CTV Danlambao - Ngày 16/12/2016, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt, tạm giam 3 tháng đối với anh Nguyễn Danh Dũng, 29 tuổi, trú tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Anh Dũng bị buộc tội vi phạm điều 258 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Thông tin “lề đảng” nói rằng tại “thời điểm cơ quan chức năng Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa ập vào bắt quả tang ngày 14/12”, anh Dũng “đang đăng tải các video có nội dung phản động”. Công an cũng thu giữ của anh Dũng 2 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và “nhiều tài liệu khác có liên quan”.
Luận điệu của Bộ công an, Cơ quan an ninh điều tra Thanh Hóa buộc tội công dân là “phản động” vẫn là phát tán các tài liệu “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để gây sự chú ý, thu hút được nhiều lượt người xem”.
Tuy nhiên, “tài liệu phản động” dưới dạng các clip này đều được anh Dũng thu thập từ các trang mạng khác, kể cả mạng xã hội cũng như các báo “lề đảng”. Tức là anh Dũng không tự tạo ra các hình ảnh của các “đồng chí lãnh đạo” mà chính các “đồng chí” là nhân vật thật trong các clip đó.
Khoảng tháng 10/2015, Nguyễn Danh Dũng đã trực tiếp tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV; Facebook “ThienAn”, “quachthienan” và blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com” để đăng tải các video clip phản ánh tình hình trong nước, đặc biệt liên quan đến những phát ngôn, việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu đảng cộng sản. Các clip của anh đã thu hút được hàng triệu lượt xem, góp phần không nhỏ vào việc phản ánh xã hội, đặc biệt là nhận thức của người dân đối với hiện trạng của đất nước.
Đại tá Dương Văn Tiến, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa một mặt lên truyền thông tự ca ngợi chiến công đàn áp quyền tự do ngôn luận mặc khác đã mị dân rằng “trong quá trình phá án, lực lượng công an đã tập trung cao độ, huy động tối đa lực lượng và các phương tiện, đặc biệt là các chuyên gia giỏi để thu thập tài liệu chứng cứ, củng cố hành vi sai phạm của đối tượng do loại tội phạm này phải bắt quả tang mới xử lý được.
Tuy nhiên, rất nhiều công dân Việt Nam là nạn nhân của việc bắt bớ tùy tiện, nhất là liên quan đến các điều 79, 88, 258 vốn được Nhà nước viện dẫn là “xâm phạm an ninh quốc gia” mà không hề có chứng cứ, lý lẽ thuyết phục để kết tội.
Ông Đại tá này không quên nhắc nhở người dân phải “hết sức tỉnh táo trước những thông tin này vì đây là những thông tin, hình ảnh với nội dung xấu. Đồng thời người dân cần tích cực tố giác những hành vi, đối tượng có những hành động vi phạm như trên”.
Luật pháp Việt Nam cũng như các văn bản luật liên quan không hề đưa ra các định nghĩa thế nào là “phản động”; “tuyên truyền”; “xâm phạm lợi ích của nhà nước”… Cũng không quy định rõ thế nào là “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín…” của lãnh đạo đảng và Nhà nước. Thậm chí, hầu hết các vụ án liên quan đến chính trị, đến các quyền tự do dân chủ đều là những phiên xử kín với các bản án bỏ túi nặng nề dành cho những người yêu công lý và sự thật. Các thẩm phán, kiểm sát viên thậm chí còn không có khả năng, không đủ hiểu biết để tranh tụng với “bị cáo” ngay tại tòa. Điển hình là phiên tòa xét xử hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng hôm 16/12/2016. Hai ông đã bị kết án tổng cộng 25 năm tù giam, 9 năm quản chế chỉ vì dám suy nghĩ. Giống như luận cứ bào chữa của Luật sư Võ An Đôn là “luật pháp không thể bỏ tù suy nghĩ của một con người”.
Nhưng không thể nói chuyện pháp luật với một nhà nước chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng. Muốn góp sức đổi thay đất nước, mọi công dân Việt Nam đều cần chuẩn bị sắn cho mình một chỗ ở nhà tù.
0 comments:
Post a Comment