Nhận được tin báo tại Nam Định nhà cầm quyền đang dùng đủ mọi lực lượng bạo lực để cướp đất nhân dân tại Vụ Bản, chúng tôi lên đường về Vụ Bản ngay trong đêm 20/12/2010. Những gì chúng tôi chứng kiến cho thấy nhà nước dùng các lực lượng vũ trang phục vụ việc cướp đất của người dân đã và đang xảy ra ở đó như thế nào, sự tàn bạo ra sao.
Điều bất ngờ và đau đớn nhất mà chúng tôi chứng kiến lần đầu là lực lượng quân đội đã chính thức được dùng để đàn áp nhân dân nhằm cướp đất của họ.
Những tiếng kẻng trong đêm
Trên đoạn đường Quốc lộ số 10 cách TP Nam Định 13 km về phía Nam, một cánh đồng bằng phẳng, rộng mênh mông theo đúng nghĩa là bờ xôi ruộng mật giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ đã từ lâu là món mồi béo bở mà các quan chức Nam Định nhòm tới.
Đây là khu đất nông nghiệp thuộc các xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái thuộc huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định.
Khi chúng tôi đến là 1 giờ sáng, tại sân một khách sạn bên đường có ánh đèn, hàng loạt bộ đội, công an với trang bị xe cộ, máy móc đang tập trung tại đó. Dọc đường chính và xung quanh, các loại máy xúc, máy đào đang tập trung dày đặc… Cảnh vật vẫn im lìm dưới màn sương mùa đông nặng nề.
Bỗng nhiên những tiếng kẻng bằng các loại dụng cụ kim khí vang lên, từ các ngõ ngách, bà con ùn ùn kéo ra đường quốc lộ. Ngay lập tức đơn vị công an đóng tại khách sạn được lệnh xuất quân.
Cảnh vật và những hình bóng di động trong đêm, ánh đèn pin quét qua lại bên cạnh những tiếng gõ của thùng, xô bằng kim khí… giống hình ảnh nào đó trong sách vở về những cuộc nổi dậy đâu đó thời chống Pháp.
Trên đường vào xã Liên Minh, một câu khẩu hiệu đang giăng ngang đường “Nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu về đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”. Còn bên kia “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Một người bạn đi cùng buột miệng: “Hồ Chí Minh có sống mãi trong sự nghiệp cướp đất của dân này không nhỉ? Người khác đáp lời: “Thì cải cách ruộng đất, công đầu thuộc về Hồ Chí Minh chứ ai vào đó nữa? Bây giờ đảng ta cứ đường đó mà đi thôi”.
Khi nghe tin sẽ bị chiếm cướp đất đai, bà con khắp 3 xã đà đồng loạt rủ nhau kéo cờ đỏ sao vàng trên mọi nhà, họ cứ hi vọng một điều mơ hồ nào đó từ chính lá cờ máu mà chính con cháu họ đã đổ ra nhuộm thắm lá cờ này đem lại điều gì đó an ủi họ chăng? Nhưng không, những lá cờ ủ rũ trên các nóc nhà, trước ngõ xóm như nói lên sự bất lực của mình.
Cũng đúng thôi, đến lãnh thổ thiêng liên của Tổ Quốc còn bị gặm dần từng miếng cho ngoại bang, thì lá cờ đâu có còn đủ thiêng để họ hi vọng.
Vùng đất này là nơi của nhiều quan chức cộng sản được sinh ra, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thượng tướng Song Hào… Những người dân nơi đây nổi tiếng đóng góp cho chính quyền CSVN hiện tại nhiều người, nhiều của trong chiến tranh.
Nhưng giờ đây, khi miếng mồi ngon đã nằm vào tầm ngắm thì những người dân ở đây phải ra rìa để nhường chỗ đất đai này cho quan chức làm “khu công nghiệp”. Khi đó, nguyện vọng của nhân dân, quyền lợi của họ được giải quyết bằng… dùi cui điện và lực lượng cảnh sát.
Người dân không đồng ý không quan trọng, người dân mất nghiệp để sống chẳng hề chi, người dân kêu khóc đó là việc của họ, những kẻ đầy tớ nhân dân không cần biết nhiều duy chỉ biết một mệnh lệnh: Trấn áp bằng được.
