Hương Khê (Danlambao) - Mấy hôm nay, trên hệ thống truyền thông lề đảng, đã xảy ra hai “cuộc chiến” vô cùng sôi động, làm tốn không biết bao nhiêu thời gian, tâm huyết và giấy mực của các nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu, và kể cả thường dân.
Ngoài các nhà chuyên môn, người dân thời nay cũng rất quan tâm đến những diễn biến kỳ lạ trên mặt trận truyền thông lề đảng. Vì một là nó liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hai là nó gây nên sự tò mò, thậm chí là “buồn nôn”cho người dân khi biết những thông tin này.
Sự kiện thứ nhất là “phát minh” về cải tiến chữ viết Tiếng Việt, của ông Phó GS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội.
Sự kiện thứ hai là việc thu phí rồi xả trạm liên tục của trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Về sự kiện thứ nhất: Sau khi ông Bùi Hiền công bố “phát minh vĩ đại” của mình, thì trong số 849 tờ báo in và 196 báo tờ báo điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, phủ sóng 99,5% lãnh thổ cả nước (Số liệu này do ông Trương Minh Tuấn, BT 4 T “khoe” với ông Thant Sin Maung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông của Myanmar), thì có lẽ chỉ trừ một số đài truyền thanh và truyền hình địa phương là không đề cập đến vấn đề này. Số còn lại hầu như tất cả đều lên tiếng.
Trong số hàng triệu ý kiến về nội dung này, có đến 95% là “ném đá”, coi ông Bùi Hiền là tay "ngáo đá", là "tâm thần". Số gạch đá ném vào ông già 83 tuổi này có lẽ xây được hàng ngàn ngôi nhà "tình thương" để hỗ trợ dân nghèo.
GS-TS- Nhà giáo Nhân Dân Trần Đình Sử, nhà lý luận phê bình Văn học hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, thẳng thắn lên tiếng phản bác PSG Bùi Hiền: "Đề xuất của ông có tính hủy hoại Văn Hóa".
Và vị GS này coi đây là một ông cà gật đề xuất một cái vớ vẩn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng đề xuất này không phải "cải tiến" mà là "cải lùi". Bởi vì nếu cải tiến như vậy thì tiếng Việt không còn có vẻ đẹp như nó vốn có.
Mấy cháu học sinh gái cấp 2 ngồi quán nước, lấy điện thoại ra, vào Facebook và cười khúc khích với nhau khi so sánh hai cách viết, trong vụ ông Hồ gặp Chu Ân Lai trước đây: Cách viết cũ: Bác Hồ ôm chặt và hôn Chu Ân Lai. Cách viết mới: Bák Hồ ôm cặt và hôn Cu Ân Lai. Và các cháu đưa ra lời bình rất hồn nhiên như tuổi thơ của các cháu vậy:
"Có lẽ ông này chưa học xong Vỡ lòng".
Điều lý thú là trong số hầu hết các trí thức đều nói rằng, ý tưởng của ông Bùi Hiền là không thể áp dụng được. thì lại có một số vị học hàm học vị đầy mình, nhảy vào "dập lửa" cho ông Bùi Hiền.
Nổi bật nhất trong số này là TS Đoàn Hương, đã nhảy vào bênh người thầy cũ của mình. Trong chương trình Cà phê sáng với VTV3 sáng ngày 29/11/2017, bà Đoàn Hương nói: "Đây là công trình khoa học. Phải có những nhà khoa học định đoạt, chứ không thể nào để một đám quần chúng không hiểu gì cả ào ào vào ném đá".
Với phát ngôn này, bà Đoàn Hương đã bị công chúng "ném đá" dữ dội hơn cả người thầy của bà ta. Ngay cả những người thầy cũ của bà, GS Hà Minh Đức cũng cho là phát ngôn của Đoàn Hương là "không thể chấp nhận được".
Vậy là bà Đoàn Hương đã "đổ dầu vào lửa", làm cho cuộc tranh luận càng thêm sôi nổi.
Trong khi cuộc chiến về cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền tạm lắng xuống, vì trong cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 11/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Thì một cuộc chiến khác lại xảy ra hết sức nóng bỏng, khiến dư luận và báo chí cả nước ‘mất ăn mất ngủ”.
Nếu như ở cuộc chiến thứ nhất, chỉ diễn ra rôm rả trong giới học thuật và báo chí. Đối với người dân thì chỉ làm trò cười cho các cháu học sinh tinh nghịch, và các bà bán rau bán cá đùa nhau gọi theo cách viết mới.
