Sunday, June 25, 2017

Bắc Kinh tức giận vì Hà Nội xích lại gần với Tokyo và Washington ?


AuthorMinh AnhSourceRFIPosted on: 2017-06-25


Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017.REUTERS/Jonathan Ernst
Tranh cãi đã nổ ra trong cuộc họp kín khiến Trung Quốc đột ngột hủy cuộc họp quân sự cấp cao với Việt Nam. Giới phân tích đưa ra hai nguyên nhân làm cho Trung Quốc giận dữ dẫn đến việc hủy bỏ cuộc gặp giữa các giới chức quân sự này. Thứ nhất, trong chuyến công du Hà Nội tuần này, tướng Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Chanlong), phó chủ tịch quân ủy trung ương, đã tỏ ra tức giận trước các nỗ lực gần đây của Việt Nam thúc đẩy hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong một thời gian ngắn, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hai chuyến công du đến Washington và Tokyo. Bên cạnh đó, hồi tuần trước, lực lượng tuần duyên Việt Nam và Nhật Bản còn tiến hành các cuộc thao dượt chung trên Biển Đông với chủ đề ngăn chận đánh bắt bất hợp pháp.
Nguyên nhân thứ hai, cũng có lẽ là lý do chính khiến Trung Quốc bực bội, Việt Nam rất có thể đã từ chối từ bỏ việc thăm dò và khai thác dầu khí tại một số khu vực trên Biển Đông mà cả hai bên đều có yêu sách chủ quyền.
Đòi hỏi này của Bắc Kinh có thể liên quan đến một dự án gọi là Blue Whale (Cá Voi Xanh), một dự án thăm dò dầu khí chung trên Biển Đông giữa tập đoàn Nhà nước PetroVietnam với Exxon Mobil, mà ngoại trưởng Mỹ hiện nay, Rex Tillerson từng là lãnh đạo. Thỏa thuận khai thác khí ga này được ký kết dưới thời ngoại trưởng John Kerry.
Khu vực khai thác này, dự kiến để sản xuất khí cho nhà máy phát điện thế hệ mới vào năm 2030, lại sát với quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp và gần với « đường chín đoạn »mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, chiếm gần hết diện tích vùng Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Alexander L.Vuving, chuyên gia về Việt Nam thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về An Ninh Châu Á Thái Bình Dương Daniel K.Inouye, tại Hawai, nhận định dự án này dường như đang tạo ra « một tiền lệ nguy hiểm cho chiến lược Biển Đông của Trung Quốc ».
Dẫu sao thì Việt Nam và Trung Quốc rồi cũng sẽ phải « sớm giải quyết vấn đề này vì cả hai bên đều mong muốn sự ổn định » như nhận định của ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, thuộc Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc.
Một quan điểm cũng được ông Lê Hồng Hiệp, thuộc Iseas Yusof Ishak Institute tại Singapore đồng chia sẻ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo là trong ngắn hạn có nguy cơ xảy ra nhiều căng thẳng mới. Trung Quốc dường như đang gia tăng nỗ lực ngăn chận Việt Nam xích lại gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trả lời New York Times qua thư điện tử, ông viết : « Vì Việt Nam muốn đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nước này đang có kế hoạch khai thác dầu khí nhiều hơn trên vùng Biển Đông. Vì vậy, rủi ro đối đầu trên biển cũng tăng theo ».
----------
Chương trình phát thanh - từ 24 đến 30 tháng 06 năm 2017 - Phần 2

0 comments:

Powered By Blogger