Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ không chỉ gây sốc cho nhiều cử tri Mỹ mà cũng tạo chấn động trên toàn thế giới. Tại Úc, Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã mau chóng gọi điện thoại chúc mừng Trump. Qua cuộc điện đàm kéo dài 15 phút, Turnbull nêu rõ quan điểm của Úc về các vấn đề liên quan tới giao thương, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố. Sau đó, Turnbull trấn an dân chúng Úc rằng Trump là một người làm ăn và sẽ theo đuổi các chính sách thực dụng.
Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Penny Wong Bộ Trưởng Ngoại Giao Đối Lập đã viết một bài đăng trên báo của công ty Fairfax là Tổng Thống Trump là một bước ngoặt trong quan hệ Úc-Mỹ. Wong lập luận rằng quan điểm của Trump trong lúc tranh cử biểu lộ những giá trị trái ngược với Úc và quan hệ đồng minh không có nghĩa là Úc phải bán rẻ những giá trị căn bản đó gồm có tôn trọng quyền bình đẳng giới tính, chủng tộc, tôn giáo và một hệ thống kinh tế mở cửa giao thương với quốc tế. Chính sách ngoại giao của Trump trong lúc tranh cử khác xa rất nhiều với những người tiền nhiệm. Ông cảnh báo là sẽ xét lại quan hệ đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ gồm có NATO và các liên minh quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương, gợi ý là Nhật và Nam Hàn nên tự phát triển vũ khí nguyên tử để đối phó với Bắc Hàn và giảm bớt gánh nặng cho Hoa Kỳ, thiết lập quan hệ thân thiện với Putin, khai tử TPP và xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẵn sàng gây chiến thương mại với Trung Quốc và hủy bỏ Hiệp Định Paris chống Biến Đổi Khí Hậu. Tất cả các chính sách này đều đi ngược lại quan điểm chiến lược của Úc và sẽ làm tổn hại đến quyền lợi kinh tế và an ninh của Úc.
Tương tự như vậy, Tanya Plibersek Phó Lãnh Tụ Đối Lập cũng ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Úc-Mỹ nhưng phải cứu xét kỹ lưỡng từng trường hợp một vì Úc đã sai lầm khi theo chân Hoa Kỳ vào cuộc chiến Iraq hạ bệ Saddam Hussein dẫn đến hệ lụy khủng bố và Nhà Nước Hồi Giáo hiện nay. Cựu Thủ Tướng Paul Keating còn đi xa hơn nữa và kêu gọi Úc nên cắt đứt cái "đuôi" quan hệ đồng minh và thiết lập chính sách an ninh và chiến lược hoàn toàn độc lập với Mỹ.
Hiệp Ước An Ninh Quân Sự Úc - Tân Tây Lan - Mỹ (The Australia, New Zealand, United States Security Treaty hoặc ANZUS) được ký kết vào ngày 1/9/1951 tại San Francisco. Mục đích là đối phó với trào lưu cộng sản đang phát triển tại Châu Á. Dưới Hiệp Ước này, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào một trong 3 quốc gia thành viên thì cũng được coi như là mối đe dọa chung cho cả 3 và đòi hỏi thành viên hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Từ 1986, ANZUS không còn hiệu lực giữa Tân Tây Lan và Mỹ vì Tân Tây Lan không cho tàu chiến trang bị vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ ghé vào lãnh thổ của họ. Hàng năm, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Úc-Mỹ gặp mặt để thảo luận các vấn đề chiến lược (gọi là AUSMIN). Riêng năm nay, AUSMIN không diễn ra vì có cuộc tranh cử tổng thống mới tại Mỹ.