Những người dân thân cô, thế cô không còn biết cậy dựa vào ai nữa thì đành cùng nhau phản đối, vậy là lực lượng công an với phương châm “chỉ biết còn đảng còn mình” lập tức xông ra bảo vệ quyền lợi của đảng. Còn người dân một nắng hai sương nuôi nấng lực lượng này, chẳng là gì để cần quan tâm.
Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên, lực lượng quân đội chính thức ra mắt đàn áp dân chúng để cướp đất đai.
Thế là đủ bộ lực lượng vũ trang nhân dân, được dùng chính thức để trấn áp nhân dân trước sự ngỡ ngàng của những người dân đầy truyền thống cách mạng ở đây.
Khi thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên sao lại dùng quân đội vào đàn áp nhân dân, một người giải thích: “Chỉ vì vùng chúng tôi cống hiến nhiều quân nhân, bây giờ số cựu chiến binh rất lớn, họ sẵn sàng đứng lên vạch mặt bọn quan tham cướp đất. Khi họ đứng lên, công an chẳng dám đụng vào. Vì thế, nhà nước đưa quân đội về đây để trấn áp cựu chiến binh đấy”.
Thì ra là vậy, đạo đức xã hội đã xoay chiều, lớp con cháu hôm nay trong quân đội nhân dân anh hùng, sẵn sàng được dùng để đánh vỡ đầu bọn cha anh dám đứng lên chống lại chính sách cướp bóc hôm nay.
Chủ trương này không phải của một tỉnh, một huyện, trái lại là chủ trương của Bộ Quốc phòng hẳn hoi. Trên tờ Quân đội Nhân dân, mới đây đã có loạt hai bài viết dọn đường đưa quân đội vào đàn áp nhân dân ở đây. Trong đó có bài 1 với đầu đề rất nhân nghĩa: “Cần tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân” và sau đó bài 2 lập tức thò ra cây gậy.
Khốn khổ cho người dân Việt Nam, nuôi một lực lượng quân đội không nhỏ, nhưng ngư dân ra biển bị bắt bớ, đánh đập không thương tiếc, buộc đòi bỏ tiền chuộc hết lần này rồi lần khác, biên giới, hải đảo cha ông tốn núi xương sông máu giữ gìn dần dần biến mất vào tay Tàu cộng mà lực lượng này không biết nằm ở đâu. Nay thì đã rõ, lại cũng chỉ biết “còn đảng còn mình”.
Những nông dân lầm lũi trong đêm, tay cầm chiếc thùng tôn, cái vung nồi gõ liên tục như tiếng gọi đàn lạc lõng giữa đêm khuya bên cạnh hàng hàng lớp lớp lực lượng vũ trang “của nhân dân” nghe sao mà thê thảm và nghịch cảnh đến thế!
Có lẽ cách đây mấy chục năm, có nằm mơ cũng không bao giờ họ nghĩ đến cảnh hàng ngàn người dân đã bị lực lượng vũ trang mà thời nào đảng vẫn luôn kêu gọi quân với dân “như cá với nước”, nào là “đi dân nhớ, ở dân thương”, nào là “vì nhân dân mà phục vụ”… rồi họ đã hiến mạng sống của con cái, của bản thân mình và mồ hôi xương máu nuôi lực lượng này để giờ đây họ tận mắt chứng kiến những cảnh đời tráo trở.
Những tiếng nói người dân và lực lượng vũ trang hành động
Nói chuyện với chúng tôi, những mẹ già lọ mọ trong đêm sương lạnh ấm ức rằng: “cũng như chúng tôi đi chợ, khi chưa trả giá, chưa hỏi han làm sao mang hàng của chúng tôi đi được, như thế có khác gì cướp ngày”. Một thanh niên nói: “Tôi mới đi làm ăn xa nghe tin thì về đây. Nếu với cái giá rẻ mạt như thế, chúng tôi sẵn sàng mua cả ¼ cánh đồng này”.
