Wednesday, March 12, 2014

Chuyện lạ: Cưỡng chế bắt dân dồn điền đổi thửa

  Hôm 11.3, hàng chục hộ dân ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai gọi về đường dây nóng của Dân Việt phản ánh việc chính quyền ở đây đã dùng công an “ép” dân phải dồn điền đổi thửa.

Phá lúa, cưỡng chế người dân


Ông Nguyễn Văn Hảo ở thôn Trường Xuân cho biết, sáng 11.3 vợ ông là bà Lê Thị Thoa ra ruộng chân mạ cấy, thì bị 4 công an viên đến ngăn cản, rồi đẩy ngã xuống ruộng. 

“Họ cưỡng chế, khiêng vợ tôi lên bờ và dùng trâu bò xuống bừa nát đám ruộng vợ tôi vừa cấy xong” - vừa nói ông Hảo vừa mò tay xuống bùn vơ mấy cọng mạ còn sót lại cho chúng tôi xem. 

Rồi ông chua chát nói: "Đây chú xem, có mấy thước ruộng chân mạ, khu này thôn thống nhất không chia lại, ruộng nhà ai người đó dùng, nhưng lãnh đạo xã vẫn chỉ đạo lực lượng công an xuống để ép chúng tôi phải dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Rõ là chính quyền xã đã có dấu hiệu phá lúa, hủy hoại tài sản của dân".

Khu ruộng ngập sâu đến bụng, nhưng lãnh đạo xã vẫn ép dân bốc thăm để nhận ruộng.

Ông Hảo cho biết thêm, khi con gái ông là Nguyễn Thị Lan nghe tin mẹ bị đẩy ngã xuống ruộng và chạy vội ra, thì ngay lập tức bị ông Trần Văn Hiếu và Phùng Văn Thanh là công an viên xã đẩy ngã đập đầu xuống đường. Chị Lan ngất xỉu tại chỗ, người dân phải đưa đi cấp cứu.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Xuân Dương, khi gặp chúng tôi chị Lan vẫn đang rất bàng hoàng, không hiểu vì sao mình lại bị công an đối xử như vậy. Lan ôm đầu nói: “Khi tôi chạy ra gần ruộng thì bị mấy anh công an giằng co, đẩy tôi ngã xuống đất, tôi ngất đi rồi không biết gì nữa”. 

Cũng theo lời kể của ông Hảo, khi thấy sự việc đó anh Vũ Văn Huề đã dùng điện thoại quay lại sự việc. Khi anh từ trên tường rào nhảy xuống đất, anh bị lực lượng công an nói là chống đối lực lượng công an, rồi bắt anh giải về công an huyện tạm giữ... 

Để làm rõ những thông tin này, chúng tôi đã tìm gặp ông Hoàng Bá Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Dương, nhưng ông Long một mực khước từ trả lời, với lý do bận tiếp công an huyện, hẹn chúng tôi khi khác (?).

Hàng loạt sai phạm trong dồn điền đổi thửa


Sáng 11.3, hàng trăm người dân thôn Trường Xuân đã kéo về nhà văn hóa thôn để phán ánh việc chính quyền xã dùng lực lượng an ninh, công an xã để “ép” người dân DĐĐT. 

Ông Nguyễn Văn Tiu - một đảng viên ở thôn cho biết, trong các cuộc họp về DĐĐT, thôn đã thống nhất chia ruộng từ Đông sang Tây theo thứ tự bốc thăm. Thôn, xã phải chịu trách nhiệm san gạt mặt ruộng bằng phẳng, đắp bờ cho người dân. Tuy nhiên, thôn, xã mới chỉ đắp bờ, mà chưa san phẳng mặt ruộng, hơn nữa đặc điểm ruộng của thôn là cao và trũng, nên người dân không đồng tình gắp phiếu nhận ruộng. Song không vì lợi ích chung, tiếp thu phản ánh của đa số hộ dân để san gạt lại cho hợp lý, cán bộ xã, thôn lại “vận động” anh em họ hàng, người thân… đi bốc trước, rồi chia theo thứ tự (1, 2, 3...), mặc dù họ bốc được bất kỳ số phiếu nào.

Chị Đỗ Thị Duyên nói: “Nhà bà Lê Thị Liềm bốc được số 300, nhưng thôn, xã vẫn chia cho bà số 2, lại chia từ Tây sang Đông (từ khu đất đẹp sang khu xấu). Họ chia vậy để “dụ” các hộ chưa bốc phiếu đi bốc, nếu muốn có ruộng đẹp, chứ họ không chia theo phương án mà thôn đã họp”.

Ông Vũ Hồng Thành có 8 sào ruộng, cũng bức xúc cho hay: “Mặc dù thôn không nhất trí xã lấy ra mỗi sào 20,5m2, nhưng xã vẫn lấy ra tới 26m2, sau khi chúng tôi kiến nghị và sau hai lần đo lại thì giảm từ 21m2 xuống còn 20,5m2. Nhà tôi có 8 sào, tính ra mất gần 200m2 đất, trong khi đó xã còn rất nhiều nguồn đất quỹ 2 và đất từ việc phá bờ liền thửa”.

Cũng theo người dân phản ánh, khi DĐĐT thôn, xã còn cho máy lấp mất 2 con mương ở khu đồng Rùa và Địa Phận 2 đã tồn tại bao đời nay, khiến cho việc lấy nước tưới tiêu của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Họ còn phá các bờ ruộng ngang, đắp bờ ruộng dọc, khiến trong cùng một thửa ruộng trên thì khô, mà dưới thì úng, người dân rất khó có thể canh tác được”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phùng Tiến Dũng - cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết, việc các hộ bốc phiếu đến đâu chia ruộng đến đó, mặc dù số phiếu các hộ bốc không theo thứ tự nhưng vẫn chia theo thứ tự là để cho… kín ruộng. “Chúng tôi “linh động”, tạo điều kiện cho các hộ bốc trước nhận ruộng trước, còn các hộ bốc sau sẽ nhận sau. Còn việc xã lấy ra mỗi sào 20,5m2 là để đắp bờ, đường giao thông nội đồng. Việc này không thể dùng đất quỹ 2 được” – ông Dũng nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng, anh Nguyễn Văn Hưng (thôn Trường Xuân) cho biết, trong cuộc họp dân hồi tháng 2.2014 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Yên – Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai về dự đã hứa, đối với các khu ruộng trũng sẽ yêu cầu xã san phằng ruộng mới cho người dân bốc thăm chia ruộng. Nhưng hiện ruộng của thôn vẫn chưa được san, có chỗ ruộng sâu tới bụng vẫn “ép” dân bốc phiếu để chia ruộng. Khi chúng tôi không đồng ý, họ lại cho công an xã, huyện xuống ép dân phải DĐĐT”.

Nông Thôn Ngày Nay - Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong những số báo tới.


0 comments:

Powered By Blogger