BBT: Bài viết của tác giả Bằng Phong Đặng văn Âu dưới đây có mục đích giáo dục giới trẻ đang lớn lên để họ hiểu biết về những gì tốt xấu trong chính trị của Việt Nam. Vì bài dành cho giới trẻ nên chúng tôi e ngại rằng họ chưa đủ bản lãnh thấu hiểu lịch sử cho nên dễ duy diễn sai lệch qua những nhận xét hướng dẫn cực đoan của tác giả, chẳng hạn chữ "quỷ ám" cũng là một từ cực đoan không thể áp dụng chung cho mọi người. Vì thế chúng tôi mạn phép sửa đổi một vài tư tưởng để cho giới trẻ có được thế quân bình trong sự phán đoán của họ. Nếu tác giả không vừa ý với những điều chỉnh đó thì cho biết ý kiến để chúng tôi tái sửa đổi hoặc rút bài này ra khỏi mục đăng tải.
THỜI ĐẠI QỦY ÁM (BÀI THỨ II)
THƯ GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ VN Ở HẢI NGOẠI
Author: BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU | Posted on: 2017-04-18 |
Thành phố Westminster, ngày 15 Tháng 4 năm 2017
Thưa quý bạn trẻ Việt Nam hải ngoại quý mến,
Hai thập niên trước, tôi thường viết bài cảnh báo cho những nhà trí thức, những người đi theo Hồ Chí Minh được mệnh danh “Cách Mạng Lão Thành” để cho họ biết về mối NGUY CƠ MẤT NƯỚC. Tôi kêu gọi họ phải có hành động thực sự dấn thân như những người trẻ đang làm, hơn là chỉ ngồi viết kiến nghị hoặc thư ngỏ. Tôi chê họ không có cái dũng của trí thức và cái dũng của chiến sĩ. Họ tỏ ra không hài lòng và nhà báo Bùi Tín ở Pháp viết bài đả kích tôi hỗn hào, vô lễ, phạm thượng, mắc bệnh tâm thần v… v…
Bằng những lý lẽ hết sức vững chắc, tôi chứng minh cho ông Bùi Tín thấy NGUY CƠ MẤT NƯỚC đã thực sự bắt đầu kể từ khi Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa cộng sản về áp dụng tại Việt Nam. Đó là đường lối cai trị biến toàn dân thành súc vật, có đầu óc không được phép suy nghĩ, có miệng không được phép nói, cho ăn mới được phép ăn và bỏ đói thì đành chịu chết đói. Phải triệt để yêu và tôn thờ hai tên sát nhân Staline, Mao Trạch Đông hơn cả cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình. Lúc bấy giờ ông Bùi Tín mới viết thư riêng cho tôi nhìn nhận những luận cứ của tôi là đáng chú ý! Chỉ đáng chú ý thôi; chứ không phải tâm phục, khẩu phục! Ông Bùi Tín dùng đòn tình cảm, kể lể hai họ Đặng và họ Bùi là chỗ thân tình với nhau khi các cụ làm quan ở Huế. Ông dặn từ nay chỉ viết thư riêng cho nhau; chứ không đưa cuộc tranh luận lên diễn đàn. Nhà báo Bùi Tín vẫn còn mang hội chứng Việt Cộng, khi đánh không xong thì xuống nước giở giọng tình cảm ra cái điều anh em cùng một nhà.
Các bạn trẻ hải ngoại thân mến,
Ngày nay, tình trạng mất nước không còn là NGUY CƠ nữa, mà nó thực sự đang diễn ra. Hồ Chí Minh là con Quỷ Chúa đã thành công đào tạo một bầy Quỷ Con với quyết tâm không gì lay chuyển: BÁN NƯỚC CHO TRUNG CỘNG. Lòng dân trong nước đang sục sôi, chúng ta đã thấy những cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi. Nhưng tôi tin rằng Việt Cộng sẽ thẳng tay đàn áp, bất kể số người chết lên cao đến mức nào. Nếu Việt Cộng bất lực trong sự đàn áp thì Tầu Cộng sẽ tràn sang tiếp tay đàn áp, bởi vì quyết tâm của Tầu thôn tính nước ta từ ngàn năm cũng không có gì làm lay chuyển. Ngoài ra bọn bành trướng phương Bắc còn tin rằng nếu chế độ Cộng Sản Việt Nam sụp đổ thì sẽ kéo theo sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Tầu! Do đó, Tầu Cộng nhất quyết giữ cho Việt Cộng tồn tại đến năm 2020 để sáp nhập vào chính quốc như thỏa ước Thành Đô đã ký kết.