Thì ở cuộc chiến thứ hai này, nó lại trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đó là việc nhà đầu tư BOT thu phí trở lại sau hơn 3 tháng phải dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Có người gọi cuộc chiến này là cuộc “so găng giữa “thượng đế - tài xế” và BOT Cai Lậy”.
Cũng có người gọi đây là cuộc đấu trí giữa những kẻ bóc lột, cụ thể là nhà đầu tư BOT, và người bị bóc lột, tức nhân dân, mà đại diện là các tài xế.
Nói về những sai phạm trong quá trình đầu tư BOT Cai Lậy nói riêng, và tất cả các trạm BOT trong cả nước thì nhiều vô kể.
Xin nêu vắn tắt một số điểm sau đây:
Duyệt 1 đường, làm 1 nẻo:
Tại Quyết định 2174 lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, không hề có nội dung "Tăng cường mặt QL1" . Sau đó, quyết định thay đổi tên và thêm nội dung “tăng cường mặt đường và bảo trì QL 1 chiều dài 26,5 km". Vậy là họ có lý do để ngang nhiên đặt trạm thu phí ngay trên QL1. Trong Quyết định phê duyệt, tuyến tránh 12km có 7 cây cầu. Nhưng khi hoàn thành thì hai cây cầu biến mất. Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo chiều 18/8/2017 về lý do 2 cây cầu được thay bằng hai cái cống, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc thay 2 cầu thành cống là phương án kỹ thuật do cầu quá nhỏ, dạng "chó nhảy qua". Vậy là từ nay, các nhà làm Từ điển phải định nghĩa thế nào là “cầu chó nhảy”. Thật là kiểu bao che hết sức trắng trợn và vô liêm sỉ (1).
Đổ lỗi cho nhau:
Trao đổi với phóng viên báo chí sáng 18/8/2017, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện Cai Lậy bằng tiền ngân sách. Nhưng sau đó Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Ngoài ra, dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng. Các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì tỉnh không biết. Đặc biệt, việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm hạng mục "Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1" vào dự án là hoàn toàn không đúng. Cả dự án này, Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả (2).
Không đi cũng phải đóng tiền:
Tại trạm BOT Cai Lậy, nhà đầu tư làm đường tránh BOT qua thị trấn Cai Lậy dài 12km. Nhưng họ lại tự ý nâng cấp tuyến đường cũ là Quốc lộ 1 dài 26km. Họ lấy cớ có nâng cấp đường cũ, nên đặt trạm ngay trên đường cũ QL1. Khiến những người không đi vào đường tránh BOT cũng phải đóng phí một cách vô lý. Cái sai của trạm BOT Cai Lậy, và nhiều trạm khác, là vừa đặt sai vị trí vừa giá vé quá cao.
Có người còn tính ra rằng. chỉ sau 6 năm 4 (thời gian được phép thu phí), Tạm BOT Cái Lậy sẽ lãi hơn 5.000 tỷ đồng. Như thế là bất hợp lý. Khi người dân đặt vấn đề nghi vấn về con số lợi nhuận siêu khủng này, thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lại thản nhiên trả lời: “Người dân phải sống và làm việc theo pháp luật”(3).
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, khi nhận xét về trạm BOT Cai Lậy này, đã nói: “ Quốc lộ I chỉ tráng một lớp nhựa trên mặt đường, và cuối cùng thu phí giá cao hơn cao tốc Trung Lương, vì thế dân bức xúc là đúng”.
Thế nhưng, vì quyền lợi của nhóm lợi ích, mà cụ thể ở đây là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND Tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư, đã cấu kết với nhau, bất chấp những cái sai cơ bản, kiên quyết không dời trạm về đúng vị trí.
Lập luận của họ vẫn là nhai đi nhai lại luận điệu thần chú xưa nay họ vẫn đem ra hù dọa dân, là “đúng quy trình”, vì “HĐND, UBND và đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đồng thuận về vị trí đặt trạm trên QL1”.
Vậy là những người dân là kẻ è cổ ra đóng tiền thuế để nuôi bộ máy nhà nước này, đã bị họ loại ra khỏi cuộc chơi.
