Tuesday, June 27, 2017

Dảng Dân Chủ tang gia bối rối


AuthorVũ LinhSourceChính NghĩaPosted on: 2017-06-27
..Obamacare đã thất bại. Cả chục hãng bảo hiểm nhỏ phá sản. Các hãng bảo hiểm lớn lỗ lã...
Tuần qua đánh dấu một bước tiến mới của đảng Dân Chủ. Hay chính xác hơn, một bước... lùi mới.
Thứ ba tuần trước, Khu Vực 6 (District 6) của tiểu bang Georgia có cuộc bầu cử đặc biệt để chọn người thay thế dân biểu Tom Price được TT Trump bổ nhiệm bộ trưởng Y Tế. Đây là lần tứ tư có bầu cử đặc biệt để thay thế dân biểu tham gia nội các Trump.
Cả bốn cuộc bầu cử đều có những mẫu số chung đáng để ý:
- Cả bốn dân biểu tham gia nội các đều là CH, tức là cả bốn lần bầu đều được tổ chức trong các khu vực trước đây bỏ phiếu cho CH và cho TT Trump;
- Dù vậy, trong những tuần trước ngày bầu, TTDC nhất tề tung hô cả bốn lần bầu đều cực kỳ quan trọng vì tất cả đều là trưng cầu dân ý về thành quả của TT Trump, là cơ hội cho DC chiếm ghế dân biểu tại đây khi mà tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump mỗi ngày mỗi lao xuống vực theo những thăm dò dư luận mà TTDC cho là đáng tin cậy;
- Cả bốn lần, TTDC đều khua chiêng trống tiên đoán ứng viên CH sẽ thảm bại, phản ảnh sự bất mãn của dân đối với TT Trump, kể luôn cả những người đã bầu cho ông nhưng bây giờ đã sáng mắt, hối hận;
- Trong cả bốn lần bầu, Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC đều vận động tiền từ khắp nước, gửi đến để yểm trợ cho ứng viên DC, những tai to mặt lớn DC đều xếp hàng đến tận chỗ để vận động cho gà nhà;
- Và mẫu số chung lớn nhất: tất cả các ứng viên CH đưa ra đều thắng cử. DC thua đủ bốn lần: 0-4!
Nhìn vào mấy điểm trên có một điều lạ: có thể nói lý luận CH sẽ đại bại của TTDC có vẻ không sai mấy khi ta nhìn vào chiến dịch tấn công TT Trump của TTDC, với những tin xấu tràn ngập mặt báo, nghe như TT Trump sắp bị đàn hặc, nhưng lạ lùng thay, tất cả ứng viên CH vẫn thắng hết.
Ở Montana, ứng viên CH còn bị dính đáng vào một cái mà TTDC hét ầm lên như là một xì-căng-đan kinh khủng nhất của thiên niên kỷ: ông ứng viên này cả gan dám xô đẩy một anh phóng viên, bị ra tòa luôn. Trời, “phạm thượng” kiểu này thật quá mức tưởng tượng. Một tay côn đồ coi thường một phóng viên như vậy sao làm đại diện cho dân được? TTDC nhất loạt đăng cáo phó ông này. Kết quả, ông đắc cử.
Tại Georgia, TTDC và đảng DC phân tích rất kỹ chiến trường. Đây là khu vực thành đồng của CH từ mấy chục năm nay, là đất của cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich, đã bầu cho ông Tom Price trong 6 nhiệm kỳ liền, nhưng bù lại, có nhiều đại học, tức là thành phần sinh viên trí thức, tất nhiên có tư tưởng cấp tiến, và quan trọng hơn cả, không ưa ông Trump chút nào. Trong cuộc bầu sơ bộ, khu vực này đã bỏ phiếu cho thượng nghị sĩ hàng xóm, ông Marco Rubio của Florida. Trong kỳ bầu chung kết, ông Trump thắng bà Hillary khít nút, chưa tới 1%. Thăm dò mới nhất tại đây cho thấy TT Trump được hậu thuẫn chưa tới 35%, thấp nhất trong tất cả các khu vực CH trên toàn quốc.
Đảng DC quyết định vẫn dùng sách lược cơ bản: “trưng cầu dân ý” về ông Trump, hô hoán phải gửi thông điệp chống Trump cho thật rõ. Ứng viên DC tại Georgia mở đầu cuộc vận động bằng khẩu hiệu “Làm Trump Nổi Giận” (Make Trump Furious, nhạo báng khẩu hiệu Make America Great!).
Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC vận động cả nước đóng tiền yểm trợ, quyên góp được đâu 25 triệu, tuyệt đại đa số từ Hollywood gửi qua dĩ nhiên. Đảng DC tố xả láng. Ủy Ban Quốc Gia của đảng CH thấy nguy, cũng vận động đâu được hơn hai chục triệu để chống đỡ. Tổng cộng gần 50 triệu được đổ vào, đưa đến cuộc chiến đắt tiền nhất lịch sử bầu dân biểu Mỹ. Tất cả các “thăm dò” đều cho thấy ứng viên DC dẫn đầu từ 2 đến 7 điểm. Kết quả bà CH thắng với 4 điểm. Lại một thành tích đáng ghi nhớ của các cơ quan thăm dò dư luận.
CH đại thắng cả bốn lần khiến đài Fox News hớn hở nhắc lại một câu nói của ứng viên Trump: “Tôi sẽ thắng, và thắng nhiều đến độ thiên hạ phát ngán, mắc bệnh luôn”. Khi ông nói câu này, cả nước chỉ cười “đúng là Trump!”. Bây giờ thì dường như ít người cười hơn nhiều.


Bà Karen Handel đã đánh bại Jon Ossoff tại Quận 6
Trước ngày bầu, tất cả TTDC nhất tề phán đây là những cuộc bầu mang tính sinh tử, có thể chấm dứt triều đại Trump, điềm báo cuộc bầu giữa mùa cuối năm tới sẽ mang lại thắng lợi toàn diện cho DC, chiếm đa số tại cả hai viện quốc hội, dư thừa túc số để đàn hặc Trump.
Sau ngày bầu, tất cả TTDC nhất tề phán đây là những cuộc bầu tầm thường, chẳng mang ý nghiã gì đặc biệt vì đều là đất của CH, CH thắng là đương nhiên, chẳng có ý nghĩa hay hậu quả gì quan trọng.
Từ “sinh tử” đến “tầm thường”, nếu TTDC có lưỡi, thì phải nói... đúng là lưỡi không xương.
Câu chuyện có vẻ mang tính tiếu lâm, thiên hạ chỉ mắc cười trước những màn múa lưỡi của TTDC.
Sự thật, câu chuyện quan trọng gấp bội. Ý nghĩa chính trị của cả bốn cái thất bại đã khiến phe CH nhẩy tưng tưng vui mừng, nhưng lại làm cấp lãnh đạo và chiến lược gia DC điên đầu tìm nguyên nhân, cách giải thích và nhất là tìm thuốc chữa.
Tìm nguyên nhân và thuốc chữa cho thất bại của bà Hillary chưa xong, bây giờ lại thêm bệnh mới. Họ không thể hiểu được tại sao với một tổng thống là đại họa như ông Trump mà mấy ông ứng viên CH vẫn có thể thắng, cử tri vẫn ủng hộ được. Cái thắc mắc này chỉ là triệu chứng của cái bệnh quá tin vào những xuyên tạc bôi bác do chính mình phịa ra.
Các chính khách, chuyên gia, và TTDC phân tích, nghiên cứu, rồi khám phá ra rất nhiều lý cớ cho thất bại sau khi tự kiểm thảo theo mô thức của bác Mao.
 
Jon OssoffKaren Handel
Cuộc kiểm thảo bắt đầu từ chuyện nhỏ, tức là từ hai ứng viên. Trước bầu cử thì ông ứng viên của DC được TTDC thổi lên tận mây xanh như là hình ảnh tương lai của DC: trẻ tuổi, đẹp trai, vợ đẹp con khôn, nói năng lưu loát, nhân bản, không quá khích, thần tượng của đám sinh viên trong khu vực. Người của thế kỷ 21. Trong khi ứng viên của CH là bà chính trị gia già nua của khu vực, đã từng ra tranh cử đủ thứ như thượng viện tiểu bang, thống đốc, nhưng đều thất bại. Chỉ là con cờ của Trump.
Nghe TTDC mô tả hai nhân vật, thấy rõ ai là ứng viên lý tưởng. Cho đến khi kết quả bầu cử được công bố. Bây giờ thì TTDC kiểm thảo, đổi giọng, biện giải. Ứng viên DC còn quá trẻ, ít người biết đến, là một thanh niên vô danh, mới 30 tuổi, không có kinh nghiệm chính trị gì, một tay mơ không biết kỹ thuật vận động tranh cử, đã vậy lại cũng không cư ngụ trong khu vực bầu, có nghĩa là chính anh ta cũng không có quyền đi bầu luôn. Còn bị tố oan là có quan hệ quá gần với bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số DC tại Hạ Viện. Trong khi ứng viên CH là chính khách lão làng, dầy dặn kinh nghiệm, ai cũng biết, thành ra đắc cử là đương nhiên. Vẫn là lưỡi không xương.