Có lẽ các bạn nghĩ rằng tôi bi quan, yếm thế phải không? Không! Đó là tiến trình MẤT NƯỚC sẽ diễn ra như thế! Nòi giống ta sẽ bị Hán Hóa. Vấn đề là chúng ta có muốn duy trì nòi giống Lạc Việt tồn tại trong nhân loại hay chúng ta chấp nhận bị diệt chủng mà thôi! Câu trả lời là tùy thuộc vào các bạn trẻ hải ngoại!
***
Một độc giả gọi điện thoại cho tôi, tự xưng là “fan” của tôi, nêu thắc mắc: “Bài viết vừa rồi, anh thuật lại câu chuyện do giáo sư Lê Tuyên kể ông linh mục tu theo dòng Thánh Matthew báo hiệu nước Việt Nam đang bị dân Chàm đòi lại và câu chuyện xảy ra trong buổi giỗ tại nhà thờ họ Đặng của anh ở Nghệ An vào năm 2011 là thật hay hư cấu?” Tôi đáp: “Câu chuyện tôi kể xảy ra tại buổi giỗ ở nhà thờ họ Đặng của chúng tôi là thật. Bởi vì bà con của tôi ở Nghệ An còn đầy đủ cả mà nếu tôi phịa thì họ sẽ chê cười tôi ngay. Còn chuyện giáo sư Lê Tuyên tường thuật, tôi cũng tin ông kể thật, vì người đọc không thấy giáo sư Tuyên có chủ tâm hư cấu để đánh lừa với mục đích gì. Tôi tin rằng dân tộc Việt Nam mình bị quỷ ám, bởi vì nòi giống mình thông minh mà bỗng nhiên trở nên mê muội, đần độn một cách phi lý không có cách gì giải thích được”. Tôi còn nói thêm: “Rõ ràng nước mình bị quỷ ám mới có hiện tượng con phản cha, vợ phản chồng và anh em chém giết nhau không chút nương tay!” . Ông bạn độc giả hỏi tiếp: “Tại sao nước ta diệt dân Chàm thì bị quỷ ám; còn nước Mỹ diệt dân Da Đỏ thì không bị quỷ ám?”. Từng bị vài người nêu câu hỏi đó, tôi đáp không ngập ngừng: “Nước Mỹ cũng đang bị quỷ ám, nhưng nhờ họ có đức tin vào Chúa Trời, nên họ không diệt tuyệt dân Da Đỏ, họ còn dành nhiều đặc quyền cho dân Da Đỏ, với lại họ từng cứu nhân loại trong hai cuộc đại chiến thế giới, cứu Đài Loan, Nam Hàn và giúp Nhật Bản trỗi dậy. Cho nên Chúa Jesus đã giúp ông Donald J. Trump để nước Mỹ không bị rơi vào bàn tay của quỷ. Trong một dịp khác, tôi sẽ giải thích rõ hơn”.Ông độc giả hài lòng với lời giải thích của tôi và hối thúc tôi viết bài nói về nước Mỹ được cứu rỗi.
