Friday, April 5, 2013

30 – 4 NHỚ VỀ THẾ HỆ TRẺ NĂM XƯA

   Tôi sanh ra từ làng quê Bưng Cầu, xứ Thủ Một cây Dầu. Ba làm thầy ký dưới chợ Thủ. Má làm nội trợ ở nhà. Khi chưa tới tuổi đi học, ở nhà nghe lời mẹ dạy hai điều: Một là không được dối trá. Hai là sống cho có nghĩa, có nhân. Nhân là lòng thương người. Thương người như thể thương thân. Nghĩa là lẽ phải ở đời. Giữa người với ngưới đối đãi nhau với tình thương và lẽ phải, xóm làng ấm êm.
Năm 6 tuổi bắt đầu đi học trường làng. Cậu sắm cho cặp đệm mới tinh, còn thơm mùi lá cói. Lại dạy cháu: Quốc là nước. Gia là nhà. Ơn tấc đất, ngọn rau. Phải ráng lo học, mai sau báo đền. Học vừa xong lớp Đồng ấu, chiến tranh 1945 kéo tới. Chạy tản cư mất một năm học.
1946 học lớp nhì trường làng, tức lớp hai trường tỉnh, biết chút ít tiếng Tây. Thầy dạy: Mình là người Việt Nam. Tây khinh thị kêu là anamite. Như vậy là không được. Phải xưng là vietnamien.
Một bửa tây đi bố. Dừng quân ở vườn me trước trường. Thằng Đực thấy cây súng Mas 36 ngồ ngộ, mới men lại dòm ngó. Thằng lính ma rốc ngoắt lại kẹp cổ hỏi: Es-tu vietminh? Thằng nhỏ sợ lắm mà nhớ lời thầy dạy, dõng dạc đáp: Non, je suis vietnamien. Thằng lính ma rốc thất học, biết cóc gì là vietnamien. Nó chỉ biết tiếng anamite theo tây nói. Nó trợn mắt trắng dã, rút dao găm kề cổ thằng nhỏ, lặp lại câu hỏi. Thằng Đực biết rõ ràng: Chỉ nói, je suis anamite là yên. Nhưng nhứt định hổng chịu nói như dzậy. Nó vừa khóc vừa la: Je suis vietnamien! Thằng ma rốc đành hô: Va t’en!
1947 ra tỉnh học lớp ba. Năm năm, mỗi lần nghe hè tới. Khi tiếng ve sầu rã rít bên song cửa lớp, trên tàng cây dái ngựa (huỳnh đàn?). Cội điệp già trỗ bông đỏ ối, rụng đầy sân. Lòng trẻ thơ bôn chôn. Mong sớm tới ngày bãi trường. Xem các chị diễn kịch hai bà Trưng, cởi voi, rượt giặc Tô Định chạy về Tàu. Xem các anh diễn Hội nghị Diên Hồng: “Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!… Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến. Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh!
Thời gian nước chảy qua cầu. Đực làng Bưng Cầu nay đã là thiếu niên. Tuổi thanh xuân mơ mộng. Có những buổi chiều tà. Bên bờ sông Thủ, bâng khuâng ngắm trời mây. Có những chiều học bài không thuộc. Vì nhớ con nhỏ ngỗ ngáo, ngồ ngộ. Học đệ lục buổi chiều. Mới mon men qua lớp. Lấp ló nơi cửa sổ, lén nhìn. Chỉ mong ai đó, đang cặm cuội chép bài, ngẩng mặt lên cho nhìn chút xíu. Mãi mãi mà không được. Thơ thẩn, quay bước về, buồn hiu!
1956 chàng trai tuổi mười tám, trên chiếc xe kiệu hoa, mừng ngày thành lập Đệ nhất Cộng hòa, vung mạnh tay chém rắn ba đầu Phong – Thực – Cọng.
Từ đó mà đi, chàng trai trẻ hăm hở học hành. Quyết xây dựng tương lai.
1959 thi đậu vào Học viện Quốc gia Hành chánh Saigon. Câu đầu tiên thầy dạy: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Làm sao giúp cho người dân được “an cư, lạc nghiệp”. Đó là nghĩa vụ của người công bộc Quốc gia.