Thủ tướng Turbull đã chỉ trích quan điểm của một số đảng viên lãnh đạo Đảng Lao Động là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đồng minh Úc-Mỹ. Sau đó, Lãnh tụ Đối Lập Bill Shorten đã xác nhận chính sách an ninh quốc phòng của Lao Động dựa trên 3 trụ cột: ANZUS, đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và yểm trợ cho các cơ chế quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Thật ra, nghi vấn về quan hệ đồng minh Úc-Mỹ không chỉ thuộc về Đảng Lao Động mà cũng đã được Thượng Nghị Sĩ Xenophone đặt ra trước khi Trump thắng cử. Và vào năm 2014, cựu Thủ Tướng Tự Do Malcolm Fraser đã xuất bản quyển sách mang tựa đề ''Đồng Minh Nguy Hiểm'' (Dangerous Allies) mà trong đó ông đề nghị Úc nên cắt đứt quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và theo đuổi một chính sách an ninh quốc phòng hoàn toàn độc lập. Về phía giới học giả thì có Hugh White giáo sư môn chiến lược của Đại Học ANU thường phổ biến quan điểm là Úc cần phải cân bằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và phải có bước nhân nhượng đối với tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực chớ không hoàn toàn nghiêng về phía Mỹ. Vào ngày 21/11 vừa qua, Lãnh Tụ Đảng Xanh Thượng Nghị Sĩ Richard Di Natale tuyên bố là quan hệ đồng minh với Mỹ dưới chính sách của Tổng Thống Trump sẽ là một mối đe dọa an ninh cho Úc.
Rõ ràng là đang có nhiều quan ngại về quan hệ đồng minh Úc-Mỹ sau khi Trump đắc cử. Úc và Mỹ chia sẻ hoàn cảnh lịch sử lập quốc, truyền thống dân chủ, giá trị nhân quyền và ngôn ngữ tiếng Anh. Kể từ 1918, Úc đã cùng sát cánh tham gia vào mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột lớn với Hoa Kỳ gồm có cuộc chiến Triều Tiên, Việt Nam và Iraq. Không thể chối cãi là Úc hưởng lợi rất nhiều nhờ vào quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Úc được tiếp cận và sở hữu vũ khí tối tân hiện đại nhất và chia sẻ các nguồn tin tình báo quan trọng. Và dĩ nhiên, ANZUS là một chính sách bảo hiểm hữu hiệu nhất bảo đảm cho an ninh của Úc ngăn chận các mối đe dọa an ninh từ phương Bắc.
Ngân sách quốc phòng hiện nay của Hoa Kỳ xấp xỉ 600 tỷ Mỹ kim một năm tức khoảng 3.5% GDP. Con số này tương đương với tổng cộng ngân sách quốc phòng của 10 quốc gia có ngân sách cao nhất kế tiếp. Quốc gia thứ hai là Trung Quốc có ngân sách khoảng 200 tỷ tức khoảng 2% GDP tức chỉ 1/3 so với Hoa Kỳ. Trong Bạch Thư Quốc Phòng Úc 2016, các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng nêu rõ là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Úc không phải là Nam Dương như trước đây mà từ một Trung Quốc trỗi dậy hung hãn với ý đồ thâu tóm trọn Biển Đông. Khoảng 70% vũ khí mà Úc mua sắm là từ Hoa Kỳ vì nhu cầu khả năng tương ứng. Có nghĩa là vũ khí của Úc phải có thể sử dụng chung được với vũ khí của quân đội Hoa Kỳ. Từ 2012, Phó Tư lệnh Hành quân của Mỹ tại Thái Bình Dương là một vị tướng của Úc. Pine Gap là Trung Tâm Dọ Thám bằng vệ tinh tối tân nhất của Mỹ được đặt tại Bắc Úc. Đây sẽ là nơi gửi tín hiệu đầu tiên nếu Hoa Kỳ bị tấn công bằng hỏa tiễn nguyên tử. Hiện nay, tất cả mọi dữ liệu tình báo quan trọng đều có liên quan tới phương tiện dọ thám Pine Gap thu nhận qua hệ thống vệ tinh gồm có những thông tin tình báo mà Hoa Kỳ dựa vào để sử dụng drone thủ tiêu các tay lãnh đạo khủng bố tại Afghanistan và Trung Đông.
