Wednesday, November 14, 2018

Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam

Phạm Văn (Danlambao) - Điều tôi trăn trở thường xuyên lâu nay là làm thế nào có một tiếng nói có thể góp phần làm sáng tỏ thực sự các vấn đề về các cuộc chiến tranh, về cái gọi là “cách mạng” và “nền độc lập” ở Việt Nam thời hiện đại vốn được rất nhiều người quan tâm dưới những cách nhìn, cách hiểu với những hình thức khác nhau, thậm chí đối lập nhau quyết liệt. Tôi đã phác thảo ít nhiều về ý tưởng, nội dung một bài nghiên cứu có tên là “Nhãn quan lịch sử” trong đó từ “nhãn” được hiểu là căn bản, trọng yếu, chứ không có nghĩa chỉ “con mắt” và dự định sẽ công bố bài viết sau khi ở Việt Nam nền Tự do-Dân chủ đã được thiết lập trước hết về chính trị. Tuy nhiên, ý định này tỏ ra không thực tế, vì có những biến chuyển nhanh chóng, mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới trong thời gian từ tháng 6 đến nay, khiến cho vấn đề nổi lên rất cần phải giải đáp lúc này là về nền độc lập, nhất là việc dân tộc, đất nước Việt Nam đang đứng trước khả năng, cơ hội có một không hai để có được một nền độc lập thực sự. Vì thế, tôi kết hợp nội dung của bài viết nói trên vào nội dung bài viết mới “Vì một nền độc lập thực sự của Việt Nam”.

Cũng cần nói trước là những gì tôi trình bày ở đây nói chung có thể đã được nói đến trong nhiều nghiên cứu, bài viết của các tác giả khác. Vì vậy, điều tôi làm chủ yếu là thể hiện lại sao cho chúng ít nhiều có tính bao quát, hệ thống, đồng thời có thêm những ý kiến riêng, để người đọc có thể dễ theo dõi. Vả lại, bài viết này cũng mang nội dung và ý nghĩa tổng kết những ý kiến, nhận thức của tôi đã được thể hiện trong các bài viết cho Dân Làm Báo từ cuối tháng 6 đến nay.

Phần 1: Thời gian của sự thật và những cái gọi là “cách mạng” và “nền độc lập”

Mọi sự vật, hiện tượng đều có không gian-thời gian của chúng và sự thật cũng như thế. Nhưng sự thật là cái mà con người nhất định phải đấu tranh cho nó và dĩ nhiên, đó là cuộc đấu tranh diễn ra trong không gian-thời gian xác định. Tuy nhiên, với trường hợp này tôi chỉ muốn nhấn mạnh cái hình thức thời gian của sự thật, vì chính thời gian, tức là ở thời điểm hiện tại, những sự thật đã từng tồn tại, đang biểu hiện ra trong những quan hệ, điều kiện (không gian) rất mới, trong những quan hệ, điều kiện khiến chúng thật sự là chúng, không thể khác được. Chính trong điều kiện ấy, ta có thể nhận thức, ý thức về chúng một cách chính xác, rõ ràng hơn bao giờ hết và hơn thế, về thực tiễn cho phép ta có thể tìm ra phương thức đối xử với chúng một cách thích hợp và hiệu quả nhất. Cụ thể là những sự thật của “cách mạng” và “nền độc lập” ở Việt Nam và của những gì liên quan đến chúng đã tồn tại từ lâu và cũng đã từ lâu chúng ta đã lên tiếng về chúng, nhưng chúng vẫn chưa đủ thời gian, nên chưa có sức mạnh, hơn thế còn bị che phủ, bị làm mờ đi, thậm chí bị trấn áp và nhiều khi bị đè bẹp bởi sự dối trá, bạo quyền bởi vì chúng đã phơi bày chính những dối trá, bạo quyền ấy. Nhưng theo thời gian-bây giờ thì khác, sự thật, những sự thật đã bước vào không gian tồn tại thực sự của chúng, trong quan hệ với những sự kiện, vấn đề, yêu cầu mới của cuộc sống mới, của thời đại mới. Cho nên, chúng không còn “đơn độc” nữa, chúng không những càng được phơi bày rõ ràng hơn, mà còn kết hợp với những điều kiện, yêu cầu mới để tạo nên sức mạnh mới - sức mạnh của một cuộc cách mạng.

1. Thời đại mới

1/ Thời đại mới, đó trước hết là thời đại của cách mạng 4.0 đang bùng nổ rất mạnh mẽ, nhanh chóng và quyết liệt, trở thành xu thế tất yếu không gì ngăn trở được của loài người. Sự thực, người máy-trí tuệ nhân tạo đã và đang thay thế con người, đem lại nhiều điều lợi cho con người trong rất nhiều lĩnh vực, công việc. Và như mọi cuộc cách mạng công nghiệp, như truyền thống của nó, cội nguồn-cái nôi của cách mạng 4.0 vẫn là những nước, những xã hội và chế độ xã hội được tạo dựng nên bởi sự hình thành và phát triển của những con người thực sự - những cá nhân con người với những đặc trưng trí tuệ, tính chủ thể, ý chí, sáng tạo, lương tâm và trách nhiệm, nhất là tự do. Nhưng lần này thì khác, mới về căn bản. Cách mạng 4.0 đã chứng tỏ những tiềm năng, sức mạnh, sự sáng tạo hết sức lớn lao, không ngừng của con người. Ta không thể biết điểm dừng của nó ở đâu. Nếu như trong các giai đoạn trước đây con người cá nhân-tự do-sáng tạo chỉ thực hiện những nối kết chủ yếu trong phạm vi quốc gia dân tộc, thì giờ đây nó đang thực hiện những nối kết trên phạm vi khu vực, châu lục, nhân loại và thậm chí có tính vũ trụ. Vì vậy, con người cá nhân đòi hỏi phải có những phẩm chất trí tuệ, nhân cách rất lớn lao, nó phải mang trong mình cái xã hội hết sức phức tạp, rất sâu sắc và lớn lao có tính nhân loại và thậm chí vũ trụ, là những cái chỉ có thể được thực hiện bằng con đường tổng hợp-phức hợp rất lớn (xem bài viết của tác giả “Nhiệt thành ủng hộ và cám ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump” trên Dân Làm Báo 3/10/2018).

Đã có nhiều người nói về chủ nghĩa tự do mới, nhưng theo tôi đây mới là nội dung thực sự của tự do mới, chủ nghĩa tự do mới của những con người cá nhân mới với tiềm năng, năng lực sáng tạo cũng rất mới, hết sức lớn lao. Và với điều này, con người sẽ không phó thác cho sự chi phối của công nghệ-máy móc, dù rằng đó là thời đại của máy móc hết sức thông minh, trái lại con người sẽ trung thực, minh bạch và công bằng hơn nữa, nghĩa là giàu có hơn nữa cả về đời sống vật chất và tinh thần để có thể làm chủ nó. Cuộc cách mạng 4.0 chắc chắn không chỉ là cuộc cách mạng của hiểu biết, trí tuệ, đương nhiên rất cần sự hiểu biết, trí tuệ, mà còn là, còn kéo theo cuộc cách mạng của tâm hồn, lương tâm, cuộc cách mạng của những giá trị, tư tưởng, tinh thần, phẩm giá, nhân cách con người nói chung. 

