Author: Thanh Phương | Source: RFI | Posted on: 2016-12-08 |
Người Hồi giáo Banladesh biểu tình tại thủ đô Dhaka phản đối Miến Điện trấn áp sắc tộc Rohingya ngày 1/12/2016.REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Tình trạng đàn áp cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện có thể làm tăng nguy cơ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á. Đó là cảnh báo của hai chuyên gia về khủng bố trên báo chí Singapore hôm nay, 08/12/2016.
Nỗi căm phẫn của cộng đồng người Hồi giáo ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia, đã gia tăng cùng với đà trấn áp của quân đội Miến Điện đối với cộng đồng thiểu số người Rohingya, khiến hơn 10 ngàn người thuộc sắc tộc này phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Quân đội Miến Điện bị cáo buộc đã có những hành vi bạo lực và hãm hiếp người Rohingya.
Trong một bài bình luận chung, đăng trên tờ nhật báo Singapore Straits Times hôm nay, hai chuyên gia Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani cho rằng cách đối xử của chính quyền Miến Điện với cộng đồng người Rohingya đã góp thêm yếu tố tôn giáo vào cuộc khủng hoảng này, bởi vì quân đội Miến Điện đa số là theo Phật giáo, còn người Rohingya là Hồi giáo.
Cả hai ông Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani đều là nhà phân tích thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Khủng bố và Bạo động chính trị, Đại học Nanyang, Singapore.
Hai chuyên gia này nhấn mạnh rằng, những gì diễn ra ở bang Rakhine ( nơi tập trung người Rohingya ) của Miến Điện không chỉ thu hút sự chú ý của các tổ chức nhân quyền, mà cả những thành phần Hồi giáo cực đoan và quân thánh chiến từ khắp vùng Đông Nam Á. Một số người ủng hộ cộng đồng Rohingya cũng đã tỏ ý hy vọng là nhóm khủng bố Mujahideen đến Miến Điện để tham gia chiến đấu chống chính quyền.
Theo lời hai chuyên gia Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani, cộng đồng thánh chiến trên mạng của Indonesia đã đăng trên Facebook nhiều bài viết và hình ảnh tuyên truyền liên quan đến người Rohingya, trong đó có cả một bản đồ chỉ đường cho quân thánh chiến Indonesia thâm nhập Miến Điện qua ngõ Aceh. Một số người sử dụng mạng xã hội ở Indonesia cũng đã tỏ ý định đánh bom tự sát để bảo vệ cộng đồng Rohingya.
Hai chuyên gia này nhận định, khủng hoảng Rohingya gây phản ứng còn mạnh hơn cả vụ đô trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama bị cáo buộc báng bổ đạo Hồi, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của người Hồi giáo tại Indonesia.
Cũng như dân Indonesia, dân Malaysia, đại đa số theo Hồi giáo, cũng đã rất phẫn nộ trước số phận của cộng đồng người Rohingya. Đích thân thủ tướng Najib Razak cũng đã tham gia một cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua đòi chấm dứt điều mà ông Najib gọi là “nạn diệt chủng” thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện.
Một chiến binh Malaysia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Muhamad Wanndy, đã kêu gọi những người ủng hộ anh ta hãy giết bất kỳ người Phật giáo Miến Điện nào gặp ở Malaysia và Indonesia.
Hai chuyên gia đã đưa ra những lời cảnh báo nói trên sau khi tư lệnh lực lượng quốc phòng Malaysia, tướng Zulkifeli Mohd Zin vào tuần trước vừa lên tiếng thúc giục chính phủ Miến Điện giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, trước khi khủng hoảng này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo khai thác để mở rộng ảnh hưởng và thế lực trong khu vực. Tướng Zulkifeli Mohd Zin đã kêu gọi như vậy khi ông đang thăm Miến Điện để gặp tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và tổng thống Miến Điện Htin Kyaw.
FBNC - 7000 người hồi giáo Rohingya di cư sẽ sớm được đưa vào bờ |
Khủng hoảng di cư - Trách nhiệm và nhân đạo |
0 comments:
Post a Comment