Phạm Trần (Danlambao) - Chỉ còn ít ngày nữa, khóa đảng XII của Đảng Cộng sản Việt Nam bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), nhưng sự tồn tại của chế độ tiếp tục bị đe dọa hơn bao giờ hết bởi “Tự diễn biến, Tự chuyển hóa” và “Tham nhũng” đã vượt ngưỡng nghiêm trọng.
Bằng chứng là vào ngày 9/12 (2016), Bộ Chính trị đã phải tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc để “phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Theo đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) thì: “Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc để nghiên cứu, học tập Nghị quyết.”
Ngoài Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, nhân vật chính của Hội nghị, tham dự và phát biểu chỉ đạo còn có 18 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 200 Ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương. Ngoài ra, theo tin VOV, còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tham dự.
Vậy sự có mặt của lãnh đạo hàng đầu của đảng cầm quyền để nghe ông Trọng giải thích thêm về tầm mức quan trọng và phải khẩn trương thi hành Nghị quyết 4, ban hành ngày 30/10/2016, có ý nghĩa gì vào những ngày cuối năm 2016?
Trước hết, hãy nghe ông Trọng giải thích mục đích của Hội nghị là để: “Quán triệt mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cốt lõi của Nghị quyết và Kế hoạch triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất cao về nhận thức để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương tới cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết một cách có hiệu quả ở địa phương, đơn vị, cơ quan mình.”
Tuy nhiên, hội họp kiểu này không mới vì vẫn thường được tổ chức sau mỗi Nghị quyết của Trung ương. Chỉ khác lần này là đảng bắt mọi lãnh đạo và tổ chức từ Trung ương xuống cơ sở phải học tập và tập trung đối phó với ba lĩnh vực đang đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ. Đó là tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên đang diễn biến phức tạp và quốc nạn “tham nhũng”đã vượt qua lằn ranh nghiêm trọng để không còn trị được nữa.
Điểm khác thứ hai là việc học tập và thi hành Nghị quyết 4 phải đi song song với công tác “xây dựng Đảng về đạo đức”. Công tác này, theo lời ông Trọng là phải “gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”
Nước đổ đầu vịt
Nhưng đâu phải đợi đến khóa đảng XII năm 2016, cán bộ, đảng viên mới phải học tập về Hồ Chí Minh. Đảng đã bắt họ, Quân đội, Công an và dân cả nước, kể cả sinh viên, học sinh, nhất là đám con ông cháu cha trong Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải tích cực “học ngày không đủ thì tranh thủ học đêm” từ năm 2007.
Có bốn bài học cốt lõi của phong trào này là làm theo “lời dạy của Bác” để biết:“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “chống chủ nghĩa cá nhân”; “đoàn kết nội bộ và là đầy tớ của nhân dân” và phải “tuyệt đối trung thành với đảng”.
Ngoài ra cán bộ đảng viên phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khổ nỗi là trong thời đại “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và “hòn đất ném di thì hòn chì” cũng phải biết ném lại để “anh có ăn thì em cũng phải có chén” nên cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền, đã lơ là học tập, hay học cho có lệ và đúng quy trình để có điều kiện được tự do làm trái lời Hồ Chí Minh.
Luật có nhằm nhò gì?
Bằng chứng là tuy Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có từ 2005, nhưng 10 năm sau, các Đại biểu Quốc hội đã đánh giá: “Quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý, có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay,
“bảo kê” cho vi phạm”. (báo Tuổi Trẻ online (TTOL) ngày 28/10/2016)
Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của tổng Thanh tra chính phủ trước Quốc hội, cơ quan này nhìn nhận: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng”.
Ba chữ “rất nghiêm trọng” đã được nâng cấp từ “nghiêm trọng” từng được phía đảng sử dụng bấy lâu nay để mô tả mức độ nguy hiểm của “quốc nạn tham nhũng”. Ngay nhóm chữ “quốc nạn tham nhũng” là biểu hiện tình trạng lan rộng trên cả nước cũng đã được sử dụng từ năm 2007.
Như vậy thì đảng và chính phủ có chống nổi tham nhũng đâu.
Đó là lý do tại sao vào ngày 24 tháng 05 năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đại biểu Lê Thị Nga đã nói tại Cuộc hội thảo về một số vấn đề lớn cần sửa đổi trong Luật PCTN (Phòng chống Tham nhũng): “Khi ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, chúng ta nói rằng, có luật thì tham nhũng sẽ giảm hẳn. Nhưng kỳ thực, sau 10 năm và sau hai lần sửa, đến nay tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Do đó, lần này phải tổng kết một cách sâu sắc, thực chất, chứ không phải là tổ chức hội nghị, hội thảo để rồi vỗ tay”.
