Author: Nam Nguyên | Source: RFA | Posted on: 2016-09-25 |
Một cánh đồng lúa khô hạn tại một tỉnh phía Nam vùng đồng bằng Sông Cửu Long hôm 2/3/2016. AFP photo
Biến đổi khí hậu, thủy điện các nuớc thượng nguồn làm giảm lưu lượng nước sông Mekong về Việt Nam. Nhưng việc phát triển đê bao ồ ạt ở đồng bằng sông Cửu Long để tăng diện tích sản xuất lúa, đặc biệt làm lúa vụ ba trong mùa lũ, đã làm cho khả năng chống hạn mặn ở khu vực này bị hạn chế, nếu chưa phải là vô hiệu hóa.
Các nhà khoa học đã nhiều năm liên tục báo động về việc hệ thống đê bao, bờ bao dài 13.000 km đã phá vỡ thiên nhiên, làm mất vùng trữ lũ khổng lồ ở khu vực tứ giác Long Xuyên. Ngày 20/9/2016 tại Đồng Tháp, trong cuộc tọa đàm với chủ đề ‘Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu”, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ đã hé lộ một chút hy vọng, khi ông đề cập tới việc phải nhất quyết giữ lại Đồng Tháp Mười.
SaigonTimes Online trích lời Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn khẳng định, Đồng Tháp Mười tuy có những công trình can thiệp về thiên nhiên, nhưng vẫn còn cơ may cuối cùng cho việc trữ nước, để rửa mặn cho cả Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô. Nhà khoa học về biến đổi khí hậu nói rằng, cần phải thay đổi tư duy, phải ngưng ngay việc mở đê bao sản xuất lúa vụ ba, chuyển những dự án thoát lũ ra biển Tây thành dự án gọi là “giữ lũ”. Vẫn theo lời Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, chỉ còn Đồng Tháp Mười mới cứu được Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cần chấp nhận sản lượng lúa sụt giảm và có một số nông dân bị ảnh hưởng.
Cơ hội cuối cùng
Trả lời Nam Nguyên vào tối 22/9/2016, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn giải thích rõ hơn về đề xuất của ông:
“Để chống lại hạn mặn hiện nay thì phải tìm cách giữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Coi lại vùng trũng nào có thể giữ nước được thì hiện nay chỉ có Đồng Tháp Mười là còn có cơ may trữ nước được. Tại vì vùng đó là vùng ngập sâu, các đê bao không có nhiều, chỉ có vùng phía Tây Đông Tháp Mười là có đê bao, còn vùng phía Đông giáp Long An thì chưa có đê bao nhiều. Tôi có đề nghị giữ lại vùng đó đừng có phát triển đê bao nữa và thiết lập một số công trình để giữ nước lũ lại, để dành cho mùa khô sắp tới. Sẽ dùng lượng nước đó để bổ sung cho những vùng bị thiếu nước và cũng không cần mở rộng diện tích canh tác lúa như hiện nay và nếu cần thì chỗ nào không đủ nước thì sẵn sàng bỏ lúa để trồng loại hoa màu khác tiết kiệm nước hơn. Đó là cơ may để có thể giảm bớt thiệt hại do khô hạn.”
Hệ thống đê bao khép kín để chống lũ, bảo vệ nhà cửa và sinh mạng người dân cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây, được khởi động trong thập niên 1990 dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đó tất cả các địa phương nằm trong vùng ngập lũ đều cố gắng thực hiện càng nhiều đê bao càng tốt, để tăng diện tích trồng lúa.
Lúc đầu nông dân rất phấn khởi vì có thể làm thêm vụ lúa thứ ba, thậm chí 7 vụ hai năm bên trong hệ thống đê bao khép kín. Sản lượng lúa gia tăng thấy rõ, đưa Việt Nam vào tốp 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy vậy các chuyên gia cũng đã cảnh báo trong vô vọng là làm lúa vụ ba về lâu dài không có lợi, đồng ruộng không được nước lũ làm vệ sinh, dịch bệnh sẽ phát triển, đất không được bồi dưỡng phù sa sớm bạc màu, nông dân sẽ tốn nhiều chi phí vì phải sử dụng nhiều phân bón. Sử dụng nhiều phân bón cũng là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Một con kênh khô cạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm 8/3/2016. AFP photo.
Trên quan điểm khoa học, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Chiếm giảng dạy ở Khoa Tài nguyên Môi trường Đại học Cần Thơ từng giải thích với chúng tôi:
Một con kênh khô cạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm 8/3/2016. AFP photo.
