Le Nguyen (Danlambao) - Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu đứng lên đấu tranh giành độc lập vào năm 1775, tuyên bố tuyên ngôn độc lập năm 1776 đến năm 1783 hoàn toàn được độc lập, tự do từ tay thực dân đế quốc Anh và cho mãi đến năm 1788 mới hoàn tất hiến pháp sau nhiều lần sửa đổi, phê chuẩn của 13 thuộc địa Hoa Kỳ. Một năm sau 1789 vị lãnh đạo, người đứng đầu quốc gia với danh xưng tổng thống được bầu chọn gọi là nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân đầu tiên của nhân loại ra đời, thay đổi mô hình cai trị quân chủ, người đứng đầu nhà nước được gọi là vua thay nhau truyền đời cai trị, không qua người dân bầu chọn đã lỗi thời không còn hữu hiệu trong mô thức cai trị các xã hội loài người.
Theo lịch sử Hoa Kỳ, trước khi Đế quốc Anh xâm chiếm đất Hoa Kỳ làm thuộc địa thì ở nơi đây đã có nhiều bộ tộc da đỏ sinh sống... cùng nhiều di dân có nguồn gốc, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo... khác nhau đến từ Âu Châu lập nghiệp. Họ đến Hoa Kỳ thuở đó được gọi là miền đất hứa cho con người sinh sống có nhiều lý do: Người nghèo khổ muốn phiêu lưu mạo hiểm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn; Kẻ bất đồng chính kiến, xung đột tôn giáo, không được tự do bị giai cấp cầm quyền đàn áp phải rời sinh quán, tìm nơi sống an toàn hơn; Số khác là tội phạm bị truy nã, là tù nhân được thương lượng, chấp nhận di cư để thay cho án tù...
Song song với những di dân mưu cầu hạnh phúc mong tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, là bộ máy xâm lược của chủ nghĩa thực dân đem theo lực lượng quân sự, dân sự để phục vụ cai trị... Các đại công ty tư bản chiêu mộ lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu thương mãi, sản xuất... Các giai cấp quí tộc lãnh chúa Âu châu thuê mướn kẻ hầu người hạ, mua nô lệ phi châu làm việc trong các đồn điền, nông trại...
Nói tóm lại, Hoa Kỳ lập quốc trên nền tảng dân tộc không đồng nhất, tín ngưỡng nhiều dị biệt, dân trí chưa cao, tư tưởng độc tài của các lãnh chúa, bản chất bóc lột của tư bản, tham vọng thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc chưa bị đẩy lùi và chế độ chiếm hữu nô lệ vẫn tồn tại. Có nghĩa rằng xã hội Hoa Kỳ thời lập quốc còn nhiều bất công, những mặt xấu của quân chủ phong kiến, của nhà nước đế quốc tư bản Âu Châu bị người dân bị trị chống đối, lên án chưa bị bứng tận gốc và chất keo gắn kết người dân Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ đấu tranh giành độc lập bước đầu chỉ là bản tuyên ngôn độc lập triển khai tư tưởng khai sáng của triết gia John Locke có nội dung:
“...Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền này, các chính phủ được lập ra, quyền lực muốn được chính danh phải dựa trên sự đồng thuận của người dân. Rằng bất cứ khi nào một chính quyền phá vỡ những mục tiêu nêu trên, người dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền, lập nên chính quyền mới, đặt trên nền tảng, trên nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành sao cho có hiệu quả nhất đối với sự an toàn và hạnh phúc của người dân...”
Hơn 10 năm sau tuyên bố Tuyên Ngôn Độc Lập, năm 1788 bản Hiến Pháp hoa Kỳ, bản giao kèo, thỏa thuận giữa người dân với chính quyền ra đời, phác thảo mô hình cai trị mới, người tham gia việc nước do dân bầu chọn với tam quyền phân lập gồm ba ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp hoạt động độc lập cùng vói các quy định quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân – không phân biệt người dân, công nhân, viên chức hay lãnh đạo tối cao nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Bản văn Hiến Pháp Hoa Kỳ dựa trên nền tảng lý thuyết khế ước của chính trị gia, triết gia Montesquieu được mở đầu như sau:
“Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với mục đích tạo dựng sự liên kết hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, bảo đảm an ninh trong nước, dự liệu cho phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững sự thiêng liêng của tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.”
