng của loại tầu ngầm được cho là số một thế giới này chính là Việt Nam.

Phóng viên Không Biên giới khai trương website chống kiểm duyệt

Mạng wefightcensorship có đăng bài viết của bloger Việt Nam Paulus Lê Sơn (DR)
Mai Vân_RFI
Các bloger, nhà báo, những người vẽ biếm họa thường bị kiểm duyệt giờ đây có được một công cụ để thoát nạn này : đó là website chống kiểm duyệt mang tên WeFightCensorship. Địa chỉ web này vừa được tổ chức Phóng viên Không Biên giới, trụ sở tại Pháp, tung ra vào hôm qua 27/11/2012.
Trong buổi giới thiệu website này, Tổng giám đốc Phóng viên Không Biên giới Christophe Deloire, đã giải thích rằng sáng kiến này được đề ra là vì « chế độ kiểm duyệt cũ kỹ, ngu xuẩn và tai ác vẫn còn tồn tại ». Ông nhắc lại là hiện nay trên thế giới có 155 nhà báo và 130 cư dân mạng đang ngồi tù.
Ông nhấn mạnh là « Tất cả mọi người đều có quyền phổ biến thông tin mà không bị giới hạn ranh giới. Mục tiêu của website là cung cấp cho tất cả những ai bị kiểm duyệt, một công cụ để phổ biến các nội dung họ muốn nói ».
Tổ chức cho biết là trước khi đưa lên mạng các nội dung bị kiểm duyệt, họ phải kiểm tra tính xác thực của nội dung, và nhất là xem xét những rủi ro đối với tác giả, họ phải được sư đồng ý của tác giả hay người thân.
Theo kiểu như WikiLeaks, trang web https://www.wefightcensorship.org liệt kê bằng tiếng Anh và tiếng Pháp những bài viết, video, âm thanh hay hình ảnh mà những người bị kiểm duyệt, nhà báo hay cư dân mạng gởi đến.
Theo AFP, điều khác với WikiLeaks, là website của Phóng viên Không Biên giới là họ đưa lại trong bối cảnh của nó các nội dung được công bố trong ngôn ngữ gốc – tiếng Malaysia, Iran, Nhật, Azerbaidjan …, và cho biết hiện tại người đó ở đâu.
Trong những tài liệu có thể tham khảo ngay hôm qua, 27/11/2012, có bài viết về cách điều hành tồi tệ ở Tchad, mà tác giả, nhà báo Jean – Claude Nékim đã bị kết án một năm tù treo vào tháng 9 vừa qua, hay bài phân tích về nhóm từ “tuyên truyền chống Nhà nước‘’ của bloger Việt Nam Paulus Lê Sơn, được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh trong lúc tác giả ngồi tù từ tháng 8/2011.
Bên cạnh đó có một video cho thấy cảnh cảnh sát đàn áp ở Belarus. Hai số đầu tiên và duy nhất của tạp chí độc lập “De Cuba”, ra mắt vào giữa những năm 2002-2003 trước khi vị chủ nhiệm bị kết án 20 năm tù.

Quyền im lặng trong Tố tụng hình sự


Hầu hết các nước trên thế giới, công dân của họ đều có quyền im lặng và quyền có luật sư. Điều này được qui định cụ thể trong luật và không phân biệt đó là vụ án hình sự bình thường, vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia hay liên quan đến chính trị. Nếu các quyền này không được tôn trọng thì bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị. Khi cảnh sát bắt giữ nghi phạm, câu nói bắt buộc đầu tiên là: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu anh không thể thuê luật sư, anh vẫn sẽ được cung cấp một luật sư bằng nguồn tài chính của chính phủ.”
Câu nói này có tên là Miranda warning (tạm dịch là Lời cảnh báo Miranda). Lời cảnh báo Miranda còn được cảnh sát Mỹ (nhiều nước khác cũng có các câu nói tương tự) đọc lên với nghi phạm trước khi họ tra hỏi về việc phạm tội. Nếu cảnh báo Miranda không được đọc cho nghi phạm thì những lời nói/khai của nghi phạm sẽ không được sử dụng như là các bằng chứng buộc tội trước toà án. Tuy nhiên, cảnh sát có thể hỏi các thông tin về cá nhân như tên, tuổi, hay địa chỉ mà không cần phải đọc cảnh báo Miranda.
Câu chuyện liên quan đến quá trình hình thành nên cảnh báo Miranda cũng khá dài dòng. Năm 1963, một người đàn ông tên là Ernesto Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và hiếp dâm tại bang Arizona, Mỹ. Anh ta đã tự thú tội mà trước đó không được cho biết về quyền được im lặng và được có luật sư hiện diện trong khi bị cảnh sát hỏi cung. Khi ra trước toà, các công tố viên chỉ sử dụng lời thú tội của anh ta để làm bằng chứng phạm tội. Toà án Tối cao đã kết luận rằng Miranda đã bị đe doạ trong khi thẩm vấn và anh ta không hiểu rằng mình có quyền không buộc tội chính mình hay quyền có luật sư. Vì thế, họ đã huỷ bản án trước đó. Miranda sau đó bị buộc tội trong một lần xử khác, với các nhân chứng và các bằng chứng mới.
Ở Việt Nam, quyền im lặng không được qui định trực tiếp và rõ ràng trong Bộ luật TTHS. Nhưng trong điều 10 Bộ luật TTHS qui định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”
Theo qui định này có nghĩa là bất kỳ công dân nào khi bị tạm giữ, tạm giam, bị đưa ra xét xử không cần thiết phải đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh là mình vô tội. Người bị tạm giữ, tạm giam không có nghĩa vụ chứng minh là mình không liên quan đến thời gian, địa điểm hay nghi can của một vụ án nào đó. Tức là không có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra như: Ngày hôm đó anh, chị ở đâu và làm gì? Hôm đó anh , chị đi đâu và gặp ai hay có biết người này, người kia không?….. Và những câu hỏi tương tự như vậy. Đó là việc của cơ quan điều tra phải đưa ra chứng cứ để chứng minh rằng ngày đó, vào thời điểm đó người đang bị điều tra có mặt hay có liên quan đến địa điểm và thời gian sảy ra một vụ án nào đó, có liên quan đến một nghi can nào đó.
Qui định này còn có nghĩa là người đang bị tạm giữ, tạm giam để điều tra có quyền im lặng trước các câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc có quyền bác bỏ các chứng cứ cáo buộc đó mà không có nghĩa vụ phải chứng minh ngược lại.
Việc người bị tạm giữ, tạm giam để điều tra thực hiện quyền im lặng của mình, cương quyết không chịu hợp tác với cơ quan điều tra có bị xử lý nặng hơn các trường hợp thông thường khác khi bị đưa ra tòa xét xử hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bởi vì:
Thứ nhất, điều 48, 49 Bộ luật TTHS qui định người bị tạm giữ, tạm giam được quyền trình bày lời khai. Đó không phải là nghĩa vụ. Tức là người bị tạm giữ, tạm giam có quyền im lặng trong suốt quá trinh tố tụng.
Thứ hai, trong điều 48 Bộ luật hình sự không qui định hành vi “ngoan cố”, “im lặng không khai báo” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tại sao người bị tạm giữ, tạm giam nên thực hiện quyền im lăng của mình?
Phần lớn người bị tạm giữ, tạm giam có sự hiểu biết hạn chế về pháp luật, trong khi phải đối diện một mình với các điều tra viên được đào tạo bài bản và đầy kinh nghiệm. Đồng thời những người bị tạm giữ, tạm giam đang bị khủng hoảng tinh thần, đang lo lắng và dễ dàng rơi vào “bẫy” của điều tra viên để cung cấp lời khai theo ý của họ. Tới khi luật sư được tiếp cận hồ sơ thì mọi việc đã rồi.
Khi người bị tạm giữ, tạm giam im lặng trước mọi câu hỏi, trước sự đe dọa hay dụ dỗ của các điều tra viên. Dần dần người bị tạm giữ, tạm giam sẽ bình tĩnh trở lại và sẽ sáng suốt trong mọi tình huống.
Người bị tạm giữ, tạm giam mà càng trả lời các câu hỏi của điều tra viên trong khi họ thiếu bình tĩnh thì họ sẽ càng bị dồn ép và dẫn tới viêc trả lời bất lợi cho bản thân, cuối cùng tự mình kết tội mình.
Khi người bị tạm giữ, tạm giam đã trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra thì chắc chắn luật sư chỉ có thể được chấp nhận khi việc điều tra đã kết thúc. Và khi đó cho dù luật sư có cực kỳ tài giỏi cũng không thể làm thay đổi quan điểm của cơ quan điều tra. Người bị tạm giữ, tạm giam sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do tự cung cấp chứng cứ để buộc tội chính mình.
Người bị tạm giữ, tạm giam nên làm gì?
Yêu cầu cơ quan điều tra tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của mình vì lúc đó người bị tạm giữ, tạm giam chưa hoàn toàn bị mất quyền công dân. Yêu cầu cơ quan điều tra không được xúc phạm, đe dọa.
Yêu cầu cơ quan điều tra liên lạc với gia đình và người thân của mình, thông báo việc mình đang bị tạm giữ, tạm giam. Thông báo gia đình thuê luật sư để bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.
Thực hiện quyền im lặng của mình cho đến khi luật sư có mặt. Người bị tạm giữ, tạm giam bắt buộc phải kiên định, vững vàng đến cùng, bất chấp sự đe dọa, dụ dỗ của các điều tra viên. Cho dù thời gian tạm giữ, tạm giam kéo dài bao lâu, người bị tạm giữ, tạm giam phải luôn giữ im lặng đến cùng.
Khi luật sư có mặt, người bị tạm giữ, tạm giam sẽ tham khảo ý kiến luật sư điều gì cần trả lời, điều gì không trả lời. Mặt khác người bị tạm giữ, tạm giam vẫn có quyền giữ im lặng cho đến khi bị đưa ra tòa.
IM LẶNG là quyền con người trong Tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra tôn trọng sự im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam là tôn trọng quyền con người.
Theo Chúa cứu thế