2/ Chính cuộc cách mạng này, cuộc cách mạng không hề làm suy giảm vai trò của con người cá nhân, trái lại còn khẳng định nó một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong vai trò nối kết đời sống của các cộng đồng trong những phạm vi khác nhau, đang và sẽ đưa thế giới trở thành một-những cấu trúc mới, không phải là thế giới “đại đồng” cộng sản chủ nghĩa như học thuyết Marx, những người cộng sản mong đợi và quyết thực hiện bằng những cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng bạo lực đẫm máu “một mất một còn”. Đây là thời đại của sự hình thành những dân tộc-quốc gia thực sự, mà sự độc lập của mỗi quốc gia-dân tộc không đơn giản chỉ là việc đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, mà chủ yếu ở sự khẳng định nền độc lập, tính chủ thể-tự do trong quan hệ hợp tác với các quốc gia-dân tộc khác dưới những hình thức khác nhau. Không phải trong quan hệ phủ định, mà là trong quan hệ khẳng định, một quốc gia-dân tộc mới tồn tại đúng nghĩa là một quốc gia dân tộc độc lập, là chủ thể lịch sử thực sự. Trên thực tế, sự hình thành liên hợp các quốc gia châu Âu, xu hướng của các quốc gia châu Phi, xu hướng của cộng đồng các quốc gia độc lập gồm Nga và một số nước XHCN cũ (?), của các nước châu Mỹ la-tinh và khối ASEAN v.v... Đương nhiên, những liên hợp các quốc gia độc lập này được tạo dựng trong một Liên hợp quốc chắc chắn sẽ có nhiều cải tổ tích cực hơn trong thời gian tới. 

3/ Chế độ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và một số nước châu Âu, đã đưa đến việc hầu hết các nước này bước sang con đường phát triển tự do-dân chủ. Nước Nga và một số nước khác (thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập SNG) dường như vẫn còn “vật lộn” với quá trình này (?), trong đó nước Nga có vẻ như đã chuyển sang một kiểu hay hình thức khác, một biến tướng khác của chế độ độc tài, không còn là độc tài-toàn trị cộng sản nữa, hoặc là một bước trung gian cần thiết nào đó để đi đến chế độ tự do-dân chủ hoàn toàn, hoặc nước Nga đang chứng tỏ tính đa cực của thế giới, ít ra về mặt chính trị? Nhưng dù sao, xu thế đi đến tự do-dân chủ là hết sức rõ ràng, cả ở nước Nga, vì người ra thấy điều này rất rõ sau những sự phủ định-đoạn tuyệt kiên quyết đối với chế độ cộng sản. Nhưng rất cần đặt vấn đề là tại sao chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ độc tài-toàn trị cộng sản ở Liên Xô-nước Nga và châu Âu, nhất là Liên Xô-nước Nga, đã từng chiến thắng và trở thành một hệ thống hùng mạnh một thời và bây giờ thì nó sụp đổ? 

4/ Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thực chất là do Mỹ chủ động tiến hành, đã chứng tỏ và làm bộc rõ hơn rõ hơn bao giờ hết những khuyết phạp của văn hóa Trung Quốc-phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, cũng chính trong-từ cuộc đấu tranh này, Tổng thống Mỹ D. Trump và loài người văn minh đã nhận thấy rõ hơn và thể hiện ý chí quyết tâm tiêu diệt đến cùng những chế độ độc tài, trong đó có độc tài-toàn trị xã hội chủ nghĩa (và cộng sản chủ nghĩa). Điều này có nghĩa là những sự thật về sự lạc hậu, khuyết tật của văn hóa phương Đông điển hình là ở Trung Quốc, những sự thật về sự sai lầm, ngu tối và tàn ác của các chế độ độc tài, nhất là độc tài-toàn trị cộng sản cả về lý thuyết và thực tiễn dù được bưng bít, che đậy bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc và cả sự tàn bạo, dã man trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm, đã bị phơi bày. Nhưng mặt khác, có thể nói, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không còn là cuộc chiến tranh kinh tế đơn thuần nữa, mà là cuộc chiến tranh nằm trong yêu cầu và xu thế của cách mạng 4.0 như đã nói (xem bài viết của tác giả “Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống Quái thú-mọi rợ” đã đăng trên Dân Làm Báo 9/7/2018).

Cho nên, nếu như trước đây chủ nghĩa tư bản-tự do cũ phải tiêu diệt chế độ phong kiến điển hình ở Châu Âu và đã tiêu diệt hoàn toàn, tận gốc nó, để hình thành và phát triển thì giờ đây trên bình diện lớn hơn, liên quan đến quá trình toàn cầu hóa, hội nhập có tính quốc tế, cuộc chiến tranh-cách mạng của chủ nghĩa tự do mới có thêm nội dung mới là phải xóa bỏ những chế độ quân chủ độc tài và độc tài-toàn trị vốn không hình thành từ chế độ phong kiến mà từ những chế độ quân chủ, đặc biệt kiểu phương Đông-châu Á, điển hình là Trung Quốc. Điều đáng nói là những chế độ độc tài-toàn trị này đã tỏ ra có sức sống rất dai dẳng, đặc biệt biết sử dụng-lợi dụng thậm chí rất thành công những thành tựu khoa học-công nghệ ở những nước tự do-dân chủ phát triển để duy trì sự tồn tại của nó và ở góc độ nào đó, nhất là ở Trung Quốc chế độ này vẫn tồn tại và tiếp tục “phát triển” thậm chí với sự khác biệt và với mức độ cao hơn nhiều. 

Tuy nhiên, hiện giờ các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản này không chỉ đưa lại sự lạc hậu, lệch lạc-quái dị và đau khổ cho nhân dân, dân tộc trong các nước có sự tồn tại của chúng, mà còn cho cả nhân loại, làm đảo lộn hệ giá trị, làm lu mờ, thậm chí triệt tiêu những giá trị cao quý của con người, nhất là Tự do, Trung thực, Sáng tạo và Công bằng v.v... Vì vậy, cuộc chiến tranh-cách mạng mới này của loài người phải kiên quyết ngăn chặn chống lại cái nguy cơ một lần nữa (sau chế độ cộng sản ở Liên Xô và đông Âu) các chế độ quân chủ, độc tài và những biến thể của chúng lại lợi dụng thành quả của những cuộc cách mạng công nghiệp, cụ thể là cách mạng 4.0 nói chung, chỉ nảy sinh trong lòng các xã hội vốn tôn vinh những giá trị Tự do-Trung thực-Sáng tạo và cả Lương tâm, để thực hiện các lợi ích ích kỷ của chúng và chống lại loài người tiến bộ, đồng thời ngăn chặn, chống lại những âm mưu nhằm phá hoại tiến trình này với những mưu toan áp đặt tham vọng bá quyền-dân tộc lên các dân tộc khác và đời sống nhân loại nói chung.

Không thể nghi ngờ được rằng chính thời đại mới với những nội dung cơ bản nói trên đã cho phép ta có đủ điều kiện, khả năng để nhìn thấu và có thể giải quyết được tất cả những gì là sự thật sẽ được nói đến dưới đây. 