Rất tiếc là đảng CSVN, nhất là cấp lãnh đạo, vẫn hồ hởi để phấn khởi thi đua vỗ tay xem ai vỗ lớn mỗi khi nói đến chống tham nhũng từ nhiều năm rồi.
Đảng cũng đã nhiều lần ra nghị quyết và các Tổng Bí thư, từ thời ông Nguyễn Văn Linh (1986) đến Nguyễn Phú Trọng (2016) cả thảy là 5 ông đã nối đuôi nhau ra chỉ thị cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải “nói đi đôi với làm”, hay“không được đánh trống bỏ dùi” nhưng tham nhũng vẫn cứ cười nhăn răng ra thì tại ai?
Một trong những lý do, theo báo TTOL, Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng “chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền”.
“Trong nhiều phiên thảo luận”, báo TTOL viết tiếp, “đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, là do trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”... mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi.”
Từ lâu, đảng và nhà nước CSVN đã chứng minh họ hoàn toàn bất lực trong công tác chống tham nhũng vì:
1.- Các cơ quan điều tra đã lạm dụng hai chữ “bảo mật thông tin” để không công khai các vụ tham nhũng, nhất là trong các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để che giấu cho nhau.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, được báo trong nước trích lời cho rằng: “Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói trước Quốc hội ngày 29/07/2016: “Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai...”
2.- Vì nhờ tham nhũng mà cán bộ, đảng viên có nhiều tài sản, nhà lầu, xe ô tô và dư tiền gửi con ra nước ngoài ăn học từ nhiều năm qua chứ chẳng mới mẻ gì.
Có điều là bây giờ tình trạng tham nhũng của cán bộ không những lộ liễu mà còn toa rập, tổ chức thành các “nhóm lợi ích” để ăn chia ai cũng biết mà đảng không làm gì nổi.
Vì vậy, ông Thủ tướng Phúc mới nói thẳng ra rằng: “Việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp; lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn.”
Người dân nào ở Việt Nam mà không biết, cán bộ ăn lương công chức loại trung bình mà có nhà lầu, xe ôtô, dư tiền gửi con du học nước ngoài thì phải thuộc hàng ngũ “siêu công chức” có nhiều quan hệ mới làm được như thế.
Vậy mà nhà nước không cạo trọc đầu được chúng thì chuyện mấy “ông thần” này chỉ thấy nhởn nhơ ở Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thôi, khó mà tìm đâu ra trên thế giới.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) được báo chí trong nước trích lời ông thừa nhận: “Hiện nay mới chỉ kiểm soát được các khoản chi trả qua tài khoản, các khoản kê khai nộp thuế, hoặc tài sản đã được đăng ký, còn những khoản khác là rất khó.”
Ông nói tại cuộc hội thảo bàn vê sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng: “Để tránh bị phát hiện, xử lý, những kẻ tham nhũng thường tìm cách chuyển tài sản cho bố, mẹ, anh, chị… Ngay cả trường hợp phát hiện người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản không đúng, cũng không có cơ chế để xử lý.”
Ông Hùng tiết lộ: “Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp che giấu tài sản lớn nhưng không có cơ chế nào để xác minh đó có phải là tài sản tham nhũng không, vì không truy được nguồn gốc”.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng: “Nếu cứ để tình trạng “kê khai tài sản xong lại đút vào ngăn kéo”, không xác minh, giám sát thì mãi không phát huy được hiệu quả. Nhìn bảng kê khai nhiều người nói rằng, sao cán bộ nghèo, lương thấp thế mà lại đi ô tô rất nhiều. Chúng ta thử hỏi những người đang có mặt ở hội nghị này mà xem, nếu chỉ dùng đồng lương thì tiết kiệm bao nhiêu năm mới có thể mua được ô tô. Thế mà công chức giờ đây mua ô tô nhiều thế. Tiền ở đâu ra? Những cái đó cần phải được làm rõ.” (theo báo Tiền Phong, ngày 25 tháng 05 năm 2016)
Cười vào mũi đảng
Bằng chứng đảng thua to, tham nhũng thắng lớn đã được chứng minh trong báo cáo của nhà nước.
Ngày 27-10-2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III-2016 để công bố kết quà kê khai tài sản.
Báo Người Lao Động viết: “Về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, tính đến ngày 10-9, đã có 101 cơ quan, bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập về Thanh tra Chính phủ. Số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 là 1.004.231 người, đạt tỉ lệ 99,1% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai: 993.127 bản, đạt tỉ lệ 98,9%.”
Nhưng kết quả ra sao? Phóng viên Nguyễn Quyết của Người Lao Động tường thuật: “Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Trong Quý III-2016, có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 1 người (1 trường hợp ở Hòa Bình và 2 trường hợp ở Tây Ninh).” (Nguyễn Quyết - báo Người Lao Động)
Kết quả như thế thì phải mừng cho đảng đã “khéo tay khéo chân” chứ tại sao nhiều giới trong nước lại bêu rếu chuyện khai báo tài sản chỉ là hình thức nên mới phát hiện được 3 trường hợp?