Chẳng những thế, nhà cầm quyền lại còn huy động một lực lượng hùng hậu để đối phó. Ngoài lực lượng Thanh tra GT và CSGT được tăng cường, nhà cầm quyền còn huy động thêm gồm công an tỉnh, huyện, xã, CSCĐ, và vận dụng các phương tiện xe cộ các loại, sẵn sàng dùng vũ lực để trấn áp người dân. Ngoài ra họ còn thuê cả côn đồ đến đe dọa tài xế, chỉ để bảo vệ cho một đơn vị kinh tế, mà lẽ ra, đây chỉ là mâu thuẫn xảy ra trong quá trình thực hiện hành vi dân sự, thì lực lượng chức năng không được phép nhảy vào can thiệp.
Qua cuộc chiến này, người dân đã nảy ra rất nhiều sáng kiến để đối phó với bọn hút máu trắng trơn này. Nào là dùng tiền lẻ để có tổng số 25.100đ để trả phí 25.000, bắt nhân viên thu phí phải thối lại bằng được 100đ tiền dư, với phương châm: “ Trả dư không lấy, trả thiếu không đi”. Nào là dùng đồng tiền 500.000đ, bắt nhân viên thối tờ 100.000đ thì mới chịu lấy v.v...
Và cứ nhùng nhằng như vậy, cho nên trong ba ngày 30/11 và 01/12 và 02/12, trạm này đã phải xả trạm đến 12 lần.
Ngoài ra, cánh tài xế còn áp dụng chiến thuật “quên mang tiền”. Khi đi đã cho xe vào làn, họ đưa tay tìm ví và nói rằng, họ “quên mang tiền theo”, và bỏ xe, chạy đi đâu đó mượn tiền. Vậy là BOT phải xả trạm.
Một sáng kiến mới nữa là, sau lần thứ 7 xả trạm vì tài xế không chịu mua vé và nhảy xuống xe để lau kính chắn gió, hàng chục người dân vỗ tay và ra hiệu chào tài xế khi các xe chạy ngang qua. Hoặc các tài xế ngồi trên xe, trong lúc chờ qua trạm, họ đã bóp còi inh ỏi làm náo loạn cả một vùng(4).
Cá biệt tài xế Huỳnh Long (ngụ Vĩnh Long), vì lần trước qua trạm trả 25.100đ, người này dừng xe chờ lấy bằng được 100đ tiền dư, đã bị lực lượng chức năng cho xe cẩu đi. Hôm nay, tài xế này chạy xe 10km chỉ để đến lấy lại 100đ. Không phải họ cần 100đ, mà họ “làm cho biết mặt”. Tài xế Long và một số tài xế khác cùng vào trung tâm điều hành và yêu cầu gặp giám đốc để "đòi nợ".
Có người còn gợi ý cho các bác tài những kế như sau, mà họ gọi là để “đấm vào mặt” bọn hút máu, mà theo họ, đây mới đáng gọi là “Sáng kiến”, còn cách cải tiến chữ Việt của ông Bùi Hiền thì gọi là ‘Ngu kiến”, như sau:
- Đổ xăng thật ít, đến BOT là hết xăng.
- Đau bụng xin đi vệ sinh ở BOT.
- Xe hết bình đề không nổ ở BOT.
Ngoài ra, các luật sư còn tư vấn cho các tài xế những lập luận như sau:
“Họ đặt trạm thu phí sai vị trí thì không trả tiền cho họ là việc làm chính đáng, chính nghĩa, đúng luật.
Phí khác với thuế ở chỗ:
- Trả phí thì phải có quan hệ hai chiều: Bên thu phí phải trực tiếp cung ứng dịch vụ hoặc hàng hóa cho bên trả phí.
- Còn thuế là quan hệ 1 chiều: Nhà nước thu mà không làm gì trực tiếp cho người nộp.
Do vậy thuế thì dùng từ nộp (cống nộp, buộc phải nộp); còn phí thì trả phí, thanh toán phí, có dùng hàng hóa hoặc dịch vụ thì mới có trả phí.
Xe không đi qua cung đường tránh thì trả phí.
Tại sao các tài xế phải dùng “trò” trả tiền lẻ, cố tình đôi co với nhân viên trạm thu phí làm gì? Các quân sư quạt mo bày trò cãi "quan hệ dân sự" là không đúng lý do, không đúng vấn đề. Thực chất, các bác tài không muốn trả tiền chứ không phải muốn trả tiền lẻ. Trả tiền lẻ là biểu hiện của sự sợ hãi và ngập ngừng trước cuộc đấu tranh chống bất công.
