CSVN áp lực Google gỡ thêm 1,200 clip ‘xấu độc’
Source: Người Việt | Posted on: 2017-04-19 |
Video clip ông phó công an huyện Mỹ Ðức bị dân xã Ðồng Tâm áp tải, chuẩn bị đưa lên xe chở đi trước khi bắt một số cảnh sát cơ động hôm 15 Tháng Tư 2017. Clip này có gần 550 ngàn người xem tính đến ngày 18 Tháng Tư 2017. (Hình: NV cắt từ YouTube)
HÀ NỘI (NV) – Ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông CSVN được truyền thông tại Việt Nam trích lời nói “đã áp lực được Google gỡ bỏ hơn 1,200 clip ‘nói xấu lãnh đạo’ trong khi sẽ làm việc với công ty Facebook để gỡ bỏ các clip ‘độc hại.’”
Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật, trong cuộc “làm việc” ngày 17 Tháng Tư 2017 tại Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội của chế độ, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm chống đỡ một rừng thông tin “độc hại” trên các mạng xã hội, phần lớn là YouTube, Facebook, Blogspot được người dân trong nước tận dụng để chia sẻ thông tin thay vì tùy thuộc vào các nguồn thông tin một chiều của nhà cầm quyền.
Sự phát triển và tiến bộ nhanh chóng mặt của điện thoại thông minh, các mạng xã hội trên mạng lưới thông tin toàn cầu, là phương tiện hữu ích, tiện lợi nối kết mọi người bất kể ở đầu trên thế giới lại gần nhau trong tích tắc, nhưng lại gây nhức đầu và cả âu lo cho các chế độ độc tài hay quân phiệt muốn bưng bít thông tin hoặc muốn tuyên truyền dối trá.
“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện gần 2,200 video clip có nội dung nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước, thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, Google đã giúp gỡ bỏ gần 1,200 video clip, trong đó gỡ hẳn 1 kênh thông tin phản động là chủ của hơn 500 clip vi phạm.”
Báo Dân Trí dẫn lời ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông trả lời chất vấn tại Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội.
Theo tờ Dân Trí thuật lại lời ông Tuấn, “Google tiếp tục đồng ý phối hợp hành động để gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên các công cụ khác của đơn vị này. Cuối Tháng Tư này, giám đốc điều hành của YouTube cũng có lịch tới Việt Nam làm việc với Bộ Thông Tin-Truyền Thông về vấn đề này.”
Báo VietNamNet thì nói, “Bộ Trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết trong tháng này, bộ sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng bôi nhọ lãnh đạo. Facebook hứa sẽ làm việc với bộ ngày 26 Tháng Tư.”
Nếu đúng như các báo Dân Trí và VietNamNet tường thuật, có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam chỉ thành công phần nào khi đòi hỏi YouTube, Facebook gỡ bỏ hơn 8,000 clip “xấu độc” trên các mạng xã hội được mô tả là có 45 triệu “tài khoản” Facebook tại Việt Nam.
Google (công ty mẹ của YouTube) chỉ đồng ý gỡ các clip bị cho là “nói xấu lãnh tụ đảng và nhà nước” chứ không gỡ các clip thời sự, quay bằng máy điện thoại có tính năng quay phim chụp hình, vì đó là thông tin, nó là sự thật, rồi chuyển đến thẳng YouTube, Facebook.
Theo lời ông Trương Minh Tuấn, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có số người xem các clip trên YouTube nhiều nhất. Ông nhìn nhận, “Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt và không chỉ những người tiếp cận mạng xã hội sử dụng thông tin mà thông tin đó còn nhanh chóng lan truyền đến các công sở, trên các đường phố, mọi ngõ ngách của xã hội.”
Tờ Thanh Niên tường thuật, “Theo Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn, ở Việt Nam, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống đảng, nhà nước, tung tin sai sự thật hoặc thật giả lẫn lộn, gây hoang mang, tạo bất an cho xã hội. Nhiều nước trên thế giới cũng đau đầu với vấn đề này.”
Sau khi ra liên tiếp mấy nghị định, quyết định cấm đoán, phạt tiền thấy không ai sợ, cuối năm ngoái Bộ Thông Tin-Truyền Thông đưa ra thông tư 38 (ngày 16/12/2016) buộc các công ty cung cấp thông tin “qua biên giới” phải “có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
Thấy người sử dụng mạng xã hội vẫn lờ đi, Bộ Thông Tin-Truyền Thông đã áp lực các công ty, nhà sản xuất lớn bán hàng tại Việt Nam như Samsung, Ford, Yamaha, Vinamilk… bỏ quảng cáo trên YouTube, Facebook. Ðồng thời, áp lực tiếp các công ty Google, Facebook. (TN)
---------
---------
0 comments:
Post a Comment