2. Phương Đông-châu Á - Trung Quốc và Việt Nam, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản)

1/ Về “phương Đông-châu Á - Trung Quốc và Việt Nam”. Nội dung này tôi đã thể hiện khá rõ trong bài “Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống Quái thú-mọi rợ”. Xin được tóm tắt lại và bổ sung thêm một vài khía cạnh như sau. Trung Quốc, Việt Nam và một phần nước Nga tiền hiện đại được xem là những quốc gia, những phần đất nước chưa-không tồn tại chế độ sở hữu tư nhân, nghĩa là phần lớn tư liệu sản xuất, nhất là ruộng đất đều thuộc sở hữu chung (công), mà thực chất là sở hữu tối cao của nhà vua. Trên cơ sở chế độ sở hữu ấy đã hình thành chế độ quân chủ chuyên chế kiểu phương Đông-châu Á. Như thế, ở những nước quân chủ chuyên chế này chưa có, đúng hơn không có chế độ phong kiến. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam thì chế độ chính trị-xã hội ở Việt Nam thời Trung cổ chỉ là “chế độ quân chủ” chứ không phải là chế độ phong kiến (hoặc chỉ có những ít nhiều yếu tố phong kiến). 

Việc không có chế độ sở hữu tư nhân cũng có nghĩa là ở đây con người cá nhân chưa hình thành, cho nên đương nhiên, những thuộc tính đặc trưng của con người cá nhân như tính chủ thể (độc lập), tự do, trí tuệ, ý chí, lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nói chung v.v... chưa thể có. Bởi thế, con người “cá nhân” tồn tại nói chung chỉ được hiểu đồng nhất với con người “cá thể” với cái cơ thể (thân xác) riêng là đặc trưng của nó. Cho nên, ở đây sự quan tâm của con người chủ yếu là về những giá trị vật chất cho sự tồn tại của cái thân xác ấy. Sự tồn tại kéo dài của chế độ xã hội-chính trị này là cơ sở cho sự hình thành nên thói quen-căn bệnh “sùng bái những giá trị vật chất trần trụi” (xin được sửa lại là “giá trị kinh tế-vật chất trần trụi”).

Cùng với đặc điểm kinh tế, xã hội ấy là đặc điểm nổi bật về nhận thức, là sự chưa phát triển của nhận thức lý tính, hoàn toàn thiếu tinh thần duy lý, không có chủ nghĩa duy lý, cho nên không thể có thời đại Khai sáng (cho dù nó có thể có tính đặc thù phương Đông). Không có lý tính hay sự chưa phát triển của lý tính (về căn bản), đồng thời là sự chưa hình thành con người cá nhân (về căn bản), cho nên phương Đông-châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Việt Nam không hiểu được nội dung, ý nghĩa của pháp luật và nhà nước pháp trị, do đó không hiểu được thực chất của chế độ Tự do-Dân chủ. Vì thế, ở Trung Quốc người ta thường hay sử dụng cách “nói chữ” để thể hiện “đường lối” phát triển, cả trong ngoại giao như kiểu “4 tốt”, “16 chữ vàng”, “con đường tơ lụa…”, còn ở Việt Nam thì rất thích các loại “khẩu hiệu”, chúng được giăng khắp nơi, không cần người dân hiểu thật rõ điều gì được nêu ở đây, chỉ cần họ cảm nhận mơ mơ thực thực là được, đồng thời chấp nhận những “phương châm” từ những từ ngữ mơ hồ của Tàu Cộng, thậm chí còn biện giải thay chúng. 

Với đặc điểm ấy các xã hội quân chủ phương Đông-châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu tồn tại theo “nguyên lý thống nhất” xem như phương thức căn bản để đảm bảo, duy trì được địa vị và quyền lợi của kẻ cai trị, nhất là nhà vua. Nội dung cơ bản của phương thức cai trị ấy là sử dụng-lợi dụng tối đa sức mạnh của cộng đồng, tức của số đông nhân dân, sao cho những con người cá thể (vốn tách biệt nhau) có thể gắn bó với nhau thành xã hội-cộng đồng. Và chúng thực hiện điều này trước hết bằng việc hoặc tước đoạt hoặc đáp ứng những quyền lợi vật chất cần thiết, đồng thời là áp đặt những điều kiện bên ngoài như tôn giáo, tín ngưỡng, thần tượng, những ảo tưởng (về những quyền lợi chung), cả việc sử dụng những mánh khóe, thủ đoạn tinh vi, hiểm độc, bằng cả sự răn đe-bạo lực thậm chí rất khủng khiếp nhằm tạo nên sự ngu tối, sự khiếp sợ, khuất phục ở họ. Đối với chế độ quân chủ thì thống nhất là điều kiện cần thiết tuyệt đối, còn khác biệt, nhất là đối lập là điều nó không hề muốn, không thể chấp nhận, là điều làm nó lo sợ.

Đây chính là những đặc trưng của các xã hội Trung Quốc và Việt Nam, cũng chính là những đặc trưng văn hóa của chúng. Những đặc trưng này quy-quyết định những ứng xử và lựa chọn lịch sử của chúng.

2/ Chủ nghĩa tư bản xét về mặt kinh tế, chủ nghĩa tự do cũ xét về mặt xã hội-văn hóa, không như nhận định của học thuyết Marx-Lenin là giai đoạn nhất định phải bị thay thế bằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, hay là “đêm trước” của chủ nghĩa xã hội, trái lại nó là một giai đoạn, một cấu trúc xã hội lịch sử-tự nhiên. Nếu nó có thể bị thay thế thì cũng chỉ có thể là một cấu trúc lịch sử-tự nhiên cao hơn của-từ chính nó chứ không phải là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản xa lạ với nó. Chủ nghĩa tư bản-chủ nghĩa tự do hình thành là sự phủ định tự thân-bên trong của chế độ phong kiến ở châu Âu-phương Tây. Chính chế độ phong kiến đã chuẩn bị cho nó cả về mặt kinh tế-vật chất và xã hội, tinh thần (Xem Max Weber, Nền đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản). Ngay cả K. Marx cũng đã thừa nhận chỉ có giai cấp tư sản công nghiệp mới có thể thủ tiêu tận gốc những tàn tích phong kiến. Với nền đại công nghiệp và chế độ tư hữu tư sản, với thời đại Khai sáng và với sự hình thành con người cá nhân với những đặc trưng, đồng thời là những giá trị cơ bản của con người như đã nói, với chế độ nhà nước và nền luật pháp cho phép có thể quản lý toàn bộ xã hội, dân cư thống nhất trên phạm vi quốc gia, chủ nghĩa tư bản đã khẳng định sự hình thành nên các dân tộc độc lập thuộc giai đoạn thứ nhất và tạo nên một giai đoạn mới chưa từng có của lịch sử văn minh nhân loại. 

3/ Học thuyết Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nói chung tinh thần của mục này tôi cũng đã thể hiện khá rõ trong nội dung bài “Nhiệt thành ủng hộ và cám ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Cũng xin được trình bày lại một cách tóm tắt và có bổ sung như sau. Khiếm khuyết, sai lầm và lệch lạc của học thuyết Marx-Lenin căn bản từ cơ sở triết học trực tiếp của nó là quan niệm duy vật lịch sử, cụ thể là quan niệm triết học về con người. Hiểu bản chất xã hội của con người một cách rất phiến diện, khuyết thiếu, đặc biệt đặt nó ra khỏi con người cá nhân và quan niệm về con người chủ yếu là về số đông những người lao động trực tiếp nhất là những người lao động vô sản, học thuyết Marx-Lenin, trước hết là ở K. Marx đã tiên liệu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là mục đích của số đông ấy. Mặt khác, chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ nói chung chung rằng kinh tế, phương thức sản xuất là cơ sở của đời sống xã hội, lịch sử, nghĩa là nó không hiểu bản chất nền kinh tế, phương thức sản xuất tư bản vốn là của những cá nhân tự do. Bằng cách tuyệt đối hóa quan hệ giai cấp, đấu tranh giai cấp, học thuyết Marx cho rằng nhiệm vụ của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là phải thủ tiêu chế độ tư hữu bản và thiết lập chế độ công hữu hay xã hội đối với tư liệu sản xuất thông qua đấu tranh giai cấp-cách mạng bạo lực. 

