Trần Nhật Phong (Danlambao) - Cơn cuồng phong Matthew càn quét vùng Đại Tây Dương, “khủng bố” các quốc gia bao gồm Haiti, Jamaica, Cuba, Cộng Hòa Dominican, Bahamas, cùng các tiểu bang nằm ở miền đông và đông nam Hoa Kỳ Florida, Georgia, cũng như South Carolina, tổng cộng đã có hơn 1,000 người thiệt mạng, riêng tại Florida cho đến khi bài viết này lên khuôn, thì các báo cáo của đài truyền hình CNN nói rằng có 4 người thiệt mạng.
Tổng số thiệt hại vẫn chưa được đánh giá cho đến thời điểm này, tuy nhiên tại Florida, đã có hơn một triệu người được lệnh di tản, hàng triệu ngôi nhà đã bị mất điện khi cơn cuồng phong quét vào đây. Các hình ảnh tàn phá của cơn bão đã được nhiều đài truyền hình của Hoa Kỳ tường trình khá đầy đủ.
Trước khi cơn bão tiến vào lãnh thổ Hoa Kỳ, Thống Đốc tiểu bang Florida đã khuyến cáo người dân nên di tản, ra lệnh cho vệ binh quốc gia sẵn sàng ứng chiến 24/24. Tổng Thống Hoa Kỳ ban hành tình trạng khẩn cấp, đây được mô tả là một sắc lệnh, theo đó sẽ bao gồm việc huy động các cơ quan công lực của chính phủ phải sẵn sàng để đối phó với thiên tai như cảnh sát, lính cứu hỏa, vệ binh quốc gia, lực lượng tuần duyên, các cơ quan cứu trợ khẩn cấp của chính phủ như Fema, hay các tổ chức thiện nguyện như Hồng Thập Tự phải chuẩn bị sẵn sàng những cần thiết để hổ trợ nạn nhân thiên tai. Các cơ quan chính phủ, các trường học, công sở được lệnh đóng cửa, kể cả các cơ sở thương mại tư nhân. Còn các cư dân, trước khi di tản, cũng phải thực hiện những căn bản ứng phó thiên tai như dùng bao cát ngăn chặn nước ngập, hay dùng ván đóng chặt các cửa sổ, chuẩn bị các vật dụng cần thiết, như nước, đèn pin và thực phẩm.
Các đài truyền hình liên tục đưa tin, các đài truyền thanh, đặc biệt là hệ thống phát thanh qua các làn sóng AM - FM, đều có những cảnh báo từ văn phòng chính phủ, hướng dẫn công chúng ứng phó với thiên tai, cũng như túc trực những số điện thoại liên lạc cần thiết để người dân có thể cầu cứu bất cứ giờ phút nào.
Tất cả chỉ là những căn bản bình thường ở các khu vực bờ biển miền đông Hoa Kỳ, nơi mà hàng năm vẫn đương đầu với các trận bão từ Đại Tây Dương, hay những tiểu bang thường xuyên bị lốc xoáy, kể cả các khu vực thường xuyên bị động đất như tiểu bang Calfornia, nơi tôi đang sinh sống.
Cách đây 2 năm, khi xảy ra vụ cậu thiếu niên da đen Michael Brown 18 tuổi bị cảnh sát người da trắng bắn thiệt mạng, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo loạn của cộng đồng người da đen trên toàn quốc, Tổng Thống Obama, các chính trị gia ở Thượng Viện lẫn Hạ Viện đồng loạt lên tiếng kêu gọi công chúng bình tỉnh, kêu gọi cảnh sát tự chế các hành động, thậm chí có những vị dân cử xuống tận Ferguson tìm hiểu, tiếp xúc và giải quyết những bế tắc về cách ứng xử của cơ quan công lực và công chúng.
Các sự việc trên, cho thấy tinh thần trách nhiệm của những lãnh đạo được người dân bầu lên, họ phản ứng ngay lập tức, đáp ứng những đòi hỏi từ các cử tri, người dân, những người đã bầu họ vào vị trí lãnh đạo.