Nhận diện nơi ‘ăn’ khủng hơn cảnh sát giao thông

Ông Nguyễn Đình Hương.
Cảnh sát giao thông tham nhũng nhưng nhỏ, chỉ như chuột ăn củ khoai, còn nơi như cọp bắt trâu, lợn sẽ ăn nhiều hơn gấp hàng trăm lần.
Đây là nhận định của nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương, nguyên trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương Nguyễn Đình Hương khi nói về tham nhũng.
Sau khi nghe thông tin báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới thực hiện vừa công bố, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, đó là điều đáng mừng bởi xưa nay ai cũng biết tham nhũng nhưng chẳng bao giờ công khai nói ra. Không những thế, dư luận đôi khi tỏ ra nghi ngờ các kết quả khảo sát do chính các cơ quan chức năng thực hiện.

Theo ông Hương, tham nhũng đã trở thành vấn nạn, ngành nào, cấp nào cũng có và đặc biệt tập trung ở những cán bộ có chức quyền. Bởi trên lý thuyết, chức – quyền – bổng lộc là những yếu tố luôn đi liền với nhau. Danh sách 4 “ông lớn” là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng bị đưa vào vị trí “tốp ten” chưa thể phản ánh hết bức tranh tham nhũng hiện nay.
- Phải chăng, 4 ngành tham nhũng nhiều nhất như báo cáo nói là chưa hoàn toàn chính xác, thưa ông?
- Báo cáo nói rằng, cảnh sát giao thông là ngành tham nhũng nhiều nhất nhưng tôi lại có quan niệm hơi khác một chút. Tôi so sánh, cũng như con chuột tha củ khoai, tha đi tha lại nhiều lần cũng chỉ ăn được củ khoai, nhưng con cọp bắt được con lợn, con trâu nó sẽ ăn nhiều hơn gấp hàng trăm lần.
Cảnh sát giao thông đúng là có tham nhũng nhiều và là hiện thực người dân có thể tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe được nhưng đó chỉ là cái nhỏ. Đối với quốc gia, tổn thất đó không lớn. Những vụ ảnh hưởng đến cả quốc gia, dân tộc phải là những vụ tham nhũng khổng lồ, bòn rút ngân sách Nhà nước hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như Vinashin, Vinalines…
- Theo quan điểm của ông, ngành nào sẽ giữ vị trí “quán quân” về tham nhũng hiện nay?
- Theo tôi, ngân hàng vẫn là ngành “ăn” khủng khiếp nhất. Nhà băng là mạch máu, “nguyên soái” của nền kinh tế, không có tiền thì kinh tế không thể đứng vững được. Tôi thử lấy ví dụ, anh muốn làm doanh nghiệp, muốn vay vốn không phải cứ vác hồ sơ đi vay là xong. Ngân hàng tuyên bố lãi suất cho vay là 12-13% nhưng thực tế doanh nghiệp phải vay với mức 17-18%. Số tiền phát sinh đó do họ phải “đi đêm” với ngân hàng để được giải ngân. Hay ngành đất đai, để trúng thầu một dự án, dường như có quy tắc ngầm giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Để được trúng thầu, anh phải “lót tay” hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài phần trăm của gói thầu để được giành phần thắng. Với những dự án béo bở, các nhà thầu sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để “thỏa thuận” với chủ đầu tư… Bây giờ, người ta dùng tiền để “bôi trơn”, để “chạy” đủ thứ.
- Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, hiện tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền… có lẽ cũng đang nhức nhối, thưa ông?
Đúng vậy. Không chỉ lĩnh vực kinh tế, quản lý Nhà nước cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng. Cán bộ có chức có quyền đều gọi là “công bộc của nhân dân” nhưng cần phải nhìn nhận và đánh giá cho đúng. Bây giờ trong cán bộ lãnh đạo những ai thực sự còn là công bộc của nhân dân?
Người dân thường có câu, để có được chức quyền cần 4 yếu tố. Thứ nhất phải kể đến hậu duệ, thứ hai là tiền tệ, thứ ba là quan hệ và cuối cùng mới đến trí tuệ. Ngẫm ra thật đau đớn khi tài năng, trí tuệ chỉ xếp cuối cùng. Đối tượng tham nhũng bây giờ nhiều tiền, nhiều mánh khóe lắm. Không phải chỉ “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đâu, bởi chúng còn mua bằng nhiều thứ khác, ngoài tiền.
- Vậy theo đánh giá của ông, nguyên nhân của căn bệnh này do đâu?
- Thứ nhất, tham nhũng còn có đất để phát triển nếu chúng ta vẫn để tồn tại cơ chế “xin-cho”, cơ chế “độc quyền” như hiện nay. “Xin-cho” ở đây như xin đề án, xin đất đai, xin chỉ định thầu, xin đặc quyền đặc lợi… Thứ hai là trong công tác cán bộ còn có kiểu độc quyền, không qua thi tuyển khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của các bộ, ngành… Nếu không thay đổi những tư duy này thì có tổ chức bộ máy chống tham nhũng theo cách nào cũng khó mà chống được tham nhũng.
Để chặt đứt “mạng lưới” tham nhũng, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, vừa phòng vừa chống. Nhưng trước hết phải bắt đúng bệnh và kịp thời. Phải xử đúng người đúng tội, phải xử nghiêm từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Xử nghiêm là thuốc đặc trị. Vấn đề là có quyết tâm chống không? Nếu thoát khỏi nạn nể nang, né tránh, sợ liên lụy, ngại ngùng và không vụ lợi thì cuộc đấu tranh tham nhũng chắc sẽ có bước tiến.
Theo Đất Việt