Học hành tuy vất vã, nhưng vẫn là trai trẻ tuổi yêu đương. Làm sao không lãng mạn. Đâu phải là lính đi phép về thăm, mới “ Bóng nhỏ, đường chiều “. Anh sinh viên QGHC đi thực tập xa nhà, vẫn nhớ người yêu quay quắt chớ sao không?! Xứ Ô Môn xa tắp chiều mưa. Lòng nhớ ai thắp thõm, lẩm nhẩm câu ca: “ Chiều mưa biên giới, anh đi về đâu? … Cờ về chiều tung bay phất phới. Gợi lòng nầy … thương thương… nhớ nhớ… Đường về xa lơ…”
Nhớ thuở mới quen nhau. Thẹn thuồng hò hẹn ven sông vắng. Nàng ngắt hoa dại kết vòng nguyệt quế. Đội cho chàng làm chú rễ ngày tân hôn. Kết nghĩa phu thê trong mơ ước. Cũng có lần, dưới trăng mờ Đà Lạt, tay cầm tay nhẹ bước. Chiều Hậu Giang gió lộng. Nàng áo trắng vượt đường xa. Em đến thăm anh, chiều tắt nắng. Và…quên đường về.
Khi đất nước lâm nguy, hầu hết bạn bè trang lứa đều vào lính. Nơi chiến trường máu đổ, thương vong. Những ngày về phép hiếm hoi, gặp lại người yêu. “ Bóng nhỏ đường chiều”. “ Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở. Thương nầy, thương cho bỏ lúc đợi chờ!”
Tuổi trẻ Miền Nam, một thời oanh liệt, một thuở yêu đương!
Ngày 30 tháng tư, 1975, đất bằng dậy sóng. Bọn giặc cọng ào vào cướp phá. Saigon từ đây lạc mất tên. Người Saigon tan tác! Lớp tù đày, lớp đi Kinh Tế Mới.
Nơi trại tù khổ sai Nhà Đỏ, quê nhà Bình Dương. Tay không gỡ mìn bẩy. Đốn cây, lăn súc trong rừng. Anh Lê Văn Xê, Phó Ty Thuế Bình Dương, bị cây đè vong mạng!
Ra Bắc thượng Hoàng Liên Sơn. Mùa đông lạnh buốt óc, nhức tim. Đỉnh Fansipan tuyết phủ một màu. Mùa xuân đến. Hoa bang nở trắng núi đồi.
Mùa hè dưới chân rặng Trường Sơn. Nắng như đổ lửa. Đêm về gió lào thổi hun hút như hơ. Bác tù già hen suyển. Đứng tựa song sắt thở phì phò. Gã tuổi trẻ trăn trở mơ màng.
Mội Thầy Thơ trong vắt. Cội trăm già rợp bóng.
Tù trong vừa mới mãn. Tù ngòai Kinh tế mới liền theo. Ngày ngày, gạo công nhân, mít luộc chấm muối. Thân xác trơ gầy. Bịnh lao phổi hoành hành. Máu đào, hòa nước mắt. Câu kinh Phật vỗ về. Lòng bình yên, quên đói lạnh, quên thân. Vong ngã là đây!
Rốt rồi cũng “qui mã”.
Hai mươi mấy năm sống trên đất Mỹ. Buâng khuâng nhớ quê nhà. Em cháu sống lăn lóc ra sao? Mội Thầy Thơ nay có còn không? Cội trăm già nay còn hay mất? Con suối bưng hiền hòa nước đục hay trong? Tin nhà đưa sang, lòng buồn rười rượi. Làng Bưng Cầu nay có còn đâu! Bây giờ là Đông đô Đại phố chệt Tàu. Hảng xưởng Hàn, Đài mọc lên thay chỗ. Mội Thầy Thơ chỉ còn trơ một lỗ. Suối Bưng Cầu chỉ còn là con lạch bùn lầy hôi thối!
Ngày nay, tôi có một ước mơ. Trước khi rời bỏ trần thế nầy, được thấy. Ngày tàn của cọng sản hung tàn. Giải đất hình chữ S, quê tôi bên kia bờ Đại Dương. Chấm dứt đêm trường cọng sản. Nước Việt Nam trở lại huy hoàng, rạng rở bên bờ Biển Đông
Nguyễn Nhơn

0 comments:

Powered By Blogger