Author: Ngọc Đoàn | Source: Calitoday | Posted on: 2016-10-08 |
Cali Today News – Tuần vừa qua, kênh truyền hình CNN vừa phát một phóng sự về quán “bún chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên-Hà Nội và người dẫn chương trình Anthony Bourdain, người đã từng thưởng thức bún chả với tổng thống Obama trong chuyến công du sang thăm Việt Nam cách đây không lâu gọi đó là “món ăn đặc sắc của Việt Nam”. Với người Hà Nội và thực khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài ai yêu ẩm thực Hà Nội thì món “bún mắng, bún chửi” này chẳng mấy xa lạ. bà chủ quán thì mắng chửi thực khách không ngừng, thực khách đến ăn thì cứ im lặng mang nhục mà ngồi ăn. Nhiều người Việt Nam trong nước rộn ràng chia sẻ phóng sự về quán “bún chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên được chiếu trên kênh truyền hình CNN, như niềm tự hào về nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Cá nhân tôi nghĩ điều này chẳng đáng gì tự hào, kênh truyền hình nổi tiếng CNN phát phóng sự này có lẽ vì họ thấy lạ bởi chưa bao giờ đi ăn trả tiền mà bị nghe chửi xối xả. Và chưa bao giờ khách hàng bị nghe chửi thẳng vào mặt mà không thấy tức giận, không đi kiện, thậm chí vẫn còn đến quán ăn để duy trì sự tồn tại lâu đời cũng như danh tiếng của quán trong nhiều năm qua.
Theo tôi được biết, Quán “bún chửi” là một quán nhỏ nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội chuyên bán các món bún như: Bún sườn móng giò, bún dọc mùng. Trong đoạn phóng sự trên kênh CNN, ngoài việc khen ngợi món bún chân giò dọc mùng, vị đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain còn dí dỏm ví von trên CNN, “món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này”. Ông Anthony Bourdain là người Mỹ không hiểu được tiếng chửi và sự nhục mạ thực khách của người bán hàng bằng tiếng việt thì đã đành. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là thay vì bất bình với thái độ bất lịch sự, bạo lực, vô văn hóa của người chủ quán vì chửi xối xả và miệt thị. sỉ vã người khác như là một dạng bạo lực, thì những người thực khách ở đây đều là người Việt Nam hiểu rõ tiếng mẹ đẻ lại biện hộ cho người “đàn bà chửi” đó, coi như một đặc sản văn hóa ẩm thực Việt Nam chứ không còn là văn hóa về đạo đức ứng xử. Khi nhìn thấy kiểu ứng xử của bà chủ quán chửi xối xả không ngừng vào mặt thực khách trong quán, Anthony Bourdain bình luận về những câu quát mắng, chửi rủa và cách ăn nói hàm hồ, khẩu khí của bà chủ quán: “Đây là các giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà”. Quả thật chắc ngoài quán bún Chửi ở giữa lòng thủ đô Hà Nội thì chắc khó tìm được quán ăn nào khác trên các nước mà tồn tại được lâu năm với tiếng chửi xối xả, mắng té tát vào mặt của bà chủ quán như thế. Chỉ vừa dừng xe trước quán, chưa kịp bước vô bên trong tìm chỗ ngồi đã được nghe giọng nói chát chúa bạo lực của bà chủ quán: “muốn ăn thì về nhà tự mua bún mà nấu ăn, đến đây làm gì cho chật quán”, “mắt mù không thấy quán bán bún gì à mà đòi ăn bún ốc?”, “không ăn thì biến đi cho rộng chỗ”, “chưa ăn đã đòi uống nước, ra khỏi quán của bà”, “mày muốn mua hai bát nhưng bà không thích bán, bà chỉ bán một bát, không ăn thì biến”, “bao nhiêu món ngon khác không ăn, chúng mày đến quán bà ăn làm gì để quán chật chội thế kia”, “tìm không thấy chỗ đậu xe thì cút, bà chẳng cần chúng mày vào đây ăn” …
Chỉ những việc nhỏ nhặt như xin ly nước uống, hỏi chỗ đậu xe, mà bà chủ quán đã chửi té tát vào mặt khách hàng những lời mỉa mai, xua đuổi trước mặt đám đông, trước cả ông đầu bếp Mỹ và ống kính truyền hình, trong khi những thực khách khác trong quán vẫn thản nhiên xì xụp, chăm chú vào tô bún, coi việc nghe chửi là chuyện đương nhiên. Nghe ăn vừa nghe chửi, cứ như là một món đặc sản có vị đặc biệt có một không hai trên thế giới. Tôi không biết những người đã và đang là khách hàng thường xuyên, nhẫn nhịn để ngồi vừa ăn vừa nghe chửi ở đó cảm giác như thế nào, chứ người có lòng tự trọng, chắc hẳn sẽ phản ứng dữ dội và không bao giờ trở lại quán lần thứ hai. Và hơn thế nữa sẽ là sự lên tiếng tẩy chay, để quán bún này không còn cơ hội tồn tại nữa. Bởi vừa mất tiền để mua miếng ăn với giá cả đắt đỏ hơn hẳn những quán khác, mà vừa được ăn chửi no nê, thì đó là đi ăn, đi thưởng thức ẩm thực hay đi xin ăn? Mà thực chất, một người nghèo đói đi xin ăn, cũng không thể chịu đựng những lời chửi mắng nặng nề như thế.