Năm 1950, tôi lên 10 tuổi, nghe tin người anh thúc bá Đặng văn Việt đánh tan hai binh đoàn Lepage và Charlton của Thực dân Pháp tại vùng biên giới Cao Bắc Lạng và được kẻ thù phong danh hiệu Con Hùm Xám Đường Số 4, tôi đã tung quả đấm tay lên cao và mồm thét lớn “Hoan hô Hồ Chí Minh! Hoan hô Đặng văn Việt!”. Khi thấy những anh thanh niên Vệ Quốc Đoàn kéo qua làng, vai mang súng, người nào người nấy đều đẹp trai, vạm vỡ, tôi tự thầm ước mong mai sau lớn lên mình sẽ theo chân các anh Vệ Quốc Đoàn. Hai tiếng “Việt Minh” sao mà thân thương, cao quý đến thế! Nhưng hai năm sau, tôi chứng kiến mấy tên du kích trong làng chém bay đầu một phu xe kéo vì tội kéo xe cho Tây; rồi tiếp đến cũng mấy tên du kích ấy đập vỡ sọ một thiếu niên lạ trạc tuổi tôi vì thiếu niên đó giắt hai cây bút mực nguyên tử xanh đỏ trên túi áo trắng thì bị nghi làm mật thám (điểm chỉ viên cho Pháp), vì ba màu xanh trắng đỏ là màu cờ tam tài của Pháp, tôi bắt đầu cảm thấy ghê tởm hai chữ “Việt Minh”.
Năm 1959, đọc cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của cụ Hoàng văn Chí viết về phong trào Nhân Văn, tôi hiểu Việt Minh là cộng sản thì càng ghê tởm hơn, vì nhận ra bọn cầm quyền cộng sản không phải là người. Năm đó, tôi tham gia đảng Đại Việt, hoạt động bí mật đến độ mẹ tôi, bạn bè thân thiết nhất của tôi hoàn toàn không hay biết. Tôi chỉ được cho biết tên của lãnh tụ là Anh Cả, là một trí thức yêu nước chống Pháp, từng tham gia mặt trận Lào và hiện đang chống chế độ Ngô Đình Diệm. Vì thù ghét cộng sản thủ tiêu hai người anh của mình trong chiến dịch Ôn Như Hầu do Võ Nguyễn Giáp chủ mưu, vì uất ức hai người bác và một người chú bị cộng sản đấu tố chết, tôi tham gia vào một đảng Chống Cộng để diệt Cộng. Không ngờ tôi lại ở trong Đảng chống lại nhà ái quốc Ngô Đình Diệm đang lãnh đạo cuộc chống Cộng ở Miền Nam. Khốn nạn thay! Tôi tỏ ra hân hoan, vui mừng khi tiếng súng gọi là Cách Mạng nổ ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 để giật sập chế độ.
Ông Ngô Đình Diệm đã vào nhà dòng đi tu, nguyện hiến đời mình phụng sự Thiên Chúa, nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, ông lại dấn thân vào đường chính trị để cuối cùng hầu hết đại gia đình bị hãm hại và danh tiếng bị phường vô loại mạt sát. Khi còn trẻ, mới 33 tuổi, ông được Hoàng đế Bảo Đại mời làm Thượng thư Bộ Lại (Thủ tướng) Ông yêu cầu Thực dân Pháp nới lỏng chính sách cai tri, cho phép triều đình Huế có thực quyền hơn, nhưng Thực dân không chấp thuận. Ông liền từ chức. Năm 1954, vua Bảo Đại lại yêu cầu ông làm Thủ tướng. Ông khước từ, tự nhận thấy mình không thể đảm đương nổi tình thế quá khó khăn, trong khi Thực dân Pháp hãy còn nắm quyền. Vua Bảo Đại phải đem trách nhiệm công dân làm áp lực. Lúc bấy giờ ông mới nhận lời.