Đừng sợ hãi! Cứ chạy xe đến đó - không trả tiền - vì không có lý do gì phải trả tiền cho cung đường mà ông cha ta cùng chúng ta đã đi bao đời nay! Chúng ta đóng thuế, ta góp tiền làm đường, sửa lại con đường do tổ tiên để lại để đi và tiếp tục cho con cháu được đi. Ai muốn đặt trạm thu tiền thì làm đường khác.
Nhắc lại: Không trả tiền. Trả tiền lẻ là thể hiện sự sợ hãi, không rõ ràng triệt để mục tiêu”.
Các chuyên gia và người dân nói gì?
Điều đáng mừng là qua cuộc chiến này, được sự cổ vũ của báo chí lề đảng rất lớn.
Chúng ta hãy điểm qua các báo lề đảng đã nói gì về cuộc chiến này.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay (03/12/2017) giật tít: “BOT Cai Lậy: Dời trạm? Chi trả? Khởi kiện?”.
Theo đó: “Những ngày qua, thông tin thu hút sự chú ý của dư luận cả nước là câu chuyện trạm thu phí BOT Cai Lậy tiến hành thu phí trở lại. Tuy nhiên, giới tài xế đã phản ứng bằng nhiều cách khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm liên tục”.
Báo này đặt câu hỏi: "Lối thoát nào cho BOT Cai Lậy?" Và báo này trích dẫn ý kiến của giới luật sư, chuyên gia, tài xế đường dài chia sẻ cùng bạn đọc.
TS.KTS Ngô Việt Nam Sơn cho rằng: Phải dời trạm thu phí: "Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm tuyến tránh và sửa lại mặt đường quốc lộ 1 nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng là việc xây dựng đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Ngân sách đường bộ của người dân vẫn đóng, tại sao không sử dụng để sửa chữa đường sá.
Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư (kể cả tư nhân) thì phải rõ ràng, minh bạch”.
Ông tài xế Trân Kiêm Hạ cho rằng, nhà nước nên chi trả để "lấy lại" quốc lộ 1: “Tại sao khi đi qua các trạm thu phí khác cánh tài xế chúng tôi vui vẻ mua vé, nhưng đến trạm BOT Cai Lậy thì phản đối?
Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch của cả nước, có từ xưa, tại sao Nhà nước không dùng tiền phí duy tu bảo dưỡng đường bộ để sửa chữa? Việc giao cho nhà đầu tư làm vậy rồi thu phí thì khác gì vườn cây nhà mình có sẵn bấy lâu, nay giao cho người khác vun gốc, bón phân rồi họ được thu hoạch toàn bộ!”
Việc ví von này của người dân xem ra có cơ sở qua con số xây dựng mới tuyến tránh dài 12km mất 1.000 tỉ đồng; sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 1 dài 26,5km chỉ tốn 300 tỉ đồng và lợi ích thu phí có giá vé giống nhau”.
Luật sư Lê Minh Nhựt (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: Có quyền khởi kiện!
“Những người bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng khi bị thu tiền bởi trạm thu phí BOT Cai Lậy hoàn toàn có thể khởi kiện vụ án hành chính để tòa giải quyết. Cụ thể, những người bị thu phí như doanh nghiệp vận tải, người sử dụng ôtô, xe tải... đi qua trạm BOT Cai Lậy đã bị thu phí hoàn toàn có quyền khởi kiện quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT về việc cho BOT đầu tư, đặt trạm thu phí”….
“Bộ trưởng Bộ GTVT là người ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua thị xã này theo hình thức BOT. Chính quyết định hành chính của bộ trưởng Bộ GTVT là cơ sở để chủ BOT Cai Lậy tổ chức đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 thu phí gây nhiều phản ứng”(5).
Tờ Thanh Niên hôm nay (03/12/2017) có bài: “CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai?”. Theo đó: “Các tài xế vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo chiều 30.11 để phản đối việc giữ bằng lái”.
“Bên cạnh những tranh chấp giữa đơn vị thu phí và tài xế qua việc sử dụng tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn..., việc Cảnh sát giao thông Tiền Giang giữ giấy tờ xe của tài xế dừng lâu ở trạm cũng gây nhiều tranh cãi”(6).
Cũng trên tờ Thanh Niên hôm nay còn có bài: “Nóng trên mạng xã hội: Tiền 'lạ' và người 'lạ' gây bão ở Trạm BOT Cai Lậy”.
