Bản tin quan trọng với nhiều chi tiết liên quan đến báo cáo kiểm tra Formosa của các cơ quan chức năng VN được báo chí trong nước dẫn lại cách đây 2 ngày (1). Thời điểm báo cáo này được đưa ra truyền thông vừa sát với các phát ngôn của Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng với hình ảnh tắm biển của quan chức là một động tác lách dư luận rất khôn khéo. Trong khi dư luận đang tập trung vào phát ngôn và hình ảnh tắm biển thì nội dung báo cáo (đã được biên tập rất, rất kỹ) kia là vấn đề đáng chú ý.
Tất cả thông tin về Formosa và thảm họa môi trường biển miền Trung cho đến thời điểm này vẫn chưa được minh bạch đầy đủ từ thông tin về dự án, nghiên cứu tác hại môi trường, nhất là thông tin điều tra về thảm họa môi trường trong tháng 4 vừa qua. Tất cả đều mập mờ và rơi vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. và mọi thông tin “đang được che giấu có mục đích” liên quan đến Formosa.
Trong bản tin ngày 23/8 vừa qua có nội dụng, trích: "Công ty [Formosa] đang khởi động đánh giá kỹ thuật và tác nghiệp công trình xây dựng, dự kiến đến 3/2019, hệ thống dập cốc khô sẽ đi vào sử dụng”.
Quay lại điểm công nghệ “dập cốc khô” được nhắc ở báo cáo vừa được công bố để thấy lý do tại sao nó được nhắc đến mà bỏ qua một điểm mấu chốt khác chính là Formosa đã “tự ý thay đổi” quy trình công nghệ luyện cốc (coke) so với thông tin ban đầu của dự án trình duyệt năm 2008 - hay có thể thông tin ban đầu trình duyệt dự án công nghệ luyện cốc này cũng mập mờ và đầy kẻ hở để nhà đầu tư mặc sức tự tung tự tác muốn thực hiện nó theo hướng có lợi nhất về tài chính cho họ thì họ sẽ chọn.
Nói lại cho rõ, công đoạn luyện cốc mà báo cáo này nhắc đến “cốc khô” chính là công công đoạn dập [tắt lửa] cốc - hay dễ hiểu là làm mát / nguội cốc (coke quenching) - sau khi than mỡ đã được chưng cất bằng nhiệt độ cao để tạo ra than cốc (coke) từ lò. Công đoạn dập tắt lửa cốc này có thể thực hiện bằng hai cách “dập tắt lửa cốc ướt / coke wet quenching ” và “khô / coke dry quenching”.
Trong dự án đã trình duyệt của Formosa (theo thông tin khó kiểm chứng lại của các quan chức Hà Nội) thì quy trình dập cốc này là quy trình xử lý khô. Nhưng khi triển khai xây dựng nhà máy và đưa vào vận hành thử, nghiệm thu vừa qua thì quy trình dập cốc của Formosa là dập cốc ướt. Và Hà Nội kết luận rằng Formosa đã “tự ý thay đổi công nghệ”. Điểm yếu và khó hiểu ở đây là từ dự án cho đến xây dựng không một cơ quan chức năng nào có thể giám sát để đến khi việc đã rồi - tức từ khô thành ướt - và có thảm họa môi trường xảy ra thì mới vỡ lỡ “à ra là thế?!”
Thật ra đây chỉ là một công đoạn trong toàn bộ quy trình luyện gang thép của Formosa nên nếu gọi chung chung là “công nghệ” thì chưa chính xác.
Tại sao lại có sự thay đổi từ “dập cốc khô” sang “dập cốc ướt” ở Formosa?
Đơn giản là bởi vì đầu tư cho dập cốc ướt sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư rất nhiều. Tham khảo thêm: theo Hiệp hội thép Châu Âu để tạm so sánh thì mức đầu tư cho lò với dập cốc khô sẽ cao hơn 15 đến 20 lần so với lò với dập cốc ướt. Tuy nhiên so với hiệu quả đầu tư chi phí vận hành về sau thì dập cốc khô có hiểu quả kinh tế hơn, và có thể tái sử dụng nguồn năng lượng từ lò, tiết kiệm nước sử dụng rất lớn. Đáng kể hơn dập cốc khô có hiệu quả bảo vệ môi trường cao hơn nhiều lần.