Dù Tướng lãnh Hoa Kỳ đến giúp ông, nhưng bị Tướng lãnh Thực dân gièm pha đầy ác ý, dù các băng đảng do Thực dân dựng lên quấy rối, ông Ngô Đình Diệm vẫn đem lại sự ổn định như một phép lạ. Dư luận thế giới lúc bấy giờ đánh giá ông ngang hàng với Nehru, Thủ tướng Ấn độ. Hiếm có lãnh tụ nước nhược tiểu nào khi công du nước Mỹ mà được đích thân Tổng thống (Eisenhower) ra tận phi trường đón tiếp và được đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội như Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, bọn tay sai Thực dân Pháp gồm có Trần Đình Lan, Vương văn Đông âm mưu đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Trần Thiện Khiêm mang quân về cứu giá. Do đó, Trần Thiện Khiêm được ông Diệm tin dùng, thăng chức Tham Mưu trưởng Liên quân. Cùng năm đó, Hà Nội họp Đại hội, quyết định thành lâp Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để xâm lăng Miền Nam bằng quân sự, vì không thể lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bằng chính trị và du kích chiến. Cũng trong năm 1960, Nghị sĩ John F. Kennedy của đảng Dân Chủ thắng cử, trở thành Tổng thống. Nếu Phó Tổng thống Richard Nixon đắc cử làm Tổng thống thì chính sách Ngoại giao của Hoa Kỳ không thay đổi. Chính Averell Harriman đưa ra chủ trương trung lập nước Lào và Tổng thống Diệm phản đối. Nền ngoại giao giữa hai nước bắt đầu căng thẳng. Bản chất Harriman là người hết sức kiêu ngạo. Thủ tướng Anh Winston Churchill chê ông là nhà thương thuyết yếu kém, bị Staline lừa trong Hội nghị Yalta mà tưởng thắng lợi. Do đó khi Tổng thống Diệm phản đối Hoa Kỳ đòi đưa quân đội vào tham chiến ở Việt Nam, thì Harriman đòi Kennedy thay Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tổng thống Diệm lại là người cương quyết, không chấp nhận áp lực ngoại bang, vì thế Mỹ dùng Trí Quang làm quân cờ, xách động cuộc đấu tranh Phật giáo. Không ngờ Trí Quang được cộng sản “cấy” vào Phật giáo từ nhiều năm; giống như chúng đã “cấy” Phạm Khắc Hòe làm việc bên cạnh vua Bảo Đại.
Nếu Tướng Trần Thiện Khiêm là người yêu nước, từng chịu ơn của Tổng thống Diệm, vào Dinh Độc lập thẳng thắn trình bày tình hình đại ý (giả thuyết) như sau thì Tổng thống Diệm và gia đình không bị thảm sát: “Thưa Tổng thống, tôi được người Mỹ yêu cầu làm đảo chánh lật đổ Tổng thống vì Tổng thống không chấp nhận cho họ đưa quân vào chiến đấu tại Việt Nam. Tổng thống nên nhớ rằng ta cần tiền để trả lương công chức, quân lính; cần súng đạn để đánh giặc. Nếu ta nhất định chống lại họ thì họ sẽ bỏ rơi ta và như thế nước ta rơi vào tay cộng sản. Vì vậy, tôi đề nghị hoặc Tổng thống thuận theo yêu sách của Mỹ, hoặc Tổng thống và gia đình rời Việt Nam một thời gian, khi tình thế ổn định thì quay về. Tôi không phản Tổng thống, nhưng tôi không bảo đảm Tướng lãnh khác sẽ trung thành”. Tiếc thay! Tướng Khiêm đã âm thầm toa rập với các Tướng lãnh khác, làm cuộc đảo chánh theo yêu cầu của Mỹ, khiến cho công trình xây dựng nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm tan rã dần dần. Ấp Chiến Lược là công trình tiêu diệt chủ trương “lấy nông thôn bao vây thành thị” của cộng sản rất hữu hiệu, liền bị Dương văn Minh ra lệnh phá bỏ trước tiên. Hà Nội mở tiệc ăn mừng.
Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu là người hết sức thông minh, tác giả cuốn “Chính Đề Việt Nam” đã tiên đoán nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ thì trong vòng 9 năm Miền Nam sẽ rơi vào tay cộng sản Miền Bắc. Chắc chắn ông Nhu phải hiểu sở dĩ Hoa Kỳ đòi đưa quân vào Việt Nam là vì Tướng lãnh Việt Nam không đủ kinh nghiệm chiến trường để chống lại quân xâm lăng cộng sản từ Miền Bắc đã có 9 năm đánh nhau với Quân đội Pháp. Tất cả Tướng lãnh Quốc gia Việt Nam mới chỉ ở cấp Tiểu đoàn trưởng khi ông Diệm về nước chấp chánh và sau này được ông Diệm thăng cấp Tướng. Ông Nhu thừa khả năng để chứng minh cho anh mình hiểu rằng Hoa Kỳ khác Thực dân Pháp. Hoa Kỳ từng giải phóng Âu Châu, từng chiến thắng Nhật và đưa nước Nhật trở nên hùng cường chứ không biến nước Nhật thành thuộc địa, từng đánh tan quân xâm lăng Trung Cộng để giúp Nam Hàn tồn tại. Thế thì sợ gì mình mất chủ quyền, sợ gì luận điệu tuyên truyền của Miền Bắc vu cáo Miền Nam là tay sai Đế quốc Mỹ, sợ gì mình có tội với lịch sử vì rước quân đội ngoại bang? Phải chăng ông Ngô Đình Nhu cũng bị (…) [niềm tin tôn giáo và truyền thống dân tộc tự quyết che mắt – BBT ] (1) , khiến cho toàn gia bị chết thảm và nước Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản thống trị?
***
Sau khi nền Đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ, Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình không còn nữa, nhưng luận điệu đấu tranh chống đàn áp tôn giáo và bảo vệ chánh pháp của đám ma tăng vẫn còn, Người Mỹ tưởng dẹp xong ông Diệm, đưa quân tác chiến vào Việt Nam là có thể chiến thắng cộng sản. Không ngờ nước Việt Nam đang bị quỷ ám, Tướng lãnh đảo chính nhau liên miên, lãnh đạo chính trị chia rẽ nhau, bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản mặc sức tung hoành gần như công khai. Sự bất lương của bọn trí thức bất lương cộng với bọn đội lốt tôn giáo vốn sẵn có, cộng sản càng khai thác tối đa. Sự bất hòa giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát vô phương cứu vãng, hai ông nhất định từ chức, trao Chính quyền lại cho Quân đội đảm nhiệm.
Ngày hôm sau, Hội đồng Quân Lực họp tại Bộ Tư lệnh Hải Quân để chọn người đứng ra điều hành việc nước. Thiếu tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ đề cử Trung tướng Nguyễn văn Thiệu, đương kim Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng, làm Thủ tướng. Ở vào địa vị cao nhất trong chính phủ Phan Huy Quát, đề Tướng Thiệu làm Thủ tướng là chính đáng nhất rồi, phải không? Nhưng Tướng Thiệu dứt khoát từ chối, tuyên bố ông sẽ giải tán buổi họp nếu mọi người cứ nhất quyết đề cử ông. Sau đó, Tướng Kỳ đề nghị Tướng Nguyễn Chánh Thi, người ham làm chính trị. Tướng Thi cũng nhất định từ chối chức vụ Thủ Tướng. Chẳng qua, hai ông Tướng Thiệu và Thi đều từ chối sự đề cử của Tướng Kỳ là vì tình hình quá khó khăn, sợ không kham nổi; chứ chẳng phải tử tế gì.
Đại hội ngưng họp, nghỉ ăn trưa. Hai ông Thiệu và Thi bàn tính nhau khi trở lại phòng họp thì đồng thanh đề cử Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng, bởi vì Nguyễn Cao Kỳ có công dẹp cuộc đảo chánh của Tướng Dương văn Đức và Lâm văn Phát. Tưởng vậy mà không phải vậy! Ông Thiệu và ông Thi đều có dự mưu, đẩy ông Kỳ ra làm Thủ tướng, một anh phi công nổi tiếng ăn chơi, để Nguyễn Cao Kỳ tự đốt cháy. Ai cũng tưởng ông Nguyễn Cao Kỳ giỏi lắm chỉ giữ chức Thủ tướng ba bảy hăm mốt ngày, không ngờ ông Kỳ đã ổn định được tình thế. Nhiều cuộc biểu tình của Trí Quang xách động Phật giáo đã bị ông Kỳ dẹp tan.
Trong thời loạn, người lãnh đạo đôi khi hành động không theo quy tắc pháp luật. Tướng Kỳ bị cho là “cao bồi”, nhưng lại được việc.
