Tuesday, December 13, 2016

Tiền lệ

Trần Thảo (Danlambao) - Trên trang mạng FB của người bạn mới quen, anh PĐQ, tôi đọc một bài viết ngắn của anh, bài viết đặt ra một vấn đề quá lớn về mối quan hệ trong công việc của cái xã hội tràn đầy bất cập hiện nay của VN.

Anh PĐQ không nêu tên của cậu con trai, là một y khoa bác sĩ vừa mới ra trường được một năm, nên tôi chỉ dùng chữ "cháu" khi nhắc tới cậu bác sĩ trẻ măng, tinh hoa rạng ngời này.

Cháu ra trường y khoa được một năm, và trong một lần khám bệnh thiện nguyện cho người dân ở một vùng hẻo lánh, nghèo nàn, người nhà của một bệnh nhân đã "bồi dưỡng" cho cháu tiền mặt, nhưng cháu kiên quyết không nhận. Tới giờ ăn trưa, cháu mới phát giác trong túi áo choàng y khoa, bằng cách nào đó, người thân bệnh nhân đã nhét vào cho chàng tờ bạc 200 ngàn. Cháu đã cố gắng tìm gặp thân nhân người bệnh và trả lại tiền một cách dứt khoát.

Dĩ nhiên anh PĐQ không hề có ý đăng bài viết để khoe con trai của mình, tâm ý của anh, tôi nghĩ ai cũng rõ, đó là nêu lên một tình trạng đang làm nhức nhối biết bao người dân VN trong cái cơ chế hỗn tạp, trong đó mọi thứ được định giá bằng tiền. Ai có tiền là có thể mua được mọi thứ, kẻ không tiền thì đành chịu chết, trời xa cầu không thấu, còn đảng gần thì sống chết mặc bây!

Tôi thực sự xúc động với hành động của người bác sĩ trẻ. Giữa một xã hội bát nháo, thực dụng, chạy theo đồng tiền thì đây là kết quả của giáo dục gia đình, mà không phải ai cũng có thể có được. Anh PĐQ đã kể lại vào thời gian tám năm trước, khi cháu chọn học Y Khoa, anh đã phân tích mọi điều mà cháu có thể phải gặp khi trở thành một bác sĩ y khoa. Con trai của anh đã thấm nhuần lời cha dạy và đã chọn con đường mình thích, với cái tâm muốn phục vụ tha nhân. 

Trong những lần khám bệnh thiện nguyện, vùng sâu vùng xa, cháu đã thực sự va chạm với những cảnh đời khốn khổ, đã rung động với những con người sống mịt mù trong tăm tối. Cho đến hôm nay, cháu mới lần thứ nhất đối mặt với cái gọi là "tiền lệ" trong xã hội hiện nay. Trong lòng của người bác sĩ trẻ nghĩ gì? Và trong lòng thân phụ của cháu, anh PĐQ, đã suy tư như thế nào? 

Với suy nghĩ chủ quan của tôi, tôi tin là đã có một dấu hỏi lớn trong đầu chàng bác sĩ trẻ, đó là rồi đây mình sẽ gặp phải những gì nữa? Sẽ phải đối phó ra sao? Và riêng anh PĐQ, tôi tin là anh cũng đang có băn khoăn rất lớn cho người con trai mà anh đặt nhiều hy vọng sẽ trở thành một người tốt chân chính, nó sẽ phải trải qua những va chạm gì, có đủ sức vượt qua những cám dỗ tiền bạc trong tương lai, sẽ phải đối phó thế nào với những thế lực ngầm, những liên kết của đám người coi tiền như mạng, từ gác cổng, lao công, y tá đến những bác sĩ đồng sự khác, họ chắc chắn sẽ nhìn con trai của mình như một quái vật đến từ hành tinh khác, bởi từ chối tiền "bồi dưỡng"do người bệnh đưa cho, thời bây giờ, là một hành động bất thường. Rồi tương lai cháu lập gia đình, nếu gặp người đồng điệu, cùng lý tưởng, cùng ước vọng tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước là một điều vạn hạnh, ngược lại thì sẽ như thế nào? 

Người dân Việt Nam hôm nay coi việc bị bệnh phải nhập viện là một quá trình như bước vào địa ngục. Người có tiền thì còn có thể xoay trở, gặp phải người hoàn cảnh khó khăn thì quả là kêu trời không thấu.

Chưa nói tới vấn đề viện phí mỗi ngày càng tăng, việc lót tay cho bác sĩ, y tá, lao công v.v... thì gom lại thành con số khổng lồ, khiến người bệnh và thân nhân méo mặt. Không tiền lót tay, dù ở bệnh viện công hay bệnh viện tư, bác sĩ sẽ bỏ mặc hay rề rà chậm trễ, không ra sức, y tá thì thay vì nhẹ nhàng, sẽ đâm kim chích mạnh tay, dù bệnh nhân chỉ là một em bé sơ sinh, lao công thì khiêng bệnh nhân quăng rầm rầm khi thay tấm drap trải giường bệnh v.v... Nói chung không có tiền thì người dân chớ mong được đối xử tử tế.