Ảnh minh hoạ: Bảng thông số so sánh tham khảo chất thải
trong công đoạn luyện cốc với dập cốc khô (1) và dập cốc ướt (2).
Bằng chứng về sự vi phạm một cách có chủ đích của chủ đầu tư ở dự án Formosa - xét trên thông tin chưa được minh bạch của các quan chức Việt Nam thông qua truyền thông bị kiềm soát - ở điểm nói trên đã là một việc không hề đơn giản. Nếu mọi việc chính xác thì chỉ một điểm này thôi cũng đã đủ căn cứ xử lý nghiêm theo luật bảo vệ môi trường, luật đầu tư... Nhưng dường như Hà Nội đang “để ngỏ cửa” để thương lượng và tiếp tục xử lý sai phạm phía sau phòng họp kín.
Vấn đề nguyên liệu đầu vào của Formosa để luyện cốc là một vấn đề khác cũng đáng chú ý. Thông thường các nhà máy luyện gang sử dụng nguyên liệu là than mỡ để tạo cốc. Nhưng theo số liệu được Formosa nhập về thì họ chỉ nhập loại than bitim (bituminous coal hay black coal) về để luyện cốc. Số liệu nhập black coal từ Canada và Indonesia của Formosa là trên 1 triệu tấn trong năm 2014. Lý do: tất cả là do bài toán kinh tế vì black coal rẻ hơn nhiều so với than mỡ (black coal chưa đến 45% giá của than mỡ).
Và sự khác biệt giữa hai loại thanh này sau khi luyện là gì? Than mỡ sau khi luyện cốc sẽ thải ra môi trường lượng chất thải cực độc là Chlorine, Phosporous, Arsenic (tỉ lệ tạm tính là 0,04%). Với công suất thiết kế của Formosa là 3,65 triệu tấn than mỡ / năm thì công đoạn luyện cốc đã thải ra khoảng 1.400 tấn (một ngàn bốn trăm tấn) các hoá chất cực độc nói trên. Đó là chưa tính đến các thành phần phối trộn của công đoạn luyện cốc, cần có thêm dolomit, đá vôi, than cám và dầu rửa lò.
Từ than mỡ chuyển sang black coal là một sự “gia tăng” đáng kể các thành phần chất thải cực độc nói trên. Như vậy, không nói ra thì không ai biết cái “lợi của giảm chi phí đầu tư (cốc khô sang cốc ướt) và giảm chi phí nguyên liện (than mỡ sang black coal) ai sẽ được lợi và ai sẽ hứng hết tác hại.
Với những vi phạm có chủ đích và đáng sợ nói trên cho thấy Formosa đã và đang thực hiện chính sách đầu tư “lâu dài' của họ như thế nào ở Hà Tĩnh, Việt Nam. Và các động thái của Hà Nội trong thời gian qua cho thấy họ có thể đã nắm hết mọi thông tin từ lúc hình thành dự án cho đến khi xảy ra thảm họa môi trường nhưng do chính sách thu hút đầu tư mà họ nhắm mắt làm ngơ hay nhắm mắt xuôi tay để cho qua. Cho đến lúc xảy ra sự cố “ngoài dự kiến” thì họ phải cùng phối hợp hành động với Formosa để “giải quyết hậu quả” trong phòng họp kín với kết quả 500 triệu Mỹ kim?!
Liệu cái giá đó có đủ để khắc phục hậu quả (đã biết trước) của thảm họa môi trường và nhất là liệu cái giá đó có đủ để họ vực dậy lòng tin của người dân vùng thảm họa nói riêng và cả nước nói chung?
26.08.2016
___________________________________
0 comments:
Post a Comment