Tuesday, April 2, 2013

VIỆTNAM: KHAI MẠC PHIÊN TOÀ XỬ NÔNG DÂN CHỐNG TRƯNG THU ĐẤT

*Báo Le Monde ngày 2 tháng Tư năm 2013

Phiên xử một nông dân dùng vật liệu nổ chống lại lực lượng cảnh sát cưỡng chế đất của ông vừa mở vào thứ Ba ngày 2 tháng Tư. Hàng trăm công an đã nút kín các nẻo đường dẫn đến tòa án Hải Phòng, cách ly đoàn người đổ về hỗ trợ Đoàn Văn Vươn. Những ủng hộ viên khác thì bị chặn từ vùng ngoại ô của thành phố.


Ông Vươn đã gây thương tích cho bốn công an và hai binh sĩ trong một cuộc cưỡng chế vào hồi tháng Một năm 2012, đã trở nên nổi tiếng như một anh hùng ở đất nước cộng sản này, nơi mà vấn đề đất đai trở nên rất nhạy cảm.


Ông Đoàn Văn Vươn và ba người khác, tất cả đều là thành viên của một gia đình Thiên Chúa Giáo, bị ra toà vì tội cố sát. Vợ và em dâu của ông bị buộc tội chống lại lực lượng thi hành cưỡng chế. Hành động thách thức rất hiếm có ở Việt Nam này đã gây nên một phong trào lớn hỗ trợ cho bị cáo trên toàn quốc. Ngay cả thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nhận định việc cưỡng chế này là "bất hợp pháp" (không đúng thủ tục - KVC), và hứa hẹn sẽ xử lý các quan chức địa phương tham nhũng.


Thứ hai tới đây, năm cựu quan chức sẽ ra toà vì tội phá hoại tài sản của ông Vươn. Một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng là ông Phạm Hồng Sơn, người đã bị tù nhiều năm vì các hoạt động ủng hộ dân chủ nói: "Chúng tôi đến đây một cách hòa bình để thể hiện sự hỗ trợ với gia đình anh Vươn". Và ông e ngại rằng ông Vươn sẽ bị kết án rất nặng nề "để tạo sự kiêng sợ." "Còn rất nhiều người khác đang phải đối mặt với việc cưỡng chế bất hợp pháp và bất công. Nếu nhà nước xử nhẹ tay thì nó có thể làm cho những người khác chống lại mạnh mẽ hơn nữa."


Tước quyền sở hữu đất đai là căn nguyên của sự căng thẳng tại VN trong nhiều thập niên qua, nhưng với trường hợp của Đoàn Văn Vươn thì mức độ càng nóng. Công cuộc đổi mới bắt đầu từ cuối thập niên 1980 là một quá trình chuyển đổi khó khăn sang nền kinh tế thị trường. Và từ năm 1993, người dân VN chỉ có "quyền sử dụng đất" trong hai mươi năm, còn trên thực tế nó là tài sản nhà nước.
Hàng triệu nông dân phải phụ thuộc vào các quan chức địa phương, những người có quyền thu hồi đất đai dưới danh nghiã rất mơ hồ "vì lợi ích công", nhưng dùng nó để đổi lấy những phong bì được chèn dày cộp tiền.


Hồ sơ Đoàn Văn Vươn là "một điển hình cho những sự bất cập của hệ thống sở hữu điền điạ" Việt Nam, được liệu trước hồi năm 2012 bởi ông David Brown, nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu và là chuyên gia khu vực (Đông Á). Hơn 70% các khiếu kiện chính quyền địa phương có liên quan đến tranh chấp đất đai và cuộc khủng hoảng càng trở nên tồi tệ hơn vào năm 2013, khi hàng triệu hợp đồng thuê đến hồi kết thúc.


Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra tại các thành phố lớn bởi các trường hợp tương tự. Vào năm 2007, đã có hàng nghìn người ở thành phố Hồ Chí Minh tố cáo việc thu tóm đất để xây một trung tâm thương mại.


(Kỳ Văn Cục chuyển ngữ từ báo điện tử Le Monde (Thế giới) ngày 2/4/2013 : http://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2013/04/02/vietnam-ouverture-du-proces-d-un-fermier-qui-s-est-oppose-a-son-expropriation_3151708_3216.html ) — with Phạm Thành and 3 others.

0 comments:

Powered By Blogger