Không phải bao giờ lời nói cũng có thể táo bạo

1.Hơi thở thời cuộc
Hội nghị thường niên năm 2012 của Trung tâm văn bút CHLB Đức diễn ra tại Rudolstadt, nơi nẩy nở và dung dưỡng những mối ẩn tình bất hủ.
Lời chào mừng của Jörg Reichl Chủ tịch Rudolstadt thì trang trọng tự hào về truyền thống văn hóa của mảnh đất một thời đầy ắp danh nhân.
Lời khai mạc của nhà văn Chủ tịch Johano Strasser thì chân thành giản dị và chan chứa sự hàm ơn trước sự cưu mang và hợp tác của thành phố.
Thành phố nhỏ bên Saalebogen u mặc thâm nghiêm bởi lâu đài Heidecksburg đã từng thu hút rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ, học giả, triết gia và các nhà sư phạm lớn. Bên cạnh Friedrich Schiller, J.W.Gother là những Fichte, die Humbolts, Schopenhauer, Wagner, Liszt, Pagalini, Fröbel, Johannes Daniel Falk, Hans Fallada…
Dù chỉ có vỏn vẹn 35000 cư dân, nhưng Rudolsadt không làm các văn nhân thất vọng. Chốn linh thiêng một thời vang vọng những tên tuổi lừng lẫy, một vùng đất đầy ắp những những cuộc đời văn nghệ tài hoa. Với muôn điệu thăng trầm, số phận họ đã làm cho thành phố trở thành vùng bảo tàng lịch sử của những tâm trí lớn lao. Một đời sống văn hóa đương đại đáng ngạc nhiên cùng với một dung lượng văn học sử rộng sâu thăm thẳm ở nơi đây đã làm tôi quên đi địa dư nhỏ bé của Rudolstadt.
Trong lần Hội nghị này sinh họat nghề nghiệp được tập trung vào một số tác giả đương đại.