Nhưng sau khi nhận thấy sự thật là chủ nghĩa cộng sản “không thể giành thắng lợi ngay được” [mà cũng chẳng bao giờ thắng] ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển, học thuyết Marx đã trí trá-thấy ra khả năng tốt nhất là thực hiện tiến triển cộng sản chủ nghĩa ở những nước có cơ sở kinh tế với đặc trưng là không có chế độ sở hữu tư nhân và vì thế, nó đã được quán triệt-áp đặt vào các nước “tiền công nghiệp”, “tiền tư bản chủ nghĩa” này, trước hết ở nước Nga, sau đó, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam v.v... Cho nên, đây là một sai lầm lớn tiếp theo của học thuyết Marx-Lenin, ở chỗ nó không hiểu, hoặc hiểu sai những chế độ kinh tế này khi cho rằng không có chế độ sở hữu tư nhân thì có nghĩa, đó là “sở hữu cộng đồng”, và như thế nó cũng không thấy tính đặc thù rất phương Đông-châu Á của Trung Quốc (và Việt Nam) chính là sự tồn tại của chế độ quân chủ trên cơ sở sở hữu tối cao của nhà vua, sở hữu cộng đồng chỉ là danh nghĩa. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã tìm thấy “tiếng nói chung” với chế độ quân chủ-chuyên chế ở những nước này. Quả là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”! 

Cho nên, điều chúng ta phải thừa nhận và rất cần quan tâm ở đây là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (bắt đầu từ Cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917) đã thắng và chủ nghĩa xã hội đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài (gần một thế kỷ - hơn 70 năm), trước khi nó sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và châu Âu vào cuối thế kỷ XX, ở chỗ nó có cái chung với những chế độ quân chủ kiểu phương Đông-châu Á. Nghĩa là một mặt, phải thấy rằng một cuộc cách mạng dựa trên một học thuyết, tư tưởng sai lầm về cơ bản, lại muốn mưu sự tự do, công bằng, bình đẳng ngay lập tức cho đại đa số nhân dân, cho toàn xã hội (cứ cho rằng đây là điều mà những người “sáng lập” học thuyết Marx có tâm nguyện như thế thực), thì nó chỉ có thể đi tới chế độ độc tài, hơn thế độc tài-toàn trị, một biến thể mới của chế độ quân chủ và chế độ ấy đương nhiên chỉ có thể tồn tại bằng những yêu cầu, mệnh lệnh, sức mạnh áp đặt từ trên xuống hoặc từ bên ngoài và duy trì bằng lối ban ơn, bố thí cho dân chúng, cho xã hội; mặt khác, cũng nên thấy có lẽ bản thân chế độ quân chủ, đặc biệt là quân chủ kiểu phương Đông-châu Á, do những yêu cầu nội tại của nó, nó nhất định phải đi trọn con đường của nó là trở thành chế độ độc tài-toàn trị cộng sản trong thời hiện đại và đến lượt nó, chế độ độc tài-toàn trị này vẫn đi đến cùng con đường của nó, tức là không thể tự sụp đổ, tan rã, nếu như nó không bị đánh đổ, loại bỏ bằng cách nào đó. 

3. “Cách mạng” và “nền độc lập” với và sau hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam 

“Cách mạng” và “nền độc lập” với và sau cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp và tay sai-“phong kiến” 

1/ Chế độ quân chủ (có yếu tố phong kiến) không hề có lỗi, cũng không có tội trong việc nền độc lập của Việt Nam bị mất, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp xâm lược. Bởi vì, phương thức sản xuất thấp hơn, kém văn minh hơn đã thất bại trước phương thức sản xuất cao hơn, văn minh hơn rất nhiều lần. Đó là sự thật lịch sử. 

2/ Khát vọng giành được nền độc lập từ tay thực dân Pháp xâm lược cấu kết với chế độ quân chủ tay sai của chúng, lúc đầu chỉ là khát vọng giành lại giang sơn cho chế độ quân chủ, cho vua chúa nhà Nguyễn và nó liên tục được thực hiện bởi những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh của các văn thân, sĩ phu yêu nước và những cuộc tìm đường cứu nước dưới ngọn cờ của chế độ quân chủ nhà Nguyễn, nhưng tất cả đều thất bại. Kế đó là những phong trào có xu hướng khác đi, mới hơn, tức là không còn tin vào chế độ quân chủ nhà Nguyễn nữa và hướng đến những điều mới mẻ hơn như đường lối của Phan Bội Châu, nhất là Phan Châu Trinh v.v... Nhưng các chủ trương mượn sức mạnh của người ngoài, hoặc chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cũng đều thất bại. Phải nói rằng tư tưởng của Phan Châu Trinh vào thời điểm ấy là hay, tiến bộ, nhưng nó chưa có những điều kiện để có thể đạt đến cái căn bản của thời đại Khai sáng như đã nói, còn vì ở Việt Nam thực dân Pháp cai trị rất hà khắc, tàn ác. 

3/ Những người cộng sản dường như thấy rõ hơn cái khát vọng độc lập liên quan đến số đông là nông dân, chỉ có một phần nhỏ là công nhân, nhưng rất ít “tính công nhân”, một phần nào đó gọi là trí thức, nhưng hầu hết rất thiếu hoặc không được học hành-đào tạo văn hóa, học vấn về cơ bản. Và với nhiều nỗ lực, kể cả hy sinh, cuối cùng họ đã “tìm ra được” con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, theo Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt “thấm nhuần” và “phát triển một cách hết sức sáng tạo, triệt để” tư tưởng cho rằng những nước không có chế độ sở hữu tư nhân, chưa trải qua phát triển tư bản chủ nghĩa, có thể thực hiện “tiến triển trực tiếp lên chủ nghĩa cộng sản” với sự giúp đỡ của những nước cộng sản đàn anh. Dùng học thuyết đấu tranh giai cấp macxit mang tính áp đặt, những người cộng sản đã khoét sâu mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ, phong kiến khi gắn nó chặt chẽ với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc. Cho nên, khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã thực sự lôi cuốn đất nước đại đa số là nông dân làm “cách mạng”. 

Nhưng ở đây rất cần nói rõ về chữ “theo” này. Nội dung theo chủ nghĩa Marx-Lenin thời kỳ đầu chủ yếu là theo học thuyết đấu tranh giai cấp, dù có ít nhiều quan điểm dân tộc thì quan điểm này vẫn bị quan điểm giai cấp chi phối. Cho nên, cái sai căn bản của cái theo này là đem học thuyết giai cấp áp dụng một cách sống sượng, hoàn toàn áp đặt vào Việt Nam, nhất là với chủ trương chống “chế độ phong kiến”, vì như đã nói, ở đây không có chế độ phong kiến. Hơn thế, Việt Nam (và cả Trung Quốc) nói chung là những nước chưa có sự phát triển tư bản chủ nghĩa, vẫn còn ở giai đoạn tiền nhưng còn rất xa hiện đại (chưa hẳn là tiền tư bản), vì thế có thể thấy rõ thực chất cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chế độ quân chủ (được gọi là “phong kiến”), là một cuộc chiến tranh nông dân, hơn thế là nông dân ở một nước, ở một truyền thống quân chủ phương Đông. 

