Các bị cáo trước tòa
Các bị cáo không thừa nhận đã nổ súng trước
Ngày thứ hai phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và người thân về tội ‘Giết
người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’ vừa bị kết thúc sớm đột ngột
vào lúc 15h thứ Tư ngày 3/4, truyền thông trong nước đưa tin.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, diễn biến đáng chú ý
trong phiên tòa là cả hai phía bị cáo lẫn bị hại đều cáo buộc bên kia nổ
súng trước và tất cả bị hại đều xin miễn yêu cầu đòi bị cáo bồi
thường. Còn các trang mạng lề trái, vốn không được đến gần khu vực Tòa
án nhân dân thành phố Hải Phòng, thì cho biết các lực lượng an ninh tiếp
tục phong tỏa tòa án để ngăn chặn người dân đến theo dõi phiên tòa được
tuyên bố là ‘công khai’ này.
Ai nổ súng trước?
Bản tin trên trang mạng của VnExpress chạy tít: ‘Không ai nhận đã nổ súng trước trong vụ Đoàn Văn Vươn’.
VnExpress dẫn lời ông Đoàn Văn Quý, em trai ông Vươn khai tại phiên
tòa là ‘chỉ bóp cò khi nghe thấy tiếng súng của lực lượng cưỡng chế’
được ông Quý miêu tả là ‘đông’, ‘mặc áo giáp’ và ‘đem theo vũ khí’.
Theo báo này thì ‘ông Quý thừa nhận…còn đè các bao đá lên hai bình
gas để khi kích nổ bình gas có thể gây sát thương cho người khác’.
Tuy nhiên, lời cáo buộc này của ông Quý bị các bị hại là các công an
viên tiến hành vụ cưỡng chế hôm 5/1 năm 2012 bác bỏ, theo VnExpress.
“Các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị cáo.”
Vũ Anh Tuấn, bị hại, công an huyện Tiên Lãng
Báo này dẫn lời ông Vũ Anh Tuấn, công an huyện Tiên Lãng và là người
bị thương nặng nhất trong vụ việc, cho biết khi tiến vào khu đầm của gia
đình ông Vươn lực lượng cưỡng chế ‘chỉ mang công cụ hỗ trợ’ và ‘dùng
loa kêu gọi’.
Theo lời của bị hại này được dẫn lại, thì ông ‘thấy rất rõ ông Quý mở
cửa sổ và nổ súng’ mặc dù trước đó trong tổ đi tiên phong của ông
‘không ai bắn súng vào nhà ông Quý’.
Ông Lê Văn Mải, trưởng Công an Tiên Lãng và người dẫn đầu tổ tiên
phong tiến vào khu đầm ông Vươn, cũng được dẫn lời nói trước tòa rằng
ông không ra lệnh nổ súng.
Báo Người Lao Động thì nhấn mạnh chi tiết: ‘Bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo’.
Theo tường thuật của báo này thì ‘tất cả các bị hại đều từ chối bồi
thường thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần’ dù mức độ thương tật là
mất từ 25% đến 43% sức lao động.
Người Lao Động dẫn lời công an Tuấn nói trước Tòa rằng: “Các bị cáo
vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc nên cần xem xét cho các bị
cáo”.
‘Người hùng của dân’
“Ông Vươn, 50 tuổi, đã trở thành người anh hùng thật sự trong lòng
của quần chúng ở một quốc gia cộng sản mà các thưa kiện đất đai đã trở
nên rất nóng bỏng.”
Hãng tin Pháp AFP
Trong bản tin tường thuật của mình về phiên tòa, hãng tin Pháp AFP
gọi ông Đoàn Văn Vươn là ‘một người nông dân trở thành người hùng của
quần chúng’.
“Ông Vươn, 50 tuổi, đã trở thành người anh hùng thật sự trong lòng
của quần chúng ở một quốc gia cộng sản mà các thưa kiện đất đai đã trở
nên rất nóng bỏng,” hãng tin này viết.
AFP dẫn lời ông Vươn nói tại tòa hôm 2/4 rằng ông ‘không có ý định
làm tổn thương dù đó là ai’ mà chỉ muốn ‘dọa’ lực lượng cưỡng chế.