Ngày10.05.12: Kerstin Hensel giới thiệu: Sabine Peters và Wilhelm Bartsch. Sau đó Stefen Mensching giới thiệu Annett Gröschner và Michael Augustin
Chiều 11.05.12: Wend Kässens đối thoại với: Christine Lehmann, Alfred Behrens, Harro Zimmermann về mối quan hệ giữa văn chương và kỹ nghệ phát thanh, radio. Chương trình này không gây ra những xúc động đặc biệt. Dù cho sự uyên bác, khúc triết hài ước trong vai trò dẫn dụ đối thoại củaWend Kässens đã gây ấn tượng mạnh; nhưng những vấn nạn về nhân quyền vẫn luôn luôn là một chủ đề nặng trĩu tâm can những người cầm bút.
Có thể nói, từ ngày 10 đến ngày 13.05 năm 2012, những linh mạch văn chương của thế giới đã hợp lưu vào lòng lâu đài Heideckburg, vào Nhà hát và Thư viện thành phố Rudolstadt một chương trình hội ngộ của gần 140 các văn nhân. Những nhà văn là khách mời tới từ China, từ Türkisch, Syrien, Bahrein, Iran, Togo khiến cho nội dung hội nghị nghi ngút hơi thở của thời cuộc.
2. Martin Lưu Thiên Chi, giải thưởng Bồ câu vàng và một đối thoại về Lưu Hiểu Ba*
Buối tối ngày 11.05.2012, vào lúc 20 giờ, giải thưởng Bồ câu vàng đã được trao cho nhà văn, dịch giả Martin Lưu Thiên Chi. Tại đây chị đã đọc những dòng tâm bút của Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Từ trái sang Thế Dũng, Nourida, Martin Lưu Thiên Chi
Martin Lưu Thiên Chi sinh ra và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia ở Đài Loan. Chị sống và nghiên cứu khoa học ở Hamburg, ở Bochum từ những năm 70 của thế kỷ trước. Từ năm 1991 đến năm 2001 chị chăm sóc việc dịch văn chương Trung Quốc tại Trung tâm Dịch thuật Richar-Wilhelm**.
Từ năm 1994, Lưu Thiên cùng người chồng Đức là Helmut Martin-một nhà Hán học bắt đầu làm công việc xuất bản một dự án sách Arcus China tại Bochum / Freiberg. Đáng tiếc là năm 1999, chị trở thành góa phụ vì Helmut Martin qua đời, việc xuất bản bị dang dở. Chị trở thành Chủ tịch P.E.N. Club độc lập của Trung Quốc tại Đài Loan từ năm 2009.
Từ năm 2001, chị lãnh đạo ban nghiên cứu những vấn đề Nhân quyền Trung Quốc. Năm 2012, chị tham gia xuất bản tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba tại Đức. Hiện chị đang định cư tại Köhn. Cuộc trò chuyện với Angelika Bohr chị đã tiết lộ khá nhiều điều thú vị. Thiết nghĩ, ghi lại cuộc trò chuyện này để làm tư liệu cũng là một điều hữu ích.
Angelika Bohr: Buổi tối hôm nay chị đọc những trang viết của Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình Quốc tế năm 2010. Chị quen biết anh ấy như thế nào?
Lưu Thiên Martin Chi: Từ năm 2001, tôi rất ít khi kết nối được với anh ấy.Mọi liên hệ hầu như chỉ qua Skype và điện thoại. Mấy năm trước tôi có làm việc điều hành hai trang mạng cho một tổ chức Nhân quyền ở Washington. Chúng tôi đã đăng những tin tức nói về và lấy từ Trung Quốc. Lưu Hiểu Ba là một tác giả của chúng tôi. Sau khi gửi một bài viết anh ấy luôn gọi cho tôi. Với cung cách ấy, hai ba ngày chúng tôi lại fon cho nhau. Hoặc là anh ấy vui vẻ nhờ những tác giả tâm huyết chuyền bài tới chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ gặp gỡ nhau. Anh ấy không thể ra khỏi Trung Quốc. Còn tôi thì không được phép nhập cảnh vào Trung Hoa lục địa.
Angelika Bohf: Từ khi anh ấy ở trong tù mối liên hệ này như thế nào?
Lưu Thien Martin Chi: Không còn quan hệ gì được nữa. Năm 2008, trước khi anh ấy bị bắt giam vào tháng 12, tôi đã ngỏ lời đón chị ấy sang Mỹ. Nhưng chuyện đó đã không thể thực hiện được.
Angelika: Và chị vẫn liên hệ với vợ anh ấy?
Lưu Thiên Martin Chi: Khi anh ấy vào tù, tôi đã gọi điện cho vợ anh, an ủi chị, nói cho chị biết về tình trạng của anh ấy. Nhưng từ khi nhận được thông báo Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2010 thì tôi không thể liên lạc được với chị ấy nữa.
Angelika Bohr: Tình trạng phê bình các tác giả ở Trung Quốc như thế nào?
Martin Lưu Thien Chi: Người ta có thể gọi việc đó là quản chế và săn sóc. Công an khám nhà hoặc là ai đó mời đi uống trà, có nghĩa là người ta đón đi để thẩm vấn. Chuyện ấy xẩy ta thường xuyên, chúng tôi phải báo động tất cả ba ngày. Nhưng chúng tôi không làm. Chúng tôi kiểm tra xem tình trạng nghiêm trọng ra sao. Trước tiên chúng tôi thông tin cho giới truyền thông và cho các tổ chức Văn Bút khác.
Angelika Bohr: Lãnh đạo Trung Quốc có khó chịu với áp lực lớn như vậy không?
Martin Lưu Thiên Chi: Họ tạo ra một nỗi sợ hãi tiềm ẩn. Đôi khi tôi cho rằng điều đó đã vượt quá giới hạn. Những nhà văn và những phóng viên chỉ là một nhóm nhỏ. Nhưng người ta sẽ viết những gì qua Internet, chính quyền biết rằng họ đã không thể kiểm tra được tất cả. Chỉ trong vòng một phút, các thông tin sẽ đi khắp thế giới. Họ vô cùng choáng khi phản ứng với chuyện đó.
Angelika Bohr: Văn Bút Đức lựa chọn phương châm của Schiller:Bao giờ lời nói cũng táo bạo hơn hành động ( Stets ist die Sprache kecker als die Tat) cho Hội nghị tại Rudolstadt. Chị đã lý giải điều này như thế nào?
Martin Lưu Thiên Chi: Người ta có thể ngẫm nghĩ thế này hoặc thế kia. Ngôn từ nhiều khi không hề có ý nghĩa gì mà chỉ là một sự trống rỗng. Nhưng ngôn từ cũng có thể là một sức mạnh. Một chính quyền độc tài hoặc một quyền lực chuyên chế thường xuyên sợ hãi trước ngôn ngữ.
Angelika Bohr: Schiller đã từng yêu đương say đắm ở Rudolstadt, Goether cũng đã gắn bó với Nhà hát ở nơi này. Chị có kỷ niệm riêng gì với cuộc gặp gỡ đầu tiên với những tác phẩm văn chương cổ điển Đức?
Martin Lưu Thiên Chi: Đó là thời gian ở Đại học Tổng hợp. Ban đầu, tôi đã nghiên cứu văn học phương Tây qua tiếng Anh và văn chương Mỹ. Nhưng tôi đã sẵn sàng dịch Phauster của Goether, và tác phẩm của B. Brecht sang tiếng Trung Quốc. Mãi tới khi tới nước Đức, khi mà khả năng tiếng Đức tốt hơn, tôi mới làm quen với Schiller.
Angelika Bohr: Các tác giả Đức đã được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc?
Martin Lưu Thiên Chi: Đặc biệt trong vòng 20 năm gần đây, văn chương phương Tây đã rất hấp dẫn với thị trường Trung Quốc. Văn chương tiếng Anh trở nên phổ biến, gần gũi với ngôn ngữ. Hầu hết trí thức Trung Quốc không thạo ngoại ngữ; một số thì chỉ biết tiếng Anh. Một số ít thì có thể đọc bản gốc các tác phẩm qua các ngôn ngữ Châu Âu khác và có thể hiểu đầy đủ hơn. Tuy vậy, trong số rất nhiều bản dịch hầu hết là thứ văn học đại chúng rất ít trong số đó có được những vẻ đẹp trí tuệ.
Angelika Bohr: Ở Đức người ta quan tâm văn chương Trung Quốc như thế nào?
Martin Lưu Thien Chi: Đương nhiên bạn đọc ở đây cũng dễ dàng biết về việc dịch thuật. Nhưng ai sẽ quyết định việc dịch cái gì? Thật phức tạp khi phải thuyết phục một nhà xuất bản giới thiệu một tác giả Trung Hoa, đó là một giá trị xa lạ.Thường thì người ta dịch sang tiếng Anh trước. Sau đó nhà xuất bản Đức nhận thấy sách có thể bán được thì người ta mới bắt đầu cho dịch sang tiếng Đức. Đó là một con đường vòng, người ta không thể tự lựa chọn.
Angelika Bohr: Có thể khuyên bạn đọc tiếng Đức đọc tác giả Trung Quốc nào bây giờ?
Martin Lưu Thiên Chi: Lưu Diệc Vũ. “Cho một khúc nhã ca và một trăm bài hát “ và “ Hallo Cô bé và Thần Nông”. Đó là những cuốn sách quý. ***
Cuộc đối thoại của Martin Lưu Thiên Chi khiến tôi nghĩ tới Lưu Diệc Vũ, một nhà văn vừa thoát khỏi sự đe dọa của chính quyềnTrung Quốc một cách ngoạn mục.
3. Cuộc chạy trốn của Lưu Diệc Vũ****
Cho tới khi tỵ nạn tại Berlin vào hồi tháng 07 năm 2011, nhà văn Lưu Diệc Vũ là người đã có hai mươi năm kinh nghiệm chịu đựng đàn áp của mật vụ Trung Quốc. Sau ngày 04 tháng 06 năm 1989 ông bị tống giam vì bài thơ Thảm Sát của ông đã tố cáo tội ác của chính quyền trong vụ đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An môn. Ở đó không những ông được tiếp xúc với đủ tội phạm: giết người, trộm cắp, hãm hiếp mà ông còn được nghe các bạn tù của mình kể lại hàng trăm câu chuyện đầy ắp tội ác và bạo lực. Những câu chuyện của các bạn tù đã làm ông bị xốc. Vì kinh hãi ông đã không muốn nghe nữa vì không thể chịu đựng nổi sự tàn ác chất chứa. Nhưng rốt cuộc ông đã tự giải thoát mình bằng cách viết lại những câu chuyện tù ngục thê thảm. Nhờ một phần tư liệu sống ấy, ông đã hoàn tất được cuốn “Dẫn dắt những người chết” và thai nghén lập tức những cuốn sách khác. Đương nhiên cuốn sách này đã bị cấm tại Trung Quốc.
Bản thảo cuốn hồi ký trong tù của ông đã hai lần bị tịch thu. Ông bảo ”Lần thứ ba, may mắn tôi lấy lại được từ ổ cứng và gửi nó ra nước ngoài, cuốn sách được xuất bản dưới cái tên là “Lời chứng”. Chính quyền đã nhiều lần thúc ép tôi phải ký giấy cam đoan, sẽ không xuất bản sách về đàn áp Kito giáo ở Trung Quốc. Họ hứa rằng, nếu tôi chịu hợp tác, tôi sẽ được hậu đãi”
Ông thừa nhận là qua các cuốn sách của ông người ta có thể thấy dân Trung Quốc rất thống khổ. Ông bộc bạch:” Khách du lịch hay các nhà chính trị ngoại quốc chỉ nhìn thấy những tòa nhà cao tầng và từ đó cho rằng đất nước chúng tôi giầu có và phát triển nhanh. Nhưng đó chỉ là phần nổi còn phần chìm của nó hoàn toàn khác. Tăm tối và bị quên lãng. Ở đó, những người như chúng tôi dưới đáy của xã hội, sống như những con chuột trong bóng tối. Đó là hai hình ảnh trái ngược của Trung Quốc, là hai đất nước khác nhau. Ngày nay chính quyền chỉ muốn các nhà văn viết về thành công thôi. Như Olympic hay triển lãm Expo Thượng Hải, chẳng hạn. Nhưng tôi lại phởi bày ra những chuyện khác, đó là cái tát thẳng vào mặt chính quyền. Thực tế rất đáng xấu hổ nhưng lại vắng bóng trong ý thức của công chúng. Sự chênh lệch giầu nghèo ở Trung Quốc đã trở nên quá lớn.Tôi sinh ra trong thời kỳ vô cùng nghèo đói ; nhưng khi đó ai cũng nghèo, người ta hy sinh để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bây giờ thì chẳng còn chút hy vọng nào. Ký ức về nạn đói khủng khiếp đã được phủ kín và những người giầu có sống ngay bên cạnh những người nghèo khó. Mặt khác cảm giác chung của xã hội là bất an. Mặc dù nhà nước cũng nới lỏng một số lĩnh vực nhưng không ai cảm thấy an toàn và chính những người giầu có nhất lại thường di tản ra nước ngoài”.
Có thể nói rằng cho tới năm 1989, Lưu Diệc Vũ chưa hề lên án chính quyền. Ông kể:” Lúc đó tình hình ở Trung Quốc hoàn toàn khác…Sau cái chết của Mao, mọi người đều hy vọng đất nước sẽ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Sau những thử nghiệm khủng khiếp của cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, cuộc sống những năm 80 dường như đã trở lại bình thường. Trung Quốc trở nên lớn mạnh trên trường quốc tế và người dân cảm thấy tự hào. Phần lớn người dân Trung Quốc đều tin tưởng rằng một sự thay đổi từ từ sẽ tốt hơn. Thật bất hạnh, những người muốn đẩy nhanh sự thay đổi bằng các cuộc xuống đường đã bị sát hại bởi chính Tổ quốc thân yêu của mình, chứ không phải từ kẻ thù ở bên ngoài. Chúng tôi thực sự bị xốc! 3000 người đã chết trên Quảng trường Thiên An môn. Hàng chục ngàn người bị cầm tù và hàng chục ngàn người khác phải tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh khỏi sự trả thù. Đó là một năm mang tính đột phá. Nhiều người chỉ vì yêu nước mà phải bỏ mạng, cho nên sau đó, dưới thời Đặng Tiểu Bình họ chuyển sang say mê tiền bạc. Tình trạng đó kéo dài cho tới ngày nay.
Ông còn cho biết ông rất vui khi Lưu Hiểu Ba, người bạn chí thân của ông đoạt giải Nobel về Hòa Bình. Dịp đó, ông cũng nhận được giấy mời tới dự lễ trao giải nhưng rốt cuộc ông đã giải thích cho sự vắng mặt của mình tại Na Uy và sự bỏ chạy khỏi Trung Quốc như sau: “ Tôi biết, nếu tôi rời Trung Quốc thì chính quyền sẽ không cho phép tôi quay trở lại. Tôi từng tin rằng, sau giải thưởng Nobel cho Lưu Hiểu Ba đất nước Trung Quốc sẽ bắt đầu thay đổi. Thật đáng tiếc, chỉ có sự thay đổi duy nhất là chính quyền gia tăng đàn áp. Cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi đã dẫn đến những phản ứng điên cuồng của chính quyền Trung Quốc. Nhà chức trách ra tay bắt giữ có khi chỉ vì nghe tin một nhóm người kêu gọi biểu tình trên Internet.Tình hình ở các quốc gia Ả Rập không mảy may ảnh hưởng gì tới Trung Quốc. Nhưng chính quyền đã trở nên quá nhạy cảm trong mấy tháng gần đây trước mọi chỉ trích công khai. Bức tranh biểu tình ở Tunisia và Ai Cập đã kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng của nhà cầm quyền, khiến cho quốc gia này trở nên ngột ngạt tới mức tôi phải bỏ chạy để có thể tiếp tục viết lách”
Sau khi đào thoát an toàn khỏi Trung Quốc Lưu Diệc Vũ đã tâm sự với Pawel Sulik phóng viên của Radio TOK: ”Từ lâu mật vụ đã theo dõi và cảnh báo tôi rằng, tôi không được phép xuất bản bất kỳ cuốn sách nào ở phương Tây cũng như Đài Loan. Những nhà phát hành sách ở nước ngoài đã phải nhiều lần trì hoãn việc xuất bản vì lo ngại cho an ninh cá nhân của tôi. Tình trạng này diễn ra không biết tới khi nào, khiến tôi quyết định chạy trốn.
Tôi không thể tiết lộ một cách chi tiết, bởi sẽ nguy hại cho những người đã giúp tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng, Vân Nam là một tỉnh nghèo, mà ở đó, tôi quen rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động. Nhờ sự quen biết đó mà tôi có thể vượt qua biên giới Việt Nam dễ dàng, không gây
Bất kỳ sự chú ý nào. Từ đó tôi tới Warsaw và sau đó là Berlin, nơi tôi đang sống hiện nay. Biên tập viên người Đức(Peter Sillem) chờ đón tôi ở sân bayTegel đã thốt lên: Chúa ơi! Chúa ơi và đứng ngây người ra rất lâu vì không thể tin rằng tôi đã chạy thoát và có thể tới Đức,!”
Do trải nghiệm quá đớn đau vụ thảm sát của Quân đội Trung Quốc tại Quảng trường Thiên an môn, Lưu Diệc Vũ không tin vào một sự chuyển hóa nhanh chóng của xã hội Trung Quốc. Ông bảo:” Giống như năm 1989, những thay đổi ở Châu Âu đã không đem đến sự chuyển đổi ở Trung Quốc và cách mạng ở Bắc Phi hiện nay cũng vậy”. Ông ca ngợi sự can đảm của Na Uy, một nước nhỏ và không có quân đội hùng mạnh như Trung Quốc nhưng đã dám trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, bất chấp những sức ép từ phía Bắc Kinh. Mặt khác ông đã tỏ thái độ oán trách “sự thiếu vắng những chế tài về đầu tư của Châu Âu” đối với Trung Quốc dẫn đến tình trạng: các doanh nghiệp Châu Âu đã tận dụng kỹ tình trạng mọi thứ đều có thể “mua” được ở Trung Quốc để người ta có thể làm giầu bất chấp những bất hạnh của người khác. Đồng thời ông cho rằng: Trung Quốc cần học hỏi nhiều từ những người Châu Âu. Các giá trị nhân quyền phải được đem tới từ Châu Âu chứ không chỉ có tiền bạc.”***** .
Và đương nhiên bản thảo “Lời kể của những nhân chứng từ nhà tù Trung Quốc” đã vượt ngục của ông đã được dịch sang Đức ngữ lập tức được ấn hành. Tôi đã được đọc bức thư đầy xúc động về nhân quyền Trung Hoa của Lưu Hiểu Ba gửi anh sau khi đọc bản thảo cuốn sách nói trên được viết từ 1999. Giờ đây Lưu Diệc Vũ đã được che chở đùm bọc bởi Văn bút CHLB Đức và các bè bạn văn chương quốc tế.
4. Không thể làm nhiều hơn nhưng đã làm được không ít.
Trong bữa tiệc khai mạc đạm bạc ngay trên sân lớn của lâu đài Heideckeburg, tôi gặp lại Dirk Sager đang hàn huyên với Christa Schueke và Dr. Sabine Kebir. Christa khen tôi dạo này có vẻ sáng sủa hơn, má không hóp như hồi năm ngoái. Chị đã từng chia xẻ nhiều với tôi về câu chuyện nhân quyền tại Việt Nam bị chà đạp qua vụ án hai bao cao su của nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ cũng như án tù 7 năm dành cho nhà văn Vi Đức Hồi.
Sabine Kebir thì không giấu được sự ái ngại; chị sốt sắng hỏi về tình hình cướp đất của dân và sự đàn áp các Bloger bất đồng chính kiến ở Việt nam hiện nay. Vâng. Tình hình tồi tệ khủng khiếp. Khủng khiếp đến mức dân chúng vốn hiền lành nhẫn nhịn đã buộc mở miệng, lớp trẻ và giới trí thức đã can đảm cùng nhau vượt qua sự sợ hãi cất tiếng đòi hòi kiến nghị với một tinh thần tự chủ hiếm hoi.
Trong một lần gặp nhau ở Berlin, tôi đã hỏi Dirk Sager:
Là người phụ trách Ban những nhà văn bị cầm tù, qua báo chí, truyền thông, anh đã biết ở Việt Nam có rất nhiều người cầm bút bị đàn áp, tù đầy oan ức; nhưng những nạn nhân Việt Nam không hề được đưa vào chương trình nghị sự của Văn bút Đức. Tại sao vậy?
Dirk Sager đã trả lời.
Năm 2002 văn bút Đức đã từng hỗ trợ nhà văn Vũ Thư Hiên. Sự đàn áp giam cầm của chính quyền Hà Nội đối với những người cầm bút ở Việt Nam đã được thống kê khá kỹ trong các tập kỷ yếu hàng năm của Văn bút Quốc tế. Anh biết không, mỗi khi nhìn về các vụ đàn áp nhân quyền ở châu Á, chúng tôi chỉ đủ sức quan tâm can thiệp đến những vụ việc tày đình ở Trung Quốc. Thực ra, trước tiên chúng tôi cần phải ưu tiên tới tầm cỡ của các nhà văn đang bị lâm nạn. Anh thấy đấy, dù sao thì ở Việt Nam cũng ít có hiện tượng nào như Lưu Hiểu Ba, Lưu Diệc Vũ ở Trung Quốc hoặc như Pinar Selek ở Thổ nhĩ kỳ. Cô ấy xứng đáng được bênh vực. Sự đấu tranh quả cảm vì tự do ngôn luận bất chấp án tù 12 năm của Pinar Selek đã thuyết phục Văn bút Đức và các tổ chức Nhân quyền quốc tế. Không những là một nhà văn, nhà báo, Pinar Selek còn là một nhà hoạt động Nhân quyền; ngoài tiếng mẹ đẻ cô ta còn thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Vả lại, Pinar Selek còn có cơ may nhận được sự hỗ trợ từ văn hóa nhân quyền của Liên minh Châu Âu. Hơn nữa, Pinar Selek cũng mới chỉ là một trong số hơn một ngàn trường hợp cầm bút bị đàn áp ở Thổ.