Với hai bản văn của những tờ giấy thô sơ mang tên Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến Pháp chứa đựng những tư tưởng tiến bộ ở tầm cao trí tuệ của những bộ óc vĩ đại của nhân loại, khẳng định quyền cơ bản của con người, về cơ cấu tổ chức nhà nước, về trách nhiệm, quyền hạn của những người sống chung trong xã hội cộng đồng, quốc gia với hệ thống thông tin hạn chế, mặt bằng dân trí chưa cao và kẻ thù của những tư tưởng cải cách tiến bộ còn mạnh. Hiện diện ở khắp mọi nơi không có gì bảo đảm tương lai cho một nước tân lập như Hoa kỳ. Thế nhưng, quốc gia hoa kỳ vẫn đứng vững, tồn tại và phát triển trở thành siêu cường, quả là điều kỳ diệu.
Đọc lịch sử Hoa Kỳ không ai có thể phủ nhận qua gần một phần tư thiên niên kỷ, nghĩa là gần 250 năm xây dựng pháp triển, Hoa Kỳ chưa bao giờ là một quốc gia hoàn hảo, nó luôn tồn tại nhiều thứ chưa tốt, đúng hơn là xấu mà loài người tiến bộ lên án như:
Một là sau gần 100 năm Hoa Kỳ lập quốc (1776) phải trả giá hàng triệu sinh mạng cho cuộc nội chiến Bắc-Nam (1861-1865) chế độ chiếm hữu nô lệ mới được giải phóng hoàn toàn.
Hai là sau 150 năm người phụ nữ hoa kỳ mới được quyền đi bầu cử, được tham gia bồi thẩm đoàn, được sở hữu tài sản như người nam và người bản địa da đỏ mới được luật định công nhận là công dân Hoa Kỳ.
Ba là phân biệt chủng tộc nơi trường học, chỗ làm việc và các khu công cộng chỉ mới được bãi bỏ trên dưới 50 năm nay thôi...
Thế nhưng, chính cơ cấu tổ chức chính quyền tạo điều kiện cho nó, tự kiểm soát, tự điều chỉnh nên những khiếm khuyết dần dần bị loại bỏ, xã hội mỗi ngày một hoàn thiện hơn.
Trong lúc nhà nước dân chủ Hoa Kỳ loay hoay thực hiện những giá trị tiến bộ, những quyền lợi thiết thực được cam kết từ bản tuyên ngôn độc lập và hiến pháp Hoa Kỳ. Tiến trình biến lý thuyết thành hành động xảy ra rất chậm, rất khiêm nhường thậm chí gây thất vọng cho một số ít người dân hoa kỳ thì ở Nga trong năm 1917 có hai cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản vào tháng 02/1917 do nhiều đảng phái cách mạng, tổ chức yêu nước cùng đứng lên lật đổ nhà nước quân chủ chuyên chế Nga Hoàng và cuộc cách mạng tháng 10/1917 do đảng cộng sản lật đổ nhà nước dân chủ tư sản sơ khai để tiến hành cách mạng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cả hai cuộc cách mạng thành lập nhà nước dân chủ Hoa Kỳ, và dân chủ Nga Sô. Trên hình thức tổ chức nhà nước, cả hai đều cho rằng nhà nước của họ là nhà nước của dân do dân vì dân nhưng xét từ bản chất thì nhà nước dân chủ Hoa Kỳ có nhiều khác biệt gần như đối lập với nhà nước dân chủ Nga:
Nhà nước dân chủ Hoa Kỳ thực hiện tiến bộ xã hội dựa trên đối thoại, trên nền tảng luật pháp, có nguyên tắc tự kiểm soát, tự điều chỉnh của hệ thống nhà nước và nguyên tắc đồng thuận của người dân.
Nhà nước dân chủ Nga Sô chủ trương cách mạng triệt để toàn diện và đường lối đảng cộng sản lãnh đạo theo tư duy, duy ý chí vẽ ra thiên đường hạ giới xã hội chủ nghĩa là luôn luôn đúng, là sáng suốt tài tình, không cần thông qua luật pháp từ ý chí, nguyện vọng của toàn dân, ai trái ý là bị tiêu diệt!
