Friday, April 5, 2013

Mỹ Sẽ Lật Kim Jong-Un?

Kim Jung Un
Tình hình có vẻ như Biển Đông êm dịu dần, trong khi Biển Hoa Đông dậy sóng lớn hơn. Câu hỏi là, có thể Bắc Hàn sẽ gây chiến sớm? Thực tế, không ai đoán nổi trong đầu của “đỉnh cao trí tuệ xã hội chủ nghĩa” này tính toán gì.
Nhưng Mỹ thừa cơ này đã ra lệnh đưa đủ thứ vũ khí tới bao vây, và hôm Thứ Năm 4-4-2013 Ngũ Giác Đài đã ra lệnh dàn phòng thủ phi đạn toàn quốc báo động cao trong khi có tin Bắc Hàn sắp phóng thử phi đạn mới.   Trong dàn phòng thủ có 2 tàu chiến trang bị phi đạn Aegis tới vùng biển gần Bắc Hàn, và ra lệnh các dàn bắn chận từ Alaska và California báo động đỏ. Đó là chưa kể đưa thêm một tàu chiến tới đảo Guam để trấn giữ Nam Thái Bình Dương, và thêm các oanh tạc cơ tàng hình B-2 tới Nam Hàn.
Đặc biệt, báo Washington Times hôm Thứ Năm nói rằng Mỹ đang cứu xét lật đổ chế độ cộng sản ở Bắc Hàn nếu nước này sử dụng vũ khí nguyên tử hay tung ra trận chiến toàn lực tấn công vào Nam Hàn và 28,500 lính Mỹ đang trú đóng ở đây.
Nguồn tin này đưa ra sau khi Bắc Hàn nói rằng chiến tranh có thể “bùng nổ hôm nay hay ngày mai,” và báo Washington Times dẫn nguồn tin Bộ Quốc Phòng Mỹ nói Mỹ đã soạn sẵn kịch bản Bắc Hàn sụp đổ và quân Trung Quốc có thể sẽ tràn vào Bắc Hàn để bảo vệ chế độ Kim Jong-Un.
Trong khi đó, Biển Đông vẫn làm ASEAN nhức đầu.
Bản tin VOA hôm 4-4-2013 cho biết một tin lạc quan rằng tất cả các thành viên tham gia cuộc họp quan chức cao cấp giữa 10 nước Đông Nam Á với Trung Quốc nhất trí cùng làm việc để tiến tới bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Cuộc họp hằng năm cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 1 và 2/4. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Phạm Quang Vinh.
Tân Hoa xã ngày 4/4 trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay kết thúc cuộc họp, các bên đồng ý sẽ thực thi đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông trong tiến trình tiến tới một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý.
Theo đó, các bên sẽ có những nỗ lực chung để đạt một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông và tiếp tục trao đổi quan điểm về vấn đề.
10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc nhất trí rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông phục vụ lợi ích chung trong khu vực cũng như giúp phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc.
Các bên cũng thống nhất cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm đánh dấu 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và mở rộng hơn nữa giao tiếp, hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Các cam kết giữa Đông Nam Á với Trung Quốc được lặp lại trong lúc Bắc Kinh đang bị quốc tế chỉ trích về các hoạt động lấn lướt dành chủ quyền ở Biển Đông đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
VOA cũng ghi lời Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, cho hay ông nhận được cam kết từ người đồng nhiệm Hoa Kỳ, John  Kerry, trong cuộc họp ở Washington hôm 2/4 Washington sẽ tiếp tục làm việc với Manila để mưu tìm một giải pháp ôn hòa cho vụ tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và tán thành giải pháp của Manila đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài Liên hiệp quốc nhờ can thiệp.
Mặt khác, đài RFI loan tin rằng Mỹ đưa tàu đổ bộ đến tập trận với Philippines.
Từ ngày 5 đến 17/04/2013 cuộc tập trận thường niên Mỹ – Philippines mang tên Balikatan 2013 (Vai kề vai) sẽ diễn ra tại Luzon, hòn đảo chính của Philippines. Hơn tám ngàn binh sĩ hai nước cùng với một hạm đội tàu chiến nhỏ và 30 phi cơ sẽ tham gia cuộc diễn tập quân sự được tố chức hàng năm trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương ký kết giữa hai bên từ năm 1951.
Theo báo chí Philippines, phát ngôn viên quân đội Philippines, Đại tá Arnulfo Marcelo Burgos cho biết là trong số 20 chiếc máy bay Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan năm nay, 14 chiếc đã đến căn cứ không quân Clark ở Pampanga từ hôm 01/04/2013 và 6 chiếc còn lại sẽ đến nơi từ trước ngày 08/04/2013.
Một bản tin khác của RFI cũng cho biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nhiều dầu khí như đã nghĩ.
Bản tin RFI nói, trong vùng Biển Đông, hai khu vực bị tranh chấp nhiều nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa hề được chứng thực là có nguồn dầu hỏa hay khí đốt dồi dào.
Trong thời gian qua, rất nhiều nguồn tin, nhất là từ Trung Quốc, thường khẳng định rằng Biển Đông là một nơi có trữ lượng dầu khí rất lớn, chẳng khác Vịnh Ba Tư. Trong một bản nghiên cứu công bố ngày 03/04/2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ EIA (Energy Information Agency) đã đặc biệt xác định lại là trong vùng Biển Đông, hai khu vực bị tranh chấp nhiều nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa hề được chứng thực là có nguồn dầu hỏa hay khí đốt dồi dào.
Trong bản nghiên cứu mang tựa đề «Các khu vực tranh chấp tại Biển Đông nhiều khả năng có ít tài nguyên dầu hỏa và khí đốt truyền thống», EIA thẩm định : «Không giống như các nơi khác của Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), các khu vực này (Hoàng Sa và Trường Sa) chưa được chứng thực là có trữ lượng dầu khí (thông thường) dồi dào».
Đối với cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thì các phân tích của họ đều cho thấy là đa số các mỏ mà trữ lượng đã được chứng thực đều tập trung ở những khu vực không thể tranh chấp ở Biển Đông, gần bờ biển của các quốc gia duyên hải, không gần các hòn đảo đang tranh chấp.
Một cách cụ thể, EIA trích dẫn các nguồn tin công nghiệp cho biết là tại các mỏ gần quần đảo Trường Sa, phía tây của miền Nam Philippines, trữ lượng được chứng thực hay được coi là có thể có, hầu như là không có đối với dầu hỏa, còn khí đốt thì chỉ bằng không đầy 100 tỷ feet khối mà thôi.
RFI cũng ghi thêm: “Tại vùng quần đảo Hoàng Sa, ở phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và gần bờ biển phía Đông Việt Nam, tình hình còn tệ hại hơn : dầu hỏa hoàn toàn không thấy, trong lúc khí đốt lại ít hơn rất nhiều.”
Chuyện gì cũng có vẻ như bí hiểm, từ chuyện Kim Jong-Un cho tới chuyện cờ Trung Quốc in trên nhiều sách thiếu nhi Việt. Ai biết được trong đầu của “đỉnh cao trí tuệ XHCN Nguyễn Phú Trọng” suy nghĩ những gì, có giống Kim Jong-Un chăng… Trời chắc cũng thua, không biết nổi.

Tác giả : Trần Khải

0 comments:

Powered By Blogger