Qua bản tường trình của Christa Schueke tôi mới hay là Bloger Người buôn gió Bùi Thanh Hiếu đã nhiều lần tới Đức như một khách mời. Trước sự đe dọa căng thẳng mà anh đang phải chịu đựng tại Việt Nam, để chia sẻ với anh, trong năm tới (2013), Văn bút Đức đã sẵn sàng đón anh tới Weimar. Tôi chợt nhớ tới những tâm sự của Người buôn gió trên mạng thì …hình như mỗi lần anh định rời khỏi Việt Nam bất luận theo hướng nào thì anh đều bị an ninh của chính quyền Hà Nội chặn lại.
Mỗi nhà văn nạn nhân có thể được một hoặc vài ba Tổ chức nhân quyền hoặc Trung tâm Văn bút lên tiếng bênh vực hoặc bảo trợ một cách cụ thể khi họ được thừa nhận là khách mời hoặc Hội viên danh dự. Trong khi đó, khả năng tài chính của mỗi Trung tâm Văn Bút cũng không hề là một nồi cơm Thạch Sanh. Cho nên, mặc dù Văn Bút CHLB Đức cũng rất quan tâm tới trường hợp của nhạc sĩ Việt Khang, nhã sĩ Trần Vũ Anh Bình, của Bloger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, nhà báo Tạ Phong Tần, anh Ba Sài Gòn, Người Buôn gió..v..v…nhưng họ chưa thể ( hoặc chưa kịp?) đưa những trường hợp Việt Nam vào chương trình nghị sự trong Hội nghị thường niên. Vả lại còn bao nhiêu việc có ý nghĩa mà họ đã làm được cho các nhà văn ở Bạch Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Arabische, Bahrein, Syrien, Togo… Chưa kể đến kiến nghị về một sự định danh sòng phẳng cho gói cứu trợ Hy Lạp, các nhà văn tại Hội nghị Rudolstadt đã đề nghị gói cứu trợ của nước Đức dành cho Hy Lạp nên nhân danh sự đền bù cho những thiệt hại của Hy Lạp do nước Đức thời quốc xã đã gây ra.
Tôi chợt hiểu những điều mà có lẽ cả Christa Schueke lẫn Sager chưa nói toạc ra. Quả thực, châu Á cũng như liên minh Đông Nam Á chưa là một liên minh hùng mạnh với một Tuyên ngôn Nhân quyền đạt chuẩn mực Quốc tế đủ sức can thiệp vào từng số phận con người. Trong khi đó, thiện chí nhân quyền của các tổ chức phi chính phủ ở Châu Âu rất khó can thiệp một cách rốt ráo vào những quốc gia Á châu.
Đặc biệt là ở những đất nước trập trùng những cách cửa đóng kín bởi chế độ độc tài luôn luôn nhân danh cái gọi là công việc nội bộ quốc gia để ngụy biện và cãi xóa cho việc vi phạm nhân quyền.