Thế cho nên, trước cũng như sau khi cướp được chính quyền từ tay nhà nước dân chủ tư sản, những đảng phái cách mạng đã cùng đứng chung hàng ngũ với đảng cộng sản lật đổ Nga Hoàng, lần lượt bị thanh toán cũng như những tàn tích chế độ cũ bị xóa bỏ, những người liên hệ với chế độ, kẻ thù giai cấp như quân cán chính chế độ cũ, tư bản trí thức tiểu tư sản, địa chủ ác ghê, giáo sĩ phản động... đều bị thủ tiêu, hành quyết hoặc đưa đi lao động khổ sai.
Song song đó nhà nước dân chủ Nga hủy bỏ chế độ nông nô, xóa bỏ chính sách phân biệt đối xử kiểu cộng sản, quốc hữu hóa nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, truất quyền sở hữu đất đai trao lợi quyền về cho giai cấp công nhân, nông dân phát huy quyền làm chủ tập thể, xóa bỏ hệ thống kinh tế tự do, thiết lập nền kinh tế chỉ huy tiến hành xây dựng mô hình tổ chức nhà nước Sô Viết dân chủ xã hội chủ nghĩa!
Để thực hiện cách mạng triệt để với bàn tay sắt, bên cạnh việc sử dụng quyền lực nhà nước thanh toán các đối thủ chính trị hoặc những người không ủng hộ cộng sản qua thủ đoạn ngụy tạo chứng cớ, kết tội phá hoại và gián điệp tưởng tượng. Lenin còn cho mật vụ (Cheka tiền thân của KGB) thi hành chính sách “khủng bố đỏ” ám sát, thủ tiêu nhằm khủng bố tinh thần các phần tử chống đối, lưng chừng ở bên ngoài và nghi ngờ mất lập trường, chao đảo cách mạng ở bên trong đảng cộng sản.
Đến khi thanh toán hết các kẻ thù cách mạng, kẻ thù giai cấp tưởng tượng, các đối thủ chính trị, các đảng phái cách mạng, các tổ chức yêu nước khác với cách đảng cộng sản yêu nước và đến lúc tất cả kẻ thù của cách mạng không còn là mối đe dọa cho nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa Sô Viết cũng là lúc tham vọng quyền lực trong nội bộ lãnh đạo đảng cộng sản nổi lên, ngay cả lúc Lenin, linh hồn của cách mạng Nga còn sống nhưng tất cả đều thất bại trước một “đồng chí” Stalin bạo tàn.
Những “đồng chí” lãnh đạo cao cấp của đảng Bolshevik, có công lớn với cách mạng, trung thành với lý tưởng cộng sản bị Stalin thanh toán trong cuộc chạy đua giành quyền lực gồm có các ông Trotsky, Kamenev, Zinoviev, Bukharin, Rykov, zhukov... cùng với nhiều sĩ quan trung, cao cấp của Hồng Quân Liên Sô, những người đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu dưới ngọn cờ cộng sản, số bị trục xuất, số bị lưu đày trong các trại lao động khổ sai gulag hoặc bị hành quyết dưới tham vọng quyền lực điên cuồng của Stalin.
Về cuộc cách mạng dân chủ Hoa Kỳ, những nhà lãnh đạo, bạn chiến đấu giành độc lập và phát triển hoa kỳ không có đoạn kết bi thảm như các lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ Nga Sô. Họ sống đẹp xứng đáng cho nhân loại ngưỡng mộ, họ không mê cuồng chém giết nhau vì quyền lực, những Goerge Washington, John Adams, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, John Jay, Alexander Hamilton, James Madison, Partrick Henry, George Mason... chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, chấp nhận sự chọn lựa của người dân vào vị trí lãnh đạo tối cao của nhà nước, họ biết thượng tôn luật pháp, biết “sống, làm việc theo hiến pháp và luật pháp.”