“Chẳng qua là người dân thấy cái lợi ích trước mắt, khi mà phát triển được ba vụ thì năng suất lúa sẽ thêm và hy vọng thêm thu nhập. Nhưng mà xét cho kỹ về mặt môi trường và phát triển bền vững thì cơ cấu đê bao khép kín như vậy thì không đạt hiệu quả, phải nói thẳng như thế. Khi khép kín như vậy thì trong những năm đầu tiên vì đất còn màu mỡ cho nên có khả năng cho năng suất, nhưng về lâu dài 5-7-10 năm thì một số nông dân đã thấy được cái đê bao khép kín không mang lại hiệu quả tốt hơn và cá không còn, mùa lũ cá không vào được. Thứ hai nữa các thứ phân bón, thuốc trừ sâu không được thoát đi mà tồn đọng trong đất ở vùng lúa ba vụ nằm trong đê bao.”
Được biết, hệ thống đê bao và bờ bao vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài 13.000 km, trong đó riêng bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa hè thu dài 7.000 km. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua 20 năm sống và canh tác trong các đê bao, ba vụ lúa quanh năm bao gồm đông xuân, hè thu và thu đông. Cho đến cuối tháng 6/2016 Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vẫn kêu gọi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tối đa lúa vụ ba, để bù sản lượng sụt giảm hồi đầu năm. Sự kiện này cho thấy, cả Chính phủ lẫn người dân đều chưa sẵn sàng cho bất cứ kế hoạch nào, tiến tới phá bỏ đê bao từng phần hoặc toàn phần.
Bỏ đê bao dân đi đâu
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó Viện Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nhận định:
“Theo tôi bây giờ chuyện phá đê bao là rất khó, bởi vì người dân sống ở trong đê bao, nhà cửa làng xã, đường xá, mùa màng cây trái, mồ mả ở vị trí thấp, bây giờ phá đê bao thì ảnh hưởng người dân rất nhiều. Bây giờ chỗ nào lỡ làm rồi thì tạm thời để như vậy, khi nào người dân thấy cần thiết phải trữ nước lại thì họ di dời nhà cửa ở đâu được, thì từng bước mình sẽ khôi phục dần dần. Nhưng điều quan trọng bây giờ là đừng có mở rộng thêm nữa và giữ lại những chỗ nào chưa có đê bao bằng cách làm ra những hệ thống giữ lũ lại, thì lúc đó cơ may còn có nước để sử dụng cho mùa khô.”
Bên lề cuộc tọa đàm mang tên ‘Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu’ Thời báo Kinh tế Saigon Online trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và môi trường. Theo vị chuyên gia,vùng Tứ giác Long Xuyên hiện có 1.100 km2 diện tích nằm bên trong đê bao để sản xuất lúa vụ ba và điều này khiến không gian trữ lũ nhanh chóng giảm xuống, từ mức 9,2 tỉ m3 nước vào năm 2.000 xuống chỉ còn 4,5 tỉ m3 vào năm 2011, tức không gian chứa nước lũ đã giảm hơn một nửa.
Tính đến 2016, Đồng bằng sông Cửu Long trải qua ba năm không có lũ lớn, tuy rằng từ bao đời nay mùa nước nổi là một hình ảnh quen thuộc của khu vực này. Nếu không có lũ đủ lớn thì đâu còn câu chuyện thiết lập vùng trữ lũ hay trả lại những vùng ngập lũ cho thiên nhiên. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn giải đáp câu hỏi này:
“… Không phải năm nào cũng bị khô hạn có thể là vài ba năm khô hạn kéo dài, đến một năm nào đó mưa bão nhiều lên, biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thất thường hơn nhưng vẫn có năm có lũ lớn. Người ta nói thủy điện giữ hết nước, điều đó cũng không đúng lắm. Thủy điện đúng là trong mùa khô thì nó giữ nước, nó giữ một phần chứ không cách nào giữ được hết nước lũ sông Mekong được. Nhưng giữ nước cũng phải xả nước để phát điện thì cũng có một phần nước xả về đồng bằng nhưng nó làm cho những qui luật từ trước nay bị thay đổi, lúc nước nhiều nước ít, sự thay đổi một phần là do sự kiểm soát của con người.
Nói lũ không về là không đúng, lũ về ít chứ không phải là không có lũ. Qui luật của sông Mekong tới mùa mưa là phải có lũ, bởi cuối cùng mưa ở thượng nguồn nó phải chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mà nó ít hơn những năm trung bình. Nước trên sông vẫn tràn đầy nhưng nó không ngập nhiều như những năm trước, nhưng những năm trước mình đã không có biện pháp giữ lũ lại mà còn tìm cách đẩy lũ ra biển. Bây giờ phải tìm cách giữ lũ lại.”
Theo đề xuất của nhóm chuyên gia khoa học, chấm dứt việc đẩy lũ ra biển Tây, giảm lúa vụ ba nếu chưa dứt hẳn thì cũng đã giải quyết một phần nhu cầu thiếu nước ngọt. Đồng thời thiết lập những khu trữ lũ qua bảo tồn khu vực chưa có đê bao ở Đồng Tháp Mười, khi có nước về có nơi sẵn sàng để trữ nước thì khả năng đẩy mặn, giữ ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long là hiện thực.
0 comments:
Post a Comment