Hội nghị lần này các nhà văn Đức còn thảo luận để đi tới đồng thuận cho một phản ứng thống nhất đối với kiến nghị cực đoan của một đồng nghiệp về bài thơ của Günter Grass. Nguyên do là: Ngày 05.04.2012, Hugo Ernst Käufe (sinh 03.02.1927), một nhà văn Hội viên, đang sống tại Bochum đã đặt đơn đề nghị Trung tâm Văn bút CHLB Đức khai trừ tư cách Hội viên và bãi miễn chức vụ Chủ tịch danh dự của Günter Grass. Người đồng niên với Günter Grass cho rằng bài thơ Những điều phải nói của tác giả Nobel văn chương năm 1999 là trái với Hiến chương văn bút Quốc tế, là xúc phạm đến chủng tộc Do Thái, xúc phạm Israel. Tuy nhiên, hơn 95 % các nhà văn có mặt tại Rudolstadt đã không chấp nhận đơn kiến nghị của Hugo Ernst Käufer. Tất thảy đồng loạt biểu quyết tiếp tục khẳng định tư cách hội viên và Chức vị Chủ tịch danh dự của Günter Grass. Johano Straßer, đương kim Chủ tịch Văn Bút Đức P.E.N. ( Poets, Essayists, Novelists) đã chính thức công bố ngay quyết định này trên báo chí.
Khi Christa nói: chúng tôi đã không thể làm được nhiều hơn; nhưng cũng đã làm được không ít có nghĩa là chị đã sòng phẳng và chân thành.