Cho nên, học thuyết Marx-Lenin, nhất là học thuyết đấu tranh giai cấp đã được vận dụng giáo điều vào Việt Nam (và cả Trung Quốc) và nó rõ ràng là một sự nhầm lẫn, nó chứng tỏ việc vay mượn sống sượng học thuyết Marx-Lenin. Nó còn cho thấy rằng để giành thắng lợi trong chiến tranh và “cách mạng”, tất nhiên nhân dân và “cộng sản” Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam dĩ nhiên phải dựa vào các nhân tố bên ngoài cả về lý thuyết (lý luận) và thực tiễn, đó là học thuyết Marx-Lenin và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và những nước khác. Nói cách khác, Việt Nam (và cả Trung Quốc ít nhiều) đã phải đi theo học thuyết Marx và các nước xã hội chủ nghĩa. Tôi muốn nói rõ, nhấn mạnh hơn cái lối đi theo này căn bản ở chỗ khi con người chưa phải là một, những cá nhân con người, tức là có tự do, cụ thể hơn, có tính độc lập-chủ thể, thì làm sao có thể tiếp thu nổi cái học thuyết đầy nội dung và tinh thần duy lý này, làm sao có khả năng so sánh nó với những học thuyết, tư tưởng khác. Vì thế, hầu hết họ, kể cả những kẻ đứng đầu đảng, chế độ, chỉ là những kẻ bị áp đặt hoặc tự áp đặt và giáo điều, sẵn sàng bảo vệ đến cùng học thuyết lỗi thời chỉ vì những quyền lợi ích kỷ, bất minh, bất chính của mình. Vậy, đã đi theo (ngay cả khi là một tư tưởng, học thuyết đúng, chứ chưa nói đến việc theo một học thuyết, tư tưởng sai) thì làm gì có độc lập-tự chủ, làm gì có tự do! 

4/ Từ khá lâu và nhất là gần đây, trước ngày 19 tháng 8 và ngày 2 tháng 9 năm nay, nhiều người đã được biết đến sự tồn tại của hai bản “Tuyên ngôn độc lập” trong cùng một thời gian, đúng hơn, cùng một khoảng thời gian rất ngắn là của vua Bảo Đại và của Chính phủ cách mạng lâm thời của Hồ Chí Minh, và do đó có hai ngày công bố “nền độc lập” ở Việt Nam vào tháng 8 và 9 năm 1945. Chúng ta cũng đã biết rõ một sự thật là chính người Nhật đã “trao nền độc lập” cho vua Bảo Đại và Trần Trọng Kim được giao đứng ra thành lập chính phủ, sau khi quân Pháp bị đánh đuổi (không phải do Việt Minh). Do đó, chúng ta đã từng biết đến một từ ngữ rất đặc trưng là “cướp chính quyền” đã xuất hiện đúng lúc như thế nào (“…Tháng Tám bốn mươi lăm, Dân ta tổng khởi nghĩa, Đứng lên cướp chính quyền v.v...”), nhưng rồi sau này nó được sửa lại là “giành chính quyền”, hơn thế “về tay nhân dân”. Nhưng trên thực tế cuộc “cách mạng” diễn ra vào tháng 8 năm 1945 ấy không đánh (được) Pháp, cũng không đuổi (được) Nhật, mà chỉ “cướp chính quyền” từ tay Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim. Vì vậy, “nền độc lập” của Việt Nam mà Hồ Chí Minh tuyên bố vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, quả thực là một điều rất cần phải xem xét lại. Mặt khác, có người cho rằng bản “Tuyên ngôn độc lập” do Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9 là “có nội dung-tinh thần khai sáng”. Tôi không nghĩ như thế, vì thời đại Khai sáng ở phương Tây là của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tự do nhằm thực hiện lý tưởng khai sáng dựa trên việc chống lại, thủ tiêu chế độ quân chủ phong kiến. 

5/ Tiếp theo, chúng ta lại biết thêm một sự thật không thể chối cãi là “chính quyền cách mạng” đã giết chết hơn 170 000 người, trong đó đã quy oan-giết oan hơn 130 000 người, giết cả ân nhân của nó là bà Nguyễn Thị Năm (Cát Thanh Long) trong cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng ở miền Bắc năm 1953 v.v... Tiếp đó là “chiến thắng Điện biên phủ” “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” với tinh thần quả cảm, hy sinh vô bờ của đồng bào, chiến sĩ Việt Nam, cộng với vũ khí do Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, cả cố vấn Tàu Cộng tham gia. Miền Bắc được giải phóng. Vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước, chúng ta, dân tộc Việt Nam đâu có được phép lựa chọn, mà là sự dàn xếp của các nước lớn thuộc hai phe! 

Quả là chúng ta, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân và chế độ “phong kiến” tay sai của chúng ở miền Bắc. Đúng, chúng ta đã chiến thắng, nhưng điều quan trọng là phải xem xét kỹ cái cách mà chúng ta chiến thắng và hãy coi chừng cái danh xưng “chúng ta” này. Như đã nói, chế độ thực dân đã chiếm được Việt Nam, đô hộ dân ta gần một thế kỷ là do chế độ ấy có phương thức sản xuất cao hơn. Vậy thì cái cách mà chúng ta chiến thắng chủ nghĩa thực dân phải chăng là dựa vào phương thức sản xuất cao hơn của Việt Nam chúng ta, hay chỉ vì chúng ta có chính nghĩa, chỉ có ý chí quật cường, tinh thần can đảm, dám hy sinh đến cùng…? Câu trả lời rất rõ: Vào thời kỳ ấy Liên Xô và cả Trung Quốc (dựa vào Liên Xô) đã có những cơ sở kinh tế-vật chất có thể nói “tương đương” với chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng cùng với điều kiện ấy là tinh thần yêu nước, quả cảm, chính nghĩa thuộc về nhân dân ta (điều này là không thể phủ nhận), cho nên chúng ta (gồm cả phe “xã hội chủ nghĩa”) đã thắng. 

Như vậy là “nền độc lập” ở Việt Nam từ năm 1945 đến 1954 thực ra vẫn chưa có. Còn từ năm 1954 ở miền Bắc có “hòa bình”, ở miền Nam chiến tranh vẫn tiếp tục. Cho nên, về thực chất từ khi “lựa chọn” con đường “cách mạng” giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân và thoát khỏi chế độ quân chủ (“phong kiến”) theo học thuyết Marx-Lenin và các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản ở Việt Nam, nhân dân, dân tộc Việt Nam đã được đặt vào quỹ đạo, trở thành thành phần của “cách mạng xã hội chủ nghĩa” thế giới do Liên Xô đứng đầu. Vì thế, “nền độc lập” ở miền Bắc chỉ là hình thức cả về thực tế và tư tưởng, tinh thần. Đấy là chưa nói đến những toan tính của Tàu Cộng trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và cả trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau này (sẽ nói rõ hơn phần sau). 