Một cụ già cho biết: “Chúng tôi khốn khổ với trò này đã ba năm nay, chúng nó giở lắm trò làm cho chúng tôi điêu đứng, cứ năm hết tết đến là chúng nó gây chuyện và làm nội bộ chúng tôi cha mất con, anh mất em”. Thấy chúng tôi có vẻ lạ với câu nói này, ông giải thích: “Các bác không biết đấy thôi, chúng nó chơi nông dân chúng tôi thâm độc lắm. Cứ đến mùa gần Tết, ai có con em làm việc trong thành phố, trong các cơ quan, chúng nó buộc nghỉ cả 1 tuần về để bắt gia đình đồng ý im lặng cho chúng nó cướp, nếu không làm được thì sẽ bị mất việc… Thế rồi về anh em cãi cọ, bố con mất đoàn kết đến tận Tết luôn, vậy là năm này hay năm khác bất hòa, mất đi tình máu mủ, ruột rà… mà đồng ý thì chúng tôi lấy gì để sống đây”?
Câu hỏi của cụ già chúng tôi không thể trả lời được. Một thanh niên góp lời: “Nhà nước cứ kết tội ai phá hoại tình đoàn kết, nhưng chính nhà nước đang tìm cách phá hoại khối đoàn kết tòa dân chúng tôi”.
Theo những người dân thuật lại, chiều qua, chính quyền đưa hơn 1.000 ngàn cảnh sát cơ động, công an các loại và đủ loại cán bộ về bao vây bảo vệ cho một đoàn máy xúc, máy ủi tiến hành san lấp mặt bằng. Nhân dân tập trung phản đối và cảnh sát cơ động với dùi cui điện đa ra tay. Một thanh niên khoảng 3 tuổi đã gục xuống.
Cảnh sát cơ động sau khi ra tay đã rút êm, chính quyền bỏ mặc người bị đánh, cuối cùng nhân dân phải đưa người này đi cấp cứu.
Cả đêm, dân mấy xã không hề ngủ, họ lo lắng cho tài sản xương máu của mình, lo lắng cho tương lai cuộc sống của gia đình, con cái khi ruộng đất bị cướp đi. Xóm trên, làng dưới xôn xao về sự man rợ, sự tàn ác của một “chính quyền do dân, vì dân” đang được thi thố ở đây.
Sáng 21/12, khi chúng tôi đi ra đường quốc lộ 10 thì toàn bộ mọi con đường xung quanh dẫn đến khu cánh đồng 3 xã đã bị hàng loạt công an, bộ đội, dân phòng và đủ loại chặn lại. Tất cả mọi xe cộ đi đến đoạn đường đó trên Quốc lộ 10 đã bị buộc rẽ theo lối khác.
Không khí trấn áp dữ dội tạo nên một tâm lý hết sức rùng rợn trong suốt cả 3 xã ở đây. Trên cánh đồng của họ, hàng loạt máy ủi, máy xúc đang tích cực hoạt động dưới sự bảo vệ của quân đội và công an. Tại các ngõ xóm, từng tốp công an đứng lẫn dân phòng với gậy gộc trong tay mắt gườm gườm nhìn người dân qua lại.
Xung quanh các quán hàng bên cạnh quốc lộ, hàng đoàn cán bộ, công an tập trung đông đúc, chỗ nào cũng thấy “màu xanh yêu thương” của lực lượng vũ trang.
Hàng ngàn người dân đứng trước các trạm chặn của cán bộ, công an mà nước mắt nghẹn ngào nuốt vào trong nhìn đất đai tài sản của mình đang bị ngang nhiên cướp trắng dưới sự bảo kê của những lực lượng chính họ nuôi nấng và hi sinh. Những nhát xúc của chiếc lưỡi máy xúc bập vào đất đai, như chọc thẳng vào con tim của họ.
Đau đớn, căm hờn… nhưng bất lực trước lực lượng hùng hậu của “đảng và nhà nước ta”, họ nghiến chặt hàm răng.
Nhìn thấy cảnh này, một người trong chúng tôi chợt bật lên câu thơ của một nhà thơ nào đó thật ai oán, ân hận và đau đớn:
“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này…”
Một số hình ảnh tại Vụ Bản ngày 21/12/2010:
0 comments:
Post a Comment