Một hôm, ông triệu tập những thủ lãnh Phật giáo vào tư dinh trong Tân Sơn Nhất. Ông nghiêm mặt tuyên bố: “Về chính trị, tôi không giỏi bằng Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng tôi can đảm hơn Tổng thống Ngô Đình Diệm. Các ngài đừng hòng giết tôi dễ dàng như giết ông Diệm. Bởi vì tôi sẽ lần lượt bắn từng ngài trước khi các ngài có thể giết tôi. Tôi yêu cầu các ngài hãy về chùa, lo việc tụng kinh niệm Phật. Nếu các ngài còn xách động biểu tình, các ngài sẽ biết tay tôi”.Thượng tọa Tâm Châu ngồi cạnh Tướng Kỳ, nhỏ nhẹ nói: “Chúng ta đều là con Phật, xin Thiếu tướng đừng nói thế mà mang lấy khẩu nghiệp”. Tướng Kỳ nhìn vào mặt từng ông Thượng tọa, Đại đức, gằn giọng nói: “Không! Tôi mới là con Phật! Các ngài chỉ là đệ tử của Phật thôi!”
Ông Nguyễn Gia Hiến, thủ lãnh lực lượng Công Giáo ở Hố Nai vào tư dinh Tướng Kỳ, đề nghị ông sẽ đem anh em Công Giáo ở Hố Nai lên Sài Gòn biểu tình ủng hộ chính phủ. Tướng Kỳ gạt đi và nói:“Tôi đã ra lệnh cấm biểu tình là cấm tất cả. Biểu tình chống hay ủng hộ chính phủ, tôi đều dẹp. Tôi cần một hậu phương ổn định để quân sĩ yên lòng đánh giặc ngoài tiền tuyến”.
Cuộc biến động Miền Trung năm 1966 do Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị Trí Quang xúi giục, chống lại Chính Quyền Trung Ương. Tướng Kỳ tuần tự gửi ba ông Tướng gồm Nguyễn văn Chuân, Huỳnh văn Cao, Tôn thất Đính ra dẹp loạn, nhưng cả ba ông Tướng đều thất bại. Tướng Tôn thất Đính còn nhảy sang phe “Phật giáo tranh đấu”. Cuối cùng, đích thân Tướng Kỳ ra dẹp một cách êm thắm, tránh được sự đổ máu. Mấy ông chính trị phòng trà (salon) Việt Nam mắc chứng bệnh nô lệ ngoại bang. Hễ ai làm Thủ tướng, Tổng thống đều do “phù thủy mắt xanh” hoặc “bàn tay lông lá” (ám chỉ Hoa Kỳ) dựng lên. Sự thực Tướng Kỳ làm Thủ tướng là do âm mưu của Tướng Thiệu và Tướng Thi; chứ chẳng có Hoa Kỳ nào cả.
Dẹp xong biến động Miền Trung, Tướng Kỳ tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, viết Hiến Pháp để khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Năm 1967, tổ chức bầu cử Tổng thống. Tướng Thiệu, Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, chọn ông Trình Quốc Khánh làm Phó Tổng thống thành một liên danh. Tướng Kỳ, Chủ tịch Hành Pháp Trung Ương, chọn ông Nguyễn văn Lộc làm Phó Tổng thống thành một liên danh. Hội Đồng Quân Lực họp Đại Hội, quyết định ủng hộ Tướng Kỳ và đẩy Tướng Thiệu ra khỏi Quân Đội, vì họ nghĩ rằng hai ông Tướng cùng ra tranh cử thì sẽ thua phiếu luật sư Trương Đình Dzu vừa được phe Phật giáo tranh đấu với Việt Cộng ủng hộ. Khi hai Tướng Thiệu, Kỳ được mời vào phòng họp để nghe Nghị quyết của Đại Hội thì bỗng nhiên người Tướng Thiệu rũ xuống đầy tuyệt vọng, vì ông đã tiên đoán ông sẽ bị Quân Đội đẩy ra dân chính (civil). Tướng Kỳ xúc động, vào phòng họp tuyên bố: “Tôi xin nhường cho Tướng Thiệu ra tranh cử; còn tôi trở về với anh em Không Quân”. Mọi người hết sức ngỡ ngàng. Sau một phút im lặng, Tướng Trần văn Minh, Tư Lệnh Phó KQ, đứng lên yêu