“Cách mạng” và “nền độc lập” với và sau cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” 

1/ Phải chăng đây là thời kỳ “cách mạng” và cuộc chiến tranh theo đúng khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam? Sau năm 1954 miền Bắc được giải phóng, miền Nam vẫn còn chiến tranh. Ở miền Bắc nhân dân tiến hành “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, còn miền Nam tiếp tục “cuộc cách mạng dân tộc-dân chủ”. Cuộc “cách mạng” miền Bắc được xem là cái lý tưởng dẫn đường cho cuộc “cách mạng” miền Nam. Lúc này hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã hình thành, có thể nói là rất mạnh do Liên Xô đứng đầu và được xem là thành trì của “cách mạng thế giới”, có thể đối đầu với “hệ thống tư bản chủ nghĩa”. Cho nên, cả hai cuộc “cách mạng” (“cách mạng xã hội chủ nghĩa” và “dân tộc dân chủ”) ở Việt Nam đều là thành phần của cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” và càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Bởi vậy, cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trực tiếp ở miền Nam không còn là cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc”. Có người gọi đây là (một phần) của cuộc chiến tranh ý thức hệ (giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Về cơ bản tôi không đồng ý với cách hiểu ấy. 

Theo tôi, thực ra đây là cuộc chiến tranh của thế giới mà những giá trị con người như tự do, trí tuệ, tính chủ thể, bình đẳng, bác ái v.v..., nhất là tự do, và những giá trị ấy đã được xác lập, đang và tiếp tục được khẳng định cả về tư tưởng (ý thức hệ) và hiện thực, cũng có nghĩa đây là thế giới với tư cách một khuynh hướng lịch sử hiện thực có tính tất yếu của nhân loại, với thế giới chỉ dựa vào một trạng thái nhất thời là nỗi đau khổ, đói nghèo của những người lao động trực tiếp (vô sản và nông dân) rồi nâng nó lên, suy diễn một cách chủ quan thành một xu hướng tất yếu và tìm cách biểu hiện nó thành cả một “hệ thống” lý luận, một “ý thức hệ” thực sự. Đành rằng cuộc chiến nào chẳng có nội dung, tính chất tư tưởng, ý thức, hoặc ý thức hệ, nhưng vấn đề là ở chỗ tư tưởng, ý thức ấy biểu hiện cái xu hướng xã hội, lịch sử hiện thực như thế nào. Bởi thế, nếu hiểu rằng đây là cuộc chiến tranh “ý thức hệ” thì có chăng nó chỉ đúng ở phía những người theo chủ nghĩa Marx! 

Vì thế, khát vọng độc lập của nhân dân, dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh này về căn bản mang nội dung, tính chất áp đặt. Nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh thực chất hoàn toàn không phải cho mình, vì mình nữa, trái lại vì những gì rất viển vông, xa lạ, mê hoang: “Ta vì ta ba chục triệu người, cũng vì ba ngàn triệu trên đời, Ta hiểu vì ai ta hiến máu, ta hiều vì ai ta chiến đấu…”và “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, Vui gì hơn làm người lính đi đầu, Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa” (Tố Hữu); “Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á”; hay như cựu TBT Lê Duẩn nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”(?). Và “Việt Nam thức thì Cu-ba ngủ” (Nguyễn Minh Triết). Hơn thế, cái khát vọng mơ hồ, mê hoang, mang tính áp đặt ấy lại được cả một hệ thống tuyên truyền dối trá, có cả sự ngây thơ đẩy đến cùng (“Ta cứ nghĩ đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, Mường tượng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…, Ta nghĩ đồng chí rồi thì còn ai xấu nữa, Trong hàng ngũ ta chỉ còn chỗ của yêu thương… Năm xưa ta vô tình tô cuộc đời lên để mà tin. Đúng là một “sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”! (Những lời trong bài thơ Cửa Mở của Việt Phương). Vì thế, hàng vạn, hàng triệu thanh niên con nối chân cha, cháu nối chân ông, lớp lớp lên đường “ra trận” với hy vọng và niềm tin “chói sáng” là đất nước được độc lập, thống nhất, hòa bình và tiến lên chủ nghĩa xã hội, một thiên đường chưa từng có trên trái đất, ở đó nhân dân sẽ hoàn toàn được tự do, ấm no, hạnh phúc, cho dù ta có thể phải hy sinh cả tuổi thanh xuân!

2/ Học thuyết đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư bản, giữa hai phe đã làm cho người dân Việt Nam quên đi một sự thật lớn lao, vô cùng thiêng liêng là mình là một Dân tộc. Cho nên, tôi đồng ý với nhiều người cho rằng cuộc chiến “chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” thực chất là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” nhằm phục vụ cho cuộc chiến của phe xã hội chủ nghĩa chống lại chủ nghĩa tự do dựa trên một lý thuyết sai lầm, hoang tưởng và vì thế vô cùng tàn ác. Giờ đây, sau cuộc chiến tranh được gọi là “chống Mỹ, cứu nước” đã có hàng nhiều triệu con dân Việt Nam đã bỏ mạng hoặc bị thương, trở thành tàn phế, những cuộc “chạy trốn” khỏi chính quê hương-đất nước của mình, để đem lại “chiến thắng vinh quang” ngoài sức tưởng tượng, nhưng thực ra trong đó những giọt nước mắt đau thương-oan nghiệt-đầy hận thù pha lẫn cả máu đang chảy, thậm chí nhiều, đậm đặc thẳm sâu trong lòng người Việt Nam hơn những giọt nước mắt “sung sướng” đã trào ra (trong ngày “chiến thắng” và những ngày kỷ niệm “chiến thắng”). Chúng ta đã “chiến thắng”? Và “chiến thắng” lần này có gì khác với chiến thắng trong chiến tranh chống thực dân Pháp giành độc lập? Không, lần này chúng ta không chiến thắng! Dân tộc, con người, nòi giống Việt Nam đã thất bại. Giết, làm chết hàng triệu và đánh bại đồng bào mình là chiến thắng ư? Chỉ có những kẻ không có tim-óc mới coi đó là chiến thắng-vinh quang! Dĩ nhiên, người cộng sản, nhất là cộng sản giả hiệu và những người (số này rất đông) bị chúng tuyên truyền lừa dối, không thấy, cố để không thấy và không thừa nhận điều này. Bởi vì, ở họ chỉ có một trái tim với một nửa vòng tuần hoàn, chỉ có nửa lá phổi để thở và chỉ có nửa khuôn mặt người. 

Xin được hỏi một người có lương tri, bạn có vui-tự hào không khi đi dọc giải đất hình chữ “S” rất đẹp đẽ và thân thương từ Mục Nam quan đến Mũi Cà mau, cả ven biển, những miền đồng bằng, trên cao nguyên, cả những cánh rừng thẳm, đâu đâu ta cũng thấy những nghĩa trang, những mồ liệt sĩ lớn nhỏ, với những mức độ ít nhiều quy mô, cả “hoành tráng” khác nhau, đấy là chưa kể những nghĩa trang của nhân dân ở hai miền, của những người lính và của nhân dân “phía bên kia chiến tuyến” chưa được quan tâm, chưa được dựng lên, thậm chí còn bị khinh thường, làm nhục...? Hẳn bạn không cảm thấy vui-tự hào đâu, bởi vì chắc bạn thường thấy, đang thấy chính những nghĩa trang, những bia mộ và cả những oan hồn với những tiếng hô, hét, rên la dựng lên-chất chứa đầy tâm hồn ta!