Nhưng chuyện khai báo cười ra nước mắt này còn nhiêu khê hơn là trong 10 năm mà tại Sài Gòn chỉ phát giác được 1 vụ không khai báo trung thực.
Báo Tuổi Trẻ viết: “Ngày 19-8 (2016), thông tin từ UBND TP. HCM cho biết UBND TP đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (2006-2016).
UBND TP. HCM nhận định tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu: số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Thành phố”.
Tuổi Trẻ loan tin tiếp: “Theo báo cáo, việc triển khai công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức trong 10 năm qua được thực hiện cơ bản đúng thời gian, đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Tuy nhiên, việc kê khai chưa phát huy hiệu quả cao, còn nặng hình thức, chủ yếu quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo, chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.
Trong thời gian từ ngày 1-1-2007 đến 30-6-2016, đã xảy ra 1 trường hợp xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và đã bị kết luận kê khai không trung thực.
“Theo đó, kết luận số 63/KL-UBND ngày 5-6-2014 của chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kết luận ông Hà Đức An - chuyên viên Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.” (Mai Hương, báo Tuổi Trẻ)
Nguyễn Phú Trọng đe dọa ai?
Tham nhũng như thế thì tất nhiên đó là hậu quả của vấn đề nan giải “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang diễn ra trong nội bộ đảng CSVN.
Tin trong nước của nhiều giới cán bộ và trí thức đã xác nhận có rất nhiều đảng viên đã tự xa lìa đảng, vì họ không còn tin vào khả năng chống tham nhũng và làm sạch bộ máy nhà nước của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bởi vì trong khi lãnh đạo đảng hô hào “cần, kiệm, liêm, chính” thì chính họ hay anh em dòng tộc và bạn bè họ lại cứ tự do tham nhũng đến giấu nứt mắt. Khi ông Trọng ra lệnh phải “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” thì ai ở Việt Nam cũng thấy ông là người giáo điều, bảo thủ, chậm tiến và lạc hậu đến cùng cực.
Bởi vì trên thế giới ngày nay chỉ còn 4 nước tiếp tục “cố đấm ăn xôi” theo Chủ nghĩa Cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, nhưng Cuba đã ngả sang Mỹ sau khi nối lại bang giao còn Bắc Hàn thì nghèo mạt rệp. Chỉ còn lại duy nhất có Trung Quốc giàu có nên đã nắm đầu buộc Việt Nam đi theo để được bảo hộ kinh tế mà tồn tại.
Vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng đã mất bình tĩnh khi thấy đảng đang rã ra từng mảnh vì “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên” và vô số người dân không còn tin vào đảng nữa.
Dù vậy, ông vẫn cương khi nói tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 9/12/ (2016) tại Hà Nội: “Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực; đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.”
Nhưng nói rồi, nhìn nhận khuyết điểm xong có sửa được không?
Bằng chứng là chính ông Trọng cũng không chống nổi tham nhũng và không ngăn cản được cán bộ, đảng viên và người dân bỏ đảng đi kiếm ăn là nhu cầu thiết yếu và thực tế hơn bây giờ.
Nhưng không riêng ông Trọng đã đe dọa những ai chỉ trích đảng mà ngay cả báo Quân đội Nhân dân cũng vào cuộc để tát nước theo mưa khi họ quanh co để đùn đây trách nhiệm và đổ lỗi.
Quân đội Nhân dân viết trong bài “Không cho phép xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta”: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nguồn gốc sâu xa, diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ trước. Lẽ tất nhiên sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước hết thuộc trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, sự suy thoái còn liên quan đến môi trường kinh tế thị trường, đến thể chế một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền... Vấn đề kiểm soát quyền lực như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chỉ tùy thuộc vào quyết định của Đảng mà còn tùy thuộc vào thể chế của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành một cách thận trọng, bài bản... Với sự quyết tâm của Đảng, sự đồng tình của nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”... do Đảng ta khởi xướng.”
Kết luận, Tác giả Bắc Hà của QĐND cũng lên giọng thách đố: ”Chúng ta không cho phép bất cứ ai được xuyên tạc về những kết quả đã đạt được bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này.”
Chả ai muốn tranh cầm cờ với ông Trọng hay Bắc Hà để đi tiên phong trong trận chiến chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và chống “tham nhũng”. Những kẻ đang quay lưng lại với đảng và tham nhũng là người của đảng thì đảng phải lo một mình chứ biết trông chờ vào ai bây giờ?
16.12.2016
0 comments:
Post a Comment