Bob Kerrey * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Cuộc chiến tranh khó khăn nhất của thế kỷ qua không phải là Việt Nam mà là Đệ Nhất Thế Chiến. Vào 1943, năm tôi ra đời, các cựu chiến binh của cuộc Đại Chiến ấy đang tưởng niệm 25 năm ngày đình chiến trong lúc con họ đang chiến đấu ở Ý và Pháp chống lại những kẻ thù mà do những ký ức thất bại cay đắng từ Thế Chiến Thứ Nhất nên sức mạnh quân sự của họ bị coi thường.
Vì vậy, khi tôi nhớ ngày 30 tháng Tư, 1975, tôi cũng sẽ nhớ ngày 11 tháng Mười Một, 1918 và những gì xảy ra khi Mỹ tự cô lập với thế giới. Nhưng tôi cũng sẽ nhớ niềm tự hào tôi đã cảm thấy khi tôi ngồi trong những buổi họp lưỡng viện Quốc Hội lắng nghe Vaclav Havel, Kim Dae Jung, Lech Walesa và Nelson Mandela cảm ơn những người Mỹ đã hy sinh rất nhiều cho tự do của họ.
Bức hình nổi tiếng về những người Miền Nam Việt Nam leo lên cầu thang để lên đến trực thăng đáp trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là biểu tượng cho cả xấu hổ lẫn danh dự của chúng ta. Xấu hổ là chúng ta cuối cùng quay lưng lại với Việt Nam và với sự hy sinh của hơn 58.000 người Mỹ.
Chúng ta buông xuôi trước mệt mỏi và thiếu tự tin, chúng ta không giữ lời hứa ủng hộ người Miền Nam Việt Nam, cho nên cộng sản mới có thể đánh bại các đồng minh chúng ta.
Danh dự là trong khi Sài Gòn sụp đổ, chúng ta đã cứu được hàng ngàn người bạn Miền Nam Việt Nam của mình, và trong những năm sau đấy chúng ta đã chào đón hơn một triệu người Việt nữa đến đất nước chúng ta.
Chiến tranh đã dạy cho người trai trẻ học vấn đại học từ miền trung Mỹ vốn lạc quan nhiều bài học giá trị. Chuyến đi Việt Nam của tôi giúp tôi cảm nhận được thế giới rất rộng lớn và muôn vẻ của chúng ta. Tôi cũng đã kinh ngạc trước một điều mà hôm nay vẫn còn làm cho tôi xúc động: người Mỹ sẵn sàng liều chết cho tự do của người khác. Ở Bệnh viện Hải Quân Philadelphia tôi biết mọi người- ngay cả tôi- đều cần đến lòng tốt của người Mỹ.
Trong chiến tranh, tôi biết chiến đấu cho tự do là lý do chủ yếu chúng tôi hiện diện ở Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, tôi trở nên tức giận khi tôi biết nhiều hơn về quá trình đưa ra những quyết định quan trọng của chính quyền. Tôi giận là họ đã không biết gì về những động cơ của kẻ thù Bắc Việt của chúng ta và lịch sử Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta dường như không hiểu quyết tâm cao độ của kẻ thù của chúng ta nhằm tạo ra một nước Việt Nam độc lập theo cách họ. Tôi rất ghét Tổng thống Nixon vì sự tráo trở của ông trong cuộc tranh cử với lời hứa kết thúc chiến tranh nhưng rồi, một khi đương chức, lại mở rộng chiến tranh sang Cambodia. Nhưng thời gian dạy tôi rằng tức giận cũng vô ích. Vì thế, mới đây tôi bảo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, tôi tha thứ các nhà lãnh đạo của chúng ta trong thời kỳ Việt Nam.
Tôi có thể tha thứ, không phải do tôi rất rộng lượng gì mà vì thời gian trôi qua và những hành động của chính quyền cộng sản Việt Nam chứng tỏ cho tôi thấy chúng ta đã chiến đấu cho lẽ phải. Qua cách họ đối xử hà khắc với người dân Việt Nam, qua việc không cho phép người dân có thuốc men và những hàng hóa tiêu thụ thiết yếu, và qua việc đàn áp các hoạt động tôn giáo, cộng sản Việt Nam trong thời hậu chiến đã chứng tỏ họ chính là cộng sản.
Lời bình luận hùng hồn nhất về đời sống dưới thời cai trị của những kẻ kế thừa Hồ Chí Minh là cuộc trốn chạy của hàng triệu người Việt Nam thà liều chết trên đại dương còn hơn sống dưới chế độ ấy. Giá như có phiên tòa để quyết định liệu chiến tranh Việt Nam có đáng tham chiến, tôi sẽ gọi Thuyền Nhân ra làm nhân chứng duy nhất của tôi.
Phải chăng cuộc chiến tranh này xứng đáng với bao nỗ lực và hy sinh ấy, hay phải chăng cuộc chiến ấy là sai lầm? Những ai bị cuộc chiến này chạm đến phải tự mình trả lời câu hỏi ấy. Khi tôi về nước vào năm 1969 và suốt trong nhiều năm về sau, tôi đã không tin chiến tranh ấy xứng đáng. Ngày nay, theo thời gian trôi qua và cùng với bao trải nghiệm về việc nhìn thấy những lợi ích của tự do đạt được nhờ sự hy sinh của chúng ta và sự hủy diệt con người do các chế độ độc tài gây ra, tôi tin sự nghiệp ấy là chính nghĩa và hy sinh ấy không phải là hoài phí.
Bob Kerry là thượng nghị sĩ dân chủ Hoa Kỳ thuộc bang Nebraska. Ông từng được trao Huân chương Danh dự cho sự phục vụ của ông tại Việt Nam.
Nguồn: Dịch từ báo Star-News số ra ngày 5 tháng Năm, 2000. Tựa đề của người dịch. Tựa đề nguyên tác “Was Vietnam War worth it?”
23.9.2016
0 comments:
Post a Comment