Thursday, April 20, 2017

Ai chống đảng và đảng chống ai?

Phạm Trần (Danlambao) - Có nhiều dấu hiệu xung đột đang diễn ra trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế hoạch “Đổi mới” đợt hai, hay “Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2”.

Đứng đầu tranh cãi là cuộc chạy đua giữa 2 luồng quan điểm "phải kiên định bằng mọi giá" chủ trương "kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa" của phe bảo thủ và “cần dứt khoát cắt cái đuôi thằn lằn "định hướng Xã hội Chủ nghĩa" để ngóc đầu lên của phe cấp tiến.

Đứng giữa, là thành phần thứ ba, muốn dung hòa với chủ trương: "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân."

Lý do phe thứ ba nổi lên vì đáp ứng được đòi hỏi của cả hai nhóm bảo thủ và cấp tiến, trong khi hai đối thủ không đủ sức đánh bại nhau.

Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, nhưng việc làm kinh tế mà lại cần phải có ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) là hỏng.

Bởi vì chuyện làm kinh tế không thuộc lĩnh vực chuyên môn của Hội đồng này. Tài liệu đảng quy định HĐLLTƯ, "cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng." (Tài liệu đảng)

Nhưng vào ngày 20-2-2017, theo báo chí Việt Nam thì: "Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị lãnh đạo và các chuyên gia của hai cơ quan cho ý kiến đối với hai báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương trình Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII vào tháng 5 năm 2017: Báo cáo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và báo cáo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.

Những người dự họp gồm Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

Sự thể có những tai to mặt lớn của lý luận, bảo thủ và giáo điều tham gia vào các dự thảo báo cáo tại Hội nghị Trung ương 5 chứng tỏ HĐLLTƯ muốn kiên định điều cốt lõi của Cương lĩnh đảng 2011 là phải xây dựng đất nước trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nhưng, qua một số cuộc hội thảo về đề tài làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong quá khứ, các lý thuyết gia Cộng sản Việt Nam đã lâm vào ngõ bí trầm kha không rút chân ra khỏi mớ lý luận tào lao, vòng vo tam quốc để cuối cùng chỉ muốn cái mũ Cộng sản phải ngồi vĩnh viễn trên đầu “kinh tế thị trường” để cho khỏi ế mặt đã mượn đầu heo nấu cháo.

Bằng chứng của lối lý luận lung tung phèng này được báo Nhân Dân tường thuật trong số ra ngày 20/2/2017: "Hội nghị được nghe ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những đặc điểm cơ bản, phổ biến của kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa. Về thực trạng và kết quả hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam cho thấy: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn; kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, ngày càng có nhiều đặc điểm rõ nét của kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; các định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định khá rõ và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa; khung khổ pháp luật ngày càng phát triển và hoàn thiện. 

Tuy nhiên, cũng còn nhiều mặt thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chưa được hoàn thiện trong thời gian qua. Hội nghị đã thảo luận, kiến nghị một số chủ trương, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025."

Vậy, vấn đề kinh tế tư nhân được lập luận ra sao? Hãy đọc tiếp: "Đối với vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, báo cáo tư vấn và các ý kiến phát biểu tại hội nghị nhận định quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế tư nhân và khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân qua 30 năm đổi mới đã có sự phát triển, hoàn thiện trên nền tảng nhất quán, coi trọng sự tồn tại lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cho đến nay, quan điểm, nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân cũng như đường lối khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân ngày càng rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm liên quan trực tiếp đến sự phát triển của khu vực này cần được làm rõ hơn về mặt lý luận.

Hội nghị đã thảo luận phân tích về thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian qua, với bảy nhận định, đánh giá về khu vực này. Đánh giá chung, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chưa thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, chưa phát huy hết tiềm năng của mình và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh phát triển mới cả trong nước và quốc tế. Các đại biểu dự hội nghị đã đóng góp, bổ sung cho các nhóm giải pháp về đổi mới hoàn thiện lý luận và nhận thức, giải pháp về thiết lập nền tảng cơ bản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, giải pháp đối với các loại hình doanh nghiệp tư nhân cụ thể."

Như thế thì họ đa ra khỏi ngõ bí chưa?

Kết quả cho thấy mớ “lý luận chính trị” lòng thòng của cái Hội đồng giáo điều này có bổ ích gì cho công tác cứu nguy kinh tế mà họ xía vô? Ai cũng biết, việc họ nhảy xổm vào lĩnh vực của Ban Kinh tế Trung ương là để bảo đảm quyền lãnh đạo kinh tế tuyệt đối cho đảng và ngăn chặn khả năng những chính sách kinh tế không “lạc đường” sang lối làm kinh tế dân chủ và tự do của Chủ nghĩa Tư bản.