5. Ba người bạn mới
Trong ba ngày ở Rudolstadt, tôi gặp lại Tiến sĩ Christoph Link anh rất vui khi biết ấn bản tiếng Việt cuốn Những tuần trăng cuối cùng của CHDC Đức đã được phát hành. Không chỉ gặp lại bạn cũ, tôi còn có thêm khá nhiều bạn mới. Trong chừng mực cho phép, tôi có thể kể ra ba. Một là Angela Plöger, nữ nhà văn kiêm dịch giả, tuổi Nhâm Ngọ. Chị đã nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Phần Lan tại Đại học tổng hợp ở Berlin, Budapest và Helsinki và đã hoàn tất Luận văn Tiến sĩ văn chương tại Đại học tổng hợp Hamburg từ năm 1973. Sau nhiều năm phiêu bạt, rồi làm việc cùng chồng ở Đại sứ quán Đức tại Phần Lan, hiện chị đang sống với con gái ở Hamburg và miệt mài với công việc chuyển dịch văn thơ Phần Lan sang Đức ngữ. Chị đã đọc kỹ ấn bản tiếng Đức tập thơ Cơn bão đêm qua chưa phải cuối cùng và thỉnh thoảng hỏi tôi về những địa danh hoặc ẩn ý. Tiếc là khi bắt đầu quý nhau thì chúng tôi đã chia tay, người về Berlin kẻ đi Hamburg.
o
Người thứ hai là nữ Tiến sĩ kiêm nhà thơ, nhà báo Nourida Ateshi. Nourida tuổi Sư Tử sinh năm Ất Tỵ (1965), lớn lên ở vùng núi Kaukasus phía bắc Aserbaidschan. Chị nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật ở Baku. Trong quá trình nghiên cứu và tốt nghiệp Đại học tổng hợp Baku để trở thành nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật kiêm đạo diễn sân khấu, Nourida đã làm việc như là một diễn viên sân khấu, một MC cho nhiều nhà hát, nhiều chương trình Radio và truyền hình khác nhau tại Baku. Từ năm lên chín chị đã biết làm thơ và đoạt nhiều giải thưởng thơ ở quê hương. Dưới sự đè nén của chế độ nộ lệ đàn ông ở Aserbaidschan, chị đã bị cấm xuất bản hơn 10 năm. Tuy thế, chị đã tiếp tục viết với bút danh Ateshi ( Có nghĩa là Lửa). Chính vì thế mà trong nhiều năm chị đã không cần quan tâm đến bản quyền rất nhiều ca từ của mình khi chúng đã được sử dụng cho rất nhiều ca khúc nổi tiếng được phát hành ở Aserbaidschan ở Iran, ở Thổ nhĩ kỳ. Năm 1995 chị tới Đức. Sau khi chuyện trò, biết tôi cũng đang sống ở Berlin, chị trao tôi giấy mời tới dự buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật với Chủ đề Aserbaidaschan- đất nước ở phía sau sân khấu tại Bộ ngoại giao Đức vào ngày 23.05.2012. Thì ra nữ thi sĩ hiện đang lãnh đạo Hiệp hội Gencevi hoạt động vì văn hóa của Aserbaidschan. Chị đã lựa chọn bạn bè trong cuộc gặp gỡ ở Rudolstadt để trao gửi lời mời. Sự tự tin và quảng giao của Nourida làm tôi ngạc nhiên và không khỏi tò mò. Tôi đã có mặt ở khán phòng mà Nourida chờ đợi trên hàng ghế đầu. Sự hiếu kỳ của tôi đã trở nên sửng sốt sau khi tôi được nghe, được nhìn để rồi có thể thu thập và cảm nhận về chị. Ngoài tiếng mẹ đẻ, chị sử dụng thành thạo tiếng Thổ, tiếng Nga và tiếng Đức. Năm 1996-1997, chị đã làm việc cho Đài truyền hình Đức-Thổ (TD1) và có hẳn một chương trình riêng mang tên” Nhịp cầu từ Đông sang Tây”.
Chương trình truyền hình của chị rất được hâm mộ. Một nhà xuất bản song ngữ Đức-Thổ tại Berlin đã phát hiện ra chị như là một nhà thơ và rốt cuộc tập thơ Kẻ đi săn trong sự chạy trốn trước con mồi (Jäger auf der Flucht vor seiner Beute) và Con gái của gái của Lửa ( Feuertochter) của Nouria Ateshi đã ra đời. Và thơ ca của chị đã gây ra nhiều tranh luận sôi động trái chiều vì sự bộc bạch đầy thách đố, táo bạo của nữ tính Kaukasus đã vượt qua những giới hạn truyền thống của phụ nữ Hồi giáo ở Aserbaidschan và Thổ nhĩ kỳ.
Cuộc Hội thảo sinh động gay gắt về Những vấn đề văn hóa và tự do ngôn luận với sự có mặt của Chủ tịch Hội nhà báo Đức, Chủ tịch Hội nhà báo Aserbaidschan, với một nữ phóng viên tự do của BBC từ Baku cùng với sự tham gia của vị Đại sứ quán Aserbaidschan tại Đức ngay trong khán phòng của Bộ ngoại giao Đức đã làm tôi khâm phục tinh thần công dân và bản lĩnh nghệ sĩ của Nouria Ateshi. Từ lúc còn “chíp hôi” cho đến khi trở thành thiếu nữ 17 tuổi Nourida luôn luôn sống trên lưng ngựa rong ruổi khắp miệt rừng già và dãy núi Kaukasus. Thảo nào,với tư cách là một Tiến sĩ khoa học và một nhà thơ, chị là một diễn giả vừa dịu dàng nồng nhiệt vừa đanh thép sắc sảo.
Chị kể, vào một ngày đẹp trời, do xem chương trình truyền hình và đọc thơ của chị qua tiếng Đức và tiếng Thổ, một ông già người Thổ nhĩ kỳ đang sống ở Berlin đã gọi điện cho chị đề nghị một cuộc gặp gỡ. Trong cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, ông già đã trao cho Nourida một cặp tài liệu và ân cần nói với chị những lời ký thác:”Con gái của ta ơi! Từ mấy tháng nay ta đã xem chương trình của con trên truyền hình. Con là một nữ kỵ sĩ Kaukasus thực thụ, là một kẻ thừa tự đích thực của những chiến binh ở đó hàng ngàn năm trước. Đây là lịch sử của con. Con hãy nghiên cứu về cội nguồn mình. Ta tin con. Con sẽ làm được điều đó. Ta không còn thời gian nữa”
Trong lúc dường như đã quên hết cả lời ký thác lẫn cặp tài liệu mầu đen của ông già người Thổ, do tình cờ đọc báo Nourida biết được ông già người Thổ ấy chính là Osman Kurt nhà Sử học lừng danh đã qua đời sau khi gặp chị được vài tháng. Từ giây phút đó lời dặn dò của người Cha, của Saleh Gaziyev-nhà khảo cổ học cùng quê (lớp cha chú) văng vẳng từ thời thơ ấu cùng với cặp tài liệu mầu đen và di ngôn của Osman Kurt đã ám ảnh chị như một khát vọng không rời. Thế là chị đột ngột giã biệt đời sống tự do dân chủ ở Berlin, lặng lẽ trở lại Aserbaidschan. Chị kiên nhẫn gõ mọi cánh cửa các Bảo tàng, các Viện nghiên cứu, theo sát các công cuộc khai quật khảo cổ ở quê nhà. Chị sang cả Moskau tìm kiếm tư liệu để thực hiện bằng được ước mơ nghiên cứu về vùng đất cội nguồn.
Sau 15 năm nghiên cứu, Luận án Tiến sĩ của Nourida mang tựa đề: Những nữ kỹ sĩ Kaukasische hay là Những sự thật lịch sử ở phía sau Huyền thoại đã được giới khoa học thán phục và thừa nhận. Với ấn bản tiếng Đức hai tập thơ “Con gái của Lửa” và “ Thợ săn chạy trốn trước con mồi” của Nourida Ateshi, ở một dịp khác tôi có thể phác họa một chân dung thơ Kaukaszs đầy ắp một nữ tính độc đáo.
o
Kosmos là bút danh của Eglo Akoete Agbodji. Tôi và Kosmo trao đổi danh thiếp và chụp cho nhau vài ba kiểu ảnh lưu niệm ở nơi mà hơn hai trăm năm trước, J.V. Goethe và F. Schiller cùng với tình nhân của họ náo nức hẹn hò thao thức với văn chương.
Đêm 12.05.2012, chúng tôi chia tay sau dạ tiệc ở Nhà hàng Schloß Kochberg.
Chiều 13.05.2012, chúng tôi lại chào nhau ở sân Ga Rodolstadt. Sau khi trở về Berlin được hai tuần, tôi nhận được một bì thư to dầy và một Email nặng trĩu ảnh mầu lẫn chữ tiếng Anh tiếng Pháp, tiếng Đức của Kosmos. Hóa ra, cuộc đời anh kể từ tháng 05 năm 1992 đến tháng 05 năm 2012 là một hành trình 20 năm đau đớn từ bóng tối đẫm máu của đàn áp và hạ nhục phi nhân ở Togo với nhiều cuộc chạy trốn hiểm nguy, qua ngả Ghana tới tận Paris để rồi mãi tới tháng 05 năm 2012 anh có mặt tại Rudolstadt như một khách mời chính thức của Văn bút CHLB Đức. Hóa ra chỉ vì bài thơ “ Người nhảy sào và cây gậy ” và những trang văn xuôi chỉ trích bạo quyền có sức phản kháng chấn động như những quả bom mà anh đã bị bắt bớ hạ nhục và đánh đập một cách tàn bạo ngay trên quê hương mình. Cả một tốp an ninh quốc gia lăm lăm tiểu liên AK đã bất ngờ xâm nhập tư gia, lôi tuột Kosmos từ giường ngủ, hạch hỏi lục soát, tịch thu bản thảo thơ văn của anh ngay tại chỗ. Họ bạt tai, đấm đá và dọa sẽ giết anh sau khi nghe anh giải thích chữ nghĩa. Bản thảo của anh giống như bom nổ vào ngực họ. Anh phải xé vụn những trang bản thảo của mình, buộc phải nhai, nuốt và “ăn” bằng hết đống giấy đó thì mới được tự do! Anh đã buộc phải “ăn” hết bản thảo của mình, rồi tìm chốn dung thân tạm bợ để liều mạng lưu vong.