Các chính khách DC nhận định nghiêm chỉnh hơn.
Dân biểu Seth Moulton của Massachusettes “tweet” cho các đồng chí: “Đã tới lúc ngưng nhai lại cuộc thất cử 2016… Chúng ta cần một thông điệp mới, một kế hoạch tạo công ăn việc làm nghiêm chỉnh cho tất cả dân Mỹ… Chú tâm vào tương lai”.
Dân biểu Tim Ryan của Ohio nhận định “cái thương hiệu của ta tệ hơn của Trump nhiều, chẳng ai mua hết. Đảng ta đã trở thành độc tố -toxic- trong nhiều vùng ngoài vòng đai của thủ đô”.
Cụ xã nghĩa Bernie Sanders đồng ý, than phiền “thương hiệu Dân Chủ khá tồi tệ”. Cụ nói thêm “Mô hình DC không hiệu nghiệm khi DC mất thượng viện, hạ viện, toà Bạch Ốc, khi hai phần ba thống đốc là CH, khi DC mất cả ngàn chức vụ dân cử trên cả nước”.
Nhà đạo diễn thiên tả cực đoan Michael Moore nhận định “DC không có thông điệp gì, chẳng có kế hoạch nào, cũng chẳng có ai lãnh đạo”.
Những nhận định ngắn gọn nhưng không thể chính xác hơn.
Đảng DC nắm quyền quá lâu, 8 năm liền dưới TT Obama. Về chính sách, những gì muốn làm đều đã làm hết rồi. Rồi cảm thấy tự mãn, không thấy có nhu cầu thay đổi hay chế ra thêm chính sách mới lạ nào. Bà Hillary đã vất vả với chuyện này rất nhiều. Phân vân không biết phải ra tranh cử với chiêu bài đổi mới, là chiêu bài luôn luôn ăn tiền với dân Mỹ, hay là dưới cái dù Obama nhiệm kỳ ba. Nói đổi mới thì có thể ăn tiền với cử tri nói chung, nhưng như vậy là có ý chê bai chính sách và thành quả của TT Obama. Có sai mới cần đổi. Làm vậy là bảo đảm mất ngay phiếu của khối cử tri da đen vì dám chê thần tượng của họ. Mà mất phiếu da đen thì DC tiêu tùng ngay. Ngược lại, nói không đổi mới, tiếp tục chính sách của Obama thì sợ dân Mỹ coi là quá tầm thường, không sáng tạo, không viễn kiến. Mà lại có hại đối với cả triệu người thất nghiệp, gặp khó khăn kinh tế, không chấp nhận vẫn như cũ.
Bà Hillary loay hoay với thông điệp này, cuối cùng chẳng ai biết ý bà là gì. Đây là một lý do quan trọng giải thích việc bà thất cử: thiên hạ không nhìn thấy rõ đường đi của bà. Những sách viết về cuộc vận động tranh cử của bà có nêu ra nhiều chuyện trong hậu trường: ngay cả đám phụ tá của bà cũng chẳng biết rõ tại sao bà muốn ra làm tổng thống. Ngoài tham vọng cá nhân và ngoài chuyện có phụ nữ làm tổng thống thì bà ra ứng cử để làm gì? Để mang nước Mỹ đi về đâu?
Với Trump thì thông điệp quá rõ: bớt nạn di dân lậu, bớt sợ khủng bố Hồi giáo cuồng tín, bớt thuế, thêm công ăn việc làm. Với bà Hillary, dân Mỹ được hưởng lợi gì? Di dân lậu tha hồ tràn vào, khủng bố tha hồ len lỏi, trung lưu tiếp tục đóng thuế nuôi các bà hoàng oeo-phe, dân thất nghiệp tiếp tục lãnh trợ cấp, Qũy Clinton Foundation tiếp tục kiếm thêm vài tỷ, ông chồng đi đọc diễn văn kiếm thêm vài triệu,...?
Nhìn vào DC kể từ sau ngày bầu cử, ta thấy gì? Chỉ thấy một đảng gần như cuồng điên vì thua, cay cú, nhất tâm trả thù, nhất định phủ nhận bầu cử, coi đó là một tai nạn khổng lồ vì dân Mỹ giống như tài xế say rượu, lái xe bay vào lề, cần phải lay tỉnh. Nhắm mắt tìm đủ mọi cách đánh phá, chỉ trích, bôi bác TT Trump, từ cá nhân ông ta, đến gia đình, vợ con, dâu rể, rồi đến luôn cả nội các, cả đảng CH, tất cả chính sách, kế hoạch, chương trình của TT Trump và của đảng CH. Chống hết, chống vô điều kiện. Tất cả những chuyện gì có thể lôi ra làm đề tài để chống đều được khai thác tối đa. Nói như ông Thiệu ngày xưa, “chuyện bé xé ra to” để chống. Thậm chí, chuyện không có cũng chế ra cho có để đánh.