cầu Đại Hội vỗ tay để hoan nghênh tinh thần đoàn kết của Tướng Kỳ. Tràng pháo tay chấm dứt, Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân Đoàn I, phát biểu: “Tôi hoan nghênh tinh thần đoàn kết của anh Kỳ. Nhưng anh Kỳ đã thương Quân Đội thì xin hãy thương cho trót. Tôi đề nghị anh Kỳ chấp nhận đứng Phó Tổng thống cho anh Thiệu, thì liên danh Quân Đội mới có thể thắng Trương Đình Dzu. Nếu anh Kỳ từ chối lời đề nghị của tôi, thì tôi xin trả cặp lon Trung Tướng này cho Quân Đội và trở về làm nghề thấy giáo như cũ”. Lại một tràng pháo tay của Đại Hội hoan nghênh lời đề nghị của Tướng Hoàng Xuân Lãm. Trước tình thế đó, Tướng Kỳ đành chấp nhận lời đề nghị của Tướng Hoàng Xuân Lãm. Trung tướng Nguyễn Đức Thắng đề nghị lập ra Quân Ủy Hội, sẽ có quyền lực giống như một Bộ Chính Trị, để Quân Đội quyết định chính sách Quốc gia. Tướng Kỳ sẽ là Chủ tịch Quân Ủy Hội và thành viên gồm các ông Tướng Tư Lệnh Vùng, Tư Lệnh Quân Binh Chủng và cả Tướng Thiệu nữa. Mọi người đều đồng ý, đặt bút ký và cam kết tuân thủ các điều lệ, nội quy do Quân Ủy Hội đặt ra.
Khi Đại Hội bế mạc, Tướng Kỳ trở về Bộ Tư Lệnh KQ. William Colby, Trưởng CIA tại Việt Nam, vội vàng vào gặp Tướng Kỳ và yêu cầu Tướng Kỳ hủy bỏ quyết định đứng Phó cho Tướng Thiệu, bởi vì Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho ông William Colby phải làm đủ mọi cách để giúp Tướng Kỳ đắc cử Tổng thống. Tướng Kỳ nghiêm nghị đáp: “Đây là chuyện nội bộ của chúng tôi. Một khi tôi đã quyết định thì không bao giờ thay đổi.” Mặc dầu William Colby kiên nhẫn thuyết phục, nhưng Tướng Kỳ một mực từ chối. William Colby bực tức bỏ ra về. Đại tá Lưu Kim Cương vò đầu bứt tai, dập trán vào tường phẫn nộ trước sự cứng cỏi của Tướng Kỳ. Anh Nguyễn Quốc Phiên, phi công Air Viet Nam, lái Boeing hiện sống tại Orange County cũng chứng kiến cảnh tượng này. Lời đồn của mấy ông chính trị gia phòng trà (salon) không ưa Tướng Kỳ và thích Tướng Thiệu là không đúng sự thật!
Ông Nguyễn văn Thiệu là con người thế nào?
Tổng thống Diệm tín cẩn Đại tá Thiệu, đặt ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn V đóng ở Bình Dương, gần Thủ đô Sài Gòn là có mục đích cứu giá Tổng thống khi có cuộc binh biến. Trong vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông Thiệu kéo quân về Sài Gòn, nhưng án binh bất động, quan sát tình thế; chứ không vào cứu Tổng thống Diệm. Sau khi trở thành Tổng thống, Tướng Thiệu dẹp Quân Ủy Hội, lập ra đảng Dân Chủ, mặc dầu ông đã tuyên thệ vào đảng Đại Việt tại Bộ Tổng Tham mưu do ông Nguyễn Tôn Hoàn và ông Hà Thúc Ký nhận lời tuyên thệ. Tổng thống Thiệu đã tuyên bố một câu nói để đời: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” Điều đáng tiếc là ngày 21 Tháng Tư năm 1975, Tổng thống Thiệu lên đài truyền hình tuyên bố từ chức và hứa trở về Quân Đội, cầm súng chiến đấu bên cạnh anh em binh sĩ, nhưng 4 ngày sau, Tổng thống Thiệu đã cùng Thủ tướng Khiêm lẵng lặng ra phi trường Tân Sơn Nhất để tẩu thoát sang Đài Loan.