Bị cáo Vươn cũng được dẫn lời nói là ông ‘buộc phải chống lại lệnh
cưỡng chế’ mà ông cho là phi pháp ngõ hầu thu hút sự chú ý của các lãnh
đạo tối cao của đất nước sau khi đã thưa kiện nhiều lần nhưng không có
kết quả.
Phim ‘Vợ chồng anh Vươn’
Vụ án Đoàn Văn Vươn bị mỉa mai là một ‘bộ phim’ do Viện kiểm sát Hải Phòng đạo diễn
Hãng tin này cũng cho biết hành động phản kháng này của gia đình ông
Vươn, vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam, đã làm bùng nổ ‘một phong trào rộng
lớn trên cả nước ủng hộ gia đình ông Vươn’.
‘Công lý cho ông Vươn’
Trong lúc này, trên mạng đang lan truyền bản ‘Tuyên ngôn: công lý cho
Đoàn Văn Vươn’ do ba sinh viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí
Minh khởi xướng để kêu gọi chữ ký ủng hộ các bị cáo qua mạng.
Trao đổi với BBC, sinh viên Nguyễn Trang Nhung, một trong những người
khởi xướng ‘Tuyên ngôn’ này cùng với các bạn đồng môn là Bùi Quang Viễn
và Phạm Lê Vương Các, nói mục đích của văn bản này là ‘khuyến khích tòa
án thật sự độc lập, can đảm và khách quan nhất có thể’ và cũng để ‘góp
một tiếng nói’ để ‘gây sự chú ý của dư luận’ về phiên tòa.
Trang Nhung cho biết kể từ xuất hiện trên mạng hôm 31/3, đến nay
‘Tuyên ngôn’ này đã thu hút được ‘gần 2.000 chữ ký’ từ những người thuộc
nhiều ngành nghề khác nhau ở cả trong và ngoài nước, trong đó có ‘những
nhân vật được công chúng biết đến’.
Sinh viên này nói nhóm khởi xướng ‘Tuyên ngôn’ có quan ngại ‘tòa xử
không công minh’ vì trong các vụ án tương tự giữa chính quyền và người
dân thì người dân ‘không thể nào có được sự công bằng’ vì ‘cơ quan xét
xử không độc lập’.
“Cáo trạng không mô tả hết các tình tiết của sự việc, để lọt một số
người có hành vi vi phạm lợi ích của người dân và những hành vi của bị
cáo không được mô tả chính xác mà theo cách bất lợi cho bị cáo. Cách dẫn
dắt đến tội Giết người cũng không thỏa đáng.”
Nguyễn Trang Nhung, sinh viên Luật
Nhận xét về cáo trạng của cơ quan công tố Hải Phòng, sinh viên Nhung nói ‘không khách quan và có thiếu sót’.
“Cáo trạng không mô tả hết các tình tiết của sự việc, để lọt một số
người có hành vi vi phạm lợi ích của người dân và những hành vi của bị
cáo không được mô tả chính xác mà theo cách bất lợi cho bị cáo. Cách cáo
trạng dẫn dắt đến tội danh Giết người cũng không thỏa đáng,” chị nói.
Chị Nhung cũng phản bác tội danh Giết người mà bên công tố cáo buộc các bị cáo.
“Ở đây, do hậu quả chết người chưa xảy ra, nên nếu quy vào tội Giết người thì chỉ có thể là tội Giết người chưa đạt.”
“Mà tội Giết người chưa đạt thì phải có một dấu hiệu bắt buộc là có
lỗi cố ý trực tiếp, tức là có mong muốn hậu quả chết người xảy ra,”
Trang Nhung giải thích.
Theo lập luận của chị, thì ông Vươn và thân nhân “không mong muốn hậu
quả chết người xảy ra”, cho nên cũng không thể bị truy tố tội Giết
người chưa đạt.
Về sự quan tâm của các sinh viên Luật đối với vụ án đang thu hút dư luận này, Trang Nhung cho biết là ‘rất mờ nhạt, yếu ớt’.
“Có một số người quan tâm nhưng có quan điểm khác,” chị nói – “Họ nói rằng bị truy tố như vậy là xứng đáng”.
0 comments:
Post a Comment