Friday, September 30, 2016

Vụ công an Đông Anh hành hung nhà báo: Liệu công an có thể đổi trắng thay đen?


Bình thường và bất bình thường

Những vụ công an hành hung, thậm chí sát hại người dân tại đồn, trong trại giam xảy ra như cơm bữa lâu nay đã làm không ít người dân không mấy ngạc nhiên trước vụ công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đấm hộc máu miệng phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ sáng 23-9-2016 tại cầu Nhật Tân. Điều bất thường đối với nhân loại văn minh đã trở thành bình thường ở Việt Nam lâu nay.

Thế nhưng, một tuần sau vụ việc, tuyên bố chính thức với báo chí chiều 29-9 của đại tá Phó giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc đã thực sự gây sửng sốt, kinh ngạc cho báo giới cùng dư luận xã hội. Theo đó, kết luận điều tra ban đầu của Công an Hà Nội đây là một vụ “xô xát” (?). Hai cán bộ, chiến sĩ công an Đông Anh bị Công an Hà Nội chỉ đạo Công an Đông Anh tiến hành kiểm điểm, xử lý vì vi phạm quy tắc ứng xử của công an nhân dân. Công an Ngô Quang Hưng “có dùng tay gạt trúng vào má của nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng”, bị khiển trách. Công an Nguyễn Văn Thuyên (gạt máy quay) “do chưa có hành động cụ thể gây ra tác hại cụ thể đối với ai, đã yêu cầu kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm”. 

Về phía nạn nhân, chiều tối 29-9, Công an quận Tây Hồ ra thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Quyết định nêu các lỗi và mức phạt tương ứng:

“Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép, phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm, phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ, phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân, phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu, phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, phạt 55.000 đồng.

Tổng tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng” (Nhà báo Quang Thế cho biết chỉ chấp nhận lỗi đậu xe mô tô trên cầu).

Vụ hành hung:

Sáng 23-9, tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và chỉ đạo của cơ quan, nhà báo Quang Thế đến cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi nhảy từ trên cầu xuống đất, tử vong.

Đến nơi, Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân đứng trên cầu đang dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.

Khi Quang Thế đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một cán bộ chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra ngăn cản không cho chụp. Sau đó Quang Thế đi ra cách xa hiện trường và chụp ảnh thì CSHS Công an Đông Anh, mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.

Quang Thế bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng. Rất nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình vụ Quang Thế bị hành hung.

Sau khi vụ việc xảy ra, Quang Thế đã đến Công an xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (cơ quan Công an nhất nơi xảy ra vụ việc) để đưa đơn trình báo vụ bị hành hung khi đang tác nghiệp.

Vụ cản trở, hành hung nhà báo Quang Thế cũng được nhiều nhà báo đồng nghiệp và người dân có mặt tại hiện trường quay clip rất rõ ràng, đã được nhiều tờ báo đăng tải.

3. Các cơ quan hữu trách:

- Ngay sáng 23-9, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc công an Hà Nội cho biết: "Tôi đã nhận được báo cáo của Công an huyện Đông Anh về vụ việc này. Sau khi xem báo cáo, tôi đã giao cho PC 44, công an TP Hà Nội xuống kiểm tra. Nếu có việc Công an huyện Đông Anh đánh phóng viên thì sẽ xử lý nghiêm; nếu người đánh không phải là công an thì cũng phải xử lý nghiêm, không để tình trạng này tái diễn."

- Ngay chiều 23-9, thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã trực tiếp đến làm việc với Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sỹ của đơn vị đã có“thái độ không đúng. Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”. 

Ông Thắng cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc và thay mặt đơn vị xin lỗi cá nhân nhà báo Trần Quang Thế, xin lỗi báo Tuổi Trẻ.

- Ngày 24/9, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn gửi Công an TP. Hà Nội và Công an huyện Đông Anh, yêu cầu Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Công an huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan xác minh vụ cản trở, hành hung nhà báo, xử lý nghiêm minh, thông báo trên công luận và trả lời Hội Nhà báo Việt Nam. 

