Thursday, September 22, 2016

Đài Loan xây gì trên đảo Ba Bình ?


AuthorMinh AnhSourceRFIPosted on: 2016-09-22


Đền biển Đài Loan dựng trên đảo Ba Bình (Itu Aba) trong Biển Đông. Ảnh chụp ngày 23/03/2016.REUTERS/Ministry of Foreign Affairs
Hôm thứ Ba, 20/09/2016, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một tờ báo địa phương Đài Loan cho biết phát hiện có “ bốn cấu trúc kiên cố ” được xây dựng trên đảo Itu Aba (mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình, đá ngầm lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, do Đài Loan kiểm soát và gọi là đảo Thái Bình). Giới chuyên gia đặt câu hỏi " Đài Loan xây gì trên đảo Ba Bình ? "
Theo trang mạng The Diplomat, ngày 21/09/2016, thì có nhiều lời đồn thổi tại Đài Loan cho rằng đó là các khẩu pháo phòng không đã được đặt trên đảo Ba Bình. Đặc biệt việc các quan chức chính phủ Đài Loan từ chối “ tiết lộ bất kỳ cơ sở quân sự nào trên đảo Thái Bình và mục đích của chúng là gì ” do tính chất bí mật, càng làm gia tăng các lời đồn đoán. Theo đó, Đài Bắc đã tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ trên đảo Ba Bình ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines. Trong phán quyết, Tòa cho rằng Ba Bình không phải là " đảo ", mà chỉ là " đá " và do vậy không có lãnh hải 12 hải lý.
Bất kể đó là cấu trúc gì, rõ ràng những cơ sở đó có tính chất rất nhậy cảm và dường như có liên quan đến mục tiêu an ninh. Tuy nhiên, theo The Diplomat, chưa hẳn là việc Đài Loan tăng cường hệ thống tên lửa địa đối không được thực hiện ngay sau phán quyết của La Haye. Có nhiều khả năng Đài Loan đã dự tính củng cố năng lực tình báo, giám sát và nhận dạng xung quanh đảo Ba Bình từ trước đó.
Dù Đài Bắc cho đến giờ vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình, muốn quốc tế công nhận Ba Bình như là một đảo thực thụ theo luật quốc tế, nhưng Đài Loan chưa bao giờ tìm cách hạn chế tự do lưu thông hàng hải trong lãnh hải hay vùng phụ cận của Ba Bình. Việc nâng cao khả năng do thám, giám sát, theo dõi (ISR) có thể cho thấy là Đài Loan quan tâm trực tiếp đến việc quản lý các hoạt động tầu thuyền trong vùng biển gần đảo này. Hơn nữa, các hệ thống phòng không, hệ thống Sky Bow (Thiên Cung - Tien Kung) và hệ thống phòng không Antelope, là những dàn di động.
Với việc Trung Quốc và các nước có đòi hỏi chủ quyền tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông, Đài Bắc, qua động thái này, dường như cũng dấn thêm bước nữa trong cuộc chạy đua này. Vào đầu năm nay, khi ông Gregory Poling thuộc tổ chức Asia Maritime Transparency Initiative và ông José Abeto Zaide của Manila Bulletin đến thăm đảo Ba Bình, cả hai ông đều không nhận thấy có sự hiện diện khả thi về những cấu trúc này hay như kế hoạch nào để thiết lập một cơ sở phòng không gần với đường băng ở phía tây Ba Bình.
Bất kể đó là cấu trúc gì, Đài Loan cũng không có ý định minh bạch. Phản ứng của Đài Loan về phán quyết ngày 12/7 của Tòa La Haye rõ ràng rất là tiêu cực. Trong khi đó, ngoại trưởng Đài Loan đánh giá việc phát hiện các cấu trúc kiên cố trên đảo Ba Bình là “ hoàn toàn không thể chấp nhận được ”.
Đài Loan kiên quyết chiếm giữ đảo Ba Bình trước tiên là để lưu thông tầu bè và sau đó là để hỗ trợ ngư dân của họ hoạt động xung quanh vùng biển này. Nhưng việc lắp đặt hệ thống phòng không trên đảo Ba Bình – tuy không hẳn giống như các nước có tranh chấp khác, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam đang có những tranh chấp trên Biển Đông – có lẽ lại là một động thái khiêu khích ngoài ý muốn của Đài Loan.
Tuy nhiên, The Diplomat tỏ ra thận trọng cho rằng một khi chưa có bằng chứng rõ ràng, tốt hơn hết cũng đừng nên vội vã kết luận về các ý đồ của Đài Loan.

0 comments:

Powered By Blogger