Nhưng Hoa Kỳ và một số nước văn minh tây phương cũng không phải là nơi duy nhất mà sinh mạng và tài sản được bảo vệ đến nơi đến chốn, vẫn còn những nơi khác cũng có những phản ứng tương tự, điển hình là vùng đất thuộc quyền quản lý của Formosa Hà Tỉnh.
“Công dân” của Formosa được đối xử “trên cả tuyệt vời”, họ không những được “tính nhầm thuế”, thậm chí còn được miễn thuế, năm ngoái họ còn được đề nghị trở thành vùng “tự trị kinh tế”, và trước ngày xảy ra “thiên tai”, họ còn được đích thân lãnh đạo tối cao của đảng cầm quyền đến “thăm viếng”, “động viên” và “ưu đãi”.
Khi xảy ra “tai nạn”, Formosa được văn phòng chính phủ ưu ái đến mức kêu gọi người dân “khoan dung, độ lượng” với “tai nạn môi trường”.
Khi áp lực của người dân sinh sống xung quanh vùng “lãnh thổ” này tăng “đột biến” Formosa bị phạt vạ “500 triệu Mỹ kim”, đúng với số tiền mà chính phủ phải bồi thường cho Formosa trong vụ “bị thiệt hại nặng nề” bởi các “phần tử khủng bố” trong sự kiện giàn khoan HD – 981 trước đó. Xem như là “huề vốn”.
Khi “công dân” Formosa bị những “thế lực thù địch” khởi kiện, thì ngay lập tức tòa án bác bỏ đơn kiện vì “không thể chứng minh thiệt hại”, và hôm 2 tháng 10 vừa qua, khi Formosa có dấu hiệu bị “xâm lăng” bởi hơn 10,000 “kẻ vô công rổi nghề chơi Face book”, thì chính phủ đã phái ngay lực lượng Cảnh Sát Cơ Động đến bảo vệ cho tài sản và “công dân” của Formosa.
Chưa dừng ở đó, để ngăn chặn những cuộc “xâm lăng” trong tương lai có thể gây thiệt mạng cho tài sản và sinh mạng của “công dân” Formosa, chính phủ đã ra lệnh cho báo chí “vạch ra” âm mưu của các linh mục địa phương ở Hà Tỉnh muốn “đe dọa” đến những “công dân tốt” của Formosa, trong khi cùng một lúc điều động nhiều xe cơ giới, binh lính nói “tiếng lạ” đến bảo vệ cho “công dân” Formosa, thậm chí lập hàng rào kẽm gai, sẵn sàng dập tắt bất cứ cuộc “xâm lăng” nào có thể diễn ra.
Làm “công dân” Formosa quả thật quá hạnh phúc, được chính phủ CSVN chăm sóc cẩn thận, chu đáo từng ly từng tý, chưa chắc công dân ở Hoa Kỳ đã được ông Obama đối xử “tuyệt vời” như vậy.
Hàng triệu người dân miền Trung, đặc biệt là những người dân sinh sống ở Hà Tỉnh, Nghệ An, “láng giếng” của “lãnh thổ” Formosa đang khao khát rằng “phải chi được đãi ngộ giống Formosa” thì hay biết mấy, hạnh phúc dường nào.
Không chỉ có người dân miền Trung mà người dân của cả đất nước Việt Nam cũng vẫn đang mơ mộng được làm “công dân Formosa”.
TP HCM “thất thủ” vì kẹt xe trời mưa, phi trường Tân Sơn Nhất lao đao vì ngập lụt, dân chúng Sài Gòn phải ngửi mùi “cứt đái nổi lềnh bềnh”, thì ông Bí Thư Thành Ủy họ Đinh vẫn “nhàn nhã” đi cắt tóc rồi cho em út “chụp hình” khoe rằng “bình dân”.
Hà Nội chìm đắm trong không khí ô nhiễm được xếp hàng thứ hai trong khu vực, ông Thủ Tướng và phó Thủ Tướng vẫn “vô tư” ngồi ăn phở uống Café ở Sài Gòn, và được báo chí ca ngợi là “giống Obama”.