Ở các nước Tây phương, việc người dân bị bệnh phải nhập viện, dĩ nhiên có bảo hiểm y tế chi trả, và ngay cả những người nghèo, không bảo hiểm y tế, khi gặp trường hợp cấp cứu, họ cũng được săn sóc đàng hoàng trong những bệnh viện mà thời VNCH chúng ta hay gọi là nhà thương thí. Nhưng dù ở đâu, người bệnh luôn được tôn trọng và đối xử ngang nhau một cách tử tế. Với nhà thương thí, người dân phải xin một cái thẻ khám bệnh, khi vào bệnh viện, mọi chi phí sẽ do chính phủ chi trả. Nhiều khi bệnh nhân, vì lý do nào đó không có thẻ khám bệnh, thì họ vẫn được săn sóc trước đã, sau đó nhà thương thí sẽ liên lạc với những hội từ thiện hay nhà thờ giúp trả chi phí.

Tôi không nêu lên hiện trạng y tế ở các nước tây phương hay Hoa Kỳ để so sánh với Việt Nam, vì so sánh như thế thật vô ích vì hai trình độ chênh lệch quá xa, so sánh quả là chả có ý nghĩa gì. 

Hình ảnh bệnh nhân qua đời ở Sơn La, không có tiền để mướn xe đàng hoàng đưa người thân về chôn cất, đành mướn xe hai bánh, đặt ngang trên xe, ló hai chân ra ngoài trên đoạn đường hơn trăm cây số đã khiến nhiều người bàng hoàng. Hình ảnh mới nhất ở Hòa Bình, bệnh nhân qua đời cũng chả có xe đưa về, mà do hai người khiêng bộ về nhà như khiêng võng. Đất nước Việt Nam ngày nay thảm hại tới mức ấy, vậy mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố "Phấn đấu để người dân nào cũng có bác sĩ riêng." Một câu nói vô trách nhiệm như thế, như người si nói mộng, vậy mà có thể phát xuất từ một phó thủ tướng của chế độ CSVN, câu nói ấy nó tràn đầy bản chất mất dạy, cũng chả khác gì câu nói của Bộ trưởng Bộ Dục Phùng Xuân Nhạ khi bắt những cô giáo ở Hà Tĩnh tự kiểm điểm mình trước, trong vụ bị trưởng phòng giáo dục và chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh ép buộc đi làm ca ve, phục vụ các quan ăn nhậu, ca hát.

Tôi nhớ ngày xưa, người ta hay triết lý dỏm "Cuộc đời có bốn chữ T: Tình, Tiền, Tù, Tội". Sau hơn nửa thế kỷ dưới bàn tay cai trị của chế độ CSVN, cái chữ Tình nó rớt mất tiêu, người dân bây giờ mãi lặn ngụp trong ba chữ còn lại: Tiền, Tù, Tội. Không có tiền thì xin miễn, đừng bước chân vào bệnh viện, về hái thuốc lá cây uống đỡ đi. Dám phát biểu chống đối chế độ, phát tán những kiến thức về quyền con người, quyền công dân, thì bộ luật hình sự rừng rú sẵn sàng gán tội, nhốt tù.

Từ bài viết của bạn PĐQ về người con trai bác sĩ y khoa, tôi lan man đủ thứ chuyện, mà chuyện nào cũng khiến mình nặng lòng. Cậu bác sĩ trẻ tuổi, tinh thần phục vụ sáng ngời ấy, như một mầm cây xanh mát, trong mảnh đất ô nhiễm tới đáy như Việt Nam bây giờ, rồi sẽ ra sao? Những quan chức cộng sản cộm cán mất dạy như Phùng Xuân Nhạ, Vũ Đức Đam, Nguyễn Minh Mẫn, và bao nhiêu tên trời đánh thánh vật nữa, đề nghị chúng từ chức ư? Không có Phùng, Vũ, Nguyễn thì cũng có Hồ, Trần, Bùi... tiếp tục đày đọa dân đen, tiếp tục bóc lột con người tới tận xương tủy, chúng khác họ, khác tên, nhưng lòng chúng đen, y hệt như nhau.

Để quê hương Việt Nam trở thành một mảnh đất màu mở cho những mầm xanh vươn lên, để cho dân tộc có thể chuyển mình đứng dậy, để cho tình người được mạnh mẽ phục sinh, chỉ còn có một cách duy nhất: Đó là giật sập cái chế độ bá vơ đó, ném cái chủ nghĩa xã hội mà chúng đang che trên mặt như cái bình phong vào sọt rác, chấm dứt chế độ cai trị độc tài, bán nước của CSVN.

13.12.2016

0 comments:

Powered By Blogger