Wednesday, March 12, 2014

Công an huyện Yên Thành sách nhiễu cựu TNLT Chu Mạnh Sơn

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn, một trong 14 Thanh Niên Công giáo và Tin lành sống ở Nghệ An, vừa mãn hạn tù hồi 03.02.2014, nhưng đã bị công an huyện Yên Thành, Nghệ An hạch sách, đe dọa và đánh đập.

Anh Chu Mạnh Sơn cho biết, sáng ngày 10.03, công an xã gửi giấy mời của công an huyện Yên Thành và yêu cầu anh Sơn lên công an xã Phúc Thành, nơi anh cư trú để làm việc. Tại đồn công an xã Phúc Thành, các công an viên đã miệt thị và coi thường những người chấp hành xong án phạt tù, không cho họ có cơ hội tái hòa nhập với cộng đồng, cụ thể trong trường hợp của anh Chu Mạnh Sơn.

Anh Chu Mạnh Sơn tường trình lại sự việc: “Sau khi nhận được giấy mời, vào hồi 14 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 2014 tôi đến phòng trưởng Công An xã Phúc Thành để làm việc và gặp anh Nguyễn Văn Trung (cán bộ trưởng công an xã Phúc Thành). Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Trung: “Anh Chu Văn Phú (đội trưởng đội THA công an huyện Yên Thành) đang ở đâu mà không thấy tới?”. Sau đó, anh Trung gọi cho anh Phú và bảo: “Cháu ngồi chờ một ít phút”. Tôi ngồi chờ đến lúc 15g20’ mới thấy anh Phú bước vào.

Vừa bước vào phòng, anh Phú liền chỉ ngón tay hướng vào mặt tôi và quát mạnh: “Mi, thứ sáu ngày 7 tháng 3 năm 2014 vừa rồi đi đâu? Khai báo rõ ràng và viết lại bản tường trình cho tau”. Tôi im lặng, không trả lời. Anh Phú lại quát thêm rằng: “Mi khai báo cho rõ không tau giết mi”. Tôi liền bảo: “anh lấy bằng chứng ở đâu mà bảo là hôm thứ sáu vừa rồi tôi đi đâu?”. Anh Phú bảo: “Hôm thứ sáu vừa rồi, chúng tôi nhận được thông tin là anh vắng mặt khỏi địa phương và chúng tôi xuống xác minh nhưng mi không có mặt tại địa phương. Chúng tôi đã lập biên bản có cán sự xóm xác nhận”. Tôi liền nói: “Nếu anh nói tôi không có mặt tại địa phương thì các anh phải chứng minh được bằng chứng là tôi đã ở đâu và làm gì vào ngày thứ sáu? Nếu đưa ra được bằng chứng tôi vắng mặt thì tôi sẽ viết bản tường trình”. Thế là anh Phú liền trợn mắt quát tôi: “đồ phản động, con nít ranh” và đưa tay túm lấy tóc tôi, nhưng tôi gạt tay anh Phú ra. Rồi anh Phú lại tiếp tục đòi túm lấy tai tôi, tát vào mặt tôi nhưng tôi đã gạt tay ra và bảo: “Anh lấy quyền gì mà đòi đánh đập tôi?” Anh Phú liền trợn mắt và bảo: “dạng như mày tau dậm một cái là chết!”. Tôi liền bảo: “Anh dậm chết được thì cứ làm tại đây đi”. Anh Phú liền nói tiếp: “Mày muốn chết không? Mi mà đi ra ngoài đường tau cho xe ôtô húc chết”.

Sau đó, anh Phú đi ra ngoài một lúc rồi lại vào nói: “Anh Trung cho nó viết bản tường trình, bản tự kiểm điểm”. Tôi liền bảo: “các anh làm việc với tôi mà không hề tôn trọng tôi, vừa gặp tôi là quát mắng, chỉ ngón tay vào mặt tôi như vậy à?”. Anh Phú liền bảo: “dạng như mi, tau cần gì phải tôn trọng hay lịch sự làm gì. Mi thì chỉ có đòn mà trị!” Tôi liền bảo: “Tôi không rảnh để cứ 2, 3 ngày các anh triệu tập hay giấy mời làm việc liên tục đâu. Các anh nói chuyện có tiền lương, còn tôi thì 30 tháng tù về nhà nước không cho một xu. Tôi còn phải làm việc để có cái ăn nữa và tôi không ký hay viết một bản tường trình nào”. Anh Phú liền bảo với anh Trung: “đối với đối tượng Chu Mạnh Sơn có đơn gì hay yêu cầu vấn đề gì cũng không giải quyết, đừng mong ra khỏi xã hay khỏi huyện”.

Sau đó, anh Phú bảo anh Trung lập biên bản làm việc. Anh Trung lại bảo anh Công lập biên bản làm việc. Anh Công lập biên bản làm việc và yêu cầu tôi khai báo rõ ràng ngày 7 tháng 3 tôi làm gì? Nhưng tôi im lặng không trả lời và không ký biên bản. Anh Công liền gọi một người dân vào để ký biên bản và làm chứng là tôi không hợp tác làm việc.”

Anh Chu Mạnh Sơn nhận xét: “Tôi thiết nghĩ rằng: đây có phải là tư cách một người cán bộ không? Thái độ không tôn trọng người dân và quy chụp không có bằng chứng như vậy có xứng đáng ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân’ không?”

Anh Chu Mạnh Sơn nhấn mạnh: “Không biết tôi có cần phải nhắc cho mấy công an này những qui định của Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù hay không? Họ có biết Điều 3 Nghị định này không: “Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù

1. Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù”. Và quyền của tôi – người chấp hành xong án phạt tù- là: “Được chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng” (điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 80/2011/NĐ-CP). Họ có biết những qui định về kinh phí, về hỗ trợ và nghĩa vụ của công an xã theo Nghị định này hay chưa? Tôi nghĩ họ cần phải đọc và thực hiện đúng pháp luật.”

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn bị nhà cầm quyền kết án 30 tháng tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 BLHS. Anh bị bắt vào ngày 03.08.2011, tại Nghệ An.

Trong những ngày bị giam cầm trong trại giam, anh Chu Mạnh Sơn cùng với những người bạn gồm anh Trần Minh Nhật, anh Trần Hữu Đức, anh Hồ Văn Oanh (đã mãn hạn tù), anh Nguyễn Văn Thanh (đã mãn hạn tù) cùng chí hướng và bị giam cùng phòng, đã nhiều lần làm đơn tố cáo cán bộ trại giam vi phạm Quyền tự do Tôn giáo cũng như xúc phạm đến nhân phẩm của các tù thường phạm.

Anh Chu Mạnh Sơn từng là sinh viên Cao Đẳng Y Tế, một sinh viên nhiệt thành và tham gia nhiều hoạt động trong công việc của Giáo Hội cũng như trong các phong trào sinh viên ở Nghệ An.

Gia đình anh Chu Mạnh Sơn thuộc giáo xứ Đức Lân, Xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT thăm cựu TNLT Chu Mạnh Sơn tại Nghệ An tuần trước.



0 comments:

Powered By Blogger