Trong khi đó thì lại tuyệt đối không đưa ra được giải pháp gì thay thế hết.
Lấy ví dụ Obamacare. Cả nước biết Obamacare đã thất bại. Cả chục hãng bảo hiểm nhỏ phá sản. Các hãng bảo hiểm lớn lỗ lã quá mức, rút ra khỏi hệ thống Obamacare hàng loạt. Tiền bảo phí tăng vùn vụt trên cả nước. 60% dân Mỹ -tức là toàn thể khối dân trung lưu- bất mãn chống Obamacare. TT Clinton gọi Obamacare là chuyện điên khùng nhất. Hiển nhiên có cái gì không ổn. Obamacare cần phải thu hồi, hay ít nhất thì cũng phải chỉnh sửa rất nhiều. CH và TT Trump muốn xé bỏ, làm lại. Không dễ vì đụng tới nhu cầu và quyền lợi sống chết của cả triệu người, nên vẫn còn loay hoay. Phe DC nhắm mắt bảo vệ dĩ nhiên. Họ đề nghị giải pháp gì để sửa chữa? Chẳng có gì hết, cứ giữ nguyên Obamacare như vậy. Bảo sao dân Mỹ không đồng ý?
Dân Mỹ muốn thấy giải pháp khác, hữu hiệu hơn, DC mù tịt.
Có nhiều vấn đề khác TT Trump thấy là sai lầm, cần phải thay đổi mạnh. Dân Mỹ có thể đã đồng ý với ông nên bầu cho ông. Nhưng DC không nhìn thấy cái “ý dân” đó, vẫn khư khư ôm cứng quan điểm cũ, có khi còn đi xa hơn nữa về cái hướng sai lầm.
Điển hình là vấn đề di dân bất hợp pháp. Tất cả các thăm dò dư luận từ mấy chục năm nay đều cho thấy đại đa số dân Mỹ không chấp di dân lậu. Họ không muốn ân xá vô điều kiện, cho dù rất nhiều người muốn tìm giải pháp không quá cực đoan để giải quyết vấn nạn này. Như TT Bush con của CH đã tìm đủ cách mà vẫn thất bại. TT Obama long trọng hứa sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ đầu, dò dẫm với những bước chậm chạp trong cả hai nhiệm kỳ, rồi cũng chẳng làm được gì. Vì bất cứ biện pháp hơi cởi mở nào cũng bị dân chống, khiến các nghị sĩ, dân biểu cả hai đảng sợ vấn đề này hơn sợ cục than đỏ. TT Trump nhìn vào các biện pháp mạnh, hy vọng sẽ giải quyết được. Dĩ nhiên bị chống mạnh không kém. Dễ hiểu thôi.
Nhưng cái không hiểu nổi là thành phần quá khích trong đảng DC đã làm vấn đề khó khăn hơn, di hại cho toàn đảng. Bây giờ họ đòi mở toang cửa đón hết di dân bất hợp pháp, biến hàng loạt thành phố thành khu an toàn, bảo vệ di dân bất hợp pháp đến cùng. Điên khùng nhất là tiểu bang Cali dĩ nhiên khi quốc hội tiểu bang tuyên cáo cả tiểu bang là vùng an toàn cho di dân lậu, lại trích mấy chục triệu tiền thuế bỏ vào một qũy đặc biệt để bào chữa cho di dân lậu bị bắt ra tòa. Một loại biện pháp ăn tiền với cử tri New York và Cali, nhưng là tự sát chính trị tại tất cả những tiểu bang nằm giữa hai ven biển. Với kiểu biện pháp này, trong các cuộc bầu tổng thống tương lai, ứng viên DC có thể thắng ứng viên CH cả chục triệu phiếu, nhưng cuối cùng vẫn thua vì sẽ có 40 tiểu bang bầu cho CH. Dân Mỹ muốn có giải pháp hữu hiệu hơn, DC cung cấp giải pháp ngược lại ý dân.