Riêng mô hình tổ chức cai trị của nhà nước Sô Viết được gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, luật pháp do họ làm ra bất chấp đạo đức, bất chấp thủ đoạn với chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện, giết lầm hơn bỏ sót thẳng tay quét sạch loại trừ kẻ thù giai cấp, các thế lực thù địch, phản cách mạng, chống phá ngăn cản xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Dù vậy, họ vẫn không thực hiện được mục tiêu của tuyên ngôn cộng sản, của học thuyết Marx, của chủ nghĩa Marx-Lenin: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại... trong cuộc cách mạng này, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích nô lệ...xây dựng xã hội, xã hội chủ nghĩa không còn cảnh người bóc lột người... làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu...”
Có thể nói nhà nước Nga đã có khởi đầu tốt, thuận lợi cho cách mạng dân chủ hơn nhà nước Hoa Kỳ bởi nhà nước Hoa Kỳ không có quyền lực tuyệt đối và phải luôn thỏa hiệp nhân nhượng với nhiều mặt tiêu cực, xấu của xã hội còn nhà nước Nga làm cách mạng triệt để, không ngần ngại sử dụng bạo lực cách mạng đập tan mọi thế lực phản động để xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Do đó trên căn bản nền tảng phát triển về mặt hình thức, nhận định chủ quan của đảng cộng sản thì nhà nước Nga đã xóa sạch những mặt tiêu cực, xấu với một lực lượng nhân sự có tính chiến đấu cao, giữ vững lập trường giai cấp, đồng nhất thống nhất tư tưởng cách mạng chiếm ưu thế, vượt trội hơn hẳn nhà nước Hoa Kỳ về mọi phương tiện và cả về mặt con người.
Thế thì tại sao nhà nước xấu xa dân chủ “giả hiệu” Hoa Kỳ như hệ thống tuyên tuyền của nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa lên án, vẫn tồn tại và phát triển không ngừng về hướng tốt đẹp hơn cho người dân Hoa kỳ. Còn nhà nước Nga, mô hình tổ chức cai trị ưu việt, một nhà nước dân chủ vạn lần hơn... đã bị người dân chính nơi sản sinh ra nó từ bỏ xa lánh, đang dần suy tàn đi vào cõi “âm” không kèn không trống?
Có lẽ, thất bại hay thành công của cách mạng dân chủ Hoa Kỳ và Nga Sô, tựu trung vào mô hình, cơ cấu, hệ thống tổ chức nhà nước, vào tư tưởng nằm bên trong bản văn tuyên ngôn độc lập “...mọi người sinh ra đều bình đẳng...” Bản hiến pháp Hoa Kỳ “...quy định tam quyền phân lập...” Bản tuyên ngôn quốc tế cộng sản “...Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại...” Học thuyết Marx “...xóa bỏ bất công, không còn cảnh người bóc lột người...” Chủ nghĩa Marx-Lenin “thực hiện cách mạng dẫn dắt năm châu đến thế giới đại đồng...” và tư tưởng nào đáp ứng được ý chí nguyện vọng, tạo điều kiện cho con người phát triển cũng như thích ứng với nhu cầu phát triển thuận lẽ tự nhiên sẽ được sự ủng hộ của loài người bằng không sẽ bị đào thải như quy luật, như tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người vốn có.
Viết về cách mạng dân chủ Hoa Kỳ và cách mạng dân chủ Nga Sô, là hai mô hình tổ chức cai trị đã hóa giải, đáp ứng được giai đoạn khủng hoảng cũng như thoái trào của độc tài quân chủ, của thực dân đế quốc và sức lan tỏa của hai cuộc cách mạng này ảnh hưởng, chi phối đến đời sống của toàn nhân loại trong đó có dân tộc Việt Nam. Đến hôm nay đọc lại, chiêm nghiệm diễn tiến cách mạng trước, trong, sau của hai cuộc cách mạng tiêu biểu Hoa Kỳ, Nga Sô để nhận biết mô hình tổ chức nhà nước nào là đúng đắn phù hợp với văn minh tiến bộ của loài người và mô hình tổ chức nào là phản động chống lại loài người tiến bộ? Tất cả không ngoài mục đích khai thông bế tắc, khai mở hướng đi cho dân tộc Việt Nam hội nhập vào thế giới văn minh của nhân loại thời hiện đại.
0 comments:
Post a Comment