Anh đã không chỉ cho gửi tôi một định nghĩa đau đớn: Mất tích trong bóng tối, ra đi không hy vọng trở về, ly biệt với tình yêu, dứt khỏi mọi âm vang thân thiết, mọi hạnh phúc ngày xưa, tôi chết ở đây, từ từ bỏ mạng, cô đơn,làm rỗng chính mình, trái tim tan nát, sinh ra từ vang vọng đất quê- nơi có thể tôi sẽ không bao giờ trở lại. Đó là lưu vong.( TD-dịch từ bản thảo tiếng Đức của Eglo Kosmos).
Thật tiếc, vì lý do bất khả kháng mà tôi đã không có mặt được trong đêm giới thiệu tác phẩm của anh. Phải chăng anh đã rất mong tôi đến? Cho nên, đôi mắt to đen trên khuôn mặt vuông vức với răng trắng môi đầy và vóc dáng vạm vỡ chắc nịch trong nước da như đồng hun của anh luôn luôn ám ảnh tôi như một căn vặn, giục giã.
Eglo Kosmos còn gửi cho tôi một chiêm nghiệm tự tin: Ở đâu cuộc sống con người vô giá trị thì sách của nó có giá! Với anh, thời gian luôn luôn đốt lên ngọn lửa cuồng nhiệt không nguôi cho sự viết, cho tác phẩm. Hy vọng, sẽ được đọc trọn vẹn từng cuốn sách của Eglo Kosmos Akoete. Anh là người thứ ba mà tôi mới được quen ở Rudolstadt

6. Không phải bao giờ lời nói cũng có thể táo bạo.
Những bài thơ viết về Friedlich Schiller, về Johannes Daniel Falk, về Hans Fallada- những văn nhân nổi tiếng một thời tại Thư viện thành phố đã làm nên cuộc tái ngộ và giã biệt tao nhã, ân tình với quá khứ văn chương ở Rudolstadt.
Tự nơi này, tác giả của Âm mưu và Tình yêu đã từng say đắm cả hai chị em Caroline von Wolzogen và Charlotte von Lengefeld. Sau đó Charlotte đã trở người vợ muộn màng của ông. Tại đây, Friedrich Schiller và Wolgang Goether đã gặp nhau lần đầu vào ngày 07.09.1788. Cho đến bây giờ tại ngôi nhà cổ kính trước cửa Thư viện thành phố người ta vẫn trang trọng treo 17 bức chân dung các văn sĩ, các triết gia nổi tiếng đã từng sống ở đây. Tuy không chuyên sâu về Friedrich Schiller, nhưng tôi không quên được là vào những năm tám mươi của thế kỷ trước vở diễn Âm mưu và Tình yêu (kịch bản của F. Schiller 1788) do Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng tại Hà Nội đã từng bị một ông Bí thư tỉnh ủy ở Hải Hưng cấm diễn ở Nhà hát Nhân dân tỉnh bởi vì ông chỉ thừa nhận Tình yêu chứ không chấp nhận Âm mưu. Hóa ra ngay cái tựa đề của Schiller thủa đó cũng đã là một lời nói táo bạo đến mức gần 200 năm sau vẫn còn gây ra sự cố cấm đoán khôi hài.
Người Việt mình có câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Chúng ta coi sự nói năng là một khoa học, thậm chí là một nghệ thuật. Trước khi nói, những người đã biết học ăn, học nói đặc biệt những người cầm bút, thường suy nghĩ rất kỹ. Nhưng có nhiều người dù đã suy nghĩ rất kỹ vẫn câm nín. Phải câm nín vì quá sợ hãi. Sự sợ hãi dẫn ta đến trạng thái thần hồn nát thần tính, biến ta thành kẻ vong thân.
Người Việt thường dặn nhau: nói trước một bước không qua hoặc mắng nhau: nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Và có lúc trách nhau: chỉ được cái mạnh mồm!
Có lúc người Đức đã nói: Bao giờ lời nói cũng táo bạo hơn hành động. (Stets ist die Sprache kecker als die Tat- Piccolomini của Friedlich Schiller). Luận đề này trong tác phẩm của Schiller đã được chọn làm phương ngôn cho cuộc gặp gỡ văn chương năm 2012 tại Rudolsadt. Đó sự cổ vũ cho Tự do Ngôn luận, là sự khích lệ cho sự phát triển táo bạo của các ý kiến cá nhân. Và đó cũng là sự nhắc khéo cho những ai vốn chỉ mạnh mồm: Hành động có thể không mấy khi táo bạo hơn miệng lưỡi; nhưng chí ít việc làm cũng phải đi đôi với lời nói. Đã dám đua giọng cất lời táo bạo thì lúc làm cũng phải như đinh đóng cột.

Những người cầm bút ở CHLB Đức thì có thể tâm niệm: ngay từ khi còn đang chần chừ, dò dẫm trước một cuộc liều mình, với lời nói ta có thể đột phá mở rộng tư tưởng của mình bằng những phát biểu táo bạo. Có nghĩa là buổi ban mai của một tác phẩm văn chương là một thế giới đã được phác thảo và thai nghén ngay từ lúc con người dám táo bạo mở miệng!
Nghiệt ngã thay, ở những xứ sở không có một Nhà nước Pháp quyền, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, không có tự do xuất bản thì không phải bao giờ lời nói cũng có thể táo bạo. Đó cũng vẫn đang là một nỗi đau của những người cầm bút Việt Nam?
(Tùy bút viết từ Rudolstadt)
Rudolstadt 05.2012 – Berlin 11.2012
© Thế Dũng
© Đàn Chim Việt
——————————————-
*Lưu Hiểu Ba ( Sinh năm 1957) Nhà văn, nhà báo Trung Quốc Giải Nobel Hòa bình năm 2010
**
Richar- Wilhelm, là tên của một dịch giả nổi tiếng vì ông đã dịch Đạo Đức Kinh của Lão Tử sang tiếng Đức.
***
Trò chuyện giữa Angelika Bohr và Martin Lưu Thiên Chi tại Rudolstadt ( Thế Dũng dịch từ bản tiếng Đức)
****
Lưu Diệc Vũ ( sinh năm 1958) nhà văn Trung Quốc đang sống tại Đức
*****
Trích theo bài Báo Ba Lan phỏng vấn Nhà văn Lưu Diệc Vũ- 17.10.2011-bản dịch của Mạc Việt Hồng-Đàn chim Việt
Powered By Blogger