- Ngày 25-9, Văn phòng UBND TP Hà Nội ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc phóng viên Trần Quang Thế (công tác tại báo Tuổi Trẻ) bị cán bộ Đội CSHS huyện Đông Anh hành hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân. Giao Công an thành phố xác minh và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời báo cáo Thành ủy, UBND TP và thông tin trả lời báo chí trước ngày 27/9.

4. Những câu hỏi:

- Báo chí có chức năng điều tra, công an cũng vậy. Đều là thực thi công vụ, công an lấy quyền gì đuổi nhà báo tác nghiệp? Báo chí có chức năng giám sát, ai đảm bảo công an sẽ kết luận điều tra vụ án thi thể tài xế taxi dưới chân cầu chính xác, khách quan, nếu không có sự giám sát của báo chí? Công an sẽ nghĩ gì, nếu nhà báo cũng lạm quyền tác nghiệp điều tra, đuổi công an khỏi hiện trường?

- Điều 2 - Luật Báo chí quy định rõ: “không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động”, hành vi lạm quyền, xua đuổi nhà báo tác nghiệp tại hiện trường có vi phạm Luật Báo chí?

- Căn cứ pháp luật nào để Công an Quân Tây Hồ quy kết nhà báo Quang Thế “vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép; Chụp ảnh tại khu vực cấm”, khi công an không căng dây khoanh vùng khu vực hiện trường cần bảo vệ, không đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh?

- Tại sao lâu nay trong hầu hết những vụ án tương tự ở khắp cả nước, công an và nhà báo vẫn cùng nhau tác nghiệp bình thường, không xảy ra cản trở, hành hung nhà báo, cũng chẳng phạt nhà báo. Phải chăng vì công an Đông Anh đã lỡ hành hung thô bạo nhà báo, nên công an Hà Nội phải chỉ đạo Công an Tây Hồ ra quyết định phạt vô lối nhà báo để khỏa lấp sai trái của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền?

- Đối thoại đôi co giữa công an và nhà báo (trong clip) có là sự lăng mạ của nhà báo với công an?

- Chi tiết nhà báo lùi ra xa để chụp ảnh hiện trường có là “can thiệp, cản trở” công an tác nghiệp điều tra?

- Vụ công an hung hăng đấm nhà báo Quang Thế hộc máu miệng giữa đông người dân, phóng viên có mặt tại hiện trường rõ ràng mang tính chất côn đồ, đã đủ để khởi tố tội gây thương tích chưa?

- Với nhà báo mà công an còn giở thói côn đồ như vậy, với người dân bình thường, thấp cổ bé họng, công an sẽ còn hành xử đến thế nào? Quy định của ngành công an: “Đối với dân phải kính trọng, lễ phép” thể hiện như vậy ư?

- Vụ việc ngay chốn đông người chứng kiến, giữa thanh thiên bạch nhật Thủ đô, gây xôn xao, bức xúc công luận trong và ngoài nước cả tuần nay, clip ghi hiện trường vụ việc đã được báo chí nhà nước đăng tải rộng rãi, các cơ quan hữu trách đều đã lên tiếng, nóng lòng theo dõi việc xử lý, mà Công an Hà Nội vẫn trơ tráo, trắng trợn kết luận và công bố như thách thức pháp luật, chọc giận dư luận như vậy. Thử hỏi những vụ dùng nhục hình tra tấn đánh đập, những án mạng xảy kín đáo ra tại đồn công an, trong trại giam, ai còn có thể tin vào kết luận, công bố của công an?

- Công an Đông Anh, Công an Hà nội đã đổi trắng thay đen như vậy, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao liệu có thể làm ngơ?

Ảnh (trên các báo): - Công an Đông Anh xua đuổi, hành hung nhà báo Quang Thế

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, PGĐ kiêm Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.

0 comments:

Powered By Blogger