Hugo Dixon * Trần Quốc Việt dịch - Luân Đôn (Reuters) - Các tác phẩm của Gene Sharp bàn về cách dùng những kỹ thuật bất bạo động để lật đổ các chế độ độc tài thường được cho là có ảnh hưởng rất lớn đến những nhà hoạt động lãnh đạo chiến dịch chống lại Hosni Mubarak ở Ai Cập.
Học giả người Mỹ 83 tuổi này chưa từng bao giờ gặp hay nói chuyện với những người đứng đằng sau cuộc nổi dậy thành công ấy. Nhưng ông có quan điểm vững chắc về chuyện đã diễn ra ở Ai Cập và đang diễn ra ở những nơi khác tại Trung Đông. Đầu tiên và quan trọng nhất, ông nhấn mạnh đến sự chuẩn bị và kỷ luật. Những người phản kháng Ai Cập đã chuẩn bị từ trước còn người Libya thì không, Sharp nói trong cuộc phỏng vấn một giờ đồng hồ qua điện thoại từ Boston, nơi ông điều hành Viện Albert Einstein, tổ chức phi lợi nhuận đề cao việc nghiên cứu và xử dụng phương pháp bất bạo động trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới.
Kỷ luật nghĩa là vẫn tiếp tục bất bạo động bất chấp tàn bạo và khiêu khích. "Đôi khi những người dùng kỹ thuật bất bạo động không hiểu rõ những phương pháp này," Sharp nói, ông đã viết nhiều sách về lịch sử các cuộc đấu tranh bất bạo động, trong đó có hai cuốn sách về Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. "Họ cứ nghĩ nếu họ tránh dùng bạo lực thì đối phương họ cũng sẽ tránh dùng bạo lực."
Hoàn toàn ngược lại, Sharp lập luận. Chế độ càng chuyên chế, thì ta lại càng phải tin chắc nó sẽ dùng đến bạo lực. Một phần vì bạo lực ở trong DNA của nó; những cũng vì nó cố ý dùng bạo lực để khiêu khích sự đáp trả, biết rằng điều này sẽ củng cố nền tảng quyền lực của nó."
Mặt khác, nếu những người phản kháng có thể duy trì phương pháp bất bạo động thì sự tàn bạo của chế độ sẽ sẽ hại ngược lại chính nó. Sharp gọi điều này là "nhu đạo chính trị". Các cuộc tàn sát phá hoại sự ủng hộ của tất cả mọi người ngoại trừ thành phần cứng rắn nhất trong nhóm những kẻ thân cận của nhà độc tài. Quân lính và cảnh sát thấy khó lòng mà bắn hạ những người dân thường ôn hòa. Điểm ngoặc trong cuộc cách mạng Ai Cập là khi quân đội tuyên bố họ sẽ không bắn vào đám đông ở Quãng trường Tahrir.
Sharp nói nhu đạo chính trị có thể được áp dụng trong những hoàn cảnh mà đặc biệt có vẻ không thể nào thành công- chẳng hạn, Na Uy trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi chế độ bù nhìn của Vidkun Quisling đưa những giáo viên nào từ chối đề cao các lý thuyết Quốc Xã đến các trại tập trung, thêm những cuộc biểu tình mới nổ ra. Rốt cuộc, các giáo viên được thả ra.
Sai lầm quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh bất bạo động là dùng đến chính bạo lực. Đây không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề hiệu quả. Một trường hợp kinh điển, Sharp nêu ra bằng chứng, là những cuộc biểu tình chống Nga Sa Hoàng Nicholas II vào năm 1905. Sau khi hàng trăm người bị giết hay bị thương trong cuộc tuần hành ôn hòa đến Cung điện mùa Đông, quân đội sắp sửa nổi loạn vì binh lính không muốn đổ máu thêm nữa. Nhưng quân đội lại sát cánh bên nhau sau khi những người Bolsevik dùng đến bạo lực, theo Sharp-và dòng họ Romanov còn trị vì thêm 12 năm nữa.
Sharp tin chính sai lầm như thế đã phạm phải ở Libya. Vào lúc khởi đầu cuộc cách mạng, nhiều người trong quân đội của Gadaffi đã gia nhập sự nghiệp của quân phiến loạn, đặc biệt ở thành phố lớn thứ hai Benghazi. Tốt là quân đội không còn đáng tin cậy nữa, ông nói, nhưng xấu là nhiều người lính đã quay đầu súng ngược trở lại. Điều ấy đã cho phép chế độ đang sụp đổ lại sát cánh bên nhau. Lý tưởng mà nói, những người lính bất mãn ấy lẽ ra nên ngồi trong đồn đình công.
Nhưng phải chăng những người biểu tình Libya sẽ không bị tàn sát nếu họ giá như không dùng đến bạo lực? Chẳng hạn, điều này đã xảy ra ở Yemen, nơi 52 người biểu tình chống chính quyền đã bị những kẻ bắn tỉa thường phục giết chết ở thủ đô vào ngày 18 tháng Ba; và ở Syria, nơi ít nhất 37 người biểu tình bị sát hại vào ngày 23 tháng Ba ở thành phố Derra ở miền nam.
Câu trả lời của Sharp là "có lẽ bị tàn sát". Nhưng ông cho rằng nhu cầu chấp nhận thương vong trong các cuộc đấu tranh bất bạo động không khác trong các cuộc đấu tranh bạo động; và khi ta bị thương vong, trong cả hai trường hợp, thật cần thiết là phải duy trì kỷ luật. Để thực hiện thành công cuộc đấu tranh bất bạo động, ta phải vượt qua được sợ hãi.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta không được huấn luyện giống như những nhà cách mạng Ai Cập và vì thế không thể nào duy trì kỷ luật trước những cuộc tấn công tàn bạo? Sharp nói ta không nên bắt đầu cuộc đấu tranh mà ta không có khả năng kiên trì đến cùng. Tốt hơn thà là bắt đầu với những chiến dịch nhỏ hơn cho tới khi ta trở nên thành thục hơn và kỷ luật hơn, như đã diễn ra ở Ai Cập, trước khi ta cố gắng lật đổ cả chế độ.
Tuy nhiên, Sharp thừa nhận thật khó cho những người phản kháng ở một nơi nào đấy trong thế giới Ả Rập ngồi yên khi cả vùng đang dậy sóng. Ông nói thêm đôi khi ta có thể thắng mà không cần đến kỷ luật và huấn luyện: ông chỉ ra những cuộc nổi dậy bất bạo động ở El Salvador và Guatemala vào năm 1944. Nhưng cách như thế đầy rủi ro.
Sharp cũng nói vấn đề sinh tử là những người phản kháng không nên cố găng đi tắt trên con đường đến tự do bằng cách nhờ vào sự can thiệp từ bên ngoài. Lý do một phần là cộng đồng quốc tế đều có những việc riêng phải làm của họ. Nhưng cũng vì "chiến thắng giành được bởi những người ở thực địa là cực kỳ quan trọng cho tương lai. Họ phải trân quý chiến thắng ấy." Nếu ta nhờ người khác mang lại cho ta tự do của chính ta, ta sẽ không vượt qua được sợ hãi. Rồi ta lại càng dễ dàng rơi vào ách của nhà độc tài khác. Ông nghĩ điều đó sẽ không đúng với những nhà cách mạng Ai Cập-những người ông rất vui mừng được gặp.
Nguồn:
0 comments:
Post a Comment