Trong lúc tranh cử, Trump nhiều lần than phiền là Mỹ gánh quá nhiều chi phí bảo vệ an ninh cho thế giới và các đồng minh. Hiện nay, Mỹ đang duy trì khoảng 800 căn cứ quân sự trên 70 quốc gia với hơn 130,000 quân nhân Mỹ hiện diện khắp mọi nới trên toàn thế giới. Có khoảng 35,000 lính Mỹ tại Đức, 40,000 tại Nhật và 25,000 tại Nam Hàn. Chi phí cho lính Mỹ tại Nhật lên tới khoảng 5.5 tỷ mỗi năm. Nhật trả 1.7 tỷ cộng với 90% chi phí chỗ ở tổng cộng lên tới 4 tỷ Mỹ kim. Nam Hàn trả gần 1 tỷ tức khoảng 40% cho phí cho lính Mỹ mỗi năm. Tức là Nhật và Hàn Quốc đều có chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ.Ngân sách quốc phòng của Nam Hàn chiếm khoảng 37 tỷ Mỹ kim tức 2.6% GDP và của Nhật là 41 tỷ tức 1% GDP. Nếu không có sự hiện diện của Mỹ, chắc chắn là Nhật và Nam Hàn phải gia tăng ngân sách quốc phòng của họ rất nhiều để đối phó với những mối đe dọa từ Bắc Hàn và Trung Quốc.
Úc chi khoảng 30 tỷ mỗi năm cho quốc phòng tức khoảng 2% GDP. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Thống Obama chọn Quốc Hội Úc là nơi chính thức công bố chiến lược sách xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2011 với kế hoạch luân chuyển 2,500 thủy quân lục chiến Mỹ tới căn cứ Darwin tại Bắc Úc. Úc và Mỹ sẽ chia phí tổn xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 2 tỷ Úc kim. Hai bên đã đồng thuận nguyên tắc phân chia phí tổn hàng năm nhưng không tiết lộ con số cụ thể.
Về Biển Đông, hiện nay không ai biết chính sách của Trump sẽ như thế nào. Có người thì đoán là Trump sẽ rút hoặc giảm sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề nội địa của Mỹ. Nhưng cũng có người cho rằng Trump sẽ yêu cầu Úc tham gia chiến dịch tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông với Hoa Kỳ. Có một số nguồn tin cho rằng Trump sẽ bổ nhiệm Mitt Romney làm Ngoại Trưởng. Trước đó trong cuộc đua tuyển chọn ứng viên đại diện cho Đảng Cộng Hòa thì Romney mạt sát và gọi Trump là một tên giả dối và lừa đảo. Trump trả đũa và gọi Romney là một kẻ thất bại từng quỳ trước mặt Trump để xin được ủng hộ. Phải nói người Mỹ hay thật. Chửi nhau thậm tệ rồi bây giờ khen nhau đáo để. Rudi Giuliani cựu Thị Trưởng New York và cố vấn thân cận của Trumpcũng được cho là có thể trở thành Ngoại Trưởng cho biết là Trump sẽ tăng lực lượng từ 280 lên tới 350 tàu chiến tại Thái Bình Dương. Có nghĩa là sẽ có thêm 70 tàu chiến, 50,000 hải quân, 100 phi cơ chiến đấu và hàng chục tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Để thực hiện điều này thì Mỹ phải chi thêm khoảng 500 tỷ qua một thập niên. Tăng nhanh như vậy sẽ thay đổi cán cân rất đáng kể. Có điều là Trung Quốc và Nga sẽ phản ứng thế nào và Trump lấy tiền ở đâu ra khi Quốc Hội do Đảng Cộng Hòa kiểm soát thường xuyên kêu gọi cắt giảm ngân sách chi tiêu.
Tóm lại, cũng còn quá sớm để kết luận chính sách của Tổng Thống Trump sẽ giống như những khẩu hiệu vận động tranh cử của ứng viên Trump. Nhưng quan ngại về quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ dưới triều đại Trump mà các Đảng Lao Động, Đảng Xanh và Xenophone nêu lên là hoàn toàn chính đáng. Điều quan trọng và cần thiết là cả chính quyền Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia cũng như Đối Lập Lao Động cần tiến hành chuẩn bị kế hoạch Plan B ngay từ bây giờ để đối phó với trường hợp Tổng Thống Trump thực thi những lời hứa khi tranh cử và thật sự biến Hoa Kỳ trở thành một đồng minh nguy hiểm của Úc.
03.13.2016
0 comments:
Post a Comment