3/ Rồi sau hơn 40 năm cầm quyền chính thức của “cộng sản” ở hai miền Bắc Nam chúng ta đã thấy gì? Sự ngu tối-tàn ác-ăn cướp của chúng đã triệt tiêu hoàn toàn những cơ sở kinh tế tư hữu-tư bản, nhất là ở miền Nam. Dựa trên những giáo điều vốn rất sai lầm, hoang đường, không phải là những giáo điều-ít nhiều đúng đắn, chúng tin rằng chế độ tư hữu, thậm chí cả tư hữu nói chung, là những hình thức, tổ chức, thể chế kinh tế chỉ thuần túy là của những kẻ bóc lột, tàn ác đối với người lao động, nghĩa là theo chúng, họ không có công sức lao động nào đối với những tài sản, thậm chí cả nền văn minh không chỉ của riêng họ, mà hơn thế còn là của một cộng đồng, một đất nước và nhân loại. Vì thế, chúng tự cho rằng chúng có quyền tổ chức cuộc “tước đoạt” kẻ đi “tước đoạt” để thiết lập một chế độ sở hữu công (toàn dân, toàn xã hội). Nhưng trên thực tế, chúng đã thực hiện một hành vi ăn cướp (Xin xem các livestream và những bài viết về chuyện “đánh tư sản”, nhất là về “tội ác của Đỗ Mười”) và cho đến nay những hậu quả khủng khiếp của hành vi cướp đoạt ấy đã hết sức rõ ràng. 

4/ Chế độ kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp đã dẫn đến sự đói nghèo thảm khốc ngay trên chính mảnh đất với những vùng miền cây trái sum suê, với những vựa lúa trên khắp đất nước, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Và vào lúc này, mỉa mai thay, khi chính “công cuộc đổi mới” đã đưa chính chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng cộng sản trị tồn tại trên cơ sở kinh tế của bọn tư bản ĐỎ dối trá-đểu giả-khốn nạn, chính chúng đã từ chỗ mơ hồ nhận ra vai trò của tư hữu, của kinh tế tư nhân đã đi đến chỗ thấy ra rất rõ ràng sự thật lớn lao này về thực tế. Nhưng có vẻ chúng vẫn cố tình không nhận ra, không thừa nhận sai lầm của cái gọi là cuộc “cách mạng”, “sự nghiệp giải phóng” trước đây. Vì vậy, “đổi mới” trở thành một sự nghiệp không trung thực-nửa vời, vẫn là trò “đầu ngô mình sở”, “đầu voi đuôi chuột”, nhất là khi được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nó càng gian trá và khốn nạn. Cho đến nay như nhiều người đều thấy, chế độ xã hội chủ nghĩa, chế độ đảng cộng sản trị, trước hết là chế độ kinh tế của nó đã để lại những hậu quả nặng nề. Từ khi được gọi là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đến nay đã hơn 40 năm, nước Việt Nam hơn 90 triệu dân vẫn là một nước nghèo, kém phát triển và “không chịu phát triển”. Đặc biệt, Việt Nam chưa có nền công nghiệp riêng của mình, nghĩa là về cơ bản chưa thể tự chủ về kinh tế. Đáng nói là nền kinh tế hầu như phụ thuộc vào Tàu Cộng, có đến hơn 70% dự án lớn nhỏ đều do Tàu Cộng nắm giữ. Từ sự lệ thuộc vào kinh tế, nói chung Việt Nam lệ thuộc vào Tàu Cộng về mọi mặt.

5/ Từ lâu nay, đảng cộng sản, chế độ cộng sản trị ở Việt Nam thực sự bị Tàu Cộng chi phối, thao túng, trở thành tên tay sai đắc lực cho chiến lược, những chính sách bành trướng-xâm lược của chúng núp dưới những cái tên gọi mỹ miều hư hư thực thực như “4 tốt”, “16 chữ vàng”, “con đường tơ lụa trên biển”, “một vành đai, một con đường” v.v... Ngay mới đây thôi thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến sang thăm Trung Quốc-diện kiến Tập Cận Bình đã ca ngợi và hứa trung thành với chiến lược “một vành đai, một con đường”. Tàu Cộng không “hợp tác” kinh tế đơn thuần, mà “hợp tác” nói chung chỉ là cái vỏ để thực hiện âm mưu xâm lược-đồng hóa Việt Nam từng phần rồi đi đến xâm chiếm-đồng hóa toàn bộ đất nước, con người Việt Nam. Điều đáng lo ngại là Tàu Cộng thực hiện một cuộc chiến xâm lược-đồng hóa mềm bằng các thủ đoạn cơ bản, phổ biến nhất là mua chuộc quan chức, người dân, gài bẫy bằng kinh tế, lợi dụng về pháp lý, đánh vào sự ngây thơ, ngu tối, lòng tham, sự hám lợi của họ, cùng với những thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp bằng những lời hoa mỹ, bên cạnh đó cả những sự đe dọa ngấm ngầm hoặc công khai. Trên thực tế, đặc biệt chế độ cộng sản Việt Nam đã “sập bẫy” và bán nước một cách hoặc tự phát hoặc tự giác từng phần cho giặc. Thay cho khả năng, con đường hối lỗi để quay về với nhân dân, chúng còn tìm cách bưng bít, thậm chí đàn áp, đe dọa người dân. Nguy cơ đất nước hoàn toàn rơi vào tay Tàu Cộng đã hiển hiện rõ ràng. Nhưng rất đáng nói là với phương thức cướp-bán nước như thế, dường như người dân có vẻ như rất mơ hồ trước sự thật này, còn cho rằng “làm gì có chuyện đó”. Nhân dân khiếp sợ hay mơ ngủ? Không, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ biết khiếp sợ giặc ngoại xâm, vấn đề ở chỗ là họ chưa hoàn toàn thức tỉnh trước âm mưu cướp-bán nước tinh vi, hiểm độc và rất mới của Tàu Cộng và tay sai của chúng trong đó có cả sự lợi dụng ngay chính nền kỹ nghệ mới của nhân loại. 

6/ Đáng nói nhất là chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng cộng sản trị là sự tiếp tục của chế độ quân chủ cũ trên một nấc thang mới, rất có thể là nó là giai đoạn, hình thức cuối cùng của loại thể chế này, cũng có thể xem nó là một biến tướng mới và ta có thể gọi nó là chế độ quân chủ trái mùa, quái dị ở Việt Nam, trong đó một thời gian dài tồn tại “vua ảo”, “vua giấu mặt”. Vì ở đây chế độ sở hữu công (sở hữu xã hội hay sở hữu chung) về tư liệu sản xuất chỉ là danh nghĩa, còn trên thực tế là sở hữu của đảng cộng sản và chế độ đảng cộng sản trị được thiết lập là để bảo vệ quyền lợi của đảng. Chế độ này tiếp tục kìm hãm quá trình phát triển của Việt Nam, cướp đoạt, triệt tiêu tất cả những quyền cơ bản của con người, không cho phép con người cá nhân hình thành hoặc tạo ra con người cá nhân biến dạng, quái dị, điển hình là những tên tư bản đỏ và những kẻ cầm quyền lớn nhỏ được chúng nuôi dưỡng.