Hồ Tây cá chết, đồng bằng sông Cửu Long bị nhập mặn, cá xuất cảng bị nhiễm kim loại không được vào thị trường Âu châu, gạo bị chận nhập cảng vào Hoa Kỳ, thép mạ bị tố cáo là phá giá và không khai rõ nguồn từ Trung Quốc, “cụ tổng” và “anh cả” vẫn tuyên bố rằng sẽ “bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh”.
Hình ảnh Tổng Thống Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Florida có khác gì cảnh sát cơ động và quân đội được điều động đến bảo vệ cho “lãnh thổ” Formosa đâu?
Hình ảnh các Thượng Nghị sĩ, Hạ Nghị Sĩ Hoa Kỳ đến tận nơi vụ bạo loạn ở Ferguson, có khác gì gì hình ảnh “cụ tổng” đến thăm viếng Formosa?
Thế mà cái đám “lề dân” lếu láo dám nói rằng đảng và nhà nước không lo cho dân là thế nào?
TP HCM ngập lụt là do “thiên tai” nguyên nhân “khách quan”, Hà Nội bị ô nhiễm là do “nhân họa” nguyên nhân “chủ quan”, nào phải do đảng và nhà nước đâu? Cứ nhìn sự ‘hạnh phúc” của “công dân Formosa”, đủ thấy mọi việc đã đúng “qui trình” của Xã Hội Chủ Nghĩa rồi, còn muốn gì nữa, đây không phải “thiên đàng” thì là gì?
Chỉ có “nhóm nhỏ” thuộc đối tượng “kẻ vô công rổi nghề chơi Facebook”, và “thế lực khủng bố thù địch” là kêu ca “chống phá” thôi, đại đa số “công dân Formosa” đều cảm thấy hạnh phúc khi sống trên “lãnh thổ” đằng sau bức tường hàng rào kẽm gai, ai dám nói rằng “thiên đường không hạnh phúc”?
Những kẻ đòi “thay đổi” chỉ là những kẻ không hiểu biết và “thiếu khách quan”, Việt Nam có “bản sắc” riêng và nền “văn hóa khác biệt với trái đất”, thì làm thế nào giống nơi khác được. Có quốc gia nào có nền văn hóa “rút kinh nghiệm” như Việt Nam không? Có quốc gia nào có “đặc thù” gian lận học vấn, dùng bằng giả vẫn lên chức như Việt Nam không? Có quốc gia nào mà lãnh đạo can đảm thề “làm người tử tế” sau khi hết nhiệm kỳ như Việt Nam không? Đó chính là sự “khác biệt văn hóa” giữa Việt Nam và mặt bằng quốc tế, làm sao họ có thể “bắt chước” Việt Nam được?
Lãnh đạo Việt Nam đều là những người có “tầm nhìn xa”, nên mọi việc đều tập trung vào “vĩ mô”, ba cái chuyện “lặt vặt” như “ô nhiễm môi trường”, “cá chết”, “tham nhũng”, “quan liêu”, “cả họ làm quan”, “thất thoát ngàn tỉ” chỉ là những chuyện “bé như cái móng tay”, có gì mà ầm ĩ, có gì quan trọng bằng “nhận thức vĩ mô”? Những kẻ suốt ngày cứ nhai đi nhai lại “luận điệu xuyên tạc” trên chỉ là những kẻ “dân trí thấp”, chim se sẽ là sao biết được chí đại bàng?
Tóm lại những kẻ “đòi” phải “xóa sổ” Formosa là những kẻ “phản quốc”, cần phải nghiêm trị, “công dân Formosa” chính là điển hình của một “xã hội được đảng và nhà nước yêu mến đến tận răng”, Hoa Kỳ mất đến hơn 200 năm mới đạt đến nền tảng xã hội “tương tự” như “công dân Formosa” mà đảng và nhà nước chỉ tốn có vài năm là đạt được.
Do đó đừng bao giờ so sánh đất nước Việt Nam với đất nước Hoa Kỳ, vì đó là sự so sánh “lệch lạc”, “thiếu khách quan”, nếu muốn so sánh, hãy so sánh “lãnh thổ” Formosa với Florida để xem “công dân” nơi nào hạnh phúc hơn nhé.
09.10.2016
0 comments:
Post a Comment