Sunday, September 25, 2016

Những chuyến xe nghĩa tình của bệnh viện


AuthorHòa ÁiSourceRFAPosted on: 2016-09-25


Một xe cứu thương trước cửa bệnh viện 105, Hà Nội, nơi các nạn nhân của một vụ tai nạn máy bay trực thăng được đưa vào ngày 07 tháng 7 năm 2014. AFP photo
Trong những ngày qua, vụ việc hai thi thể bệnh nhân được bó chiếu, chở từ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La về nhà, khiến dư luận thắc mắc chỉ là trường hợp hy hữu, hay còn rất nhiều bệnh nhân nghèo tử vong khắp Việt Nam cũng cùng cảnh ngộ và liệu rằng có phải Bộ Y Tế cần giám sát chặt chẽ hơn nữa khâu vận chuyển thi hài bệnh nhân theo luật định?
Quy chế về bệnh nhân tử vong
Trao đổi với một số nhân viên làm việc trong ngành Y ở Việt Nam về khâu lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, Hòa Ái được cho biết, Bộ Y Tế ban hành quy chế nghiêm ngặt mà gia đình người bệnh phải thực hiện theo đúng trình tự quy định, kể từ khi nhận được giấy báo tử từ bệnh viện.
Thông thường sau khi bác sĩ xác nhận bệnh nhân đã tử vong, thi thể của họ được chuyển đến nhà đại thể của bệnh viện, hay còn gọi là nhà xác. Thân nhân của bệnh nhân tử vong phải khẩn trương di chuyển thi hài cho việc mai táng và khâu vận chuyển được yêu cầu đúng với Luật bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đối với những bệnh nhân tử vong mắc các bệnh truyền nhiễm, nhân viên của bệnh viện chịu trách nhiệm tẩy uế, khâm liệm và nhập quan trước khi di chuyển ra khỏi bệnh viện.
Nói với Đài Á Châu Tự Do RFA qua điện thoại vào tối 21/9/2016, Giám đốc Phòng khám Quốc tế EXSON, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết các bệnh viện thực hiện quy chế này của Bộ Y Tế ra sao:
“Trên thực tế có một số nơi áp dụng những biện pháp chuyên chở bệnh nhân sau khi tử vong theo quy định, tức là đã được tẩm liệm mọi thứ. Nhưng theo tôi biết không áp dụng hết cho các trường hợp, ngay cả bệnh viện ở thành phố cũng vậy thôi.
Người ta cũng chuyên chở về bằng các xe chuyên dụng, hoặc ít nhất cũng bằng xe cấp cứu cách ly với môi trường bên ngoài, cho vào bao để chuyển, chứ không nhất thiết đưa vào quan tài.”
Di chuyển thi hài
Để tìm câu trả lời cho thắc mắc của dự luận liên quan vụ việc hai thi thể bệnh nhân được bó chiếu, chở từ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La về nhà chôn cất trong những ngày đầu tháng 9, chỉ là hy hữu hay không, Hòa Ái nêu vấn đề với Bác sĩ Võ Xuân Sơn và được ông cho biết khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông lẫn miền Tây Nam Bộ, tổ công tác xã hội của các bệnh viện cùng nhiều tổ chức từ thiện hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả trong việc hỗ trợ di chuyển thi hài cho gia đình bệnh nhân tử vong nghèo.
Tuy nhiên, Bác sĩ Võ Xuân Sơn nhấn mạnh ông không rõ ở các khu vực khác thì hoạt động này diễn ra như thế nào.
Trong khi đó, qua tiếp xúc với một số gia đình nghèo có người thân đang nằm viện, tất cả họ đều bày tỏ sự lo lắng về chi phí tốn kém trong khâu vận chuyển thi hài về nhà, nếu lỡ thân nhân tử vong tại bệnh viện.
Thậm chí có người còn chia sẻ không biết làm gì khi gặp nạn “cò bệnh viện”, bắt phải mua hòm và thuê xe với giá cắt cổ. Do đó, nhiều gia đình nghèo chọn cách xin đưa người thân về khi không còn khả năng cứu chữa.
Bà Bích ở Cần Thơ, đang chăm sóc người thân điều trị bệnh tại một bệnh viện ở Sài Gòn, bộc bạch:
“Tôi là người nhà nuôi người bệnh, tôi cũng có tìm hiểu thêm, nếu bệnh nhân chết tại bệnh viện thì người nhà phải làm nhiều thủ tục, nào là có giấy chứng tử, rồi mang giấy chứng minh thư và hộ khẩu để xác nhận người nghèo thì mới được hỗ trợ thuê xe bệnh viện chở về nhà.”