Tôi không hiểu nhiều người tự hào gì khi bao nhiêu tinh túy ẩm thực, văn hóa thanh lịch của người dân Tràng An, của thủ đô Hà Nội không được nhắc tới, không được truyền bá trên truyền thông với bạn bè quốc tế, mà lại là “bún chửi”, một lối hành xử nhếch nhác, thô lỗ và vô văn hóa âm thầm tồn tại giữa lòng thành phố thủ đô Hà Nội như vậy. Lạ một điều nữa là quán “bún chửi” diễn nhiên trở thành một loại đặc sản, một thứ hay ho, độc đáo len lỏi đi vào đầu óc không ít thực khách bao nhiêu năm nay. Người bán thì vô văn hóa, thực khách đến ăn lại không biết nhục. Cứ thế mà bao nhiêu năm qua thương hiệu và danh tiếng quán “bún chửi” được tồn tại và ngày càng nổi tiếng, nhiều người biết đến. Phải chăng văn hóa ứng xử xã hội của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam trong nước nói chung đang đi ngược với sự phát triển? Có lẽ những thực khách ở đây đang đánh mất lòng tự trọng của mình để vừa cắm cúi ngồi ăn vừa nghe chửi quên mất một điều, không nơi nào trên thế giới có hẳn một kho tàng những câu tục ngữ, ca dao, bút kí, truyện ngắn nói về miếng ăn như ở Việt Nam. Đó là lời nhắc nhở, lời dạy bảo dành cho người Việt Nam rằng miếng ăn là miếng nhục, đừng vì miếng ăn mà đánh mất cả lòng tự trọng hay lối sống cao đẹp của một con người
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nhiều người Việt dù đang sống trong nước hay ở hải ngoại vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại những ngày tháng thời bao cấp sống thiếu thốn, đặt gạch xếp hàng dài dằng dặc để có được miếng ăn, xếp hàng xin tem phiếu thực phẩm để mua đồ ăn, vải vóc, coi “thủ kho”, “nhà bếp” như người ban phát đặc ân. Dù có bị họ đối xử tệ bạc bằng những câu mắng chửi tét tát cũng phải ngậm ngùi im lặng. Hà Nội vẫn mãi là hình ảnh tiêu biểu đặc trung của những ngày tháng thời bao cấp. Vì vậy với nhiều người khi đến quán “bún chửi” sẽ mang cảm giác sống lại thời kỳ bao cấp ngày xưa. Thiết nghĩ Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, nhưng lại là nơi văn hóa kém phát triển nhất trên cả nước. văn hóa chửi, văn hóa chặt chém, dường như xuất hiện ở hầu hết các quán ăn trên mỗi con phố, ở mọi góc ngách của thành phố thủ đô. Thiết nghĩ chính quyền Hà Nội nên có một cuộc cách mạng về văn hoá ứng xử, để không làm mất đi vẻ đẹp về lối văn hóa thanh lịch của người Tràng An xưa nay. Đừng để lối ứng xử vô văn hóa của một bộ phận người Hà Nội âm thầm len lỏi phá đi nét văn hóa ẩm thực phong phú của người Việt Nam. Hi vọng hình ảnh quán “bún chửi” sẽ không trở thành trào lưu để rồi khi bạn bè quốc tế nhìn vào và nói rằng “chửi là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam, vừa đi ăn vừa nghe chửi là một đặc sản ở thủ đô Hà Nội”. Vì khi nghe thế, tôi chỉ thấy nhục, chứ không hề thấy chút gì tự hào về văn hóa cư xử hay văn hóa ẩm thực của người Việt chúng ta.
Ngọc Đoàn
---------
---------
Ý kiến độc giả:
Chỉ có người dân dưới chế độ Cọng Sản mới chấp nhận bị chưởi để được ăn, bởi trước mắt họ, chung quanh họ và trên đầu của họ đều là những kẻ khòm lưng cúi đầu trước đàn áp và bóc lột để được sống còn với chút hương vị vật chất do Đảng cung cấp. Đừng lấy đó làm lạ nhé. Sẽ còn mọc lên rất nhiều cửa hàng bún "chưởi", cháo "bò", cơm "lạy", cái cảnh mà nhiều người đã chứng kiến ở thời đại cường hào ác bá xa xưa, khi chỉ vì bát cơm mà phụ nữ phải bán thân làm tì thiếp hoặc ở đợ, đàn ông phải bán thân làm lao nô tôi tớ…
Chỉ có người dân dưới chế độ Cọng Sản mới chấp nhận bị chưởi để được ăn, bởi trước mắt họ, chung quanh họ và trên đầu của họ đều là những kẻ khòm lưng cúi đầu trước đàn áp và bóc lột để được sống còn với chút hương vị vật chất do Đảng cung cấp. Đừng lấy đó làm lạ nhé. Sẽ còn mọc lên rất nhiều cửa hàng bún "chưởi", cháo "bò", cơm "lạy", cái cảnh mà nhiều người đã chứng kiến ở thời đại cường hào ác bá xa xưa, khi chỉ vì bát cơm mà phụ nữ phải bán thân làm tì thiếp hoặc ở đợ, đàn ông phải bán thân làm lao nô tôi tớ…
Chỉ vì cam lòng chịu hèn cho nên dânViệt có thể mãi mãi là một dân tộc nô lệ.
Kim Hoa Bà Bà
0 comments:
Post a Comment