Tôi hỏi Tướng Kỳ tại sao đột nhiên ông nhường chức Tổng thống cho Tướng Thiệu trong khi được các Tướng lãnh Việt Nam và Hoa Kỳ sẵn sàng ủng hộ? Ông có nghĩ rằng ông chống lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam? Ông Kỳ đáp ngắn gọn: “Có lẽ tôi bị Quỷ ám!”
Thưa quý bạn trẻ hải ngoại thân mến,
Tổng thống Ngô Đình Diệm và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã ra người thiên cổ. Tôi viết bài này để quý bạn hiểu một số sự kiện của giai đoạn lịch sử nước nhà mà không một tác giả nào nói đến; chứ tôi không có mục đích bào chữa cho hai ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Cao Kỳ hết lòng yêu nước mà không đạt ý nguyện (2). Những Tướng lãnh trong Đại Hội của Hội Đồng Quân Lực VNCH vào năm 1967 vẫn còn sống sẽ làm chứng cho những sự kiện mà tôi nêu ra trong bài viết này.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba (Singapore) nói rằng chỉ có kẻ nào ngu mới chống lại Hoa Kỳ. Tổng thống Ngô Đình Diệm và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ chẳng phải là kẻ tối dạ để không biết điều đó. Hai nhà yêu nước đều thất bại trong việc cứu nước, nhưng con quỷ Hồ Chí Minh bán nước lại thành công là tại vì nghiệp chướng gây nên bởi tiền nhân thì con cháu phải trả nghiệp vậy thôi.
Các bạn sẽ là những người nhận lãnh vai trò lịch sử: Đó là nhiệm vụ bảo tồn nòi giống Việt trước tai họa Hán hóa mà bọn cầm quyền Việt Cộng đang toa rập với bọn Tầu Cộng. Xin các bạn nhớ đón đọc bài viết tới của tôi để ít nhất các bạn sẽ không phạm phải những cách kiểu Chống Cộng nặng phần hình thức kém phần nội dung như một số nhân vật, đoàn thể hiện nay.
Thân ái,
Bằng Phong Đặng văn Âu
Email Address: bangphongdva033@gmail.com
Telephone: 714 – 276 – 5600
----------
(1) - Một khi con người không thể khôn ngoan sáng suốt quyết định theo lẽ phải mà lại phạm sai lầm thì người đời thường gọi là bị quỷ ám. Tuy nhiên dựa theo kinh sách thì không phải chỉ có quỷ mới ám lên trí tuệ của con người mà thần linh cũng thường dùng uy lực của họ để điều khiển trí tuệ của loài người. Qua bao hiện tượng phép lạ (Fatima, Lourdes, Garabandal etc…) thì hầu hêt những trẻ nhỏ được phep lạ ảnh hưởng đã không thể tự khống chế bản thân minh mà bị ngoại lực vô hình điều khiển. Trong kinh Thánh có câu như "Ta sẽ làm cho chúng có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe được" (John 12:40) cho thấy những sai lầm của con người cũng do ý định của Thiên Chúa chứ không hẳn do ma quỷ, và khi một con người phạm phải sai lầm hay bị tật nguyền thì chưa hẳn nguyên do là bởi tội lỗi hay quỷ ám mà là để cho "thiên cơ được thể hiện" (John 9:1-3) .(BBT)
(2)- Chúng tôi đồng ý với tác giả về việc đánh giá nhân cách của ông Nguyễn Cao Kỳ bởi chúng tôi cũng theo chủ trương "xử việc chứ không xử người". Những gì mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã làm trước và sau khi VN mất vào tay CS là hai giai đoạn khác nhau, thể hiện hai nhân cách khác nhau, không thể ghép chung để đánh giá một chiều. (BBT)
------------
------------
0 comments:
Post a Comment