Đương nhiên ở đây cái nguyên lý thống nhất của chế độ quân chủ đã được chế độ này hết sức coi trọng. Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam đặt đảng cộng sản lên trên hết, tất nhiên trên cả Hiến pháp, và Hiến pháp chỉ được xem là “cương lĩnh thứ hai” sau cương lĩnh của đảng, tượng đài Hồ Chí Minh được dựng-thờ khắp nơi, thần tượng Hồ Chí Minh được tạo dựng, đưa vào trường học và tất cả các công sở, lĩnh vực, khẩu hiệu, phong trào “học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” được treo, được phát động-diễn ra khắp nước. Hiện giờ, chức danh TBT đảng đã kết hợp với chức danh CTN vào một người là Nguyễn Phú Trọng. “Vua thật” đã có. Ông này không thích gọi đây là “nhất thể hóa”, cũng không thích gọi là “kiêm nhiệm” có lẽ chỉ để tránh “điều tiếng” về cái tiến trình đã đưa-đẩy ông ta lên địa vị ấy? Vậy, tôi xin được gọi đây là biểu hiện rõ nhất của cái nguyên lý thống nhất của chế độ quân chủ độc tài, một nền độc tài-chuyên chế mới mang tên Nguyễn Phú Trọng – một kẻ mà theo tôi chẳng có một chút tư chất nào xứng đáng cho một người đứng đầu một nhà nước đại diện cho nhân dân, nhưng rất xứng đáng đứng đầu một chế độ không đầu-bù nhìn. Cho nên, vừa ngồi chưa yên ghế, ông ta và chế độ này đã tiếp tục một công việc là không thèm đếm xỉa, không thèm hiểu và cũng chẳng thể hiểu nổi thế nào là những giá trị cơ bản của con người, nhất là tự do, vì thế đã chống lại, quy kết những người có tư tưởng tiến bộ là tự do-dân chủ là những kẻ “cơ hội”, “tự diễn biến”, “thoái hóa về tư tưởng, đạo đức”. Còn thấy Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cái ban gọi là “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược”, một cách làm chỉ có thể là của chế độ quân chủ-độc tài. Ông ta định với “con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già” sẽ triệt tiêu hết những người có tiếng nói đối lập để đưa những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vào hệ thống “thống nhất-duy nhất” của mình. Thực chất, đây chỉ là những việc làm để bảo vệ địa vị, quyền lợi của đảng, của chế độ này và cả thói hám danh của ông ta mà thôi. Và thêm nữa, với việc phát động ngày “hội đoàn kết”, với luật ANM sắp được ban bố tới đây, chế độ quân chủ-độc tài Nguyễn Phú Trọng sẽ lên đến đỉnh điểm ngu tối và khốn cùng của nó. 

Như vậy, chúng ta, nhân dân, đất nước, con người Việt Nam bao năm nay trong cái gọi là “cách mạng” và “độc lập”, chưa hề có một nền độc lập thực sự của mình. Chúng ta chưa có nền công nghiệp-kinh tế riêng của mình, lệ thuộc vào ngoại bang, vào hệ thống xã hội chủ nghĩa sai lầm cả về lý thuyết, tư tưởng và thực tiễn, nhất là phụ thuộc vào bọn Tàu Cộng tham lam, tàn độc, bị chúng chi phối, thao túng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng. Tuy vậy, chúng ta cần suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi rằng “Ai đã gây nên nông nỗi này, ai là kẻ có tội, phải chăng là Học thuyết Marx-Lenin, các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô hay bọn bá quyền Bắc Kinh?” hay “Chính danh thủ phạm là đảng cộng sản Việt Nam?” v.v... Dĩ nhiên, chúng ta cần có những câu trả lời thật đúng, rõ ràng và dứt khoát, không thể né tránh. Nhưng trước khi trả lời những câu hỏi ấy, chúng ta rất cần biết tâm lý của những kẻ hèn kém, yếu đuối là hay “đổ tội” cho người khác, không dám thừa nhận tội lỗi của mình là do mình. Chúng ta cần vượt lên trên sự yếu đuối này.

Như đã nói ở trên, chính chế độ quân chủ dựa trên việc không có chế độ sở hữu tư nhân, là cơ sở cho những quyết định, lựa chọn lịch sử của chúng ta. Cụ thể hơn, nguyên nhân sâu xa của những lựa chọn của chúng ta là do chưa có, không có chế độ tư hữu, nông dân không thể có hệ tư tưởng độc lập, công nhân, thành phần tư sản còn rất non yếu, chúng ta vẫn thuộc hình thái xã hội quân chủ kiểu phương Đông-châu Á. Với một cơ sở văn hóa như thế, con người, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản lâu nay đã không có khả năng nhìn xa hơn cái bóng của mình. Cho nên, chúng ta đã tiến hành những “cuộc cách mạng” không có linh hồn, hoặc mang những linh hồn vay mượn, chắp vá, dựa vào những sức mạnh bên ngoài. Rốt cuộc những cuộc chiến tranh “giành độc lập” chống thực dân Pháp hay cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đều là lựa chọn của văn hóa, của một nền văn hóa của chúng ta. Hai lựa chọn ấy ở hai giai đoạn, với hai mức độ khác nhau nhưng vẫn là của một nền văn hóa, đúng hơn, của một nền văn hóa với những khuynh hướng khác nhau trong thời hiện đại, nhưng khuynh hướng cộng sản đã thắng bởi vì nó gần hơn, đúng hơn với bản chất văn hóa của chúng ta. 

Tất nhiên, vào thời điểm này chúng ta nhận thấy những người cộng sản, tổ chức đảng cộng sản có tội lớn ở việc đang kìm hãm con đường phát triển của đất nước, dân tộc với việc họ dựng lên chế độ độc tài-toàn trị đầy ngu tối, tham lam, hèn nhát, dối trá, tàn ác và cả bán nước. Nhưng chúng ta hãy nghĩ xem, xét từ nguồn gốc, chúng cũng là, chính là sản phẩm của văn hóa của chúng ta đấy chứ! Chính nhân dân, dân tộc này đã sản sinh ra chúng, che chở cho chúng đấy chứ! Cho nên, điều quan trọng là giờ đây khi chúng ta đã nhận ra được cái khuyết phạp căn bản ấy trong văn hóa của mình, thì cần tìm cách khắc phục nó, chứ không phải tìm mọi cách “đổ tội” cho tổ chức, thể chế này, để làm như thể ta là kẻ vô tội vậy, nên ta không phải chịu trách nhiệm trước chính ta. Hẳn rằng khi con người nhìn thấy cái yếu đuối, khuyết nhược của mình, thấy cái nguyên nhân lỗi lầm ở ngay nơi mình, nó sẽ trở nên rất mạnh mẽ! Hẳn rằng chỉ với cách nhìn, cách hiểu như thế về những cuộc chiến tranh, về những cái gọi là “cách mạng” và “nền độc lập” ở Việt Nam thời hiện đại, chúng ta mới thấy ra được con đường mới, mới có sức mạnh thực sự lớn lao để thoát khỏi trạng thái hiện nay! 

Lưu ý:

Phần 2. Cuộc cách mạng mới và nền độc lập thực sự của Việt Nam.
1. Khát vọng về một nền độc lập thực sự;
2. Nội dung và đặc điểm của cách mạng mới ở Việt Nam;
3. Nhân dân Việt Nam cần phải làm gì vì một nền độc lập thực sự? 

Ngày 12 tháng 11 năm 2018

0 comments:

Powered By Blogger