“Lạ” vì tờ tiền này có thể nhiều người chưa bao giờ được nhìn thấy”. Còn nhóm 4 người lạ xuất hiện để đe dọa lái xe, thì sau khi bị rượt đuổi, chúng đã nã súng rầm rầm vào những người truy đuổi chúng. Và người dân rất nghi ngờ rằng, chúng là ai mà có ‘hàng nóng”?
Báo Người Lao động hôm nay(03/12/2017) có bài: "Ai thuê côn đồ đe dọa tài xế ở BOT Cai Lậy? Theo đó: "Nhóm người đe dọa tài xế qua clip cho thấy có một nhân viên mặc đồng phục BOT Cai Lậy đứng đó. Ông Đầy còn hỏi nhân viên này: "Nó trả tiền chưa?" và được nhân viên BOT Cai Lậy trả lời "Rồi". Trong khi đó, mẹ của ông Đầy cho biết "có người mướn nó".
“Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, đại tá Trương Văn Sáng, Tưởng Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết từ các thông tin, chứng cứ mà báo Người Lao Động cung cấp đã chỉ đạo cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra nhóm người đe dọa tài xế khi qua trạm BOT Cai Lậy mà thắc mắc. Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã thu thập thông tin để làm rõ ai đã thuê nhóm côn này đe dọa tài xế”.
Cũng trên tờ Người Lao động hôm nay còn có bài: “BOT Cai Lậy: Dân trực 4 ngày liên tục để yêu cầu xả trạm”. Theo đó: "4 ngày liên tục người dân thay nhau túc trực 24/24 để phản đối hoạt động của trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Bất kể ngày đêm, người dân sống xung quanh BOT Cai Lậy đã thay nhau túc trực ở khu vực trạm thu phí để cùng tài xế lên tiếng phản đối".
Tờ Một Thế giới nêu ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng cần chi 300 tỷ để giải quyết vụ BOT Cai Lậy: "Giải pháp cho BOT Cai Lậy là sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua thị xã, và dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đầu đoạn đường".
Đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), trong các chương trình Thời sự trong các ngày gần đây, đã liên tục đưa tin về vấn đề này. VTV còn cho người dân địa phương, và các tài xế nói lên sự vô lý của việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ I, và nói lên nguyện vọng và yêu cầu của mọi người là buộc nhà đầu tư phải dời trạm về đúng vị trí. Đó cũng là cách gây áp lực rất lớn cho nhà cầm quyền, buộc họ phải giải quyết vụ này sao cho thấu tình đạt lý, và hợp với lòng dân.
Trước áp lực của dư luận về việc ai đã thuê côn đồ đến hù dọa tài xế? Vẫn quen thói "vừa ăn cướp vừa la làng" xưa nay của những người cs, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Cai Lậy nói đã nắm bắt được thông tin có một nhóm 'người lạ' xuất hiện tại trạm có hành vi đe dọa tài xế. Ông đã báo công an để “điều tra làm rõ”.
Dư luận cho rằng, chẳng lẽ người dân vô công rồi nghề đi bảo kê cho BOT đang hành dân?
Không cần CA “điều tra làm rõ”, thì người dân cũng thừa biết ai đã thuê nhóm người này hù dọa tài xế.
Nhiều tài xế nói, khách hàng là thượng đế, nhưng với BOT Cai Lậy thì "chúng tôi là ăn mày - họ làm cũng chẳng lấy ý kiến dân, dịch vụ họ đưa ra cũng vậy chẳng quan tâm đến khách hàng"... Ở chiều ngược lại, trạm BOT Cai Lậy dù "bền gan" duy trì hoạt động, "đấu trí" với các tài xế, nhưng liên tục phải... xả trạm.
Xem ra cuộc chiến không cân sức này đang đi vào giai đoạn hết sức quyết liệt và nóng bỏng. Nhà cầm quyền có đủ lực lượng và phương tiện, cùng những thủ đoạn gian manh và tàn bạo, sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích, nhằm tiếp tục vơ vét và hút máu nhân dân.
Phía người dân với hai bàn tay không, chỉ có lý luận và chính nghĩa, cùng với sự phản ánh kịp thời của báo chí, nhằm vạch trần những “mưu hèn kế bẩn” của nhóm lợi ích, cùng với sự cổ vũ động viên của nhân dân cả nước ủng hộ.
Tin rằng, cuối cùng chính nghĩa của nhân dân sẽ toàn thắng trong cuộc chiến cam go này.
3/12/2017
______________________________________
Chú thích:
0 comments:
Post a Comment