Một nhân viên y tế bên trong nhà xác một bệnh viện tỉnh Quảng Ninh hôm 18 Tháng 2 năm 2011. AFP photo
Bà Bích nói có rất nhiều gia đình bệnh nhân tử vong nghèo chạy ngược chạy xuôi để lo làm giấy tờ xin hỗ trợ trong khâu di chuyển thi hài người thân vì nhà quá xa và không có nhiều thông tin hướng dẫn, chưa kể những trường hợp người nhà bệnh nhân không biết chữ:
“Theo như tôi tìm hiểu thì bệnh viện tuyến trên tại thành phố lớn, cụ thể như Ban Công tác Xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy có “chuyến xe nghĩa tình” là chuyến xe lần cuối đưa xác những bệnh nhân nghèo, khó khăn về quê để mai táng.
Tôi ước ao bệnh viên dù lớn hay nhỏ ở tất cả các tỉnh được trang bị “chuyến xe nghĩa tình” giống như vậy thì những người bệnh nghèo ở vùng sâu vùng xa rất biết ơn.”
Điều ao ước về chuyến xe nghĩa tình dành cho những bệnh nhân nghèo, không chỉ của riêng bà Bích mà của rất nhiều người sau khi biết về thông tin xe gắn máy chở thi hài bệnh nhân bó chiếu ở Sơn La, biến thành ý tưởng thực hiện của Bác sĩ Võ Xuân Sơn.
Quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo
Là một trong những người khởi xướng chương trình từ thiện “Dĩa cơm trên tường” dành cho người bệnh và thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, Bác sĩ Võ Xuân Sơn quyết định thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La.
Trên trang Facebook cá nhân, Bác sĩ Võ Xuân Sơn kêu gọi quyên góp cho “Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân Lao và Bệnh Phổi nghèo” để mua một chiếc xe, dùng vào việc chuyên chở bệnh nhân nặng từ bệnh viện về nhà, kể cả trường hợp tử vong.
“Thật sự tôi cũng chưa làm việc với Bệnh viện Sơn La cho nên tôi không biết Tổ Công tác Xã hội của họ hoạt động như thế nào. Nếu họ hoạt động tốt thì có thể hợp tác hoạt động trực tiếp với họ luôn. Họ yêu cầu và mình thấy hợp lý và sẽ chi tiền nhưng nghĩ đến chiếc xe nếu đưa vào bệnh viện thì vấn đề sẽ rất khác. Những tài sản đó khi đưa vào các bệnh viện ở Việt Nam thì được nhập vào tài sản nhà nước hoặc tài sản của bệnh viện và lúc đó phải bị chi phối bởi luật nọ luật kia và chuyện tiền bạc chi cho các chuyến xe cũng rất khó.”
Qua cuộc thăm dò ý kiến với thính giả Đài RFA liệu các quỹ từ thiện như “Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân Lao và Bệnh Phổi nghèo” sẽ được xã hội ủng hộ và nhân rộng nhiều hơn nữa; rất nhiều người lên tiếng rằng đó là việc làm không chỉ xuất phát từ những người có tâm mà Bộ Y Tế cần phải thực hiện ngay chương trình “chuyến xe nghĩa tình” đối với tất cả bệnh nhân nghèo tử vong khắp mọi miền đất nước, cũng như đã đến lúc Nhà nước Việt Nam nên từ bỏ chủ trương xây dựng các tượng đài nghìn tỉ đồ sộ để các bệnh viện có thêm ngân sách cho những “chuyến xe nghĩa tình” như thế.

0 comments:

Powered By Blogger