Hội đồng Lý luận Trung ương, từ thời ông Chủ tịch Nguyễn Đức Bình (1966-2001), một người cực kỳ bảo thủ và giáo điều luôn luôn muốn bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản đến tận răng cho đến thời các ông Chủ tịch bảo thủ Nguyễn Phú Trọng (2001-2006), Tô Huy Rứa (2006-2011), và hiện nay Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng Khóa XII, đã luôn luôn hô hoán Việt Nam "đổi mới nhưng không đổi mầu", và "hội nhập mà không hòa tan".

Tuy lãnh đạo đảng và nhà nước không giải thích nhưng ai cũng biết đàng CSVN không muốn có “đổi mới chính trị” để dân chủ hóa chế độ, để người dân có quyền làm chủ đất nước như Hiến pháp quy định; để Việt Nam có bầu cử và tranh cử dân chủ tự do, và để các quyền của dân ghi trong Hiến pháp được thực hành như các quyền tự do báo chí, tư tưởng, tôn giáo, hội họp, lập hội, trong đó có quyền của người công nhân lao động được tổ chức nghiệp đoàn độc lập và tự do để bảo vệ quyền lao động.

Từ 1986 đến 2017

Nên biết quyết định Đổi mới đầu tiên diễn ra năm 1986 tại Đại hội đảng lần thứ VI đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư đảng. Và đợt “Tái cơ cấu” đầu tiên bắt đấu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng Bí thư, đồng thời có quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu cho Đảng “về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.”

Tuy nhiên, sau 30 năm Đổi mới, Nhà kinh doanh Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: "Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN (Xã hội Chủ nghĩa). Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.

Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất của nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.

Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.

Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân."

Bài viết của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn xuất hiện trên báo An Ninh Thế giới của ngành Công an, ngày 19/02/2017, nơi em ông Thành là Thiếu tướng Lê Kiên Trung đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Ông Thành cũng đã nêu lên những bất công trong xã hội ngày nay: "Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng."

"Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng."

Tiếng nói Trương Tấn Sang

Do đó, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi thấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải viết trên báo Tuổi Trẻ rằng: "Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hy sinh mất mát 
không thể yên lòng." (báo Tuổi Trẻ, 02.09.2016)

Ông Sang dẫn chứng: "Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 112 trong số 168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham nhũng theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế; còn người dân thì có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực, theo báo cáo của Ủy ban 
Kinh tế Quốc hội năm 2012.

Trong khi đó, nợ công đang ở mức trên 58% GDP (số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 8-2016), tức là mỗi người dân đang phải chịu khoản nợ 1.000 USD. Năng suất lao động thấp, làm không đủ để trả nợ, đất nước đang phải đi vay nợ để trả nợ."

Ông Trương Tấn Sang còn nói thẳng: "Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự câu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế."

Tái cơ cấu và tổng bí thư

Về chuyện “tái cơ cấu kinh tế lần 2”, các chuyên gia trù tính Việt Nam cần có 10,5 triệu tỷ đồng, (tương đương khoảng 480 tỷ U.S. Dollars) để “tái cơ cấu kinh tế” lần thứ hai cho giai đọan 2016-2020.

Báo VietNamNet (VNNET) đưa tin ngày 24/10/2016: "Phát biểu gần đây tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục “mở” theo chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ."

Ba trụ cột chính của Việt Nam gồm: "Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước."

Những “trụ cột” này bây giờ ở đâu hay đã tan biến mất rồi? Chúng ta chỉ biết sau Hội nghị Trung ương 5, các vấn đề như: xây dựng "hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”; "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" sẽ tiếp tục được bàn tại hai Hội nghị Trung ương 6 và 7.

Chưa biết liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có “thoái vị” giữa đường tại Hội nghị Trung ương 5 như tin đồn đang lan truyền ở Hà Nội, hay ông sẽ đợi đến giữa nhiệm kỳ (2018-2019) mới trao quyền cho người khác.

Dù có vật đổi sao dời đi đâu thì đảng CSVN cũng đang phải bươn chải khó khăn với Hội nghị Trung ương 5. Và tất nhiên, sẽ còn nhiều chuyện nhiễu nhương lộ ra trong cuộc tranh giành chức Tổng Bí thư đảng giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người có hậu thuẫn của lực lượng Công an và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, cánh tay mặt của ông Trọng và là người, ai cũng biết từ lâu được hậu thuẫn của Bắc Kinh. -/-

(04/017)

0 comments:

Powered By Blogger