Đó là bàn về chính sách, còn nói về nhân sự lãnh đạo thì bức tranh không khá hơn. Trong đảng DC, ai cũng chấp nhận bà Hillary sẽ ra tranh cử tổng thống và không ai hạ nổi bà. Bức tranh nhân sự của DC tóm lại chỉ còn đúng một người. Có thể nói vai trò và chỗ đứng của bà Hillary quá cao, quá áp đảo, đã nhận chìm tất cả mọi nhân vật chính trị DC khác. Để rồi bây giờ, sau khi TT Obama mãn nhiệm và bà thất bại thì đã có một lỗ trống vĩ đại về nhân sự. Đảng DC chẳng còn ai là sao sáng hết, bây giờ giống như một đêm không trăng, cả ngàn ngôi sao nhỏ xíu lấp lánh, mà chẳng ai thấy được mặt trăng chứ đừng nói tới mặt trời.
Không có chính sách, không có lãnh đạo, đúng như Michael Moore nói, đảng DC thất bại đủ bốn lần. Chiến lược duy nhất mà DC còn có là… “đánh Trump”.
Ngay cả Washington Post cũng phải đặt câu hỏi “ngoài chuyện đánh Trump thì DC có thông điệp nào khác?”. Chừng nào thì DC học được bài học của bà Hillary, tranh cử chỉ dựa trên chương trình đánh Trump? Ngày xưa, nhà đại bác học Einstein đã định nghĩa “điên rồ tức là làm đi làm lại đúng một chuyện mà lại hy vọng có kết quả khác”.
Chẳng những toàn bộ chính sách tranh cử là đánh Trump không, mà lại còn đánh quá đáng, lôi TT Trump ra hành hạ với đủ thứ tội trạng, đặc biệt là tội “cấu kết với Nga”. Để rồi sách lược này gặp phản ứng ngược.
Trả lời phỏng vấn của báo, một cử tri tại Georgia nói “Đây đúng là lùng bắt phù thủy, họ đã không cho TT Trump một cơ hội”. Nhiều cử tri phẫn nộ cho rằng “không phải DC chỉ chống TT Trump không, mà rõ ràng họ tìm mọi cách để hạ bệ ông ta, bất kể kết quả bầu cử năm 2016”.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy của Connecticut nói rõ ràng “việc chúng ta mất quá nhiều thời giờ nói về chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử đã là một thứ phân tâm, khiến chúng ta đánh sai đối tượng. Tôi đi xe buýt, nói chuyện với dân, chẳng có một ai nói gì về chuyện Nga hay những đề tài mà TV bàn mỗi tối”.
Dân biểu Tim Ryan nói thêm “dân Ohio không cần biết chuyện Nga hay tướng Flynn, hay Putin. Họ chỉ thắc mắc chuyện trả tiền nhà, tiền chợ thôi”.
Sự thật là dân Mỹ công bằng hơn TTDC nhiều. Họ muốn cho TT Trump một cơ hội.
Đã vậy, phe CH còn phản pháo bằng một sách lược mới mẻ mà lại có vẻ cực kỳ hữu hiệu. Tại Georgia, họ làm thăm dò thấy bà Nancy Pelosi bị tới 80% cử tri CH ghét. Thế là sách lược tranh cử xoáy vào quan hệ mật thiết giữa bà này với ông ứng viên DC.
Sách lược này chẳng những đủ hữu hiệu khiến ông ứng viên DC thua, mà còn có hậu quả xa hơn nữa. Bây giờ đang có một đợt sóng trong nội bộ đảng DC đòi truất phế bà Pelosi trong vai trò lãnh đạo khối DC trong Hạ Viện. Hiển nhiên, đã có vài chính khách DC đang muốn tìm dê tế thần cho những thất bại liên tục vừa qua.
Thật ra, đánh bà Pelosi như vậy cũng oan cho bà. DC thất bại vì những lý do lớn hơn cá nhân bà Pelosi rất nhiều. Dù vậy thì CH cũng đã tìm ra được một chiến thuật hạ DC: lôi bà Pelosi ra.
Có một chuyện rõ hơn ban ngày. Ngày nào đảng DC và TTDC còn cay cú nhắm mắt lo đánh cá nhân TT Trump để trả thù, mà không có chính sách gì cụ thể đáp ứng nhu cầu của người dân, ngày đó dân Mỹ sẽ còn đủ sáng suốt để quay lưng lại với họ, ủng hộ TT Trump để cho ông ta một cơ hội. Không nhận chân được sự thật này, đảng DC sẽ tự chui vào cái mà TT Reagan gọi là “thùng rác của lịch sử”.
Nói dễ làm khó. Không đánh Trump thì làm gì bây giờ khi chính sách không có, lãnh đạo cũng không luôn?
25-06-17

Vũ Linh

0 comments:

Powered By Blogger